(Tổ Quốc) - Đây sẽ là vi xử lý được sử dụng trong các máy Android đầu bảng của 2023, hứa hẹn hiệu năng cao nhưng mát và tiết kiệm pin hơn thế hệ trước.
Mặc dù trên thị trường đã xuất hiện một vài nhà sản xuất chip smartphone với chất lượng tốt hơn trước, song cái tên "Qualcomm Snapdragon" vẫn được các hãng smartphone và người dùng tin dùng. Đến với 2023, vi xử lý đầu bảng từ Qualcomm được ra mắt với cái tên Snapdragon 8 Gen 2, dường như sẽ "chi phối" sức mạnh của toàn bộ smartphone được ra mắt trong nửa đầu năm nay.
Một trong những dòng máy sở hữu vi xử lý này đến tay người dùng Việt Nam là Xiaomi 13 phiên bản xách tay. Hãy cùng làm một bài thử ngắn để xem con chip này mạnh mẽ tới đâu, đặc biệt là có gặp hiện tượng quá nhiệt như phiên bản tiền nhiệm 8 Gen 1 hay không!
Xiaomi 13 - "Hay ho" mà không cần Pro, Max hay Ultra
Trước khi đi sâu hơn về Snapdragon 8 Gen 2, ta sẽ cùng nói qua một chút về "cái vỏ" bao quanh con chip này - Xiaomi 13. Mặc dù thuộc dòng máy cao cấp, Xiaomi 13 vẫn không phải đầu bảng vì ra mắt cùng với nó còn có Xiaomi 13 Pro với nhiều công nghệ "đạt đỉnh" hơn như cảm biến camera lớn 1 inch, màn hình 6.7 inch QHD LTPO 120Hz, sạc 120W...
Xiaomi 13 vì vậy mà cũng có cấu hình "khiêm tốn" hơn, nhưng vẫn có ưu điểm riêng của mình. Trong đó đáng nói nhất là tính công thái học cao nhờ màn hình 6.4 inch gọn gàng, độ mỏng chỉ 8mm, trọng lượng nhẹ 185g và những góc được bo tròn hợp lý. Tôi thực sự có cảm tình với những chiếc máy kích thước nhỏ mà vẫn có cấu hình đầu bảng, đơn giản vì máy nhỏ sẽ nằm gọn gàng trong túi quần hơn, cầm trên tay cũng thoải mái hơn hẳn.
Các cấu hình khác của máy bao gồm màn hình OLED 120Hz FullHD không phải dạng LTPO, hệ thống 3 camera sau bao gồm rộng 50MP, zoom 3.2x 10MP và siêu rộng 12MP được chỉnh màu bởi Leica, pin 4500 mAH và sạc 67W có thể nạp đầy pin từ cạn kiệt trong 38 phút - như đã đề cập ở trên thì vẫn là cấu hình mạnh nhưng chưa phải là tốt nhất như Xiaomi 13 Pro.
Hiệu năng benchmark Snapdragon 8 Gen 2
Để kể về các nâng cấp của Snapdragon 8 Gen 2 có lẽ bài viết này sẽ "dài như bài sớ", nên ta sẽ chỉ nói về những thứ liên quan trực tiếp đến hiệu năng xử lý. Con chip này được sản xuất trên tiến trình 4nm của TSMC, với GPU Adreno 740, nhân CPU lớn ARM Cortex-X3, 2 nhân ARM Cortex-A715, 2 nhân Cortex-A710 và thêm 3 nhân tiết kiệm điện khác là ARM Cortex-A510, tất cả chia sẻ 8MB bộ nhớ cache.
Ta sẽ bắt đầu với loạt benchmark, đầu tiên là Antutu V9.5.5. Máy đạt 1.263.611 điểm với CPU đạt 271.746 và GPU là 574.957. Điểm số này cao hơn Snapdragon 8 Gen 1 bên trong Galaxy S22 Plus khoảng 32% trên điểm tổng, 21% với điểm CPU và 35% với điểm GPU. Đây không phải là một khoảng cách nhỏ, đặc biệt ở điểm số GPU - ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng khi chơi game.
"Ngó" qua bảng xếp hạng thì Xiaomi 13 lọt luôn top 1, có lẽ thời gian tới các dòng máy gaming với khả năng tản nhiệt tốt hơn (gel, tấm đồng lớn hay thêm cả quạt) thì vị trí này sẽ có sự thay đổi.
Chuyển qua Geekbench, Xiaomi 13 đạt 1.435 điểm đơn nhân và 5.133 điểm đa nhân, cao hơn Galaxy S22 Plus lần lượt 17% và 56%. Có thể thấy điểm đơn nhân của dòng chip mới không nhỉnh hơn quá nhiều, nhưng sức mạnh tổng hợp của tất cả các nhân thì đã có sự tăng tiến đáng kể.
Chuyển qua bài thử 3DMark để đánh giá về GPU, Xiaomi 13 đạt 3.748 điểm trong bài thử Wild Life Extreme, FPS trung bình 22.4. Điểm số này cao hơn Galaxy S22 Plus lên tới 50%, khoảng cách thậm chí còn lớn hơn so với bài thử GPU của Antutu!
Điểm đáng mừng là khi chuyển qua Wild Life Stress Test, cho máy chạy lại bài thử liên tục 20 lần thì Xiaomi 13 không gặp hiện tượng quá nhiệt. Còn nhớ năm ngoái một vài dòng máy sử dụng Snapdragon 8 Gen 1 liên tục gặp tình trạng quá nhiệt, tụt xung ảnh hưởng đến điểm số. Cũng phải nói rằng bài thử này được tôi thực hiện trong điều kiện trời Hà Nội lạnh chỉ 14 - 15 độ, trong ngày hè nóng bức thì kết quả chắc chắn sẽ khác.
Trải nghiệm thực tế với game
Ta chuyển từ những bài benchmark có phần "khô khan" và vào chiến game thực tế. Những tựa game MOBA như Liên Quân Mobile, Tốc Chiến giờ đã quá nhẹ với các dòng chip cao cấp, nên chỉ cần đánh giá bằng 2 chữ là "Đạt đỉnh". Chiếc Galaxy S22 Plus của tôi hiện vẫn có thể đặt đồ họa cao nhất của 2 game này, thì Xiaomi 13 với chip còn mạnh hơn thì đó là chuyện quá dễ dàng.
Trong thời gian tới Liên Quân Mobile sẽ được cập nhật để thêm 120 FPS, lúc này thử thách sẽ trở nên khó khăn hơn và chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc riêng một bài viết về vấn đề này.
Thử thách "khó nhằn" hơn tất nhiên vẫn là tựa game khám phá Thế giới mở Genshin Impact. Khi mở game, Genshin Impact chọn cho Xiaomi 13 cấu hình đồ họa trung bình, thứ tôi chỉnh duy nhất là tăng khung hình từ 30 lên 60 FPS. Lúc này máy đạt được mức 60 FPS một cách dễ dàng, nhưng ở những phân đoạn chuyển cảnh vẫn xảy ra hiện tượng "tụt FPS" xuống khoảng 55 - 57.
Bài thử khó nhất là khi chuyển qua cấu hình cao nhất, lúc này máy đã không còn giữ vững được 60 FPS nữa mà giảm còn trung bình 46.8 FPS. Nhìn đồ thị có lẽ bạn đọc cũng nhận ra là biểu đồ FPS đã không còn là đường thẳng mà giảm dần dần, vì càng chơi trong thời gian dài thì máy càng nóng lên, hiệu năng cũng sẽ phải giảm để tránh quá nhiệt.
Nhìn tổng thể, Snapdragon 8 Gen 2 là con chip có sự nâng cấp rõ rệt so với phiên bản trước, cả về hiệu năng lẫn khả năng kiểm soát nhiệt. Nó vẫn "chập chững" khi gặp bài thử "nặng đô" là Genshin Impact đồ họa cao nhất, lúc này điều bạn cần làm là giảm cấu hình xuống đôi chút hoặc... đợi 1 năm nữa để có Snapdragon 8 Gen 3!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming