Đem triết lý thiết kế của OnePlus xuống một tầm giá mà ai cũng có thể tiếp cận được.
2020 là năm đánh dấu sự thay đổi rõ rệt của OnePlus. Bên cạnh những dòng sản phẩm chính là OnePlus 8 Pro, 8T hãng còn công bố 1 loạt những sản phẩm Nord hướng đến phân khúc giá rẻ và trung. Bên cạnh chiếc Nord, phiên bản Nord N10 thấp hơn 1 bậc cũng đã cập bến thị trường Việt Nam và trở thành chiếc OnePlus đầu tiên có giá bán dưới 10 triệu Đồng.
Mặc dù là một người rất thích OnePlus và đánh giá cao cả 2 chiếc OnePlus 8T và 8 Pro, tôi không khỏi hoài nghi về một sản phẩm giá bán rẻ như chiếc Nord N10 này. Khi không gặp rào cản về giá bán OnePlus đã tạo nên những dòng sản phẩm đáng mua nhất thị trường, thì liệu hãng có thể làm được gì ở 1 tầm giá thấp hơn rất nhiều?
Hoàn thiện hết mức số tiền cho phép
Xuất hiện ở phân khúc 8 triệu Đồng, chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 những sản phẩm cao cấp nhất của OnePlus nên việc OnePlus Nord N10 không được hoàn thiện ở 'tiêu chuẩn 10 điểm' cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Song khi cầm trên tay trực tiếp chiếc máy này, ta nhận thấy hãng cũng đã cố gắng hoàn thiện hết mức số tiền cho phép, nói theo hướng tiêu cực thì là che giấu đi những điểm rẻ tiền, hay nói theo hướng tích cực thì là đem một số trải nghiệm tầm cao xuống dòng máy giá rẻ.
Thân máy được làm bằng nhựa bóng, với phiên bản màu ta có ở đây là màu xanh dương đậm. Cách pha màu của Nord N10 giúp cho máy không bị 'lòe loẹt', chỉ khi đặt dưới ánh đèn thì mới hiện màu còn nhìn từ xa sẽ giống với màu đen hơn.
Hệ thống camera của Nord N10 có 4 chiếc, bao gồm camera chính 64MP, camera siêu rộng 8MP, cảm biến đo chiều sâu 2MP và camera 2MP.
Vẫn như thường lệ, camera chính vẫn sẽ là camera có chất lượng cao nhất trên smartphone. Camera 64MP của Nord N10 với độ chi tiết ổn trong điều kiện đầy đủ sáng, và sẽ giảm đi đôi chút trong điều kiện thiếu sáng hay ánh sáng phức tạp. Trong bức ảnh ở trên được chụp trong 1 quán café tối, Nord N10 vẫn làm đủ tốt việc cân bằng những điểm tối và sáng để bức ảnh trở nên hài hòa, bên cạnh đó là không đẩy độ đậm màu lên quá cao để tạo cảm giác dịu mắt.
Khi chuyển tới camera góc siêu rộng thì chất lượng giảm đi khá là rõ rệt, những chi tiết nhỏ bị mờ đi đặc biệt là ở khu vực góc ảnh và nên được dùng ở ngoài trời hơn là trong nhà. Ảnh góc siêu rộng từ máy đôi khi cũng có cảm giác bị thiếu độ tương phản, nên cần thêm sự trợ giúp của phần mềm hậu kỳ trước khi có thể đăng tải.
Cuối cùng là camera Macro. Với độ phân giải chỉ 2MP cùng khẩu độ nhỏ f/2.4, ta cần cung cấp thật nhiều ánh sáng để camera này có thể chụp được những bức ảnh ưng ý. Kèm theo đó, camera Macro của Nord N10 không thể tự lấy nét mà có 1 khoảng nét cố định, nên người dùng sẽ phải tập làm quen với việc đưa người ra xa và vào gần để chụp ảnh. Đối với tôi đây là camera có tính hữu dụng không quá cao, khi trong nhiều trường hợp camera chính cũng đã có khả năng lấy nét đủ gần rồi.
Trở lại với thiết kế bên ngoài, một cách cắt giảm chi phí của Nord N10 nữa đó là sử dụng cảm biến vân tay điện dung truyền thống thay vì cảm biến dưới màn hình. Như thường lệ, tôi cũng không quá quan trọng vấn đề này vì một cảm biến điện dung chất lượng cao vẫn cho tốc độ mở máy nhanh, nhiều khi còn đáng tin hơn là cảm biến dưới màn hình.
Ngược lại, vấn đề âm thanh lại là thứ mà mà Nord N10 không hề bị cắt giảm, khi ngoài cổng 3.5mm truyền thống ta còn có hệ thống loa kép, thường chỉ thấy trên những dòng máy có giá bán trên 10 triệu Đồng. Sử dụng thực tế, hệ thống loa này cho tiếng hơi mỏng 1 chút, chưa có độ dày dặn và đậm như các dòng máy đắt tiền hơn, nhưng ít nhất việc âm thanh được phát ra đều từ 2 bên cũng là 1 nâng cấp rất lớn so với những hệ thống loa đơn rồi!
Màn hình sẽ là một thứ mà Nord N10 phải được cái này, mất cái kia. Điểm mà Nord N10 mất đó là màn hình AMOLED của những dòng máy cao cấp, vì vậy mà người dùng không được trải nghiệm màu đen siêu đậm (thấy rõ nhất khi dùng giao diện Dark mode), hay màu sắc siêu rực rỡ mà sẽ phải chấp nhận với chất lượng hiển thị ở ngưỡng 'ổn'. Từ lúc lấy ra khỏi hộp màn hình này ngả nhiều về xanh dương, cũng rất may là OnePlus cho phép ta điều chỉnh lại nhiệt độ màu của màn hình nên việc cân bằng lại sự ám màu này đơn giản chỉ là 1 lần kéo tay.
Màn hình có độ lớn 6.49 inch và độ phân giải FullHD , đều là những con số khá tiêu chuẩn và không có gì đáng nói. Đến cả hình dáng cũng không có gì quá nổi trội với 1 chấm tròn nhỏ để đặt camera selfie và một cái 'cằm' dày hơn thông thường nhưng chưa đến mức gây khó chịu, mất cân đối.
Màn hình Nord N10 với chấm tròn để đặt camera selfie...
...và 1 chiếc cằm hơi dày hơn thông thường 1 chút.
Điểm không tiêu chuẩn của màn hình Nord N10 là tần số làm tươi 90Hz. Tần số làm tươi 90Hz có khác biệt so với 120Hz của OnePlus 8T và 8 Pro hay không? Đối với những ai đã quá quen với tần số 60Hz của tất cả những loại màn hình khác thì trải nghiệm lên độ phân giải 90Hz đã cảm thấy được sự khác biệt, và trong thời gian sử dụng ngắn cũng sẽ không thấy 120Hz nổi trội hơn quá nhiều. Nhưng những ai đã dùng máy 120Hz thì việc 'hạ cấp' xuống 90Hz sẽ có nhận thấy nó 'chậm' đi phần nào.
Một thứ mà tôi rất thích ở những smartphone OnePlus nhưng cũng đã bị 'nerf' trên Nord N10 là bộ rung, khi nó không thể rung nhanh, mạnh và dứt khoát như OnePlus 8T hay 8 Pro. Đây là một yếu tố người dùng không thể tìm thấy trên bảng thông số, nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày.
Vi xử lý Snapdragon 690 mới, điểm nhấn là 5G
Đem lại sức mạnh xử lý cho OnePlus Nord N10 là vi xử lý Qualcomm Snapdragon 690 được ra mắt trong năm nay, có thể coi là người kế nhiệm cho Snapdragon 675 hiện nay cũng đã khá 'già cỗi'. Vi xử lý này đem lại rất nhiều hứa hẹn về hiệu năng, trong đó có 20% tốc độ tăng của CPU và tới 60% của GPU.
Điểm Antutu của Snapdragon 690 và so sánh với những dòng máy khác
Trong bài thử Antutu benchmark, Nord N10 đạt 283.019 điểm, đứng ngay sát Poco X3 với vi xử lý 732G, cho thấy là đúng như cái tên, Snapdragon 690 có hiệu năng gần hơn với những chip đầu 7 hơn là những chip 6 cũ.
Điểm Geekbench đa nhân của Snapdragon 690 cao gần bằng 845 của Pocophone F1
Với bài thử Geekbench, điểm đa nhân của Nord N10 thậm chí còn chạm ngưỡng 1808, nằm giữa điểm số thấp nhất và cao nhất ghi nhận được của Xiaomi Pocophone F1 với chip Snapdragon 845 đã 1 thời là đầu bảng. Nói đi cũng phải nói lại khi mà Snapdragon 845 hiện nay cũng đã khá cũ rồi, tính đến 2020 là đã 3 năm tuổi.
Điểm đánh giá đồ họa của Adreno 619L
Trong bài thử về GPU 3DMark Slingshot Extreme OpenGL Nord N10 đạt 2174 điểm. Để so sánh thì Snapdragon 675 trong chiếc Vsmart Live 4 đạt chỉ 1177 điểm, tức khoảng 54% số điểm của chip mới.
Cấu hình đồ họa Liên Quân Mobile
Mặc dù có những nâng cấp rõ rệt về hiệu năng, nhưng khi chơi game thì Nord N10 vẫn bị khóa 1 vài mức đồ họa cao nhất. Như ở Liên Quân Mobile, ta có thể đặt độ phân giải HD siêu cao, chi tiết ở mức cao nhưng 'Chất lượng hình ảnh' thì ở mức cao chứ không phải HD. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chiếu sáng theo vùng và độ 'rung rinh' của cây cỏ trong game, bù lại thì FPS luôn duy trì ở mức 60, không giảm kể cả trong những pha đánh nhau đủ cả 10 người.
Cấu hình đồ họa Liên Minh: Tốc chiến
Liên Minh: Tốc chiến cũng gặp tình trạng tương tự khi 2 mục Texture và Effect sẽ không thể đặt ở mức cao nhất. Tôi cũng đã có sự so sánh với 1 chiếc máy với cấu hình cao hơn thì những sự khác biệt về đồ họa trong game của Tốc chiến lại có ít sự khác biệt hơn so với Liên Quân, khi các yếu tố chiếu sáng và cây cối đều giữ nguyên, có lẽ vấn đề tối ưu hóa dành cho máy cấu hình thấp của tựa game này được làm tốt hơn.
Có những điểm hiệu năng được nâng cấp đáng kể, nhưng điều hữu dụng nhất mà Snapdragon 690 đem tới người dùng là tích hợp modem 5G dạng SA, NSA và Sub-6 (chỉ thiếu đi dạng mmWave tốc độ cao nhất của chip đầu 7 và 8). Đây là vi xử lý đầu 6 đầu tiên của Qualcomm sở hữu tính năng này, và Nord N10 cũng là một trong những sản phẩm đầu tiên sở hữu nó biến đây trở thành smartphone tích hợp 5G có giá bán chính hãng rẻ nhất tại Việt Nam.
Mạng 5G tại Việt Nam hiện nay không còn là một viễn cảnh xa vời nữa, khi mới đây nhà mạng Vinaphone đã thử nghiệm phát sóng 5G tại khu phố đi bộ Hoàn Kiếm. Theo những thử nghiệm ban đầu, mạng 5G cho tốc độ cao gấp 20 lần 4G, có thể đạt đỉnh lên tới 1.3Gbps để tải về game PUBG Mobile trong chỉ 30 giây. Bỏ qua những ứng dụng mang tầm 'vĩ mô' như Smartcity hay vẫn chưa có tính ứng dụng cao như AR qua 1 bên, việc có thể tải những ứng dụng nặng và phim độ phân giải cao trong vài giây là thứ mà chắc hẳn ai cũng hằng mong muốn, tất cả được mở ra bởi mạng 5G.
Đầu tư một smartphone trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là smartphone giá rẻ để có thể sử dụng trong những năm sắp tới thì tính năng đáng giá nhất chắc chắn sẽ là 5G - và hiện nay thì chỉ có Nord N10 làm được điều này. Đây trở thành ưu điểm lớn nhất của chiếc máy này trong thời điểm hiện nay, cho tới khi các hãng smartphone khác cũng bắt đầu sử dụng Snapdragon 690 trong những sản phẩm của mình.
Một bộ mặt mới của OnePlus
Nhắc đến OnePlus, tôi sẽ nghĩ ngay đến những smartphone 'hơi đắt nhưng không đắt nhất thị trường', bằng một cách nào đó vẫn hội tụ đầy đủ tất cả những thứ mà người yêu công nghệ mong muốn là OnePlus 8T hay OnePlus 8 Pro. Và tôi chắc chắn rằng những fan cứng của hãng cũng sẽ hướng tới việc mua những sản phẩm này, dù có phải 'thắt lưng buộc bụng, ăn mì gói' trong một thời gian dài.
Chính vì lẽ đó mà Nord N10 là một chiếc smartphone khá lạ lẫm đối với tôi, nó đi ngược với cách thiết kế sản phẩm trước đây của OnePlus, nhắm nhiều đến những người dùng phổ thông hơn là giới yêu công nghệ, yêu phần cứng. Nhưng có lẽ ta không nên trách OnePlus trong việc mở rộng đến phân khúc giá rẻ / trung, khi mà đến cả những hãng lớn như Samsung, Google hay Apple cũng đang làm điều tương tự, nếu như chỉ chăm chăm vào thị trường cao cấp thì có lẽ hãng sẽ không trụ vững được trong thời gian dài.
Nhìn vào mặt tích cực, Nord N10 vẫn mang trong mình 'triết lý thiết kế' của OnePlus khi đem lại sự hoàn thiện phần cứng rất tốt trong tầm giá, đặc biệt là sẽ 'phổ cập' mạng 5G với những người có thu nhập không cao. Đây là một điều đáng hoan nghênh và có lẽ những hãng khác cũng nên học tập!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI