Đánh giá chi tiết máy bay DJI Mavic Pro: Nhỏ bằng hộp cơm trưa, hoàn hảo cho dân phượt!
Nếu bạn cần 1 chiếc flycam phục vụ nhu cầu ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trên những cung phượt của mình, bạn sẽ không tìm được sản phẩm nào xuất sắc hơn DJI Mavic Pro.
Sự phổ biến của camera drone trong những năm gần đây đem lại 1 làn gió mới cho dân nhiếp ảnh. Chỉ trong vòng 2 năm, từ mức giá hàng trăm triệu, camera drone đã tụt dần về mức giá không khiến người ta phải tính chuyện "bán thận bán máu" mà vẫn có thể sắm được 1 chú flycam có chất lượng rất ổn. Tuy nhiên nếu như dân chuyên nghiệp/bán chuyên có thể sẵn sàng vác theo 1 chiếc Vali nặng hàng chục cân để đảm bảo chất lượng hình ảnh thì đối với đại bộ phận người chơi nghiệp dư, 1 chiếc vali nặng khoảng 5kg chứa chiếc Phantom 4 đôi khi vẫn là 1 vấn đề đau đầu trong những chuyến đi chơi xa. Cồng kềnh, đòi hỏi phải được "nâng niu chiều chuộng" là những yếu điểm chí mạng khiến nhiều người chơi Drone nghiệp dư cảm thấy chùn tay khi tính đến chuyện vác theo flycam trong những chuyến đi dài ngày.
Chỉ trong nửa cuối 2016, có liên tiếp các camera drone ra đời để thoả mãn nhu cầu "flycam cho dân phượt". Nổi bật nhất trong số đó có lẽ là DJI Mavic Pro, chiếc flycam có thiết kế gập từng gây sốt, cháy hàng trong suốt 1 thời gian dài hồi cuối năm ngoái. Đến tận thời điểm hiện tại chúng tôi mới có điều kiện tìm được 1 mẫu thử của Mavic Pro (từ đây xin gọi là Mavic cho gọn) để đánh giá. Liệu Mavic có thực sự xứng đáng với những kỳ vọng của người tiêu dùng, và quan trọng hơn, bạn nên chọn Mavic Pro, Phantom 4 hay Phantom 4 Pro để thoả mãn nhu cầu bay lượn? Câu trả lời sẽ đến trong bài viết phía dưới đây của chúng tôi.
Đánh giá sơ bộ DJI Mavic Pro
Thiết kế
Thử 1 lần lỉnh kỉnh vác chiếc vali to đùng chứa chiếc Phantom 3/4 qua cửa kiểm soát hành lý của sân bay và nhận những ánh mắt soi mói của nhân viên kiểm hoá hoặc thót tim với những cú quăng quật không thương tiếc của những nhân viên bốc vác hành lý, bạn sẽ hiểu được sự khó chịu khi phải vác 1 chiếc flycam quá to khi đi du lịch. Chưa kể đến việc lôi tha 1 chiếc vali to đùng đi khắp nới trên chiếc xe máy vốn dĩ đã không có gì là rộng rãi cũng sẽ là cả 1 cực hình cho những ai yêu xê dịch. Góc quay từ flycam rất lạ, rất thú vị nhưng đôi khi nó không đáng để đánh đổi quá nhiều phiền phức từ việc "thồ" 1 chú lẽo đẽo trên người suốt cuộc hành trình.
Mavic Pro là 1 ngoại lệ. DJI hứa hẹn 1 thiết kế gọn gàng trong khi vẫn đảm bảo các tính năng bay thông minh, khả năng chống rung và chất lượng camera như những chiếc drone fullsize. Thực tế Mavic Pro còn vượt quá những điều mong đợi của tôi về độ nhỏ gọn.
DJI thực sự đã đưa ra được 1 thiết kế cánh gập rất thông minh trên Mavic. Và điều đáng mừng là sau khi gập cánh Mavic rất gọn, người dùng có thể dễ dàng "tuồn" máy vào túi xách, ba lô mà không hề sợ vướng víu, mắc kẹt.
Mavic Pro khi so với Phantom 4 rõ ràng là gọn gàng hơn rất rất nhiều. Hơn nữa sau khi gập cánh Mavic không bị"tay chân thừa thãi" nên dễ dàng nhét vào balo, túi xách mà không vướng víu.
Kích thước túi xách của Mavic chỉ bằng 1/6 so với Phantom 4 mà vẫn đầy đủ phụ kiện, pin sạc.
Điều tôi cảm thấy thích thú nhất ở Mavic đó là mặc dù sử dụng thiết kế cánh gập nhưng tổng thể chiếc Drone vẫn cho cảm giác rất chắc chắn, không ọp ẹp hay "lủng liểng" khi mở cánh. Cơ chế mở cánh của Mavic đạt mọi tiêu chí: Gọn gàng, dễ mở, dễ đóng mà vẫn chắc chắn.. Tất cả các khớp đóng mở đều được trợ lực lò xo giúp Mavic đảm bảo độ ổn định khung vỏ khi bay, đặc biệt trong điều kiện gió giật.
Thiết kế cánh gập của Mavic chắc chắn là đột phá lớn nhất trong ngành công nghiệp drone vài năm trở lại đây. DJI thực sự đã giải được bài toán kích thước 1 cách đầy thuyết phục với Mavic. Tôi tin rằng trong thời gian tới các hãng sản xuất khác sẽ rất nhanh chóng "học hỏi" thiết kế rất thông minh này của DJI.
Nói như vậy không có nghĩa Mavic không có điểm yếu. Chính vì thiết kế gập hướng tới loại bỏ chi tiết thừa nên Mavic cũng bỏ luôn hệ càng đáp vốn là "đặc sản" của các drone dòng Phantom trước đó. Thiếu đi càng đáp khiến Mavic khi hạ cánh nằm sát mặt đất, rất dễ "dính" cây cỏ, đá nhỏ. DJI khắc phục yếu điểm này bằng phần mềm, yêu cầu Mavic quan sát vị trí hạ cánh bằng camera dưới bụng để đảm bảo mặt đất hạ cánh là bằng phẳng, nếu phía dưới máy bay gồ ghề Mavic sẽ treo trên không chứ không hạ xuống cho tới khi hết pin. Trên thực tế tính năng này hoạt động tương đối hiệu quả nhưng vẫn không thể thay thế được càng đáp vật lý. Bên cạnh đó việc thiếu vắng càng đáp cũng khiến việc cất hạ cánh Mavic trên tay người dùng gặp nhiều khó khăn. Đối với những ai có ý định sử dụng Mavic quay phim khi đang đứng trên phương tiện chuyển động như tàu thuỷ, ca nô, ô tô... sẽ cần lưu tâm đến việc thu hồi máy bay sau khi quay xong vì việc bắt Mavic bằng tay khó hơn các dòng Phantom rất nhiều.
Không có càng đáp khiến Mavic nằm rạp xuống mỗi khi hạ cánh. So sánh với các thiết bị "gầm cao máy thoáng" thì Mavic có phần bất lợi hơn vì không thể hạ cánh trên các bề mặt gồ ghề.
Thử nghiệm bắt Mavic Pro và Phantom 4 Pro bằng tay
Thiếu vắng càng đáp cùng với việc điều khiển không có dây đeo cũng khiến việc bắt Mavic bằng tay gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thiết kế gimbal thu nhỏ, có vẻ mỏng manh cũng gây nhiều lo ngại về độ bền của chi tiết vốn rất hay "ăn vạ" này trên Mavic. Thực tế ở thời điểm hiện tại, mọi hỏng hóc về phần cứng trên Mavic đều đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đắp chiếu rất lâu vì chưa có linh kiện thay thế.
Gimbal, cáp nối mỏng manh gây nhiều lo ngại về độ bền của Mavic Pro.
Điều khiển của Mavic Pro cũng xứng đáng được điểm 9 cho chất lượng. Tay điều khiển mặc dù được thu nhỏ với thiết kế gập nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách điều khiển lên tới 7km (lý thuyết, thực tế ở điều kiện bay bình thường trong vùng ít nhiễu sóng tôi đạt khoảng cách 4km mà vẫn sóng vẫn đầy). 2 joystick của Mavic cũng hoạt động xuất sắc, cho cảm giác bay trơn tru, mượt mà và phản hồi gần như tức thời với điều khiển. Nhìn chung cảm giác bay là 1 điểm mạnh của các flycam ra đời từ lò DJI và nó vẫn được phát huy trên Mavic.
Việc tích hợp màn hình hiển thị thông tin khiến người chơi hoàn toàn có thể bay Mavic Pro mà không cần điện thoại. Bên cạnh đó Mavic cũng là chiếc drone duy nhất của DJI trang bị kết nối điều khiển qua Wifi Direct: Người dùng có thể kết nối trực tiếp đến Mavic bằng điện thoại qua Wifi và điều khiển mà không cần đến tay cầm. Ở chế độ điều khiển bằng điện thoại, Mavic bị giới hạn khoảng cách đến 80m so với 7km khi dùng tay điều khiển.
Điều đáng phàn nàn duy nhất của tay điều khiển Mavic có lẽ là việc không có dây đeo. Tất cả những người chơi RC đều biết rằng dây đeo điều khiển là phụ kiện không thể thiếu, nó giúp giải phóng đôi tay để thực hiện các tinh chỉnh nhanh trên thiết bị và phản ứng với các tình huống khẩn cấp. Việc thiếu dây đeo khiến điều khiển của Mavic bỗng trở nên vướng víu trong 1 số tình huống.
Thiết kế điều khiển gập gọn được rất thông minh và chắc chắn cũng chứng tỏ DJI bỏ nhiều công sức cho chiếc điều khiển này.
Hiệu năng bay và thời lượng pin
Khi mở hết cánh, Mavic có kích thước gần tương đồng những chiếc flycam trong dòng Phantom. Mặc dù sở hữu motor nhỏ hơn và cánh gập vốn dễ gây suy giảm hiệu suất nhưng rất đáng mừng là khả năng treo giữ vị trí, độ phản hồi thao tác điều khiển của Mavic không thua kém gì đàn anh Phantom 4/4Pro. Thậm chí do dùng motor nhỏ, trọng lượng thấp nên độ ồn và các dòng nhiễu loạn dưới cánh của Mavic thấp hơn Phantom 4 rất nhiều. Điều này khiến Mavic Pro thậm chí còn ổn định hơn Phantom 4 ở độ cao thấp và trong không gian hẹp, lặng gió.
Motor nhỏ chỉ bằng nửa Phantom 4 Pro nhưng Mavic không hề tỏ ra kém cạnh về độ ổn định.
Thiết kế cánh gập không chỉ gọn gàng mà còn giúp Mavic Pro giảm thiểu nguy cơ gẫy cánh và người chơi sẽ an toàn hơn đôi chút so với thiết kế cánh cứng.
Chỉ khi phải bay ngược chiều gió mạnh Mavic Pro mới tỏ ra hụt hơi khi so sánh với người đàn anh Phantom 4 Pro. Khoảng cách "phanh" của Mavic có vẻ cũng xa hơn Phantom 4/4 Pro có lẽ 1 phần là do máy sử dụng cánh gập.
Độ ồn là 1 trong những lợi thế tuyệt vời nhất của Mavic. Trong khi 1 chiếc Phantom bất kể đời nào khi cất cánh là "cả xóm nghe tiếng", đạt độ cao tới 300m vẫn nghe thấy tiếng "vo ve" khi xuôi gió thì Mavic Pro có thể dễ dàng "tàng hình" ngay ở khoảng cách dưới 100m.
Mavic Pro (độ ồn 58dB khi đo tại khoảng cách 1m) bay êm hơn Phantom 4 Pro (67.2dB) rất nhiều và chỉ riêng điều này thôi đã khiến tôi muốn bỏ hẳn Phantom 4 Pro để chuyển sang bay Mavic.
Thời lượng pin của Mavic ở mức tốt: 21p bay trong điều kiện gió lặng và khoảng 16-17p khi gió lớn.
Camera
Đánh giá camera drone không thể không nói đến camera. Chất lượng hình ảnh từ camera của Mavic nhìn chung rất tốt trong điều kiện đủ sáng. Sử dụng chung cảm biến với Phantom 4, độ nhiễu của Mavic ở các dải ISO mang nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên thuật toán cân bằng trắng và nén trên máy của Mavic dường như có khác biệt nên trong cùng điều kiện chụp hình ảnh cho ra các tông màu khác nhau.
Thêm một lợi thế cực lớn nữa của camera Mavic đó là do vị trí đặt Camera ở phía trước máy khiến Mavic rất ít khi bị cánh quạt chọc vào clip (xin xem clip review trên đầu bài). Tôi chỉ mong DJI có thể áp dụng cải tiến này của Mavic vào tất cả các sản phẩm sau này của hãng vì không có gì khó chịu bằng 1 cảnh quay hoàn hảo đem về máy xem mới phát hiện ra ôi thôi bị cánh quạt chọc vào đầu video.
So sánh camera Phantom 4 Pro và Mavic Pro
Kết luận
Với Mavic Pro, DJI đã tạo ra 1 chiếc camera drone nghiệp dư gần như hoàn hảo về mọi phương diện. Nếu bạn đang phân vân giữa Phantom 4 và Mavic Pro thì tôi thực sự không thấy có lý do gì để bạn chọn Phantom 4. Chất lượng hình ảnh của Mavic so với Phantom 4 có thua kém chút chút tuy nhiên lợi thế về sự gọn nhẹ cơ động đủ sức xoá nhoà ranh giới nhỏ nhoi đó. Nếu có phải phân vân thì chắc cũng chỉ nên phân vân giữa Phantom 4 Pro và Mavic Pro.
Sản phẩm hiện có giá khoảng 24 triệu đồng.
Nếu như bạn là 1 "phượt thủ" đang cần 1 chiếc drone nhỏ gọn, dễ bay, dễ quay và video dễ đẹp thì xin hãy tin tôi, bạn sẽ không tìm được 1 lựa chọn nào tốt hơn Mavic Pro đâu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời