Giới thiệu
Có điều gì đó không ổn với thế hệ Fermi đầu tiên. Ngoại trừ GF108 (tức GT 430), các sản phẩm còn lại thuộc phân khúc tầm trung - cao GF100, GF104, GF106 tương ứng với GTX 480 - GTX470, GTX 460 và GTS 450 đến tay người tiêu dùng đều là những phiên bản bị cắt giảm so với thiết kế ban đầu của Nvidia. "Người khổng lồ xanh" chưa bao giờ tiết lộ nguyên nhân, nhưng theo phỏng đoán của giới công nghệ, chỉ có 3 lý do khả dĩ hợp lý nhất: Giới hạn kỹ thuật không cho phép, ý đồ & chiến lược kinh doanh, hoặc cả hai.
Dù bởi nguyên nhân nào đi chăng nữa, Fermi cũng chưa thể hiện hết năng lực của nó. Kết quả là ngoài GTX 460, các sản phẩm còn lại đều lần lượt bị các đối trọng tương ứng đến từ AMD đánh bại. Không chỉ thế, hạn chế này còn khiến thế trận Nvidia bày ra để lộ ra một lỗ hổng ở phân khúc tầm trung của họ – mảnh đất màu mỡ đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Lỗ hổng đó chính là khoảng trống giữa GTS 450 và GTX 460.
Lợi dụng khoảng chênh lệch hiệu suất đáng kể giữa hai sản phẩm liền tiếp nhau trong đội hình của "đoàn quân xanh" - GTS 450 và GTX 460 768MB, HD 5770 của AMD nghiễm nhiên điền vào chỗ trống đó, đồng thời dễ dàng tung hoành trong tầm giá 125 – 150 USD. Nhằm khắc phục điểm yếu, Nvidia đã phải giảm giá model GTX 460 của mình nhằm gây áp lực lên đối thủ. Để chống trả lại, "binh đoàn đỏ" cũng sử dụng chiêu bài tương tự: Giảm giá HD 5770.
Trong bối cảnh đó, vào ngày 15/3 vừa qua, Nvidia đã chính thức ra mắt card đồ họa kế tiếp thuộc thế hệ Fermi thứ hai của hãng: GTX 550 Ti (GF 116) – sản phẩm (trước đây) được đồn đoán sẽ có khả năng khống chế "tên tiên phong hung hăng" của phe đỏ.
Chi tiết kỹ thuật
GF116 được trang bị một GPC (Graphics Processing Cluster – cụm xử lý đồ họa), với 4 Streaming Multiprocessor (SM – thuật ngữ được đưa ra bởi Nvidia thay cho Shader Cluster trước đây). Mỗi SM chứa 48 nhân CUDA, 4 đơn vị dispatch unit (đơn vị công văn lệnh) và 8 texture unit (đơn vị xử lý vân bề mặt). Tổng cộng lại, GF116 sẽ có 192 nhân CUDA, 4 Polymorph engine (engine đa hình) và 32 texture unit.
Với những thông số kỹ thuật quen thuộc như vậy, sẽ có ai đó nghĩ rằng GF116 không có điểm khác biệt nào so với GF106 của GTS 450. Về góc độ kiến trúc, điều đó hoàn toàn đúng. Hãy nhớ lại rằng GTS 450 có một phân vùng ROP (ống dẫn lệnh đồ họa – càng nhiều ROP hình ảnh sẽ càng mượt mà – mỗi phân vùng chứa 8 ROP) bị vô hiệu hóa. GTX 550 Ti không phải chịu đựng sự cắt giảm này với đầy đủ cả 3 phân vùng hoạt động - gần như tương tự với phiên bản đầy đủ GF106 sử dụng trong đồ họa di động GTX 460M.
Nhờ vậy, GF116 có giao diện nhớ tăng lên 192 bit so với GF106 (128 bit), kết hợp với xung bộ nhớ cao hơn, GTX 550 Ti cung cấp băng thông nhanh hơn GTS 450 đến 70% - hứa hẹn khả năng xử lý khử răng cưa (AA) tốt hơn người tiền nhiệm.
Ngoài ra, kiến trúc bộ nhớ của GTX 550 Ti cũng sở hữu cải tiến cực kì đáng kể, giúp chiếc card được trang bị bộ nhớ dung lượng 1GB – khác biệt so với các sản phẩm card đồ họa 192 bit trước đây bị giới hạn bởi 3 phân vùng bộ nhớ 64 bit 3 x 256MB (768MB – chưa đủ tối ưu ở độ phân giải Full HD) hoặc 3 x 512MB (1,5GB – quá đắt đỏ và thừa thãi đối với một card đồ họa tầm trung).
Như vậy, tóm tắt lại ấn tượng chung mà chúng ta thu được về GTX 550 Ti: Đó là phiên bản GTS 450 được ép xung sẵn, sở hữu thêm 50% lượng ROP và giao diện nhớ. Với thông số trội hơn này, Nvidia khẳng định chiếc card sẽ có hiệu năng tăng 28% so vớiGTS 450, đồng thời cung cấp chỉ số hiệu năng/điện năng tiêu thụ cao hơn 20%. Chúng ta sẽ kiểm chứng độ đúng đắn của thông tin này tại phần sau của bài viết, còn bây giờ hãy cùng ghé mắt vào bảng so sánh thông số kỹ thuật của các đấu thủ:
Đánh giá & so sánh
Trước hết, chúng ta có thể nhận định rằng song song với sự ra mắt của GTX 550 Ti, GTX 460 768MB và GTX 460SE đã chính thức hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Việc sản phẩm bị chính cha đẻ Nvidia liệt vào danh sách EOL (End of Life) là điều tất yếu. Thực tế, đây là điều Nvidia đã mong muốn từ lâu, bởi nhằm cứu vãn tình thế trước AMD, họ đã phải hạ giá GTX 460 rất nhiều, đồng nghĩa với hệ số lợi nhuận của dòng model này chẳng đáng là bao. Trong tương lai gần GTX 550 Ti sẽ là quân bài duy nhất của Nvidia nằm giữa GTS 450 và GTX 460 1GB.
Thoáng so sánh, có vẻ GTX 550 Ti và GTX 460 768MB có khá ít điểm tương đồng: cả hai đều có giao diện nhớ 192 bit cùng 24 ROP, và không gì nữa. So sánh tổng quan, (có vẻ) GF104 mạnh hơn 50% khi được trang bị tới 336 nhân CUDA và 56 texture unit – so với 192 CUDA và 32 texture unit của GTX 550 Ti. Ngoài dung lượng nhớ, sản phẩm mới chỉ hơn người cũ ở xung nhân và xung bộ nhớ. Tuy nhiên đây chưa hẳn là lợi thế của Ti bởi GTX 460 cũng có khả năng ép xung khá ghê gớm. Theo phỏng đoán, khả năng GTX 550 Ti thua kém hơn GTX 460 là gần như chắc chắn.
Ở chiều ngược lại, GTS 450 được trang bị cùng số nhân CUDA và texture unit với chiếc card mới, nhưng lại sở hữu giao diện nhớ chỉ 128-bit, trong khi xung nhân và xung bộ nhớ cũng thua kém 120MHz. Như vậy, việc GTX 550 Ti vượt qua người tiền nhiệm là lẽ đương nhiên, vấn đề chỉ là bao xa mà thôi.
Quan trọng hơn cả, điều các fan của đoàn quân xanh mong ngóng là liệu GTX 550 Ti có “xử lý” được HD 5770 hay không? Giao diện nhớ 192 bit đương nhiên là một lợi thế so với 128 bit của đối thủ Radeon, nhưng số lượng shader core (đối với Nvidia là nhân CUDA) thì vẫn không hề thay đổi. Có thể Ti sẽ chiếm ưu thế trong các tình huống “khát” băng thông bộ nhớ, nhưng tổng quan thì chưa chắc.
Lần này, Nvidia tỏ ra lười đến nỗi… không thèm thiết kế sản phẩm. Có vẻ như họ sử dụng lại bo mạch của GTS 450 cho Ti mới của mình. Chiếc card mẫu của hãng có chiều dài 8,25 inch - hơi to hơn cần thiết. Trong bài viết này chúng ta sẽ tiến hành đánh giá dựa trên hai phiên bản GTX 550 Ti (đã ép xung) được thiết kế lại đến từ Zotac và MSI – hai đối tác tin cậy của Nvidia.
Zotac GeForce GTX 550 Ti AMP! Edition
Với chiều dài PCB (bảng mạch) chỉ 7,5 inch, ứng viên đến từ Zotac trông… hơi cục mịch. Tuy nhiên đừng vội đánh giá thấp chiếc card! Việc bảng mạch nhỏ hơn cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất và giá thành hạ - được lợi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng. Không chỉ thế, AMP! Edition còn là phiên bản ép xung sẵn cực cao: 1000/1100 MHz (so với bản chuẩn là 900/1025).
Zotac GTX 550 Ti AMP! Edition có thiết kế cực ngầu và bắt mắt, sử dụng gam màu chủ đạo là vàng mật ong và nền đen. Tản nhiệt tỏ ra rất hiệu quả khi chiếc card vẫn giữ nhiệt độ tốt dù làm việc tại mức xung khá cao (sẽ được đề cập chi tiết tại phần sau bài viết).
Giống như bản chuẩn của Nvidia, chiếc card cũng được trang 2 cổng xuất DVI. Ngoài ra Zotac còn thiết kế thêm 1 cổng full DisplayPort và 1 cổng full HDMI (thay cho mini HDMI của bản chuẩn), có khả năng hỗ trợ màn hình 3D và trình diễn loseless HD audio.
Phụ kiện đi kèm bao gồm 1 đĩa driver, sách hướng dẫn và đầu chuyển molex 6pin.
Phần mềm hỗ trợ ép xung Zotac Firestom có giao diện đơn giản dễ sử dụng nhưng cực hiệu quả.
MSI N550GTX-Ti Cyclone II
Cyclone là một trong hai dòng sản phẩm để lại dấu ấn sâu sắc nhất của MSI nhờ khả năng tản nhiệt cực tốt và thiết kế đơn giản nhưng rất bắt mắt, từng được sử dụng trong các sản phẩm card đồ họa cực hot như GTX 460.
Lần này, thay vì thiết kế lại để giảm chi phí như Zotac, MSI quyết định tận dụng kích thước lớn hơn của bo mạch chuẩn để nhồi nhét giải pháp tản nhiệt Cyclone II cỡ bự “không đụng hàng” của hãng.
Sử dụng chất liệu đồng mạ niken với 2 ống dẫn nhiệt chạy vòng quanh chu vi, MSI khẳng định giải pháp tản nhiệt này của họ có tác dụng lưu thông khí hiệu quả hơn 20% so với các thiết kế thông thường, đồng thời GTX 550 Ti Cyclone II sẽ mát hơn tới 23 độ C so với thiết kế chuẩn của Nvidia.
Chiếc card được MSI thiết lập chạy sẵn ở mức xung 950/1075 – thấp hơn một chút so với Zotac.
Hai cổng DVI và một cổng mini HDMI giống thiết kế của Nvidia.
Phụ kiện khá đầy đủ, bao gồm đĩa driver, sách hướng dẫn, 1 đầu chuyển DVI-VGA và 1 đầu chuyển mini HDMI sang HDMI.
MSI AfterBurner - phần mềm hỗ trợ ép xung tuyệt vời của MSI. Với nhiều tùy chọn chuyên sâu, các game thủ có thể tận hưởng khả năng ép xung hiệu quả, đồng thời tiện theo dõi hoạt động và đánh giá độ ổn định của chiếc card. Phần mềm hiện có thể sử dụng tương thích với card đồ họa của mọi hãng khác như eVGA, Gigabyte, Asus…
Thiết lập Setting – Cấu hình thử nghiệm
Do không có bản chuẩn trong tay để tiến hành kiểm nghiệm, chúng ta sẽ đánh giá thông qua việc hạ xung hai sản phẩm đến từ Zotac và MSI về mức chuẩn để so sánh.
Kết quả kiểm nghiệm
Các phép đánh giá tổng quan
Có vẻ 3DMark 11 đánh giá rất cao HD 5770 khi chiếc card có điểm số vượt qua cả GTS 450 và GTX 550 Ti để về nhì sau GTX 460 768MB.
Unigine Heave là phép thử nặng về đánh giá hiệu năng xử lý tessellation – điểm mạnh của Fermi. Lần nàyHD 5770 về chót, dẫn đầu vẫn là GTX 460 768MB.
Crysis 2 Multiplayer Demo
Rõ ràng với khả năng của các card đồ họa tầm trung, công khai đối chọi với sát thủ Crysis thiết lập max setting tại độ phân giải cao là điều không thể. Bởi thế phép thử này chỉ được thiết lập ở mức Gamer và không bật khử răng cưa.
Các đấu thủ của chúng ta đều làm rất tốt khi cung cấp khung hình chấp nhận được ngay cả tại độ phân giải Full HD. Cần nhắc rằng hiệu ứng Motion Blur trong Crysis được làm rất tốt, khiến game vẫn có cảm giác mượt mà dù khung hình chỉ đạt ngưỡng 30.
Crysis đem lại kết quả khả quan cho GTX 550 Ti khi chiến thắng thuyết phục trước HD 5770. GTS 450 về chót, đồng thời GTX 460 768MB tiếp tục dẫn đầu, bỏ xa các đấu thủ còn lại một khoảng đáng kể.
Bulletstorm
Hãy xem diễn biến tiếp tục ra sao với game bắn súng mới của Epic.
Hiện tượng sụt khung hình diễn ra tại độ phân giải 1680 x 1050 – thấp hơn cả Full HD. Được biết Epic Games đã tìm ra một lỗi kì lạ trong sản phẩm của mình, khiến chất lượng khung hình giảm đáng kể tại bất kì độ phân giải nào không chia hết cho 8!?
HD 5770 đấu ngang ngửa với GTX 550 Ti, đồng thời GTS 450 cũng hoàn toàn bị bỏ xa lại phía sau. GTX 460 768MB tỏ ra thua sút ở độ phân giải 1280 x 1024 nhưng lại vượt lên trên với khoảng cách đáng kể tại độ phân giải 1920x1080.
Metro 2033
Game đầu tiên trong loạt phép thử yêu cầu xử lý tessellation: Metro 2033.
Trong Metro 2033, Nvidia và AMD đều có lợi thế riêng. Nếu như Nvidia trội hơn trong khả năng xử lý Tessellation, thì AMD lại có lợi thế ở xử lý bề mặt (texture). Bởi vậy trong phép thử này, HD 5770 và GTX 550 Ti vẫn tỏ ra kẻ tám lạng người nửa cân. Trong khi đó GTX 460 768MB lại một lần nữa chứng tỏ mình là kẻ mạnh nhất.
Lost Planet 2
Một game DX 11 không có gì ấn tượng, thậm chí phải nói là… hơi chán. Tuy nhiên đứng về mặt đồ họa Lost Planet 2 vẫn đủ sức “bóp” các card đồ họa tầm trung. Vì thế phép thử chỉ diễn ra tại thiết lập trung bình.
Vẫn không có gì thay đổi: GTX 550 Ti vẫn chưa thể vượt qua HD 5770, đồng thời GTX 460 768MB lại kiêu hãnh đứng đầu.
Alien vs. Predator
Đây là phép thử đánh giá rất chính xác và khách quan sức mạnh card đồ họa. Độc giả có thể xem lại thiết lập tùy chọn ở phía trên.
GTX 550 Ti nhỉnh hơn một chút ở số khung hình nhỏ nhất, nhưng trung bình vẫn ngang ngửa HD 5770.
F1 2010
Sau DIRT 2, đây là trường đua trên nền DirectX 11 ấn tượng nhất tính đến thời điểm này.
HD 5770 về nhất trong phép thử này, bỏ xa cả 3 đại diện đến từ Nvidia. Có lẽ F1 2010 không tối ưu cho kiến trúc của Nvidia khi GTX 460 768MB chỉ ngang ngửa với GTX 550 Ti. Cũng dễ hiểu khi đây là game được AMD đỡ đầu trong quá trình phát triển.
Just Cause 2
GTX 550 Ti chỉ vượt qua đối thủ AMD một chút. GTX 460 768MB vẫn vượt xa phía trước.
H.A.W.X. 2
H.A.W.X. 2 luôn được coi là “sân nhà” của Nvidia trong các đánh giá. Có khá nhiều tranh cãi xung quanh tựa game này khi AMD cho rằng đòi hỏi xử lý tessellation được đặt nặng quá mức cần thiết nhằm tôn ưu điểm cho Nvidia.
Vì thế chúng tôi quyết định tác động vào trình điều khiển “ép” cho chiếc card của AMD xử lý tessellation ở cấp độ thấp hơn: 4x. Trên thực tế việc hạ cấp độ xử lý tessellation này hầu như không tác động đến chất lượng hình ảnh của H.A.W.X. 2. Hãy xem liệu hiệu năng game có thay đổi như lời buộc tội của AMD hay không:
Rõ ràng là không! Hiệu năng của HD 5770 chỉ tăng thêm chút ít, nhưng vẫn thua cả GTS 450. Có lẽ tessellation không phải nguyên nhân. Đơn giản đây chỉ là một trong số những tựa game “ưa” Nvidia hơn AMD.
Khả năng xử lý răng cưa (Anti-Aliasing)
Hãy cùng xem tác dụng của băng thông bộ nhớ lớn hơn thể hiện lợi thế như thế nào. Trước tiên là tựa game Alien vs Predator:
Không bật khử răng cưa, HD 5770 cạnh tranh ngang ngửa với GTX 550 Ti. Tuy nhiên, tại 2 mức 2x AA và 4x AA, đại diện của AMD lại tụt lại một khoảng 10% so với đối thủ.
Tiếp đến là Just Cause 2:
Đúng như dự đoán, chiếc card mới đến từ Nvidia tỏ rõ ưu thế trong các phép khử răng cưa.
Tuy nhiên, có gì đó không ổn ở đây khi GTS 450 tuy yếu hơn nhưng lại bám đuổi HD 5770 rất sát khi khử răng cưa trong game Just Cause 2 này. Từ đó đưa ra nghi ngờ rằng GTX 550 Ti lẽ ra phải thể hiện được nhiều hơn thế. Có thể cấu trúc bộ nhớ mới chưa được hoàn thiện chăng?
Hiệu năng sau ép xung & chế độ SLI
Hiệu năng đa card đồ họa của cả Nvidia và AMD ngày càng được tối ưu. Mỗi khi kiến trúc mới ra đời, điều mà các dân chơi (cũng như dân không chơi nhưng tò mò) quan tâm là hiệu năng tăng được bao nhiêu phần trăm khi chạy SLI (hoặc CrossFire) hai card đồ họa.
Ngoài ra, với mức xung mặc định khá cao 900MHz, không rõ 950 và 1000MHz sẽ đem lại khác biệt thế nào. Hãy xem:
Hiệu năng SLI trung bình tăng khoảng 71%. Không hề tồi một chút nào! Tất nhiên tỉ lệ này sẽ thay đổi trong các game khác, nhưng có lẽ cũng chỉ dao động nhẹ quanh mức này.
Ngoài ra, hiệu năng sau ép xung của GTX 550 Ti kém GTX 460 768MB tới 10%. Đấy là khi GTX 460 chạy ở mức mặc định. Người viết tin rằng sau khi ép xung tối đa, con số này sẽ lên tới ít nhất là 30%!
Điện năng tiêu thụ, nhiệt độ, độ ồn
Xin lưu ý bạn đọc đây là kết quả thu được trong quá trình chạy 3DMark 11.
Chiếc card Radeon tiêu thụ điện năng ít một cách bất ngờ, thấp hơn cả GTS 450. Tuy hiệu năng kém hơn nhưng hai sản phẩm ép xung của MSI và Zotac lại tỏ ra tốn điện hơn GTX 460 768MB.
MSI không hề “nói ngoa” chút nào. Tản nhiệt của họ hoạt động hiệu quả đến không ngờ. Trong khi đó sản phẩm đến từ Zotac lại khá nóng. Nhìn chung, nhiệt độ các đấu thủ đều hoàn toàn không gây mất ổn định hiệu năng.
Khả năng tản nhiệt ấn tượng của Cyclone II cũng có cái giá của nó: đó chính là độ ồn. Chiếc card của MSI có độ ồn lớn nhất khi hoạt động hết công suất. Tuy nhiên người viết cho rằng vấn đề này cũng không lớn lắm, bởi không có một ứng dụng nào có khả năng vắt kiệt GPU như FurMark. Hơn nữa máy đo được đặt cách card đồ họa chỉ 1 inch. Thực tế sử dụng sẽ dễ chịu hơn nhiều.
Đánh giá tổng quan & kết luận
Hiệu năng trung bình tại độ phân giải 1680 x 1050 – đích nhắm đến của các card đồ họa tầm trung, lấy GTS 450 làm mốc 100%.
Kết quả hòa chung cuộc dành cho GTX 550 Ti và HD 5770.
Lưu ý độc giả rằng trong biểu đồ này không bao gồm các kết quả của phép khử răng cưa. Nếu tính đến yếu tố này, cái giá đắt hơn của GTX 550 Ti có lẽ cũng không phải vô lý. Tuy nhiên, khử răng cưa luôn là tùy chọn cuối cùng cần kích hoạt. Với sức mạnh các card đồ họa tầm trung, khả năng chơi game mượt mà ở thiết lập cao đã là khó khả thi, khử răng cưa lại càng không cần thiết.
Vì thế, nếu phải đưa ra lựa chọn, yếu tố quyết định cuối cùng có lẽ là... màu sắc yêu thích của bạn: Xanh hay đỏ.
Nhìn chung, tuy có khả năng đối chọi với HD 5770 nhưng GTX 550 Ti thực sự không gây được ấn tượng nào. Ra đời tới hơn 1 năm sau đối thủ, những gì chúng ta nhận được chỉ là hiệu năng ngang ngửa trong khi giá thành lại cao hơn một chút. Không chỉ vậy, nó còn kéo theo sự biến mất của dòng card GTX 460 768MB lừng danh – model đáng mua hơn GTX 550 Ti rất nhiều.
Theo cảm nhận của cá nhân người viết,GTX 550 không xứng mang danh hiệu Titanium của dòng GeForce 4 huyền thoại một chút nào, đặc biệt sau cơn sốt do người anh em GTX 560 Ti gây ra. Dù sao thì, nếu là fan của đoàn quân xanh và nhắm tới card đồ họa chơi game phân khúc tầm trung, GTX 550 Ti vẫn là câu trả lời hợp lý cho bạn tại thời điểm này.