Đánh giá chi tiết bàn phím cơ Cherry MX Board 6.0: Phong cách Đức trong từng phím bấm

    Dee Tee,  

    Một sản phẩm tốt, nhưng có đáng với giá tiền của nó?

    Trong bài đánh giá sản phẩm phím cơ gần đây nhất, tôi có nhắc tới sự bão hòa của thị trường bàn phím cơ trong nước. Các thương hiệu tỏ ra ngần ngại về việc phân phối sản phẩm tại Việt Nam, khi thị trường này vốn đã chật cứng các mẫu phím cơ từ phổ thông tới cao cấp.

    Bởi vậy, người Việt buộc phải tìm kiếm sự mới mẻ qua các sản phẩm xách tay. Mẫu mã, chức năng và cảm giác sử dụng của các mẫu bàn phím này phần nào khác biệt, gây hứng thú, không nhàm chán.

    Trong phạm vi bài viết này, tôi xin giới thiệu một sản phẩm như vậy, tới từ nước Đức xa xôi, một thương hiệu đã rất quen thuộc, Cherry.

    Nhắc tới cái tên này, hẳn người dùng phím cơ ngay lập tức nghĩ về switch cơ học Cherry MX, loại chân phím phổ biến nhất hiện nay, được người dùng tin tưởng và đánh giá rất cao.

     Cherry MX Red Switch.

    Cherry MX Red Switch.

    Nhưng nếu bạn còn nhớ, chúng tôi từng có cơ hội chia sẻ một sản phẩm khác của Cherry, bàn phím MX Board 3.0. Thương hiệu này không chỉ sản xuất switch cơ học, Cherry còn là một cái tên lớn với các sản phẩm bàn phím cao cấp trong nhiều thập kỷ qua.

    Nếu như MX Board 3.0 là một sản phẩm tầm trung của Cherry, thì nhân vật chính t rong bài viết này, MX Board 6.0 dành cho người dùng cao cấp. Sản phẩm đắt nhất trong dòng Cherry MX Board, và cũng là một trong những mẫu bàn phím cơ thương mại, có giá thành cao nhất trên thị trường. Giá hiện tại của sản phẩm này là 200 USD ở thị trường nước ngoài, có thể lên tới 4,5 triệu VNĐ khi về tới Việt Nam.

    Một sản phẩm đắt tiền như vậy, người dùng nhận lại được gì?

    Vỏ hộp của Cherry MX Board 6.0 được xếp vào hàng cao cấp của cao cấp. Nói như vậy, tức tôi đã có sự so sánh giữa vỏ hộp sản phẩm này với các mẫu bàn phím cùng phân khúc khác, trên 4 triệu đồng như Corsair K70 RGB hay Ducky Shine 5 Year of The Goat.

    Chất liệu không có gì đặc biệt so với 2 sản phẩm kia, nhưng hộp của MX Board 6.0 được hoàn thiện khá tinh tế khi phần vỏ phía trong mang tông đỏ cực đẹp mắt. Đặc biệt khi sản phẩm tôi có trên tay lại sử dụng switch Cherry MX Red và đèn LED cũng là màu đỏ cam. Đây là 1 sự đồng bộ rất đáng khen ngợi, gây ấn tượng tốt với người dùng.

    Về phụ kiện, MX Board 6.0 có một kê chiếc kê tay bề mặt cao su, giống với K70 RGB của Corsair. Phần kê tay này đẹp, nhưng dễ bám bụi bẩn, khó vệ sinh.

    Cùng với đó, bàn phím cao cấp này còn được tặng kèm túi vải nhung để bọc bàn phím. Tránh để lại vết xước trên vỏ cao cấp của nó.

     Túi vải nhung bọc phím, in rõ tên thương hiệu Cherry và MX Board 6.0.

    Túi vải nhung bọc phím, in rõ tên thương hiệu Cherry và MX Board 6.0.

    Thật đáng tiếc khi bàn phím cơ có giá hơn 4 triệu đồng, người dùng lại không theo kèm dụng cụ nhổ phím, keypuller.

     Tất cả phụ kiện của Cherry MX Board 6.0.

    Tất cả phụ kiện của Cherry MX Board 6.0.

    Chất lượng hoàn thiện

    Phần vỏ làm hoàn toàn từ kim loại, lạnh toát và sáng bóng. Điều này giúp MX Board 6.0 rất chắc chắn, nhưng lại gây ra một vài phiền toái cho người dùng. Phần vỏ kim loại này sẽ khiến tay bạn "tê tê" khi chạm vào, nó dẫn điện. Nhưng cũng có thể khắc phục đơn giản bằng cách nối đất dòng điện. Cần phải biết rằng, các sản phẩm bàn phím có vỏ kim loại, bao gồm cả K70 RGB của Corsair, đều khiến người dùng bị giật diện nhẹ khi chạm vào.

     Vỏ của MX Board 6.0 làm hoàn toàn từ kim loại.

    Vỏ của MX Board 6.0 làm hoàn toàn từ kim loại.

    Phong cách thiết kế của Cherry MX Board 6.0 khá lạ, nó không cứng nhắc, nhưng cũng chẳng quá màu mè. Toàn bộ thân phím có nhiều điểm nhấn khác nhau, đặc biệt là 2 bên hông. Kim loại sáng bóng với những nét cắt tạo nên sự hiện đại trong thiết kế.

     Phần gắn kê tay bằng nam châm được thiết kế thông minh.

    Phần gắn kê tay bằng nam châm được thiết kế thông minh.

    Mặt dưới của bàn phím cơ này, chúng ta vẫn thấy được các thành phần cơ bản, bao gồm nhiều feet chống trượt, chân chống và đặc biệt là logo của Cherry đặt ngay tại khu vực trung tâm. lấp lánh và nổi bật.

    Một điều đáng tiếc, sản phẩm này không phải một bàn phím có thể tháo rời dây nối. Ban đầu, phần gia cố chân cắm của dây khiến tôi nghĩ rằng cáp nối của bàn phím này có thể tháo ra, nhưng sau khi tham khảo lại, nó đã được gắn chặt. Và việc tháo đứt dây của bàn phím cũng sẽ khiến sản phẩm bị mất bảo hành.

    Cảm giác sử dụng và ấn tượng người dùng

    Mẫu phím tôi được trải nghiệm là phiên bản sử dụng Cherry MX Red, một switch bấm "trơn tuột" trong các sản phẩm mà hãng sản xuất của Đức phát triển.

    Tôi là người đặc biệt thích các loại switch bấm clicky, thứ mang lại cho tôi cảm giác vượt qua một vật cản mỗi lần nhấn phím. Bởi vậy, sử dụng các switch bấm trơn, linear khiến tôi không được thích thú cho lắm.

    Nhưng với một bàn phím chất lượng hoàn thiện tốt, red switch khiến tôi khá bất ngờ về cảm giác sử dụng của nó mang lại. Switch bấm tốt, cùng với plate kim loại phía dưới, độ phản hồi của nó thực sự khiến tay bạn thoải mái khu sử dụng.

    Một yếu tố khác ảnh hưởng không nhỏ tới cảm giác bấm chính là keycap, các phím bấm. Phần này, có 2 điều cần nói tới, là độ cao phím và chất liệu của nó.

    Trong bài viết về MX Board 3.0, chúng tôi cũng từng để cập tới độ cao của các hàng phím, còn gọi là Profile. Profile phím của Cherry bị xếp vào diện thấp, hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn hình dung ra sự khác nhau về độ cao phím giữa bàn phím của Cherry với các mẫu bàn phím khác trên thị trường. Cherry MX Board 6.0 cũng không nằm ngoại lệ.

     So sánh độ cao phím giữa Cherry và OEM, profile thường được các hãng sản xuất bàn phím lựa chọn.

    So sánh độ cao phím giữa Cherry và OEM, profile thường được các hãng sản xuất bàn phím lựa chọn.

    Độ cao của keycap thấp hơn khiến cho hành trình phím giảm đi. Cá nhân tôi không thích điều này, tôi thích sự đầm tay mỗii khi nhấn phím. Switch phải nặng, keycap phải to và dày, thế mới sướng. Tất nhiên, ý kiến cá nhân là vậy, bởi có không ít các profile phím thấp giống Cherry, và vẫn có một số lượng không nhỏ người dùng thích thú với độ cao phím như vậy.

    Thứ 2, chính là chất liệu của keycap. Làm từ nhựa ABS, có vẻ như bộ keycap gốc không thực sự tương xứng với chất lượng hoàn thiện tổng thể của bàn phím, cũng như giá thành của nó. Nếu so cùng 2 đối thủ được nhắc tới từ đầu bài viết là Corsair K70 RGB, và Ducky Shine 5 Year of The Goat, đại diện của Corsair cũng sử dụng keycap ABS, trong khi đó Shine 5 lại có keycap PBT Thick theo kèm.

    Không làm cho cảm giác bấm giảm đi, nhưng nó phần nào thua kém các phím bấm có độ dày lớn hơn, thường làm từ nhựa PBT. Mặt khắc, làm từ nhựa ABS khiến các phím bấm này sẽ sớm bị bóng do mồ hôi tay sau một thời gian sử dụng, gây mất thẩm mỹ.

    Đây là một bàn phím 108 phím, nhiều hơn 4 phím so với hầu hết các sản phẩm mechkey trên thị trường. Đặc biệt là phím bấm được in logo của Cherry, với chức năng tắt bật nhanh chế độ khóa phím Windows.

    Cuối cùng là đèn LED và các cụm phím chức năng. Cherry chính thức đứng bên ngoài trào lưu RGB màu mè lòe loẹt, cho dù chính hãng này cách đây không lâu đã ra mắt switch bấm tích hợp sẵn đèn LED RGB.

    Cherry MX Board 6.0 chỉ có 1 màu LED đỏ cam duy nhất, riêng một số phím chức năng bao gồm FN, Windows, Capslock và Numlock có thể chuyển sang màu xanh dương khi kích hoạt.

    Sản phẩm này cũng không có bất cứ chế độ LED đặc biệt nào, chỉ có duy nhất 4 phím chức năng để chỉnh độ sáng.


    Sau tất cả, có vẻ như chiếc bàn phím này không có gì đặc biệt phải không? Chờ chút, chúng ta còn 1 thứ chưa nhắc tới, chính là công nghệ Real Key tân tiến được Cherry giới thiệu tại CES 2016 hồi đầu năm nay.

    Đây là công nghệ có thể thay đổi hoàn toàn các sản phẩm bàn phím cơ trong tương lai, tuy nhiên, hiện tại nó vẫn đang được Cherry ứng dụng độc quyền lên các sản phẩm của họ.

    Để hiểu Real Key là gì, hãy xem đoạn video dưới đây.

    Công nghệ Real Key và NKRO của Cherry.

    Nếu như bàn phím cơ thông thường có tốc độ phản hồi cực nhanh (nhấn phím và ký tự ngay lập tức xuất hiện trên màn hình), ít ai biết được rằng nó vẫn phải mất tới 20ms để hoàn thành điều đó. Nhưng với những bàn phím được ứng dụng Real Key, mà ở đây là MX Board 6.0, tốc độ phản hồi của nó chỉ là 1ms, nhanh gấp 20 so với bàn phím cơ thông thường.

    Kết hợp cùng N-Key Roll Over (NKRO cho phép nhấn và nhận cùng lúc nhiều phím), Real Key sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với những game thủ chuyên nghiệp, khi mà cách biệt giữa chiến thắng và thật bại chỉ trong vài mili giây.

    Tựu chung, với mức giá 4,5 triệu đồng, Cherry MX Board 6.0 vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Không có LED đẹp mắt, keycap chưa tốt, không có các chức năng đa phương tiện cao cấp, nhưng mặt khác, nó mang đúng phong cách của người Đức, khi sức mạnh thực sự luôn ẩn giấu bên trong lớp vỏ bọc không có gì đặc biệt.

    Nói cách khác, Cherry vẫn luôn là cốt lõi dẫn dắt sự phát triển của công nghệ bàn phím cơ, và người Đức luôn biết cách tạo ra sự khác biệt.

    Cảm ơn Công Ty TNHH Thương Mại - Dịch Vụ Tân Doanh đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ