Đánh giá HyperX Cloud Stinger: tai nghe gaming tốt trong tầm giá

    Steve,  

    Stinger có vẻ là kẻ tiếp nối những người đàn anh Cloud và Cloud II trong việc thách thức giới hạn của tầm giá.

    Đã hơn 2 năm kể từ khi “đại gia bộ nhớ” Kingston bắt đầu cuộc xâm lăng vào thị trường tai nghe gaming với việc ra mắt dòng sản phẩm HyperX Cloud. Ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng Kingston đang có một bước đi hơi điên rồ, khi nhiều thương hiệu như Razer, Corsair, Steelseries đã tham gia thị trường này từ lâu và khẳng định được tên tuổi, nhất là khi Steelseries từng sản xuất tai nghe HyperX trước đó cho Kingston.

    Thế nhưng, chiếc HyperX Cloud đầu tiên dần chiếm được cảm tình của giới game thủ do thiết kế chắc chắn, âm thanh đáp ứng đa dạng game, để rồi những thế hệ kế tiếp như Cloud II hay Cloud Revolver đáp ứng gần như mọi lựa chọn của game thủ, từ các game esport như Dota 2, LOL, CSGO hay những tựa game nhập vai khó nhằn.

    Tuy vậy, Kingston vẫn thiếu một chiếc tai nghe giá tốt, hướng đến những người sử dụng phổ thông - không chỉ yêu cầu gaming mà còn cần đảm bảo các nhu cầu khác. Và đó là lí do cho sự ra đời chiếc tai nghe mới nhất của Kingston: HyperX Cloud Stinger.

    Tong thời gian qua, cộng đồng game thủ - đặc biệt là giới chơi game esport - vẫn mong chờ xem chiếc tai nghe giá cực tốt của Kingston lần này sẽ đêm lại những gì. Liệu những gì nó mang lại có tạo nên sự khác biệt trong phân khúc tai nghe gaming 50$ như chiếc HyperX Cloud từng làm với phân khúc 100$ ở thời điểm ra mắt hay không? Tôi cũng bán tín bán nghi kể từ khi chiếc headphone này ra mắt: “50$ ư?”.

    Nếu bạn cũng đang không chắc chiếc tai nghe này có hợp với mình không, hay một vài phút nghe thử tại cửa hàng điện máy cũng chưa đủ để bạn đưa ra quyết định, hãy cùng tôi xem những gì chiếc tai nghe 50$ từ Kingston này có thể mang lại. Rất có thể bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình, giống như tôi.

    Mở hộp HyperX Cloud Stinger

    Kingston vẫn giữ nguyên phong cách đóng hộp từ chiếc Cloud Revolver: bên trong lớp vỏ với một vài thông tin giới thiệu là một hộp giấy màu đen bí ẩn.

     Nhân vật chính của chúng ta đây rồi.

    Nhân vật chính của chúng ta đây rồi.

     Phụ kiện duy nhất đi kèm với HyperX Cloud Stinger là một dây cáp chia chữ Y phục vụ sử dụng cả tai nghe và micro trên PC. Ngoài ra bên trong hộp chỉ còn giấy hướng dẫn sử dụng cơ bản cũng như tờ giới thiệu sản phẩm dòng HyperX.

    Phụ kiện duy nhất đi kèm với HyperX Cloud Stinger là một dây cáp chia chữ Y phục vụ sử dụng cả tai nghe và micro trên PC. Ngoài ra bên trong hộp chỉ còn giấy hướng dẫn sử dụng cơ bản cũng như tờ giới thiệu sản phẩm dòng HyperX.

    Thiết kế đơn giản, liền mạch

    Thiết kế của chiếc Cloud Stinger đem lại cho tôi cảm giác ấn tượng về sự tối giản ngay khi mở hộp: nó được phủ một lớp sơn màu đen nhám lì lợm. Tôi vốn quen với những chiếc tai nghe gaming với nhiều chi tiết hầm hố, đôi khi là những màu sắc phô trương mang tính chất khiêu khích kiểu game thủ, thế nên với tôi, đây cũng là điều khá lạ.

    HyperX Cloud Stinger có ngôn ngữ thiết kế liền mạch, chắc chắn và đáng tin cậy. Thiết kế này khiến tôi có thiện cảm với nó hơn nhiều. Thế nhưng, sự liền mạch đó không đồng nghĩa với việc Cloud Stinger cứng nhắc và không thể điều chỉnh được. Ngay khi nhấc nó ra khỏi hộp, tôi lập tức nhận ra chiếc tai nghe này cũng có thể “biến hình” được kha khá.

    Phần khung của HyperX Cloud Stinger là một thanh kim loại có khả năng uốn cong linh hoạt, bao quanh là lớp nhựa kèm phần đệm mút bọc da. Cùng với đó là hệ thống ray trượt theo nấc để tăng chiều dài khung. Điều này rất có ý nghĩa với những người có vòng đầu không nhỏ như tôi.

    Có lẽ để phù hợp với nhiều kiểu thói quen sử dụng khác nhau mà phần củ tai (ear cups) của Cloud Stinger có khả năng xoay 90 độ theo chiều trước sau. Đây là điểm mới trên dòng HyperX Cloud Gaming.

    Tuy vậy, ở đây có chút làm tôi bất ngờ và không hài lòng, khi phần microphone của Cloud Stinger được gắn liền với phần bên trái tai nghe chứ không thể tháo rời như những người anh em HyperX Cloud khác, và hơn nữa, chiếc microphone này cũng không đi kèm màng lọc tiếng ồn.

    Bên tai phải là nút điều chỉnh âm lượng theo kiểu gạt liền mạch, vô cùng đơn giản.

    Xem xét thế cũng đã tạm đủ, thử đeo trực tiếp lên xem sao.

    Cảm giác sử dụng:

    Trực tiếp đeo tai nghe lên, sau vài động tác điều chỉnh cho vừa vặn, tôi có thể cảm nhận rõ được, cảm giác khi đeo Cloud Stinger là quá nhẹ nhàng, dễ chịu so với những chiếc headphone khác tôi từng sử dụng.

    Được biết trọng lượng của Cloud Stinger chỉ là 275g, nhẹ hơn đến 15-20% so với đại đa số tai nghe gaming khác cùng phân khúc.

     Hai bên củ tai mỗi bên đều được gắn bởi 2 con vít. Một bên ghi thương hiệu Kingston, một bên ghi rõ Assembled in China - cho thấy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

    Hai bên củ tai mỗi bên đều được gắn bởi 2 con vít. Một bên ghi thương hiệu Kingston, một bên ghi rõ "Assembled in China" - cho thấy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

    Hơn nữa, cảm giác dễ chịu dường như không chỉ đến từ trọng lượng nhẹ, mà còn đến từ phần đệm tai với chất liệu mút hoạt tính (memory foam) được bọc trong lớp giả da. Chất liệu này có vẻ cũng đem lại khả năng chống ồn tương đối tốt - khi vừa đeo tôi đã có cảm giác như đang được nhẹ nhàng bịt tai lại, còn khi mở nhạc thì không nghe thấy tiếng ồn bên ngoài - dù chưa ở âm lượng cao nhất.

    Để thử nghiệm, tôi đã đeo HyperX Cloud Stinger 3-4 tiếng liền kết hợp chơi game và nghe nhạc, hiện tượng nhức đầu, khó chịu hoàn toàn không xuất hiện. Trải nghiệm ban đầu như vậy với tôi là khá hài lòng. Thế nhưng, cảm giác về chiếc microphone vẫn làm tôi có đôi chút vướng mắc, vậy là sau đó tôi thử sử dụng microphone này trên máy tính với cáp chia chữ Y rất dài (tận 1,7m) đi kèm xem sao.

    Với cáp chia, việc sử dụng microphone của Cloud Stinger trong game (tôi thử nghiệm với Dota 2) và Skype diễn ra suôn sẻ. Hóa ra chiếc microphone này cũng không đáng ghét như tôi tưởng: chỉ cần gạt nó lên vị trí thân tai nghe là chế độ mute sẽ được kích hoạt. Những khi cần sử dụng lại chỉ việc gạt nó xuống vị trí thuận tiện.

    Âm thanh thu từ microphone này cũng không tệ, theo kiểu âm thanh trong các hội nghị. Tuy thế, như tôi đã đề cập bên trên, vẫn có lượng tạp âm không nhỏ lọt vào microphone này.

    Đánh giá nhanh về âm thanh:

     Nếu sử dụng HyperX Cloud Stinger trên những máy chỉ có 1 cổng 3,5mm, bạn sẽ phải mua thêm 1 adapter chia cổng audio hoặc USB sound card.

    Nếu sử dụng HyperX Cloud Stinger trên những máy chỉ có 1 cổng 3,5mm, bạn sẽ phải mua thêm 1 adapter chia cổng audio hoặc USB sound card.

    Sau khi có quá trình thử nghiệm với nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm: chơi game, nghe nhạc, xem phim ở nhiều định dạng, tôi có thể tạm rút ra vài điểm cơ bản đáng chú ý nhất, mà có thể bạn cũng nên cân nhắc trước khi mua HyperX Cloud Stinger.

    - HyperX Cloud Stinger không mạnh về bass. Nếu bạn hay nghe thể loại nhạc điện tử có nhiều bass thì có lẽ đây không phải chiếc tai nghe nhạc cho bạn, tiếng bass trên Stinger nghe như một người đánh trống nhưng chỉ chạm mặt trống là dừng vậy. Đối lập lại đó là tiếng treble trong, đôi khi hơi cao. Cần chú ý là giọng nói nghe trên Stinger có xu hướng ấm và hơi vang (echo) hơn bình thường một chút. Bạn có thể nghe thử một bài của Maroon 5, sẽ thấy giọng anh chàng Adam Levine ấm hơn, nhưng lại có lúc như mỏng hẳn rất lạ.

    - HyperX Cloud Stinger rất thích hợp để chơi game, đặc biệt là game esport. Trải nghiệm thực tế trên game esport phổ biến CS:GO cho thấy: dù chỉ là tai nghe stereo, không có surround, nhưng cảm nhận về hướng âm thanh trên Stinger là tốt và đủ chính xác. Âm thanh chat voice (hay Skype/TeamSpeak) rất trong, rõ ràng và thật.

    - HyperX Cloud Stinger không thích hợp xem phim âm thanh surround. Như đã nói ở trên, nếu bạn muốn xem phim âm thanh 5.1, thì tôi xin cảnh báo trước, âm thanh thu được sẽ khá là “phẳng”, theo kiểu di chuyển ngang qua 2 tai bạn của stereo chứ không thể được như surround.

    Nói chung, ngoài âm thanh trong một số tựa game tôi đã thử nghiệm, chủ yếu là game esport, thì âm thanh của HyperX Cloud Stinger khá “thường” trong các tác vụ âm thanh khác. Có một điểm cộng mà tôi chưa nhắc đến, đó là Cloud Stinger có thể kết nối với hầu hết tất cả các thiết bị qua jack 3,5mm mặc định. Xbox One, PS4, PC, Mac hay smartphone đều được cả. Thử nghiệm trên smartphone chạy Android của tôi thì máy lập tức nhận Stinger như một headset (gồm tai nghe và microphone), và mọi chức năng của microphone cũng như tai nghe sử dụng bình thường.

    Tóm lại, HyperX Cloud Stinger là một tai nghe gaming đáng giá với những gì nó mang lại. Một chất lượng âm thanh gaming tốt, microphone phục vụ voice chat ổn định, cảm giác đeo tuyệt vời. Stinger là mẫu tai nghe lí tưởng cho bạn, nếu bạn cần một tai nghe phục vụ chơi game với chi phí thấp mà vẫn sử dụng được với các thiết bị khác. Còn theo tôi, Stinger là một lựa chọn hợp lí: nó mang chất lượng gaming và trải nghiệm sử dụng tốt hơn hẳn so với tầm giá. Có lẽ với HyperX Cloud Stinger, Kingston sẽ lại một lần thay đổi cuộc chơi tai nghe gaming phổ thông.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày