Đánh giá bo mạch chủ MSI X299 Tomahawk Arctic: khác biệt đến từ màu sắc
Không chỉ đột phá về màu sắc, chiếc bo mạch chủ này còn đột phá cả về giá khi sẽ được bán ra với mức cực kì cạnh tranh.
Trên thị trường hiện nay, chúng ta có thể dễ nhận thấy một xu hướng thiết kế của các nhà sản xuất bo mạch chủ khi thường lấy màu đen làm tông chủ đạo, đặc biệt là ở phân khúc thị trường cao cấp. Tuy trên thị trường vẫn có một vài sản phẩm có màu sắc khác biệt, chúng hầu như không gây được nhiều sự chú ý. Bởi vậy, tông màu trắng vẫn là một khoảng màu mỡ chưa được khai thác.
Nắm bắt được xu hướng này, MSI đã ra mắt hàng loạt các sản phẩm bo mạch chủ Tomahawk Arctic lấy tông màu trắng làm chủ đạo. Từ các bo mạch chủ sử dụng chipset bình dân như B350, H270 tới cao cấp như Z270, dòng sản phẩm này vẫn luôn gây được sự chủ ý của người tiêu dùng bởi hiệu năng cũng như giá thành cạnh tranh đi cùng với thiết kế nổi bật. Mới đây nhất, MSI lại trình làng thêm 1 chiến binh màu trắng mới sử dụng chipset X299.
Mở hộp
Lấy tông màu trắng làm chủ đạo, không có gì lạ khi hộp của MSI X299 Tomahawk Arctic cũng mang màu trắng. Trong khi mặt trước là hình chụp sản phẩm thì mặt sau của vỏ hộp là hàng tá các công nghệ hàng đầu được MSI trang bị cho chiếc bo mạch chủ của mình như VR Boost, M.2 Shield Frozr,...
Mở nắp hộp, chúng ta có thể thấy phong cách đóng gói đơn giản mà hiệu quả thường thấy trên các sản phẩm bo mạch chủ của MSI. Toàn bộ phụ kiện của sản phẩm luôn được đóng gói ở phía dưới khay đặt bo mạch chủ. Chiếc X299 Tomahawk Arctic của chúng ta được bọc trong một chiếc túi chống tĩnh điện quen thuộc.
Phần phụ kiện có lẽ là thứ ít đáng chú ý nhất của sản phẩm bởi đây là một chiếc bo mạch chủ hướng tới phân khúc bình dân, entry-level cho X299. Ngoài sách hướng dẫn sử dụng và CD chưa driver, MSI chỉ trang bị thêm cho người dùng 2 dây SATA III, một cầu SLI HB, tấm chắn I/O cho thùng máy và miếng dán đánh dấu cáp. Người dùng có lẽ sẽ được an ủi phần nào bởi chiếc cầu SLI HB khá "đỏm" với logo rồng MSI.
Chi tiết sản phẩm
Thực tế, tông màu của X299 Tomahawk Arctic không phải trắng muốt mà có phần hơi ngả vàng và xanh. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi thiết kế này khá đúng với tên gọi của sản phẩm với những núi tuyết và băng của những vùng cực bắc/nam giá lạnh.
Mặt sau của chiếc X299 Tomahawk Arctic là một màu trắng cực kì tông xuyệt tông với thiết kế chung của sản phẩm. Nắm bắt được vấn đề về nhiệt độ của VRM trên những chiếc bo mạch chủ cao cấp, MSI đã tích hợp thêm 1 tấm nhôm tán nhiệt để hạ nhiệt cho dàn linh kiện quan trọng bậc nhất này.
Trái tim của chiếc bo mạch chủ X299 này là socket LGA 2066 mới nhất của Intel để tương thích với các CPU Skylake-X và Kaby Lake-X. Một điểm đáng khen của Intel là socket này vẫn tương thích với các tản nhiệt LGA 2011-3 nên người dùng sẽ không cần phải đau đầu đi tìm giải pháp tản nhiệt cho dòng CPU mới. Cấp điện cho CPU sẽ là nguồn 9 phá hứa hẹn khả năng ép xung tốt nhờ đầu vào điện ổn định. Tuy nhiên, thiết kế đầu vào 1 chân 8 pin duy nhất khiến tôi hơi quan ngại về nhiệt độ của dây nguồn khi ép xung ở mức cao.
Cạnh phải của chiếc bo mạch chủ này là hàng loạt các cổng kết nối. Đầu tiên là chân nguồn ATX 24 pin quen thuộc. Kế đó là chân kết nối USB 3.0 và 3.1 Type-C cho mặt trước của case. Cạnh các cổng SATA III là một chân kết nối USB 3.0 khác cũng như cổng U.2 vốn không được ưa chuộng cho lắm. Xa hơn, sát cạnh góc là thêm 2 cổng SATA III để người dùng có thể thoải mái mở rộng bộ nhớ lưu trữ.
Như các bo mạch chủ X299 cao cấp hiện nay, chiếc Tomahawk Arctic này cũng được trang bị tới 4 cổng PCIe x16 để phù hợp với cấu hình có thể lên tới 68 làn PCIe khi kết hợp với các CPU Skylake-X 8 nhân trở lên. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong 4 được gia cố bằng thép cho thấy ngụ ý về thiết lập SLI x2 của nhà sản xuất. Cũng không có gì lạ khi MSI trang bị cho chiếc bo mạch chủ này duy nhất 1 cầu SLI HB 2x.
Cạnh dưới của chiếc bo mạch chủ X299 này là hàng loạt các cổng kết nối cho vỏ case như các chân quạt PWM, chân LED RGB hay các đầu jumper cho nút nguồn, đèn LED nguồn,... Ngoài ra, MSI cũng tích hợp thêm nút Power và Reset trên bo mạch để thuận tiện cho người dùng ép xung. Tương tự như các bo mạch chủ tầm trung trở lên ra mắt trong năm nay, chiếc Tomahawk Arctic được trang bị tới 2 khe cắm M.2. Một trong số đó còn được tản nhiệt bằng tấm nhôm trắng với logo MSI được đặt tên công nghệ là M.2 Shield Frozr. MSI hứa hẹn tấm tản nhiệt này có thể giảm từ 15 tới 20 độ C nhiệt độ khi hoạt động của các ổ cứng NVMe siêu tốc.
Các cổng kết nối ngoại vi của X299 Tomahawk Arctic cũng khá đa dạng. Một điểm cộng cho chiếc bo mạch chủ này là 2 nút reset CMOS và BIOS flash để người dùng có thể dễ dàng sửa sai nếu có chẳng may ép xung hay thiết lập gì đó có phần quá đà và thất bại. Ngoài các cổng USB từ 2.0 tới 3.0 và thậm chí 3.1 Type-C, MSI còn trang bị cả một cổng PS/2 cực kì "old school" cho những game thủ ưa thích gear cổ hoặc cần sử dụng bàn phím NKRO. Đặc biệt, chiếc bo mạch chủ này còn có 1 chân cắn PCIe 2x để người dùng có thể mua ngoài card mạng kèm ăng-ten WiFi.
Cấu hình thử nghiệm
-CPU: Intel Core i7-7800X
-Bo mạch chủ: MSI X299 Tomahawk Arctic
-RAM: G.Skill TridentZ RGB 2x8GB @ 3200MHz
-Card đồ hoạ: MSI GeForce GTX 1080 Ti Gaming X
-NVMe: Samsung SM961 256GB
-SSD: SanDisk Ultra II 500GB
-PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W
-Case: Phanteks P400 Tempered Glass
Hiệu năng thực tế
Để thử nghiệm hiệu năng của CPU trên một chiếc bo mạch chủ thì không gì có thể phù hợp hơn CineBench R15. Với mức xung được tự động đẩy lên hơn 4.0GHz một chút, chiếc CPU i7-7800X luôn cho điểm số nhỉnh hơn khoảng 15% so với Ryzen 5 1600 dù cùng số nhân và luồng. Tiếc là khi so sánh cùng tầm giá, i7-7800X chưa thể so bì với Ryzen 7 1700X về hiệu năng đa luồng.
Với xung nhịp RAM ở mức 3200MHz, băng thông bộ nhớ cùng khả năng ghi, đọc của CPU là rất ấn tượng khi thử nghiệm với công cụ GPGPU của bộ công cụ AIDA64.
Băng thông bộ nhớ và độ trễ của RAM trên chiếc bo mạch chủ này là khá tốt so với các đối thủ cùng tầm giá. Xin lưu ý đây mới chỉ là thiết lập RAM kênh đôi do hạn chế về phần cứng có sẵn. Nếu có thêm 2 thanh RAM 3200 nữa thì chắc chắn băng thông bộ nhớ của hệ thống sẽ còn ấn tượng hơn rất nhiều.
Một công cụ thử nghiệm khác cũng khá được ưa chuộng trong thời gian gần đây là Unigine Superposition. Tiếp nối truyền thống của Unigine Heaven, công cụ thử nghiệm mới nhất này cũng là một lựa chọn ưa thích trong việc thử khả năng hoạt động của toàn hệ thống. Với mức điểm 5819, hệ thống của chúng ta đã có thể được xếp vào tầm top 400 trên bảng xếp hạng hệ thống chạy đơn card của Unigine.
Điểm 3DMark TimeSpy của hệ thống ở mức khá cao so với các hệ thống 6 nhân 12 luồng khác. Tuy nhiên, điểm số CPU của i7-7800X trên X299 Tomahawk Arctic lại kém hơn các đối thủ trong tầm giá một chút. Theo quan điểm của tôi thì số điểm này cũng không thực sự quá quan trọng bởi mức 200 điểm coi thể được coi là sai số trong thử nghiệm.
Trong khi đó, hiệu năng game cũng là một điều rất được những người sử dụng X299 quan tâm. Với số lượng nhân lên tới 6 trong khi hầu hết các tựa game hiện nay chỉ sử dụng tới 4, chiếc i7-7800X có thể thoải mái dành ra 2 nhân 4 luồng để sử dụng vào việc encode để stream. Trong thời buổi nhu cầu stream bủng nổ, việc trang bị một CPU có nhiều hơn 4 nhân 8 luồng gần như là một yêu cầu tối thiểu cho các streamer. Sức mạnh từ CPU lẫn GPU đã đảm bảo số khung hình khi chơi DotA 2 ở độ phân giải 4K gần như không thay đổi giữa khi stream và không stream.
LoL, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của DotA 2 cũng cho thấy khả năng tận dụng phần cứng của phần mềm khi mang lại số khung hình cao chót vót dù chơi ở độ phân giải 4K cùng thiết lập cao nhất. Thậm chí đôi khi tôi còn phải giới hạn số khung hình của game để hạn chế tình trang xé hình.
Tựa game bắn súng sinh tồn đang gây sốt PUBG cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo game thủ cũng như streamer. Với số khung hình tương đối đảm bảo ở độ phân giải 4K, các game thủ-streamer có thể thoải mái đọ súng mà không phải lo CPU bị quá tải hay quá nhiệt.
Nhiệt độ hoạt động
Nhiệt độ của chiếc Core i7-7800X là khá ấn tượng dù chỉ được làm mát bằng tản nhiệt DeepCool Gammaxx 400 giá rẻ. Sau 5 phút chạy liên tục, nhiệt độ cao nhất của CPU chỉ ở mức 65W. Nếu kết hợp với các giải pháp tản nhiệt đắt tiền hơn thì nhiệt độ của CPU này sẽ còn ấn tượng hơn nữa, dọn đường cho nhu cầu ép xung của những người dùng "yêu khoa học".
Sau khi chạy Prime95, công cụ "stress test" CPU nổi tiếng, nhiệt độ của CPU đã đạt đến mức 85 độ C trong khi các nhân mới chỉ chạm đến ngưỡng 80, còn khá xa mới đến mức giới hạn 100 độ C của vi xử lý. Đây một phần có thể do Prime95 đã kích hoạt được Turbo Boost của CPU để đẩy xung nhịp lên mức hơn 4 GHz. Cũng trong điều kiện ngặt nghèo này, CPU được ước tính có thể ngốn tới hơn 150W mỗi giờ, khá cao so với mức giới thiệu của nhà sản xuất. Một chiếc nguồn cao cấp với dây nguồn cấp điện cho CPU loại tốt được khuyến cáo sử dụng để đảm bảo về nhiệt độ hoạt động tối ưu cho cả hệ thống.
Kết luận
MSI X299 Tomahawk Arctic tạm thời đang là chiếc bo mạch chủ X299 màu trắng hiếm hoi trên thị trường. Chiếc bo mạch chủ này không chỉ gây ấn tượng về thiết kế mà còn về hiệu năng. Điểm trừ tồn tại duy nhất của chiếc Tomahawk Arctic này có lẽ là bất cập về BIOS, thứ mà sẽ sớm được nhà sản xuất sửa trong tương lai gần. Với hiệu năng tương đối ấn tượng ở tầm giá 9 triệu đồng, đây hứa hẹn sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những game thủ có nhu cầu xây dựng cấu hình HEDT mà đã quá ngán phối màu đen nhàm chán trên những chiếc bo mạch chủ tầm trung tới cao cấp.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4