Đánh giá chi tiết Kingston SSDNow V+200 90GB: Kẻ thách thức tầm trung
Dù có ý định nâng cấp hay không nhưng với xu hướng SSD ngày càng thịnh hành, Kingston SSDNow V+200 chắc chắn là một sản phẩm bạn cần phải để tâm.
Tâm lý này chắc chắn sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ khi hãng đã tỏ ra quan tâm đúng mức đến thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây. Các lô hàng cao cấp đang rầm rộ xuất quân đổ bộ, đáp ứng đủ mọi nhu cầu cho các dân chơi từ các kit RAM khủng, USB 3.0 siêu tốc cho đến những chiếc SSD nhanh đến chóng mặt.
Trở lại vấn đề chính, sản phẩm hôm nay tôi muốn giới thiệu đến độc giả là ổ cứng thể rắn Kingston SSDNow thế hệ V 200 mới nhất, hướng đến người dùng đam mê tốc độ ở phân khúc tầm trung.
Sử dụng các chip nhớ NAND để lưu trữ, SSD đem lại nhiều ưu thế so với cách dùng phiến đĩa truyền thống: im lặng tuyệt đối, kích thước nhỏ gọn, ít tỏa nhiệt, độ bền cao, chịu rung lắc tốt… và đặc biệt nhất là tốc độ cao hơn gấp vài lần. Phải nói là nhanh đến mức “gây nghiện”. Chỉ vài ngày dùng thử đủ khiến tôi vất vả làm quen lại với tốc độ “chậm rì” của ổ HDD WD Caviar Black đang sử dụng.
Hay ho là thế nhưng chàng tí hon này lại có giá chẳng dễ chịu chút nào. Vào thời điểm hiện tại, ít người dám bỏ tiền rước về một chiếc SSD để cài hệ điều hành nhằm tăng tốc hệ thống, còn lưu trữ dữ liệu thì chắc chắn phải dùng HDD. Nếu đọc tiêu đề bài viết, bạn nghĩ luôn tới “thà để tiền mua HDD vài Tê còn hơn” thì có lẽ tốc độ chưa phải là nhu cầu cấp thiết nhất của bạn. Tuy nhiên tôi đoan chắc đây sẽ là sự lựa chọn không tồi cho tương lai.
2 bài viết bạn có thể cần tham khảo trước khi làm quen với Kingston SSDNow V 200:
Dung lượng: 60GB, 90GB, 120GB, 240GB và 480GB
Tốc độ đọc-ghi: 535 MB/s – 480 MB/s
Chip điều khiển: SandForce SF-2281
Giao tiếp: SATA 3.0 (6 Gb/s)
Bảo hành: 3 năm
Chiếc SSD tôi nhận được là bản thường có bao bì rất đơn giản, không phải hộp bìa mà được đóng trong lớp vỏ nhựa trong suốt, phần mép được dán chết vào nhau. Điều làm tôi cảm thấy khoái nhất là phần mặt sau có cả tiếng Việt. Ngoài bản thường này, mỗi mức dung lượng đều có một bản upgrade kit đắt hơn 15 USD, có thêm vài đồ chơi như cáp SATA 3, bộ gá lắp, box gắn ngoài, đĩa cài phần mềm tối ưu…
Sử dụng giao tiếp SATA 3.0.
Với kích thước 2,5 inch và rất mỏng, chiếc SSD quá nhỏ bé khi đứng cạnh ổ HDD 3,5 inch. Rất tiếc bộ dụng cụ tôi đang sử dụng không có loại đầu tua-vít để mở ốc của SSDNow V 200. Vì vậy xin phép được mượn 3 tấm ảnh của thessdreview.
Bo mạch chủ: Gigabyte Z68 UD7-B3 Bộ xử lý: Intel Core i5 2500K Bộ nhớ trong: 2 x 4GB Kingston HyperX 1600 cas 9 Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC Nguồn: Seasonic X660 Ổ cứng: Kingston SSDNow V 200 90GB Corsair Force 3 90GB WD Caviar Blue 320GB |
Nội dung thử nghiệm bao gồm:
- Thời gian khởi động và tắt máy: hệ điều hành Windows 7 Ultimate.
- Thời gian sao chép dữ liệu và giải nén: sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB; giải nén tập tin iso nặng 7,08 GB.
- Thời gian cài đặt ứng dụng: game StarCraft II và Office 2010 (các bộ cài nằm trong phân vùng cài hệ điều hành).
- Thực tế sử dụng tập tin Excel nặng 60 MB dùng để thống kê và dự đoán chứng khoán chứa hàng trăm biểu đồ, cực nhiều số liệu và công thức..
- Thời gian khởi động và nạp màn chơi: StarCraft II.
0x00 là chế độ dữ liệu đã được nén chặt, liên tục; còn random là dữ liệu được truy xuất ngẫu nhiên. Bởi vậy kết quả benchmark 0x00 luôn lớn hơn random rất nhiều, và các nhà sản xuất cũng lấy luôn con số này để đưa vào thông số kỹ thuật sản phẩm. Trên thực tế hầu như mọi hoạt động truy xuất dữ liệu đều là truy xuất ngẫu nhiên nên kết quả 0x00 không mang nhiều ý nghĩa sử dụng cho lắm. Do vậy mới có chuyện những chiếc ổ SSD cùng dung lượng, cùng tốc độ do hãng đưa ra mà giá thì chênh lệch nhau gấp rưỡi!
Ở chế độ 0x00, V 200 cho tốc độ gần như hãng quảng cáo: đọc 510,8 MB/s và ghi 485,3 MB/s. Trong khi đó tốc độ truy xuất ngẫu nhiên là đọc 209,6 MB/s và ghi 121,6 MB/s. Nhìn chung tốc độ của V 200 gần như tương đương Force 3, còn so với HDD WD Blue thì có lẽ không phải nói nhiều.
Qua kết quả của Crystal DiskMark, chúng ta cũng có thể thấy tốc độ truy xuất dữ liệu dung lượng nhỏ của HDD kém hơn rất rất nhiều so với SSD. Vậy nên tốc độ sử dụng thực tế của HDD WD Blue thực tế kém hơn nhiều so với con số 109 – 108 MB/s (đọc-ghi) mà phần mềm đo được.
AS SSD là phần mềm chuyên dụng để bench ổ SSD với dữ liệu không nén. Kết quả benchmark của AS SSD luôn thấp nhất trong các phần mềm thử ổ cứng. Tôi cho rằng phần mềm này đánh giá dựa trên tình trạng dữ liệu xấu nhất. Phần này tôi ko đưa điểm của HDD WD Blue vào.
V 200 và Force 3 khá đương nhau về tốc độ. AS SSD đánh cho điểm V 200 cao hơn Force 3 một chút: 384 so với 377.
Trái ngược với AS SSD, ATTO Disk Benchmark tỏ ra là phần mềm dễ dãi nhất. Đặt dữ liệu cần truy xuất trong trạng thái tốt nhất, các kết quả benchmark của ATTO rất được các hãng ổ cứng “khoái khẩu”, đặt làm thông số kỹ thuật đưa đến người dùng. Chính bởi vậy cả 2 chiếc SSD đều đạt kết quả siêu ấn tượng: đọc 559 MB/s và ghi 504 MB/s – thậm chí còn hơn cả thông số của hãng đưa ra.
Qua HD Tune Pro, một lần nữa V 200 và Force 3 lại bất phân thắng bại. HD Tune Pro ghi nhận tốc độ đỉnh của V 200 cao hơn, tuy nhiên tốc độ này chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc nên không mang ý nghĩa gì cả. Tốc độ đọc trung bình của cả 2 đều khoảng 360 MB/s.
Trong bài test HD Tach, do nhầm lẫn nên tôi bench ổ WD Caviar Black 500GB và chỉ có kết quả long benchmark. Ổ Blue sẽ chậm hơn một chút.
Giống như HD Tune Pro, HD Tach cho thấy V 200 và Force 3 có tốc độ đọc ngang ngửa nhau. Ở chế độ long bench, V 200 nhanh hơn 1 chút: 378,2 MB/s so với 376,8 MB/s. Ở chế độ quick bench: thì chênh lệch lớn hơn: V 200 đạt 385,3 MB/s, cao hơn Force 3 chỉ 372,6 MB/s. Phép thử này cũng cho thấy sự ổn định của SSD so với HDD, mặc dù chiếc HDD trong bài test này là WD Caviar Black – thuộc hàng nhanh nhất trong số HDD 7200 vòng/phút phổ biến hiện nay.
Thời gian hoàn thành của V 200 và Force 3 là như nhau, chênh lệch nhỏ 1 giây ở thời gian giải nén tập tin 7,08 GB và sao chép thư mục 1,16 GB. HDD WD Blue hít khói rõ ràng. Thực ra đây là phép thử chủ yếu để tham khảo so sánh, bởi trên thực tế chẳng ai dùng SSD để lưu trữ dữ liệu.
Đây là tập tin Excel dùng để thống kê và dự đoán chứng khoán chứa hàng trăm biểu đồ, cực nhiều số liệu và công thức. Đây là bài test tôi sử dụng để đánh giá khả năng phục vụ công việc của V 200.
Ngoài thời gian khởi động nhanh gấp rưỡi, V 200 và Force 3 còn không bị trễ khi nhập dữ liệu! Mỗi lần nhập số liệu mới, tôi bị delay khoảng 1 giây khi sử dụng HDD WD Blue. Nghe qua thì nhỏ nhưng đối với công việc yêu cầu nhập liên tục, đây quả là một thảm họa! Độ trễ này bị triệt tiêu hoàn toàn khi sử dụng SSD.
Với những game cần load lượng dữ liệu lớn như thế này, một chiếc SSD sẽ tránh được rất nhiều bực bội cho người chơi.
Tuy nhiên, Kingston SSDNow V 200 vẫn chỉ ngang ngang với đối thủ Corsair Force 3 ở phân khúc này, do vậy sản phẩm vẫn chưa tạo được cú hích về hiệu năng – điều mà người dùng mong muốn nhất ở các sản phẩm mới xuất hiện. Không rõ vì lý do gì mà đến bây giờ Kingston mới quyết định tham gia vào mảng này ở Việt Nam, nhưng chắc chắn đây sẽ là một khó khăn không nhỏ cho V 200 bởi Corsair có mặt trước đã chiếm được khách hàng sử dụng SSD. Nếu lên kệ với giá cạnh tranh, SSDNow V 200 thực sự là kẻ thách thức đáng gờm, buộc Corsair phải chia doanh thu.
* Hiện nay, các ổ SSD SATA 3.0 phân làm 2 mức tốc độ. Tầm trung cấp có Corsair Force 3, OCZ Agility 3 và Kingston SSDNow V 200 có tốc độ ngang ngửa nhau như các bài test ở trên; tầm cao cấp siêu nhanh là Corsair Force GT, OCZ Vertex 3 và Kingston HyperX.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?