Đánh giá chi tiết LG G Pad 8.3: Đánh thức rồng ngủ quên
(GenK.vn) - LG G Pad 8.3 sở hữu cấu hình phần cứng cũng như thiết kế khá toàn diện.
Ngay khi IFA 2013 còn chưa diễn ra, LG đã chính thức công bố về chiếc máy tính bảng G Pad 8.3, sản phẩm đánh dấu sự trở lại của hãng điện tử Hàn Quốc trên thị trường tablet. Vừa qua, LG cũng đã chính thức bán ra sản phẩm này ở Hàn Quốc với giá 515 USD, nhưng thật bất ngờ, giá máy ở Mỹ chỉ là 350 USD. Điều này đã giúp G Pad 8.3 có thể quay trở lại cuộc cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc tablet mini, nơi đang chứng kiến sự đối đầu của Nexus 7 2013, iPad mini Retina hay Amazon Kindle Fire HDX 7.
Phần cứng
Về mặt cấu hình phần cứng, G Pad 8.3 được trang bị màn hình 8,3 inch độ phân giải 1.200x1.920 pixel cùng chip xử lý lõi tứ mạnh mẽ Qualcomm Snapdragon 600 tốc độ 1,7 GHz và 2 GB RAM. LG cho biết hãng dự định sẽ sử dụng chip Snapdragon 800 cho G Pad 8.3 nhưng do những lo ngại về việc con chip này sẽ làm thiết bị nóng và tốn pin hơn nên cuối cùng giải pháp an toàn được đưa ra là lựa chọn vi xử lý Snapdragon 600.
Ngoài ra, G Pad 8.3 còn sở hữu bộ nhớ trong 16 GB (có hỗ trợ thẻ nhớ microSD), camera trước 1,2 MP, camera sau 5 MP (không hỗ trợ đèn flash LED) cùng nguồn pin dung lượng 4.600 mAh. Ngoài ra, LG G Pad 8.3 sẽ được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 4.2.2 ngay khi xuất xưởng. Mẫu tablet này sẽ có 2 tùy chọn màu sắc là đen và trắng cùng trọng lượng lý tưởng 338 g và độ dày 8,3 mm.
Thiết kế
LG không hề giấu giếm tham vọng đánh phá phân khúc tablet mini cao cấp, nơi ngự trị của iPad mini 2 và Galaxy Note 8.0. Bằng chứng là hãng điện tử Hàn Quốc quyết định sử dụng chất liệu vỏ nhôm mài xước trên G Pad 8.3 để tạo nên một bộ cánh khá hào nhoáng cho sản phẩm của mình.
Kiểu dáng tổng thể của G Pad 8.3 có nhiều điểm tương đồng với LG G2, ở phần mặt trước, máy sử dụng thiết kế viền mỏng tương tự iPad mini và Nexus 7 2013. Do đó cầm máy bằng 1 tay cũng không quá khó khăn. Trong khi đó, phần lớn diện tích mặt sau là nhôm mài xước tạo cho G Pad 8.3 dáng vẻ khá hầm hố, sang trọng đặc biệt là với phiên bản màu đen. Bên cạnh đó, 2 dải loa ngoài ở mặt sau máy được bố trí khá thông minh, gần như trong quá trình sử dụng người dùng sẽ rất ít khi cầm máy mà che khuất 2 dải loa này. Tuy nhiên, cả mặt trước và mặt sau máy đều bám vân tay, dù cố lau bằng vải mềm cũng khó hết ngay được.
Màn hình
LG G Pad 8.3 được trang bị màn hình IPS 8,3 inch độ phân giải 1.200x1.920 pixel cho mật độ điểm ảnh lên tới 273 ppi. Kích thước màn hình của máy lớn hơn một chút so với Samsung Galaxy Note 8.0 nhưng xét về chất lượng hiển thị thì G Pad 8.3 hoàn toàn vượt trội so với đối thủ.
LG vốn là nhà sản xuất màn hình danh tiếng nên không ngạc nhiên khi G Pad 8.3 sở hữu màn hình IPS LCD hiển thị cực kỳ sống động, sắc nét và góc nhìn tốt. Khả năng cần bằng giữa màu xanh và màu đỏ của G Pad 8.3 là rất tuyệt vời, đảm bảo nhiệt độ màu sắc hoàn hảo trong khoảng 6588 K (Kelvin). Ngoài ra, G Pad còn được tích hợp thêm tính năng KnockON để người dùng có thể “đánh thức”/khóa máy bằng cách chạm nhẹ vào màn hình thay vì phải sử dụng nút nguồn.
Tuy nhiên, chiếc tablet này lại không đạt được độ sáng cần thiết khi sử dụng ngoài trời nắng. Theo đó, với độ sáng 345 nit, nếu sử dụng trong điều kiện ánh sáng quá mạnh, màn hình của G Pad gần như không còn hiển thị rõ ràng nữa.
Hiệu suất
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, LG đã quyết định chọn vi xử lý lõi tứ Snapdragon 600 thay vì Snapdragon 800 trên G Pad 8.3, tuy nhiên hãng khẳng định con chip Snapdragon 600 cũng quá đủ để mang lại hiệu suất hoạt động ấn tượng cho chiếc tablet này.
Những trải nghiệm sơ bộ ban đầu cho thấy khi kết hợp cùng hệ điều hành Android 4.2.2 Jelly Bean, các thao tác điều hướng trên Homescreen tương đối trơn tru, tất nhiên không phải là hoàn hảo 100%, vẫn có những khoảnh khắc bạn cảm nhận được chiếc tablet này chạy hơi khựng. Song nhìn chung, phải nói rằng máy mở ứng dụng nhanh. Còn về các trải nghiệm khi duyệt web, có cảm giác G Pad 8.3 vẫn chậm hơn một chút dù không đáng kể khi so sánh với smartphone Xperia Z Ultra (chạy vi xử lý Snapdragon 800).
Dưới đây là kết quả benchmark của LG G Pad 8.3. Kết quả nhìn chung tương đối tốt, G Pad 8.3 chỉ chịu thua kém các thiết bị được trang bị con chip Snapdragon 800 mạnh hơn.
Giao diện và tính năng
LG G Pad 8.3 chạy hệ điều hành Android 4.2.2 Jelly Bean với giao diện tùy biến quen thuộc và nhiều màu sắc của LG. Bên cạnh phần cứng thuộc hàng đầu bảng trong số tablet Android hiện nay, G Pad 8.3 cũng được LG hỗ trợ nhiều tính năng phần mềm khá thú vị. Có thể kể đến đầu tiên là Qpair, ứng dụng này cho phép người dùng có thể đồng bộ các cuộc gọi và tin nhắn từ smartphone sang tablet G Pad 8.3 để tiện quản lý, lưu trữ, thậm chí người dùng có thể dùng tablet để trả lời tin nhắn sau đó nó sẽ tự chuyển lại qua smartphone để gửi đi. Thậm chí, bạn có thể mở một tab trong trình duyệt hoặc một hình ảnh trong bộ sưu tập trên điện thoại và sau đó chuyển nó vào máy tính bảng.
Ứng dụng Qslide cũng đã được nâng cấp trên G Pad 8.3, giờ đây người dùng có thể tận dụng màn hình lớn của mẫu tablet này để mở cùng lúc 3 ứng dụng. Thú vị hơn, với Slide Aside, người dùng sẽ dễ dàng đóng một ứng dụng đang mở và chạy một ứng dụng mới chỉ bằng động tác trượt 3 ngón tay.
Camera
G Pad 8.3 sở hữu cả camera trước và sau với độ phân giải lần lượt là 1,2 và 5 MP. Tuy nhiên camera sau không được hỗ trợ đèn flash LED và chất lượng ảnh chụp chỉ ở mức độ “cho có”. Hình ảnh thiếu chi tiết và khá nhiễu, còn màu sắc có phần nghiêng nhiều về phía gam nóng. Dù vậy với bản chất là một chiếc tablet, tính năng camera cũng không quá quan trọng.
Thời lượng pin
Sở hữu nguồn pin dung lượng 4.600 mAh nhưng thời lượng sử dụng thực tế của G Pad 8.3 không thực sự ấn tượng. Máy có thể lướt web liên tục khoảng 7 giờ 40 phút hoặc phát video liên tục trong 6 giờ 53 phút trước khi cạn pin. Rõ ràng, so với iPad mini Retina hay Nexus 7 2013 thì G Pad không thể trở thành mẫu tablet có thời lượng sử dụng hoàn hảo nhất.
Kết luận
Nhìn chung, về tổng thể kiểu dáng thiết kế, phần cứng cũng như một số tính năng bổ sung của G Pad 8.3 tương đối tốt. Tuy nhiên, giá bán còn có phần hơi cao sẽ là rào cản để G Pad có thể tỏa sáng bởi thực tế thị trường tablet hiện nay đang trở nên quá khốc liệt, miếng bánh ngon bị chia sẻ cho quá nhiều người. Nhắc tới các sản phẩm máy tính bảng trong tầm giá từ 200 đến 400 USD thì iPad mini Retina hay Nexus 7 2013 vẫn là những cái tên được chú ý hơn cả.
- Ưu điểm:
Thiết kế cao cấp
Màn hình đẹp
Nhiều tính năng hữu dụng
- Nhược điểm:
Vẫn còn một chút lag
Không có phiên bản 3G/4G
Tham khảo: PhoneAena.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android