Đánh giá Edifier NeoBuds Pro 2: Vẫn còn là “kẻ ngáng đường những ông lớn”?
Được phát triển từ một cặp tai nghe xưng danh là “flagship-killer’”, NeoBuds Pro 2 trong thời điểm hiện tại liệu còn đặc biệt nữa hay không?
Vào 2021, Edifier đã làm thị trường âm thanh phải "ngoái đầu" khi ra mắt cặp NeoBuds Pro - một cặp tai nghe có giá bán không quá cao nhưng "trang bị đến tận răng" những công nghệ mới nhất, và cũng được đầu tư một cách nghiêm túc về chất lượng âm thanh. Và 2 năm sau, cặp tai nghe này cũng đã có phiên bản kế nhiệm, chính là cặp NeoBuds Pro 2 mà chúng ta có ngày hôm nay.
Kế nhiệm cho tai nghe nổi tiếng, NeoBuds Pro 2 chắc chắn sẽ phải đạt được kỳ vọng rất lớn từ người dùng. Kỳ vọng này có đạt được không thì hãy cùng chúng tôi đánh giá sản phẩm này trên thực tế!
Hộp của NeoBuds Pro 2 được làm bằng giấy, bề mặt bên ngoài hơi sần sùi giống với một tờ giấy thô nhìn cũng khá hay.
Điểm nhấn ở trên vỏ hộp chắc chắn là logo "tem vàng" Hi-res Wireless, một tiêu chuẩn âm thanh cao cấp mà NeoBuds Pro 2 đã thừa kế từ thế hệ trước.
Thiết kế hộp của tai nghe Edifier vẫn luôn có một lớp mút xốp ở bên trong, vừa để bảo vệ tai nghe không bị xước trong quá trình vận chuyển vừa là yếu tố trang trí vì nó nhìn rất giống với lớp mút tiêu âm trong phòng thu.
"Bới" hộp ta có bộ phụ kiện bao gồm dây sạc USB-C, 6 bộ đệm cao su kích thước khác nhau và túi vải để đựng tai nghe khi đem đi.
Năm nay hộp sạc của NeoBuds Pro 2 đã có thiết kế đơn giản hơn so với thế hệ trước. Hộp vẫn có kiểu dáng hơi bầu, tròn và mở theo hướng ngang, nhưng đã loại bỏ đi lớp nhôm ở nắp trên, thay vào đó là một dải kim loại chạy dọc phần nắp mở.
Phần hộp có tính hoàn thiện khá tốt, cho cảm giác cứng cáp và cũng chắc chắn mỗi khi đóng mở hộp. Một điểm tôi cũng đánh giá cao là hãng sử dụng nhựa lì (matte) thay vì nhựa bóng cho hộp sạc, tránh gây xước và khi sử dụng lâu nhìn sạch sẽ hơn vì ít dính bụi bẩn.
Ở mặt trước ta vẫn có một dải đèn LED để thông báo về tình trạng đóng mở nắp cũng pin của tai nghe. Dải đèn này nhìn khá đẹp vì được tản sáng đều, độ sáng cũng dịu chứ không "đập vào mắt".
Thời lượng sử dụng của phiên bản 2 không có sự nâng cấp so với thế hệ đầu tiên, vẫn 6 tiếng dùng liên tục và 24 tiếng khi dùng chung với hộp sạc. Hộp sạc cũng có khả năng sạc nhanh 15 phút để tiếp tục sử dụng trong 2 tiếng.
Thiết kế của dòng NeoBuds đến nay đã được định hình rồi, nên Edifier cũng không cần phải thay đổi quá nhiều. Đây là một cặp tai nghe dạng có "đuôi" giống với Apple AirPods, nhưng phần "đuôi" này thiết kế với những đường vát chứ không tròn trịa hoàn toàn. Để phân biệt được phiên bản 2 so với tai nghe tiền nhiệm, ta cần nhìn vào phần microphone ở mặt sau, NeoBuds Pro 2 có phần này lớn hơn, hình thang không cân xứng.
Mặt trong của tai nghe có hình oval gần giống với cặp AirPods Pro, nhưng có phần ống âm đặt ở vị trí hợp lý hơn nên cho cảm giác đeo chắc chắn, vừa tai. Độ thoải mái của tai nghe cũng rất tốt khi chọn đúng loại đệm tai, nên điều đầu tiên tôi làm đó là ngồi thử tất cả bộ đệm tai mà hãng tặng kèm.
Một nâng cấp cũng khá quan trọng trong quá trình sử dụng thực tế đó là ở phiên bản 2 này, NeoBuds Pro đã có thêm cảm biến tiệm cận để nhận diện người dùng có đang đeo tai nghe không, từ đó tự động ngắt nhạc, tự động vào chế độ ngủ để tiết kiệm điện khi không dùng tới.
Từ nãy tới giờ ta vẫn thấy những yếu tố thiết kế và công nghệ không khác gì so với thế hệ đầu, vậy NeoBuds Pro 2 đã bổ sung thêm gì? Đầu tiên, tai nghe được trang bị chip điều khiển mới có chuẩn Bluetooth 5.3 với CODEC LDAC, một sự nâng cấp về khả năng kết nối để phù hợp với năm 2023.
Với NeoBuds Pro 2 thì ta có thể chủ động chọn giữa độ ổn định và chất lượng âm thanh, khi có Game Mode (chế độ trò chơi) với độ trễ 60ms và cả LDAC (CODEC với bitrate cao, dải tần số rộng để đạt chuẩn Hi-res Wireless).
Công nghệ chống ồn của tai nghe cũng đã được Edifier cải tiến, tăng hiệu quả chặn tạp âm bên ngoài từ 42dB lên tới 50dB. Tôi không có phiên bản trước để so sánh một cách trực tiếp, nhưng có thể đánh giá rằng chất lượng chống ồn của NeoBuds Pro 2 trên thực tế là khá cao. Tai nghe có thể chặn được hiệu quả tiếng còi xe ở ngoài đường, tiếng gió đặt cách tôi 1 sải tay và thậm chí có người đứng ngay bên cạnh tôi nói chuyện tôi cũng chả nghe ra họ đang nói gì luôn!
Chỉ tính riêng về hiệu quả chống ồn, có thể khẳng định NeoBuds Pro 2 đã không còn thua so với các sản phẩm đắt tiền hơn như Sony WF-1000X hay AirPods Pro, điều mà không phải cặp tai nghe nào cũng làm được. Tuy vậy, tai nghe vẫn thiếu đi khả năng tự động điều chỉnh cường độ chống ồn như các sản phẩm nói trên, cường độ này sẽ được điều chỉnh bằng tay trong ứng dụng Edifier Connect.
Một nâng cấp khác, cũng lại về khả năng kết nối là Google Fast Pair. Tương tự như AirPods với các sản phẩm iOS, trong lần đầu mở hộp NeoBuds Pro 2 ở gần những smartphone Android người dùng sẽ thấy một bảng thông báo để kết nối nhanh, không cần phải "mò" vào menu tùy chỉnh nữa.
Điều đầu tiên tôi làm khi tải ứng dụng của NeoBuds Pro 2 đó là điều chỉnh màu đèn trên vỏ hộp, cũng coi như là có một chút cá nhân hóa trên sản phẩm mình sử dụng.
Ứng dụng của Edifier có khá nhiều tùy chọn, nên những bạn mới bắt đầu sử dụng sẽ tốn 1 khoảng thời gian để tùy chỉnh tai nghe sao cho đúng ý nhất. Ta có thể chỉnh cường độ chống ồn (có cả chế độ lọc tiếng gió cho những ai thường xuyên sử dụng tai nghe ngoài đường như tôi), điều chỉnh chế độ âm thanh, EQ, chọn bitrate của LDAC và điều chỉnh chức năng và độ nhạy của các mặt cảm ứng bên ngoài.
Ở mục tùy chỉnh âm thanh, tôi cũng tìm thấy một tính năng mới đó là Spatial Audio - hiệu ứng giả lập âm thanh được phát ra từ loa giống với trên những cặp tai nghe AirPods của Apple. Hiệu ứng này sẽ cố định âm thanh tại 1 chỗ trong không gian, và khi di chuyển đầu thì âm thanh vẫn giữ đứng yên tại đó chứ không di chuyển.
Tính năng này sẽ hoạt động tốt nhất ở một vài bài nhạc nhất định được tinh chỉnh để phù hợp mà thôi, còn để thưởng thức nhạc thông thường thì ta vẫn sẽ chọn chế độ nghe nhạc bình thường.
Điểm tôi đánh giá cao trong dòng NeoBuds Pro, và giờ cũng đã được kế thừa ở thế hệ thứ 2 đó là bên cạnh các công nghệ thì Edifier cũng đã có sự đầu tư nghiêm túc vào khả năng tái tạo âm thanh. Cặp tai nghe này nhìn thì khá đơn giản, nhưng bên trong lại có hệ thống màng loa hybrid với 2 loại là Dynamic 10mm dành cho dải trầm, và một màng Balanced Armature từ Knowles cho dải trung và cao.
Khi đặt NeoBuds Pro 2, ta nhận thấy ngay đây là 1 cặp tai nghe Hybrid vì thể hiện được âm trầm đậm đặc trưng của Dynamic và dải cao sáng, có đôi phần sắc đã làm nên tên tuổi của màng loa Balance Armature. Bắt đầu từ dải thấp, NeoBuds Pro 2 có lượng âm trầm dồi dào, có cách chơi thể hiện được nội lực nên chắc chắn những bass-head sẽ không cảm thấy thất vọng. Trải nghiệm bài Wide Awake của ODESZA, Charlie Houston ta thấy NeoBuds Pro 2 cũng thể hiện được rõ dải siêu trầm (sub-bass) chứ không chỉ chơi ở ‘bề nổi’.
Dải trung của NeoBuds Pro 2 đã được đảm nhiệm bởi màng loa khác nên tách bạch được với dải trầm, mang hơi hướng gọn gàng, trung tính. Giọng ca sĩ qua cách thể hiện của NeoBuds Pro 2 không tiến thẳng về phía trước để đứng cạnh người nghe nhưng luôn rõ ràng vì có độ chi tiết tốt. Ví dụ như bài KPI của HIEUTHUHAI, giọng nam ca sĩ qua cách thể hiện của tai nghe khá sạch, tự nhiên vì không có thêm ‘màu’ sáng, tối, ấm hay lạnh gì cả.
Một điểm "sạn" mà tôi đã đề cập đó là ở đoạn giữa giọng ca sĩ và dải cao (treble) có 1 điểm được đẩy lên cao, nên ở một số bài nhạc nhất định cũng sẽ xảy ra hiện tượng chói (sibilance) nhẹ. Dải sáng này với những ai nghe quen thì sẽ là điểm nhấn, tạo được sự tương phản với dải trầm, ngược lại với những bạn thích nghe nhạc trong lúc "chil" sẽ thích một dải cao mềm mại hơn.
Vẫn là một sự đầu tư nghiêm túc ở mọi mặt
Qua đánh giá thực tế, ta có thể thấy NeoBuds Pro 2 là một phiên bản nâng cấp nhẹ từ thế hệ trước, cập nhật những phiên bản mới nhất về công nghệ cũng như hoàn thiện thêm về mặt thiết kế. Cũng không cần phải ‘biến hóa’ thành một cặp tai nghe hoàn toàn mới, NeoBuds Pro 2 vẫn tiếp nối thế hệ trước để thành một cặp tai nghe có sự đầu tư nghiêm túc từ Edifier trong vẻ ngoài, và đặc biệt là hệ thống tính năng và chất lượng âm thanh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời