Đánh giá Linksys Velop AC6600: Bỏ 11 triệu cho hệ thống mesh Wi-Fi, liệu mọi thứ có hoàn hảo?
Velop AC6600 là hệ thống mesh Wi-Fi cao cấp nhất của Linksys với mức giá hơn 11 triệu đồng. Đắt tiền như vậy, nhưng liệu trải nghiệm có "sướng" hay không?
Wi-Fi cho tốc độ trồi sụt, mất sóng là một tình trạng phổ biến mà nhiều hộ gia đình gặp phải. Khi mà Internet giờ đây đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người chẳng kém gì nước, thức ăn và không khí; đã có nhiều giải pháp được đưa ra.
Rẻ và phổ biến nhất là những chiếc repeater với giá khoảng vài trăm nghìn đồng, tuy nhiên đây thực tế chỉ là một biện pháp "chống cháy" chứ không đem lại sự thoải mái về trải nghiệm, độ ổn định, cũng như tốc độ cho người dùng. Chính vì vậy, nhiều người đang để mắt đến Mesh Wi-Fi - những hệ thống Wi-Fi với nhiều bộ phát (hay được gọi là node), được sinh ra để hoạt động cùng nhau và bao phủ vùng phủ sóng trong một diện tích lớn.
Velop là giải pháp Mesh Wi-Fi dành cho gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Linksys. Velop gồm nhiều phiên bản với nhiều mức giá khác nhau, trong đó chia làm hai loại Dual-Band (2 băng tần) và Triple-Band (3 băng tần), mỗi loại lại có lựa chọn gồm 1/2/3 node. Velop có giá khởi điểm từ 2.290.000 đồng cho 1 node Dual-Band, cho đến 11.490.000 đồng cho bản cao cấp nhất với 3 node Triple-Band.
Hệ thống mesh Linksys Velop
Tuy nhiên, đừng để mức giá 2.29 triệu đồng đánh lừa bạn. Nếu bạn đã xác định "dấn thân" vào con đường mesh Wi-Fi thì đừng bao giờ chỉ mua 1 node riêng lẻ, bởi vì như vậy hệ thống mesh sẽ không phát huy được sức mạnh của mình. Thông thường, để có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của hộ gia đình, các hệ thống mesh thường được vận hành với tối thiểu 3 node. Và trong trường hợp của Velop, người dùng sẽ phải bỏ ra 6.6 triệu đồng cho loại Dual-Band và 11.4 triệu đồng cho loại Triple-Band.
Chúng tôi có cơ hội được thử nghiệm hệ thống Velop Tri-Band AC6600 với 3 node với giá 11.4 triệu, cũng là hệ thống cao cấp nhất như đã nói ở trên. Với mức giá có thể nói là rất cao cho một hệ thống Wi-Fi gia đình, liệu Velop sẽ thể hiện ra sao?
Thông số cấu hình của Velop
Tên sản phẩm "Velop AC6600" có thể khiến bạn lầm tưởng rằng băng thông của hệ thống này có thể đạt được mức 6600Mbps, tuy nhiên một lần nữa, đừng để bị đánh lừa nhé! 6600Mbps thực chất là băng thông tổng của 3 node, và mỗi node chỉ là 2200Mbps mà thôi.
Chưa hết, 2200Mbps cũng không phải tốc độ tối đa mà bạn có thể đạt được, vì 2200Mbps này thực chất được chia ra thành 3 băng tần: 1 băng tần 2.4Ghz với tốc độ tối đa 400Mbps và 2 băng tần 5Ghz với tốc độ tối đa 867Mbps. Khi thiết bị kết nối vào hệ thống Wi-Fi, nó sẽ chỉ được gán vào 1 trong 3 băng tần đó, vậy nên trong trường hợp lý tưởng thì tốc độ tối đa cũng chỉ là 867Mbps - chứ không phải 6600Mbps như nhiều người lầm tưởng.
Lợi thế của phiên bản Velop Triple-Band so với phiên bản Dual-Band chính là ở việc phiên bản Triple-Band có đến 2 băng tần 5Ghz, trong khi phiên bản Dual-Band chỉ là 1. Với việc có ngày càng nhiều thiết bị sử dụng băng tần 5Ghz, việc Linksys trang bị cho phiên bản cao cấp của mình 2 băng tần 5Ghz sẽ giúp tốc độ truyền tải tốt hơn.
Ngoài ra, Velop AC6600 còn hỗ trợ một số công nghệ nổi bật như 802.11ac, MU-MIMO, Beamforming, Bluetooth 4.0 (dùng để thiết lập ban đầu).
Về cổng kết nối, mỗi node đều được trang bị 2 cổng ethernet, nút reset, cổng nguồn và nút bật tắt. Ở cạnh trên là một đèn trạng thái để thông báo tình trạng của hệ thống mạng.
Velop bao gồm 2 cổng ethernet ở cạnh đáy
Đèn trạng thái ở cạnh trên của Velop giúp người dùng dễ dàng biết được tình trạng của hệ thống mạng
Môi trường thử nghiệm & quá trình thiết lập
Velop được thử nghiệm tại một căn nhà có diện tích 40m2 với 5 tầng. Tầng 1 không có vách ngăn, riêng các tầng 2, 3, 4 được chia đôi làm hai phòng sinh hoạt. Ngoài ra, mỗi tầng còn có một nhà WC ở ngoài cùng (không có trong sơ đồ). Modem được đặt tại tầng 3, sử dụng mạng cáp quang của FPT với gói cước F2 (tốc độ 55Mbps).
Mô hình ngôi nhà được thử nghiệm
Cũng như những hệ thống mesh khác, quá trình thiết lập Velop được thực hiện hoàn toàn qua smartphone thông qua ứng dụng Linksys. Người dùng sẽ lấy bất kỳ 1 node, cắm dây từ modem vào cổng WAN, và sau đó sử dụng ứng dụng để thiết lập những thông số cơ bản. Lưu ý, do ứng dụng sẽ sử dụng Bluetooth của smartphone để tìm kiếm Velop xung quanh, người dùng sẽ cần đặt smartphone gần với router để thiết lập.
Sau khi thiết lập xong node chính, ứng dụng sẽ hỏi người dùng muốn bổ sung các node phụ hay không. Lúc này, nhiệm vụ của người dùng sẽ là đặt các node còn lại vào các vị trí phù hợp để thỏa mãn hai điều kiện (1) đủ gần và không bị khuất để node phụ có thể kết nối với node chính, và (2) có thể bao phủ được các vùng khuất sóng của nhà.
Trong môi trường thử nghiệm là căn nhà trên, chúng tôi đã đặt node 2 và node 3 ở phòng trên và dưới của node chính (ở tầng 2 và 4). Nếu đặt ở tầng 1 và 5, hai node phụ sẽ không thể kết nối với node chính, vì vậy đặt ở tầng 2 và 3 là giải pháp duy nhất. Trong quá trình cài đặt, ứng dụng sẽ kiểm tra khá kỹ lưỡng khả năng giao tiếp giữa node chính và node phụ để đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định, và người dùng có thể dựa vào đó để điều chỉnh cho phù hợp.
Đánh giá tốc độ của Linksys Velop AC6600: Tốc độ tốt, tuy nhiên khoảng cách phát sóng chưa thật sự ấn tượng
Để kiểm tra tốc độ của từng node, chúng tôi sẽ sử dụng công cụ phổ biến Speedtest.net trên chiếc Huawei Mate 20 Pro - smartphone hỗ trợ mạng Wi-Fi nhanh nhất hiện nay với tốc độ lên đến 1733Mbps. Các bạn có thể đối chiếu sơ nhà ở trên và bảng kết quả của từng phòng ở dưới đây.
Tốc độ của Velop có thể nói là tốt, đặc biệt là chất lượng tín hiệu giữa các node (nếu được đặt ở vị trí hợp lý) hầu như không có sự sụt giảm đáng kể. Với tốc độ này, người dùng có thể thoải mái sử dụng các tác vụ "nặng" dành cho hệ thống mạng như stream video hay chơi game mà không gặp quá nhiều trở ngại.
Đương nhiên, tốc độ tốt chỉ đạt được khi người dùng giữ được một khoảng cách lý tưởng với node. Có thể thấy ở các phòng số (3) và số (7), khi dữ liệu phải truyền ở một khoảng cách xa hơn (từ thiết bị qua một bức tường đến node phụ, sau đó từ node phụ qua một bức tường đến node chính), tốc độ cũng vì thế mà suy giảm đáng kể.
Khi ở gần các node, tốc độ đạt được rất ổn định
Rõ ràng hơn cả là phòng số (9), khi tốc độ tải về chỉ còn 20Mbps, bằng 1/3 so với băng thông của mạng. Thậm chí, ở góc khuất nhất ở căn phòng số (9), chúng tôi ghi nhận tốc độ tải về chỉ là 2Mbps, chỉ đủ để lướt web cơ bản và trả lời tin nhắn chứ khó có thể sử dụng cho các tác vụ khác.
Ngoài ra, như đã nói ở trong phần "Môi trường thử nghiệm", mỗi tầng đều có một nhà WC ở ngoài cùng, ngăn cách bởi hai bức tường. Ở vị trí này, Velop thất bại khi chiếc Huawei Mate 20 Pro không thể bắt được sóng. Có thể thấy, các node của Velop có khả năng truyền tải tốc độ rất tốt, tuy nhiên vùng phủ sóng và khả năng xuyên tường không ấn tượng.
Cũng như các hệ thống mesh khác, khi di chuyển xuyên suốt căn nhà, quá trình chuyển từ node này sang node khác sẽ khiến thiết bị bị mất mạng trong khoảng 2-3 giây. Đây là điểm yếu cố hữu của tất cả các hệ thống mạng Wi-Fi hiện nay chứ không riêng gì Velop.
Phần mềm quản lý và những tính năng bổ trợ
Để quản lý và điều chỉnh các thông số của hệ thống mesh Velop, người dùng cũng sẽ sử dụng phần mềm Linksys trên smartphone. Một số tính năng quản lý và bổ trợ của Velop là:
- Kiểm tra tình trạng của hệ thống mạng (có mạng hay không, tốc độ ra sao).
- Xem danh sách thiết bị đang kết nối (tên thiết bị, băng tần, node kết nối).
- Tính năng Wi-Fi dành cho khách (Guest Access). Wi-Fi dành cho khách sẽ có SSID và mật khẩu tách biệt so với mạng chính, ngoài ra các thiết bị kết nối vào Wi-Fi khách sẽ không thể nhìn thấy các thiết bị khác trong cùng mạng LAN.
- Tìm kênh (channel) tối ưu cho hệ thống mesh.
- Ưu tiên tốc độ cho một số thiết bị được chỉ định trong mạng.
- Hạn chế giờ vào mạng hoặc/và chặn website của thiết bị được chỉ định.
Ngoài ra, Velop còn có phần quản trị và cài đặt, cho phép người dùng thiết lập các thông số cơ bản mà mọi router đều có (DHCP Server, Port Forwarding, MAC Filter, DNS, mật khẩu...) và cập nhật firmware.
Kết luận: Bỏ 11 triệu cho hệ thống mesh Wi-Fi, liệu mọi thứ có hoàn hảo?
Velop là một hệ thống mesh Wi-Fi tốt, tuy nhiên không hoàn hảo trong mọi khía cạnh. Tốc độ và sự ổn định là điểm mạnh nhất của Velop, khi trong suốt quá trình thử nghiệm (~2 tuần), chúng tôi không hề gặp phải tình trạng sụt tốc độ hay node mất kết nối như nhiều sản phẩm mesh giá rẻ khác.
Tuy nhiên, vùng phủ sóng (range) của từng node lại không được như những gì tôi mong đợi. Khả năng xuyên tường của Velop không thật sự tốt, khiến cho căn nhà vẫn tồn tại những "điểm mù" về sóng Wi-Fi.
Cần nhấn mạnh rằng: yếu tố này phụ thuộc RẤT NHIỀU vào kiến trúc của công trình. Nếu bạn đặt Velop ở một không gian mở, ít tầng, ít tường, tôi cho rằng nó sẽ thể hiện tốt hơn rất nhiều. Thực tế, những thiết bị mesh Wi-Fi hiện nay đa phần đều được thiết kế cho kiến trúc phương Tây, và Velop cũng không nằm ngoài ngoại lệ này. Chính vì vậy, việc chúng có thể hoạt động tốt ở Việt Nam (nhiều tầng, nhiều vách ngăn) là rất khó khăn.
Thực tế, vấn đề trên có thể giải quyết được bằng cách mua thêm node để đặt vào vị trí các "điểm mù" trên. Nhưng với mức giá cao của Velop, tôi tin rằng đây sẽ là một trở ngại lớn. Liệu bạn có sẵn sàng bỏ ra hơn 10 triệu cho một hệ thống Wi-Fi, để rồi lại phải tiếp tục mua thêm node hay không? Có lẽ, quyết định này sẽ dễ dàng hơn nếu Velop có một mức giá dễ chịu hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"