Bất ngờ thay, camera 'thò ra thụt vào' không phải là điểm đáng chú tâm nhất của chiếc smartphone này!
- Galaxy S20, Galaxy S20 Plus và Galaxy S20 Ultra lộ cấu hình: Màn hình 120Hz, chip Exynos 990, bản Ultra có camera rất khủng
- Cây guitar độc nhất thế giới: được gắn lại từ 106 chiếc iPhone và 1 iPod Touch, giá 139 triệu đồng
- Samsung phổ biến 5G đến thế giới khi bán được hơn 6,7 triệu thiết bị Galaxy 5G trong năm 2019
"Vsmart Active 3 là một chiếc smartphone dưới mức trung bình, với những lỗi phần mềm cơ bản khiến trải nghiệm cuối cùng không bằng những sản phẩm cùng tầm giá có chất lượng hoàn thiện cao hơn từ những hãng lớn" - đây là những gì tôi đã viết để đánh giá về chiếc smartphone mới nhất của Vsmart nếu như bài viết này được đăng hơn sớm hơn khoảng 1 tuần. Nhưng sản phẩm này sau một thời gian 'thai nghén' thì cuối cùng cũng được hãng hoàn thiện bằng một bản cập nhật hệ điều hành nặng tới 1.3GB, gần như biến nó thành một sản phẩm hoàn toàn khác!
Vậy sau tất cả những bản vá về phần mềm, trải nghiệm sử dụng cuối cùng của Vsmart Active 3 đem lại người dùng liệu có khả quan hơn nhiều, biến nó trở thành một 'viên ngọc' trong thị trường tầm trung hay không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Nếu như đã từng sử dụng chiếc Vsmart Live, thì bạn cũng đã được trải nghiệm tới khoảng 80% thiết kế của chiếc Active 3. Ta có một chiếc smartphone hoàn thiện đa phần bằng nhựa nên cầm nhẹ tay, với mặt lưng kính được làm màu 'lấp lánh' để bắt mắt người dùng hơn - với Active 3 là màu hãng gọi là 'xanh ngọc lục bảo', hệ thống camera được đặt dọc ở tay trái. Điểm khác biệt nằm ở việc Active 3 đã chuyển về cảm biến vân tay điện dụng - tất nhiên là không cho cảm giác hiện đại bằng cảm biến chìm dưới màn hình nhưng lại có độ chính xác cao hơn.
Thứ đáng để nói hơn lại nằm ở mặt trước, khi ta có một màn hình AMOLED 6.39 inch độ phân giải FullHD không có bất cứ một vết cắt nào. Trong khi các đối thủ trong tầm giá vẫn 'loay hoay' với thiết kế 'tai thỏ' rồi 'giọt nước' thì chỉ mình Active 3 đem tới được người dùng một màn hình toàn vẹn, vuông vắn, truyền thống. Vsmart Live trước đây cũng có màn hình không vết cắt, nhưng vẫn có có phần viền trên dày hơn.
Chất lượng hiển thị của màn hình này cũng là một điều đáng nói, đem tới người dùng hình ảnh đậm đà, tương phản cao và có tính năng màn hình luôn hiện để báo giờ, thời gian sạc. Khi đặt so sánh trực tiếp với chiếc Galaxy A51, màn hình của Active 3 có màu sắc không tươi tắn bằng và độ sáng cũng kém hơn 1 chút, nhưng hãy nhớ rằng 2 sản phẩm này không cùng tầm giá (giá Galaxy A51 lên tới gần 7 triệu đồng, trong khi chỉ cần chưa tới 4 triệu, bạn đã có thể mua được Vsmart Active 3). Và khi đặt với những đối thủ 'cùng hạng cân' thì Active 3 bỗng vượt lên và đứng thứ hạng cao nhất một cách xứng đáng.
Khi màn hình chiếm trọn mặt trước thì hãng sẽ phải chuyển camera selfie vào một thành phần khác với động cơ để đẩy lên mỗi khi dùng. Nhờ camera 'thò thụt' mà ta có một màn hình dùng thật thích, nhưng thành phần này chưa thực sự tốt. Camera mỗi khi mở tạo ra tiếng động cơ đủ lớn để có thể nghe thấy ở khoảng cách cầm chụp (Vsmart nói rằng họ cố ý làm vậy để tạo cảm giác "cơ học" cần có). Nhưng vấn đề là tốc độ mở camera không nhanh, đôi lúc phần mềm đã mở nhưng vẫn phải 'đợi' phần cứng.
Trong những ngày đầu cầm máy, tôi còn thực sự cảm thấy lo lắng khi nhấn tay vào camera trước nó không hề tự động 'thụt' vào trong để bảo vệ động cơ, hay cũng không hề có cơ chế phát hiện khi máy rơi tự do. Rất may mắn là điều này đã được sửa trong bản cập nhật phần mềm mới nhất. Nhưng vấn đề tiếng ồn và tốc độ vẫn còn đó, trở thành những điều người dùng phải chấp nhận khi sử dụng.
Trở lại với những thứ tôi thích: khả năng cắm phụ kiện của máy. Active 3 có cổng 3.5mm để nghe nhạc, cổng sạc USB Type-C với khả năng sạc nhanh 15W tức tương đương với những dòng máy tầm trung của Samsung, khe 2 SIM với 1 khe có thể sử dụng để mở rộng bộ nhớ trong.
Trừ cơ chế động cơ được hãng sử dụng cho camera selfie, có thể nói là tôi hài lòng về thiết kế của Vsmart 3. Nó đủ 'long lanh' để không trở nên nhàm chán, tạo sự thoải mái trong quá trình sử dụng nhờ những đường vát hợp lý và nổi bật trên hết là một màn hình rất đáng giá - thứ mà ta sẽ nhìn thấy nhiều nhất trong quá trình sử dụng.
Trước khi tìm hiểu về cấu hình bên trong, ta sẽ nói qua về giao diện người dùng mà hãng gọi là 'VOS'. Trải nghiệm của tôi về giao diện này có thể tóm gọn là 'Đơn giản', theo một chiều hướng tốt. Vsmart không thêm nhiều yếu tố chuyển cảnh, các bộ icon cũng không quá rườm rà nên đa phần giao diện nhìn sạch sẽ, dễ dùng - gần với giao diện gốc từ Google. Hãng thậm chí còn không có ứng dung quản lý ảnh riêng, nên sử dụng luôn Google Photo - tưởng chừng là yếu điểm nhưng lại rất tiện lợi cho việc back-up và chia sẻ.
Trải nghiệm phần mềm cũng là một điều được cải thiện rõ rệt sau quá trình cập nhật 1.3GB được đề cập ở trên. Trong tuần đầu, tôi liên tục gặp hiện tượng văng ra ngoài màn hình chính sau khi vào các mục của Cài đặt hay hiện thời gian sạc sai; song đến nay đã được giải quyết hoàn toàn. Phần mềm có lẽ là thứ tôi đã có thể phàn nàn nhiều nhất, nhưng đến nay đã chuyển qua hài lòng.
Giao diện VOS của Active 3
Điểm nhiều người phàn nàn, tranh cãi lẫn nhau nằm ở cấu hình xử lý bên trong. Vsmart Active 3 sở hữu vi xử lý MediaTek Helio P60, lựa chọn 4 / 6GB RAM. Người dùng tranh cãi về 2 điểm: 1 là vi xử lý được sử dụng không đến từ Qualcomm - là một hãng tên tuổi và được tín nhiệm hơn; thứ 2 là những lo ngại về vấn đề hiệu năng.
Đối với những ai thực sự quan trọng tên tuổi của linh kiện, thì vẫn sẽ có Vsmart Live với vi xử lý Snapdragon 675, còn với những ai không quá quan tâm tới tên tuổi (như tôi) thì hãng nào cũng được, chỉ cần đem tới trải nghiệm tốt. MediaTek trong thời gian gần đây với dòng Helio cũng đã được giới chuyên gia đánh giá tốt hơn trước, có hiệu năng tầm trung đuổi kịp với Qualcomm chứ không còn tụt lại quá xa nữa.
Điểm đánh giá hiệu năng của Active 3 cùng MediaTek Helio P60
Điểm benchmark của Helio P60 gần tương đương với Snapdragon 660 - một vi xử lý đã cũ của Qualcomm nhưng vẫn còn có giá trị sử dụng ở thời điểm hiện tại. Dùng thực tế, Active 3 cho trải nghiệm không giật lag trong các thao tác cơ bản, chỉ là không nhanh tức thời như những máy với vi xử lý cao cấp hơn mà thôi. Điều này cũng có sự 'góp sức' của việc hãng không 'xào nấu' quá nhiều ở phần giao diện như đã nói ở trên.
Nếu muốn có hiệu năng cao hơn người dùng vẫn có lựa chọn cùng hãng là chiếc Vsmart Live đã được 'xướng tên' một vài lần trong bài viết, nhưng ta sẽ mất đi màn hình tràn viền vì chiếc máy này có hệ thống camera trước truyền thống. Sự lựa chọn là ở người mua, bạn muốn chọn thiết kế hiện đại hay 'dồn' nhiều hơn vào hiệu năng?
Yếu tố cấu hình ai cũng đồng ý là Active 3 đã làm tốt đó là pin. Máy được trang bị viên pin dung lượng cao tới 4020mAh, nên với những công việc thông thường thì có thể sử dụng được tới 2 ngày; còn những ai dùng máy nhiều (kết hợp với xem video, chơi game...) thì sẽ có thời gian on-screen từ 5,5 - 6 tiếng. Bên cạnh đó máy cũng có khả năng sạc nhanh 15W, như đã đánh giá ở những smartphone Samsung thì hiện không còn là nhanh nhất nữa, song vẫn đủ tốt để không gây bực mình trong quá trình sử dụng.
Nằm ở phân khúc giá rẻ nhưng Active 3 vẫn được hãng ưu tiên trang bị 3 camera sau, bao gồm một camera chính 48MP f/1.79, camera góc siêu rộng 118.8 độ 8MP và cảm biến đo chiều sâu 2MP. Cá nhân tôi thích việc hãng thêm camera góc siêu rộng, tăng tính tiện dụng của hệ thống chụp hình trong nhiều trường hợp hơn là camera zoom.
Phần cứng đã đầy đủ, nhưng chất lượng ảnh trên smartphone hiện nay vẫn còn dựa nhiều vào quá trình xử lý phần mềm, vậy với Active 3 thì sao? Đầu tiên là với camera chính, ta có những hình ảnh với độ nét khá tốt, kể cả trong điều kiện ánh sáng yếu như bức hình chụp bông hoa trong siêu thị ở dưới.
Vấn đề nảy sinh khi ta nói về màu sắc. Khả năng cân bằng trắng của camera chính vẫn chưa hoàn thiện nên khá nhiều ảnh bị ngả màu xanh dương, cho tông lạnh và màu sắc cũng nhạt hơn so với bình thường. Vẫn như thường lệ, ta sẽ có thể chỉnh lại một cách nhanh chóng bằng Snapseed, Lightroom Mobile nhưng không phải ai cũng có thời gian để thực hiện bước này.
Cân bằng trắng ảnh ngả về màu xanh nên màu ảnh cuối cùng chưa chuẩn lắm
Mặc dù cảm thấy vui khi hãng trang bị camera góc siêu rộng nhưng tôi cũng chưa hoàn toàn bị thuyết phục với chất lượng của camera này, có độ nét không cao và màu sắc cũng không tươi tắn. Trong điều kiện thiếu sáng, máy thực hiện khử nhiễu hơi 'mạnh tay' với camera siêu rộng, nên một số vùng tối cũng có hiện tượng bị bệt. Người dùng muốn có bức ảnh đẹp nhất, tận dụng được thế mạnh của camera siêu rộng thì nên thử chụp ảnh phong cảnh, những lúc có ánh sáng đẹp thay vì chụp trong nhà.
Phần lớn điểm yếu trong chất lượng hình ảnh đều nằm ở khâu xử lý, nên vẫn có thể được cải thiện trong những lần cập nhật phần mềm giống như việc hãng đã sửa lỗi cơ chế camera selfie hay giao diện người dùng, nhưng không ai biết chắc chắn được rằng điều này có xảy ra hay không.
Thêm một vài hình ảnh được chụp từ Vsmart Active 3
Giống như bất cứ smartphone nào ở tầm giá thấp / trung thì Vsmart Active 3 buộc người dùng phải đánh đổi, lấy một vài thứ chất lượng cao và chấp nhận những điều khác nằm ở mức trung bình hoặc kém. Với Active 3, ta có một thiết kế bóng bẩy, tiện dụng; màn hình AMOLED không vết cắt, thời lượng pin tốt và trải nghiệm phần mềm tích cực sau những nỗ lực sửa chữa từ Vinsmart.
Ngược lại để đạt được những điều này, người dùng sẽ phải chấp nhận cơ chế camera selfie tạo tiếng động, vi xử lý tầm trung từ một hãng không quen thuộc hay camera góc siêu rộng chất lượng không cao. Song, những điều này có lẽ là chấp nhận được khi các ưu điểm nêu phía trên ảnh hưởng nhiều hơn tới trải nghiệm hàng ngày hơn, nhất là với nhu cầu sử dụng của những ai đang đi tìm smartphone ở tầm giá của Active 3.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"