Đánh giá DJI Spark: Nhỏ gọn, nhiều tính năng thú vị nhưng vẫn chỉ là đồ chơi!

    Minh Lết,  

    Với giá bán lên đến 12.5 triệu mà lại vướng khuyết điểm lớn về điều khiển điện thoại hay mất sóng, DJI Spark thực sự rất khó có thể khiến người dùng móc hầu bao.

    Đang bon bon trên cung đường từ Bình Lập xuống cảng Ba Ngòi để ra Bình Ba, cuối đoạn dốc gấp cheo leo bên rìa vách đá dựng đứng bỗng một khung cảnh đẹp lặng người hiện ra: Những vệt nắng cuối cùng của một mặt trời đỏ ối như lòng trứng gà đang gấp gáp lặn dần sau làn mây chiều đổ tím chiếu liên xiên xuống mặt biển phẳng như gương phía bên kia con dốc. Anh vội tấp vào lề, mở ba lô lôi ra chiếc Phantom 4 Pro, lắp cánh, tháo bảo vệ gimbal, bật máy, gắn điện thoại vào điều khiển, bật điều khiển và… đứng chờ máy nhận GPS. Mặc dù rất gấp gáp anh vẫn mất gần 2 phút để khởi động chiếc flycam và ôi thôi, mặt trời đã lặn xuống chỉ để lại vài vệt mây leo lét. Anh lại cặm cụi tháo máy, tháo cánh nhét vào balo giữa lúc trời sập tối và cơn giông đằng sau ập đến. Mưa biển lúc nào cũng đến đi bất chợt như thế…

    Chiếc Phantom 4 Pro đã không ít lần làm anh bỏ lỡ những khung hình để đời chỉ vì sự lỉnh kỉnh của nó, đôi khi đang đi giữa đường, gặp cảnh đẹp anh cũng không muốn dừng lại đứng dưới nắng để loay hoay lắp cánh, bật điều khiển.

    Bất kỳ một ai từng chịu cảnh “khuân vác” một chiếc balo đựng flycam nặng khoảng 6kg leo dốc núi giữa buổi trưa hè đều có thể đồng cảm với câu nói “Chiếc camera tốt nhất là chiếc camera mà bạn không cảm thấy “lao lực” khi phải xách theo”. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, việc chấp nhận làm ngựa thồ để có được thêm chút ít lợi thế về cảm biến, ống kính là chuyện “chẳng đặng đừng”. Tuy nhiên đối với những người chơi nghiệp dư, với nhu cầu không quá khắt khe về chất lượng chụp ảnh, quay phim mà chỉ muốn dùng flycam như 1 phương tiện lưu giữ những khoảnh khắc trong chuyến du lịch của mình thì đôi khi khuân theo 1 chiếc Phantom 4 đem lại quá nhiều phiền toái.

    Kích thước, trọng lượng của các thiết bị drone là lý do chính, bên cạnh vấn đề ngân sách, ngăn cản người chơi nghiệp dư đến với flycam. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi 2 sản phẩm mới nhất (Mavic Pro và Spark) của DJI, đại gia lớn nhất trong công nghiệp drone dân dụng, đều tập trung giải quyết nhu cầu của phân khúc người dùng nghiệp dư. Nếu như DJI Mavic Pro vẫn còn quá to, quá nặng, quá đắt và quá khó dùng đối với bạn thì DJI hứa hẹn Spark sẽ là sản phẩm bé hơn, rẻ hơn và dễ dùng hơn. Nhưng liệu DJI Spark có làm được điều mà chưa selfie drone nào đạt được: “Nghiệp dư nhưng không phải là đồ chơi?”

    Đánh giá chi tiết DJI Spark

    Thiết kế

    Cầm Spark trên tay, điều đầu tiên khiến tôi phải trầm trồ là kích thước của máy. Không cần tay motor gập vào như Mavic Pro thì Spark vẫn có kích thước cực kỳ gọn gàng, dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay người dùng. Trọng lượng 300g cả pin và có thể bay mà không cần điều khiển khiến Spark trở thành 1 trong những chiếc selfie drone gọn gàng nhất trên thị trường. Thân vỏ bằng nhựa cứng của Spark cũng đem lại nhiều thiện cảm.

    Cảm giác cầm máy trên tay rất chắc chắn, ổn định, việc loại bỏ các khớp gập tay motor của Mavic cũng khiến Spark đem lại cảm giác tin cậy hơn rất nhiều. Với kích thước, trọng lượng và kế cấu thân vỏ vững chãi của mình, Spark gợi nhớ tới 1 chiếc racing quad nhiều hơn là 1 flycam. Đây có lẽ cũng là lý do khi Spark chưa ra mắt, dựa vào 1 số bức ảnh rò rỉ đã có người đồn đoán Spark sẽ là chiếc racing quad đầu tiên của DJI.

    Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng vào việc nhờ kết cấu chắc chắn và trọng lượng nhẹ Spark sẽ có khả năng chịu đựng những cú rơi tốt hơn những người anh em như Phantom, Mavic.

    Mặc cho kích thước nhỏ, Spark vẫn được DJI nhồi nhét tất cả các tính năng cần thiết của 1 chiếc camera drone: Cảm biến chống va chạm mặt trước, gimbal chống rung 2 trục, định vị quang học dưới bụng để giữ vị trí khi không có tín hiệu GPS, cảm biến GPS để bay ngoài trời… Riêng tính năng gimbal 2 trục của Spark đã khiến chiếc drone này đứng hẳn ở “chiếu trên” khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc như Yuneec Breeze hay Dobby ZeroTech vốn phải dựa vào hệ thống ổn định hình ảnh bằng phần mềm.

    Nhìn chung chẳng có gì phải phàn nàn về mặt thiết kế, kích thước và trọng lượng của DJI Spark. Nếu bạn cần 1 chiếc Selfie Drone nhỏ gọn, dễ mang vác mà vẫn đầy đủ tính năng thì Spark chính là sự lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại.

    Điều khiển và kết nối

    Một trong những vấn đề lớn nhất của flycam ở thời điểm hiện tại là tính tức thời. Từ lúc lấy ra khỏi ba lô đến khi có thể chụp được những pô hình đầu tiên 1 chiếc Phantom 4 Pro phải mất tối thiếu là 1-2 phút, sau đó là lại 1-2 phút để cất máy vào. Mavic Pro cắt giảm thời gian đó xuống còn khoảng 40s và Spark hứa hẹn còn có thể bay và chụp ngay chỉ sau 15-20s. Điều đó đạt được nhờ khả năng điều khiển bằng cử chỉ tay của người dùng.

     Điều khiển DJI Spark bằng cử chỉ không cần điện thoại hay tay điều khiển

    Điều khiển DJI Spark bằng cử chỉ không cần điện thoại hay tay điều khiển

    Người dùng có thể dùng tay để đưa Spark bay sang phải, trái, bay ra xa để lấy trọn người dùng trong khung hình. Trên giấy tờ, ý tưởng có thể điều khiển flycam bằng tay nghe thật ngầu và hữu ích. Rất tiếc trên thực tế tính năng này không thực sự hữu dụng vì mấy lý do. Thứ 1 là khoảng cách giữa Spark và người dùng khi bay ra xa khoảng 3m là cố định. Lợi thế lớn nhất của drone là không bị giới hạn về góc máy nhưng ở chế độ điều khiển bằng cử chỉ, lợi thế này bị mất đi. Thứ 2 là người dùng không thể sắp xếp được chủ thể trong khung hình mà tất cả đều bị đặt vào giữa khung hình, ảnh chụp… toàn nhìn thấy đất. Thứ 3 là người dùng chưa thể ra lệnh cho Spark quay phim bằng cử chỉ mà chỉ có thể yêu cầu máy chụp ảnh tĩnh.

    3 yếu điểm trên khiến chế độ điều khiển bằng cử chỉ của Spark cho cảm giác thiếu hoàn thiện và chỉ “dùng cho vui” vài lần đầu chứ khó có đất dụng võ trong thực tế.

     Không sắp xếp được chủ thể trong khung hình và khoảng cách máy cố định là những yếu điểm chết người của chế độ điều khiển gesture của Spark.

    Không sắp xếp được chủ thể trong khung hình và khoảng cách máy cố định là những yếu điểm chết người của chế độ điều khiển gesture của Spark.

    Bên cạnh chế độ điều khiển bằng cử chỉ, Spark còn có chế độ điều khiển bằng điện thoại và dùng tay điều khiển riêng (Bán ngoài, không kèm theo máy).

    Ở chế độ điều khiển bằng điện thoại, Spark trở thành 1 Wifi Hotspot phát sóng, người dùng kết nối điện thoại vào mạng Wifi của máy và điều khiển thông qua màn hình cảm ứng. Thử nghiệm thực tế cho thấy kết nối giữa điện thoại và Wifi của Spark không ổn định. Theo nhà sản xuất, khoảng cách điều khiển khi chỉ dùng điện thoại có thể lên đến 100m và độ cao 50m nhưng thực tế sử dụng cho thấy chỉ ở mức 30-40m kết nối đã bị rớt, hình ảnh truyền về bị trễ, vỡ thậm chí không thể điều khiển được máy.

    Ngay cả khi nơi thử nghiệm khá ít nhà dân và ít sóng Wifi thì kết quả thử nghiệm cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Nhìn chung có thể kết luận rằng nếu bạn muốn có 1 chiếc selfie drone tử tế thì hãy chọn mua phiên bản Spark có tay điều khiển thay vì sử dụng phiên bản điều khiển qua điện thoại.

    Hiệu năng bay và thời lượng pin

    Khi Spark có sóng kết nối ổn định đến điện thoại thì việc bay Spark khá dễ dàng, tương tự như các drone khác của DJI. Với sự hỗ trợ của các cảm biến hồng ngoại dưới bụng và GPS, Spark giữ vị trí khá ổn định. Tuy nhiên khi có gió Spark cũng bị chao đảo rất nhiều, việc này hoàn toàn có thể thông cảm được khi xét đến kích thước và công suất motor của máy. Việc điều khiển trên màn hình điện thoại cũng cho độ chính xác ở mức chấp nhận được tuy nhiên để bay “lả lướt” thì tay điều khiển rời vẫn là yêu cầu bắt buộc.

    Thời lượng pin cũng là điểm sáng của Spark khi máy có thể bay tới 14-15 phút cho một lần sạc đầy. Pin của Spark có thể sạc bằng cách cắm sạc điện thoại vào cổng Micro USB khá tiện tuy nhiên thời gian sạc thử nghiệm bằng sạc Samsung 5V 2A cũng mất tới gần 70p, khá là ì ạch. Khi sử dụng sạc theo máy thời gian sạc vẫn ở mức gần 1h đồng hồ. Dù sao đi chăng nữa, ở kích thước và phân khúc của Spark thì thời lượng pin 14 phút thực sự cũng đã là “vô đối”.

    Camera và chống rung

    Mặc dù chỉ dùng chống rung 2 trục và camera có kích thước rất nhỏ, lấy nét cố định (cảm biến 1/2.3”, tương đương cảm biến trên camera smartphone) với Bitrate video tối đa chỉ có 24Mbps (so với 60 Mbps trên Mavic Pro) nhưng chất lượng hình ảnh trên Spark lại tốt đến đáng ngạc nhiên.

     DJI Mavic Pro (trái) và DJI Spark (phải).

    DJI Mavic Pro (trái) và DJI Spark (phải).

    Video quay từ máy rất ổn định ngay cả trong điều kiện có gió nhờ vào gimbal 2 trục nhỏ nhưng hiệu quả. Ảnh tĩnh cũng cho độ nét cao, chất lượng hoàn toàn tương đồng với Mavic Pro, 1 chiếc Drone có giá bán gần gấp đôi. Điểm hạn chế lớn nhất của Spark có lẽ là việc thiếu chế độ quay 4k/1080p 60fps và chế độ chụp ảnh RAW. Máy chỉ quay được phân giải tối đa là 1080p tại 30 fps tuy nhiên đối với người dùng nghiệp dư không có thời gian hậu kỳ thì có lẽ đây cũng không phải yếu tố bắt buộc.

    Kết luận

    Nhìn chung với giá bán 12.5 triệu tại Flycamvn, DJI Spark vẫn là một sản phẩm với nhiều đột phá từ phía DJI. Thực sự tôi rất tiếc khi thấy 1 chiếc drone khá toàn diện lại bị vướng 1 hạt sạn quá lớn và không đáng có ở khâu điều khiển, một trong những yếu tố quyết định về chất lượng. Thực sự hi vọng rằng phiên bản bán kèm điều khiển của Spark sẽ giúp chiếc drone này khắc phục yếu điểm lớn nhất của mình để trở thành 1 sản phẩm toàn diện hơn.

    Cho tới lúc đó, ở tầm giá 13 triệu, bạn có thể để mắt đến các sản phẩm khác của DJI như Phantom 3 SE hoặc nếu ngân sách của bạn cho phép, hãy lấy Mavic Pro.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ