Đánh giá Garmin Forerunner 265: Sinh ra là để di chuyển
Nếu bạn là người thực sự nghiêm túc với bộ môn chạy bộ, chiếc đồng hồ này sẽ là dụng cụ chuyên dụng để phục vụ mục đích này!
Nếu như dòng Vívoactive với chiếc Vívoactive 5 mà tôi tìm hiểu trong bài viết trước là smartwatch ‘hàng ngày’, thì dòng sản phẩm chuyên cho mục đích tập thể dục thể thao và cũng là smartwatch ‘chính’ của thương hiệu Garmin là dòng Forerunner. Garmin Forerunner đến nay đã quá nổi tiếng với những bạn tập bộ môn chạy, thậm chí là thường xuyên thấy trên tay những vận động viên chạy ở những giải đua khắc nghiệt.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng trải nghiệm một sản phẩm tiêu biểu của dòng Garmin Forerunner là Forerunner 265. Chiếc smartwatch này có gì đặc biệt mà được nhiều người tin dùng, và cũng có giá bán cao cấp tới gần 12 triệu Đồng?
Kích thước lớn nhưng đeo thoải mái
Tôi là người thích những chiếc smartwatch kích cỡ nhỏ, vì chúng thường tạo cảm giác gọn gàng, trọng lượng cũng nhẹ nên đeo cả ngày dài vẫn thoải mái. Chính vì vậy mà khi nhận được chiếc Forerunner 265 để trải nghiệm có kích thước tới 46mm, tôi cũng có những hoài nghi ban đầu về chất lượng đeo của chiếc smartwatch này.
Đeo lên tay, Forerunner 265 đúng là có hơi lớn so với kích thước cổ tay tôi, nhưng các chi tiết như phần càng giữ dây, các nút bấm đều được làm ngắn, gọn với thân đồng hồ nên khi nhìn xuống vẫn thấy đồng hồ không bị quá ‘cồng kềnh’.
Mặc dù kích thước lớn, nhưng Forerunner 265 vẫn không quá nặng - chỉ 39g cho phiên bản 46mm này mà thôi nên đeo trên tay không có cảm giác bị ‘trĩu’, tôi đeo để sử dụng hàng ngày đi làm, đi chơi vẫn đủ thoải mái để vận động. Bên cạnh đó, dây smartwatch của Garmin được tôi đánh giá cao về khả năng co giãn, kể cả khi có đeo chặt 1 chút để giữ chắc đồng hồ lúc vận động mạnh thì vẫn không tạo cảm giác đang ‘thít’ vào tay.
Dây của Forerunner 265 có thể thay thế bằng các loại dây có chốt thông minh kích thước 22mm. Tuy vậy như đã đề cập thì dây chính hãng của Garmin đeo rất thoải mái và cũng hợp tông màu thiết kế với đồng hồ nên cá nhân tôi nếu có làm hỏng sợi dây này thì cũng vẫn sẽ thay thế bằng dây của hãng - mặc dù dây Garmin mua riêng cũng khá đắt!
Nhìn ở các cạnh bên, ta có thể thấy Forerunner 265 có tới hẳn 5 nút bấm thay vì chỉ 2 hay 1 nút như các smartwatch khác. Yếu tố thiết kế này tôi tin rằng để khi đi chạy hoặc chơi bất cứ môn thể thao nào, mọi người sẽ sử dụng các nút bấm vật lý để thao tác một cách chính xác hơn so với việc nhấn vào màn hình cảm ứng.
Vì có nhiều nút nên điều chắc chắn là bạn sẽ phải học lại cách điều khiển smartwatch, với tôi thì cũng mất khoảng 3 - 4 ngày dùng đầu để làm quen. Trong hệ thống nút này có nút ‘Run’ là đáng nói nhất, chỉ cần nhấn vào là những bài tập chạy sẽ hiện ra, càng nhấn mạnh thêm 1 lần nữa rằng đây là một chiếc smartwatch dành cho bộ môn chạy.
Màn hình của đồng hồ có kích thước 1.3 inch, sử dụng tấm nền AMOLED cộng với giao diện có nhiều màu đen nên cho cảm giác sắc nét, độ tương phản cao. Khi sử dụng dưới trời nắng, màn hình dù có bị bóng ở lớp kính phía trên thì cũng có đủ độ sáng để nhìn rõ được - một yếu tố quan trọng vì chiếc đồng hồ này được làm ra để đem đi chạy!
Thiết kế chung của Forerunner 265 tôi đánh giá là mang hơi hướng thể thao, với phần viền dày nhìn cứng cáp và nút bấm và dây đeo in chữ ‘Run’ (Chạy). Tuy vậy tôi vẫn thường xuyên sử dụng Forerunner 265 khi đi làm, đi chơi vì nhìn từ xa nó vẫn đủ sự đơn giản và lịch sự, không bị ‘lố’.
Tính năng chuyên chạy và chăm sóc sức khỏe
Ngay từ cái tên, Forerunner 265 đã thể hiện rằng đây là một chiếc smartwatch hướng tới những người tập chạy rồi, vậy trải nghiệm đi chạy với sản phẩm này như thế nào? Vì có một nút bấm chuyên để truy cập chế độ chạy nên việc set-up trước khi chạy với Forerunner 265 là rất nhanh, nếu đã lựa chọn mục tiêu (tốc độ, Pace, quãng đường) từ trước thì chỉ cần đúng 3 thao tác là đã có thể bắt đầu chạy được rồi.
Đồng hồ cũng có thể gợi ý những bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe ngày hôm đó cũng như sức khỏe thể chất nói chung. Khi chạy, đồng hồ sẽ liên tục nhắc nhở khi tôi chạy quá chậm, chạy quá nhanh, nhịp tim quá nhanh bằng cả giọng nói (qua tai nghe đang kết nối với smartphone) cũng như rung nhẹ ở trên tay.
Giao diện chạy của Garmin từ trước tới nay vẫn vậy - đơn giản tới hết mức có thể để tránh xao nhãng trong lúc luyện tập. Tuy vậy sau khi chạy thì đồng hồ sẽ có nhiều màn hình để theo dõi một cách tổng quát lần chạy đó, bao gồm hỏi người dùng cảm giác như thế nào, đã thực sự hết sức hay chưa, biểu đồ Pace theo thời gian, Pace trung bình, số bước đã chạy và những thành tích mà tôi đã đạt.
Đồng hồ cũng được trang bị hệ thống GPS đa băng tần, cho độ chính xác cao hơn dành cho những bạn thường xuyên ghi lại hành trình của những lần chạy ngoài đường. Tuy vậy cũng cần lưu ý là khi sử dụng tính năng này thì thời lượng pin sẽ giảm khá nhiều. Trên thực tế, nếu chỉ sử dụng Forerunner 265 làm đồng hồ đeo hàng ngày, và theo dõi bài chạy cơ bản thì thời lượng pin có thể kéo dài tới hơn 10 ngày, nhưng nếu bật GPS và sử dụng liên tục thì pin sẽ còn dưới 1 ngày.
Ở những smartwatch Garmin tính năng tôi thấy hay nhất là ‘Pin năng lượng cơ thể’ hay Body Battery, tổng hợp các thông số như SpO2, nhịp tim, thời gian ngủ ngày hôm trước để cho ra 1 chỉ số duy nhất về năng lượng để tiện theo dõi. Với Forerunner 265 thì có 1 thông số khác tôi cũng thường để ý là ‘Mức sẵn sàng luyện tập’, theo dõi mức độ phục hồi sau bài tập trước để tôi quyết định là đi tập tiếp, hay nghỉ một ngày để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài ra Chế độ ngủ và Báo cáo buổi sáng cũng là các tính năng hay trên chiếc smartwatch này. Tới buổi tối, giao diện của Forerunner 265 sẽ chuyển sang đen trắng, tắt chế độ Màn hình luôn hiện và chỉ hiện những thông số cơ bản, không nhận thông báo để tôi không bị phân tâm và tập trung ngủ. Báo cáo buổi sáng thì gồm những màn hình tổng hợp thông tin chất lượng ngủ, thời tiết bên ngoài và câu chúc “Buổi sáng tốt lành”.
Công cụ chuyên dụng, dùng được hàng ngày
Giống như tiêu đề, chiếc Garmin Forerunner 265 sinh ra là để làm công cụ phục vụ cho những bạn đi chạy. Từ những chi tiết thiết kế như có nhiều nút bấm, trọng lượng nhẹ, dây đeo thoải mái cho tới GPS và phần mềm đều đang hướng tới bộ môn chạy, và những bạn nào tập môn này chắc chắn sẽ tận dụng được hết sức mạnh của nó.
Tuy vậy trong sử dụng thông thường, tôi vẫn đánh giá cao chức năng của Forerunner 265 là một chiếc smartwatch ‘đời sống’. Các tính năng như đo trạng thái biến thiên nhịp tim, VO2 Max, đo mức độ Stress, Sp02, chất lượng giấc ngủ và thời lượng pin rất lâu giúp chiếc smartwatch này thực hiện tốt công việc theo dõi sức khỏe hàng ngày của người dùng.
Trở ngại đối với đại đa số người dùng sẽ là mức giá của Forerunner 265. Dù là dòng sản phẩm tầm trung của Garmin thôi nhưng chiếc smartwatch này cũng đã có giá là 11.69 triệu Đồng rồi - hoàn toàn phù hợp với lượng tính năng mà nó đem tới nhưng cũng là một khoản đầu tư mà người dùng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI