Đánh giá Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB: Tản nhiệt khủng chuyên trị những chiếc CPU "nóng bỏng"
Khi những chiếc CPU đời mới ngày càng ngốn điện và tỏa nhiệt hơn, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB, kế tục sứ mệnh của những người tiền nhiệm, trở thành cứu cánh cho những cấu hình đội "xanh" nhưng không xanh với môi trường.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất CPU liên tục cải tiến công nghệ để ra mắt các sản phẩm mới một cách định kỳ, từ một đến hai năm cho mỗi thế hệ CPU cho máy tính để bàn mới. Dù có những nhảy vọt về vi kiến trúc và tiến trình sản xuất như đội "đỏ" hay đi ngang như đội "xanh" thì các CPU thế hệ sau đều có xu hướng ngốn nhiều điện hơn thế hệ trước. Đi đôi với điện năng tiêu thụ cũng là nhiệt lượng phát ra.
Với thực trạng đó, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB nói riêng và tản nhiệt AIO có kích thước két làm mát radiator kích thước từ 280mm trở lên đang dần trở thành yêu cầu tối thiểu đối với các CPU đầu bảng "flagship" của các nhà sản xuất.
Vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế vỏ hộp của các sản phẩm khác của hãng, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB có hộp với hai tông màu chủ đạo quen thuộc là đen và vàng. Trên các mặt của hộp đều là hình ảnh của sản phẩm cũng như tên, thông số cơ bản và một số tính năng nổi bật như trình điều khiển đèn LED RGB iCUE LINK của Corsair.
Tương tự như các sản phẩm AIO khác trên thị trường, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB được trang bị các phụ kiện cơ bản như dây nối dài cho quạt, LED RGB, MOLEX, ốc vít cũng như gông bắt vít cho socket AM5 và LGA1700. Như tên gọi, chiếc AIO này còn được trang bị thêm bộ điều khiển iCUE LINK kèm các dây kết nối.
Với radiator 360mm, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB được lắp đặt sẵn 3 chiếc quạt iCUE LINK RX120 RGB với công nghệ vòng bi từ tính giúp hạn chế tối đa tiếng động phát ra khi quạt hoạt động.
Phần block tiếp xúc CPU kèm bơm của Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB cũng được thiết kế mới với nhiều tính năng thú vị. Mặt trên của khối tản nhiệt này được cố định bằng nam châm để dễ dàng tháo lắp và thay thế bởi các mô-đun có tính năng mở rộng như quạt cho dàn VRM. Bên dưới của phần nắp này là khối đèn LED RGB được bắn cát mờ để tạo hiệu ứng màu sắc nhã nhặn và cao cấp hơn.
Mặt tiếp xúc CPU ở phía dưới khối bơm của Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB được thiết kế cong nhẹ để tối ưu hóa tiết diện tiếp xúc với nắp tản nhiệt IHS của CPU, qua đó đảm bảo hiệu quả dẫn nhiệt tốt nhất. Hệ thống bơm cũng được Corsair cải tiến, chuyển sang dạng bơm 3-pha thay vì 1-pha thông dụng để tối đa hiệu suất và khả năng đối lưu nước tản nhiệt.
Cạnh bên của khối bơm là cổng kết nối USB-C và cổng kết nối đặc dụng để kết nối và điều khiển tốc độ quạt, tốc độ bơm hay đèn LED RGB thông qua mô-đun hệ thống kết nối trung gian và phần mềm iCUE LINK.
Khi lên đèn, nhờ thiết kế LED RGB trên quạt và khối bơm đều được bắn cát mịn kiểu "diffused" nên không gây chói cũng như tạo cảm giác cao cấp hơn cho sản phẩm. Ngoài ra, với các cấu hình máy với tông màu trắng, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB cũng có cung cấp thêm lựa chọn màu này và các kích thước radiator nhỏ hơn như 120mm và 240mm để phù hợp với vỏ case.
Phần mềm iCUE LINK của Corsair cũng là một trong những điểm đặc sắc của chiếc tản nhiệt AIO này nói riêng và các sản phẩm có LED RGB của hãng nói chung. Ví dụ với chiếc vỏ case được sử dụng trong bài là Corsair 6500X, tôi hoàn toàn có thể điều khiển và đồng bộ cả những chiếc quạt tản nhiệt được gắn trên case, cả về hiệu năng lẫn đèn LED RGB.
Thử nghiệm nhanh với CineBench R23 cùng cấu hình máy được trang bị CPU Intel Core i9-14900K, nhiệt độ của CPU nhanh chóng đạt 100 độ C dù Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB là một chiếc AIO có radiator kích thước 360mm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi mức điện năng tiêu thụ của chỉ riêng chiếc CPU này, khi không bị giới hạn, đã vọt lên mức gần 400W.
Khi chơi game, ví dụ như The Division 2, CPU không cần sử dụng hết toàn bộ hiệu năng cũng như không cần chạy các tập lệnh sinh nhiệt lớn như AVX, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB vẫn có khả năng kiểm soát được nhiệt độ tối đa ở mức 81 độ C.
Đồng thời, để "cân" được những chiếc CPU có mức tiêu thụ năng lượng khủng như i9-14900K, người dùng cũng cần trang bị cho mình những chiếc PSU cao cấp như Corsair SF1000, có vỏ hộp cũng tương tự các sản phẩm khác của hãng này với tông màu đen và vàng chủ đạo cùng hình ảnh sản phẩm và các thông tin nổi bật như bảo hành lên tới 7 năm và chứng nhận Cybenetics Platinum (chứng nhận có mức độ đánh giá nghiêm ngặt hơn 80Plus thường thấy).
Thiết kế hộp hai ngăn của Corsair SF1000 cũng tương tự các sản phẩm PSU cao cấp khác của hãng. Phụ kiện đi kèm cũng khá đa dạng với 01 dây ATX 24-pin cho mainboard, 02 dây EPS/ATX12V 4 4-pin cho CPU, 04 dây PCIe 6 2-pin, 01 dây 12VHPWR 12 4-pin cho chuẩn kết nối ATX3.1 và PCIe 5.1 (tương thích với các card đồ họa cao cấp như NVIDIA RTX4000 series), 02 dây SATA với 4 chân kết nối và 01 dây MOLEX. Tất cả đều được bọc dù cao cấp cùng chân kết nối Type 5 của Corsair. Bên cạnh đó là dây nguồn theo chuẩn chân cắm của khu vực bán ra.
Mặt dưới và cạnh bên của Corsair SF1000 không có gì đặc biệt với phần sticker in tên sản phẩm cỡ lớn cũng như họa tiết tam giác đặc trưng của Corsair được hãng sử dụng trong các sản phẩm linh kiện gần đây.
Các mặt cạnh khác của Corsair SF1000 cũng khá phổ thông với lưới tản nhiệt, chân cắm nguồn vào và công tắc. Mặt đối xứng là các chân cắm kết nối đã được nêu ở trên. Cạnh còn lại của chiếc PSU này là tem in các thông số kỹ thuật chi tiết.
Tuy có kích thước nhỏ gọn để đạt chuẩn SFX, Corsair SF1000 vẫn được trang bị quạt tản nhiệt PWM kích thước lên tới 92mm nhằm tối ưu khả năng tản nhiệt. Chiếc quạt này cũng sẽ chỉ quay khi PSU phải chịu tải từ 50% công suất trở lên, qua đó luôn đảm bảo nhiệt độ hoạt động của nguồn ở mức khoảng 50 độ C trong điều kiện case có đủ không gian đối lưu không khí. Người dùng cũng không cần quá lo về nhiệt độ hoạt động của chiếc PSU này bởi dàn linh kiện, quan trọng nhất là tụ, đều được sản xuất tại Nhật Bản với ngưỡng chịu nhiệt lên tới 105 độ C.
Qua một vài bài thử nhanh, nhìn vào biểu đồ, có thể thấy Corsair SF1000 sẽ có hiệu suất của chiếc PSU này sẽ đạt mức tối đa ở khoảng 40% tải và duy trì mức chênh lệch chỉ khoảng 1% với các mức tải từ 20% đến 100%.
Khả năng bảo vệ linh kiện với các tính năng như OCP, OPP và SCP đều đạt yêu cầu, giúp người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về các linh kiện khác trên máy sẽ được bảo vệ tốt nhất và hạn chế rủi ro về cháy nổ.
Kể cả trong điều kiện thử nghiệm khá ngặt nghèo là nhiệt độ khoang máy ở mức 40 độ C cùng độ ẩm tương đối ở khoảng 75%, điểm nóng nhất bên trong Corsair SF1000 cũng chỉ ở mức 81 độ C, nằm trong ngưỡng an toàn của các linh kiện.
Tựu trung lại, Corsair AIO iCUE LINK TITAN 360 RX RGB là một chiếc tản nhiệt AIO có kích thước lớn kèm mức giá tương xứng nhằm hướng tới những chiếc CPU cho máy để bàn cao cấp. Đồng thời, để đẩy được CPU tới giới hạn, người dùng cũng cần những chiếc PSU có công suất và hiệu suất cao tương ứng như Corsair SF1000. Không những thế, với công suất không hề thua kém các PSU ATX tiêu chuẩn, Corsair SF1000 còn thể hiện sự linh hoạt khi có thể được trang bị cho bất cứ cấu hình máy nào, trong tất cả các loại vỏ case từ SFF tới full size, phù hợp cả cho những người dùng có nhu cầu thay đổi linh kiện thường xuyên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cách NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay cách Trái Đất 24,6 tỷ kilomet
Từ Trái Đất, kỹ sư NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay với vận tốc 17 km/s.
Intel 'thua đau' trước AMD, vụt mất thương vụ PS6 trị giá 30 tỷ USD về tay đối thủ vì ham 'lãi đậm'?