Đánh giá Q-Mobile S10: "Bom tấn" Việt Nam?

    Minh Lết, Minh Lết 

    Giá cực "mềm", đầy đủ tính năng kết nối, hình thức đẹp, chất lượng phần nào được đảm bảo nhờ thương hiệu Q-Mobile đã gây được niềm tin với thị trường. S10 đã hội đủ những yếu tố cần thiết để thành công?

    Trung tuần tháng 4 vừa qua, ABTel, doanh nghiệp chủ quản thương hiệu Q-Mobile đã cho ra mắt mẫu smartphone chạy Android đầu tiên trong dòng sản phẩm Q-Mobile của hãng: S10. Chạy Android 2.2 và sử dụng màn hình cảm ứng điện dung với giá bán rất phải chăng, S10 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ phía người sử dụng cũng như báo chí.

    Đóng vai trò là một trong những "lá cờ đầu" của các sản phẩm smartphone chạy Android nội địa, trách nhiệm đặt lên vai của Q-Mobile S10 là rất lớn. GenK đã có cơ hội tiếp xúc với 1 mẫu thử của sản phẩm S10, sau đây là bài đánh giá để độc giả có thể có được một cái nhìn tổng quan về sản phẩm này.

    Cám ơn cửa hàng Hoàng Hà Mobile ở địa chỉ 194 Lê Duẩn, Hà Nội đã cung cấp sản phẩm cho GenK trong quá trình thực hiện bài viết này.

    Đập hộp
     


    S10 đi kèm các phụ kiện thông thường như sạc, dây nối, tai nghe, sách hướng dẫn và đĩa cài. Không có gì nổi bật về các phụ kiện này, trừ việc quyển sách hướng dẫn của S10 có vẻ rất dày, người viết không có cơ hội xem thử bên trong có những gì nhưng quả thật là hơi tò mò. Cũng muốn nói thêm 1 điểm đó là hộp của S10 đã thể hiện sự chau chuốt của Q-Mobile đối với "con cưng" của mình, tất nhiên là không thể so sánh với đẳng cấp như của Apple, nhưng cũng là một sự cố gắng rất đáng khen ngợi.


    Ấn tượng đầu tiên là S10 trông khá sang.



    Thiết kế

    Ngay khi nhìn thấy S10 trên trang chủ của Q-Mobile, người viết đã cảm thấy hào hứng và muốn ngay lập tức được dùng thử chiếc smartphone chạy Android gắn mác Việt này. Tất nhiên xấu hay đẹp phụ thuộc rất nhiều vào mắt thẩm mĩ của từng người, nhưng theo đánh giá chủ quan của người viết thì thiết kế của S10 thực sự cũng có những nét riêng.

    Mặc dù có đôi chỗ, chúng ta có thể thấy phảng phất những nét dường như là "vay mượn" từ các dòng sản phẩm của các hãng khác. Chẳng hạn như phần phím chức năng ở phía dưới màn hình, với tạo hình giống như một vệt inox vuốt nhọn 2 đầu, gợi nhớ đến thiết kế của các điện thoại dòng Xperia của Sony Ericsson. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể tạm hài lòng với những gì mà S10 đang có, vì dù sao với những kiểu dáng công nghiệp quá hoàn hảo của các điện thoại đi trước, thì một sản phẩm tầm thấp như S10, với mức độ đầu tư cho việc thiết kế kiểu dáng chỉ là tí hon so với các đại gia, việc thiết kế có chịu ảnh hưởng từ các model khác cũng là điều có thể hiểu được. Miễn sao Q-Mobile không "copy" quá trắng trợn là được. Và sự thực là S10 cũng tạo lập được dấu ấn riêng của mình.


    Slogan của Q-Mobile. Khá lạ mắt khi lần đầu tiên thấy 1 smartphone chạy Android có boot logo viết bằng tiếng Việt.

    Mặt trước máy chân phương với khuôn máy khá vuông vắn, màn hình 3.2 inch chiếm gần hết phần phía trước, phía dưới màn hình là một hàng 4 phím chức năng như truyền thống của các smartphone chạy Android: Home, Menu, Back, Search. Các phím này được thiết kế nổi rõ và được mạ Inox. Phía dưới màn hình, vỏ máy được phủ một lớp sơn sần giống như mặt lưng máy, lớp sơn sần giả da này khi người viết thấy lần đầu trên website của Q-Mobile thì nghĩ là S10 được bọc da thật. Lúc mở máy ra, phát hiện đây chỉ là một lớp sơn giả da, thú thật người viết có cảm giác nhẹ nhõm. Với các sản phẩm tầm thấp, chất lượng gia công và chất lượng vật liệu không cao, nếu Q-Mobile chọn việc bọc da giả cho sản phẩm sẽ là một sự lựa chọn rất tồi. Da giả chất lượng thấp có thể dẫn đến nhiều phiền phức về vấn đề vệ sinh cũng như độ bền của vỏ máy. May mắn là Q-Mobile đã đi một nước cờ đúng.


    Phần lưng của máy được sơn giả da, chứ không phải bọc da giả.

    Phần lưng máy được vuốt nhọn ở 2 đầu, tạo cho máy những đường cong khá lạ mắt, tuy nhiên trông thiết kế hình "hạt thóc" của máy, có lẽ nhiều người sẽ không cảm thấy ưng ý vì thiếu điểm nhấn cần thiết. Dù vậy, vẫn nên nhắc lại rằng chuyện đẹp hay xấu hoàn toàn do bạn đọc quyết định. Do 2 đầu đã bị vuốt nhỏ lại nên các phím chức năng và cổng giao tiếp không thể đặt vào 2 vị trí này được, thay vào đó S10 có các cổng giao tiếp và phím chức năng dời sang 2 bên sườn.


    Máy được vuốt nhọn ở 2 đầu


    Cạnh trái của máy khá đơn giản với 3 nút: Nguồn/khóa và 2 nút chỉnh âm lượng.

    Sườn trái gồm phím nguồn, và các nút điều chỉnh âm lượng, sườn phải được bố trí dày đặc hơn với cổng USB, khe cắm thẻ nhớ MicroSD , giắc cắm tai nghe 3.5mm và phím chụp ảnh. Tất cả các phím bấm trên S10 đều được thiết kế với hành trình phím rất sâu, cảm giác bấm rành mạch mà người viết đánh giá cao. Cổng USB và khe cắm thẻ nhớ đều được trang bị nắp đậy tránh nước và bụi bẩn, cũng là một sự cẩn thận rất đáng tiền. Tuy nhiên khe cắm thẻ nhớ MicroSD của S10 lại có thiết kế thiếu hợp lý: Khe cắm không minh họa chiều nhét thẻ và thụt khá sâu vào trong vỏ máy, khiến cho việc nhét thẻ vào và rút thẻ ra có thể trở nên hơi khó khăn với những ai không có móng tay.


    Cổng USB được che kín

    Khe cắm thẻ nhớ và lỗ cắm tai nghe 3.5mm


    Cảm giác sử dụng

    Tuy chiều dày của máy không hề khiêm tốn: Chỗ dày nhất lên đến 13.4mm nhưng máy được vuốt nhọn ở 2 đầu, khiến cho việc nhét S10 vào túi quần chật trở nên khá dễ dàng.


    Mép máy được vuốt nhọn

    Tuy nhiên do máy hơi dày, nên khi mang máy trong túi quần bò, cảm giác có vật lạ trong túi rất rõ. Tất cả các góc, cạnh của S10 đều được bo tròn, khiến dáng máy trở nên mềm mại, nữ tính. Cầm chiếc S10 trên tay, người viết cảm giác với kích thước nhỏ, dáng vẻ mềm mại, máy có lẽ phù hợp với nữ giới hơn là cho các quí ông. Chất lượng thân vỏ của máy ở mức chấp nhận được: khi cầm trên tay máy cũng cho cảm giác khá chắc chắn, tuy nhiên người viết vẫn cảm thấy phần vỏ máy phía dưới các phím chức năng có cảm giác hơi mỏng. Máy có trọng lượng vừa phải khi cầm trên tay, dù vậy, người viết vẫn muốn máy có trọng lượng lớn hơn một chút, suy cho cùng, những máy có trọng lượng lớn thường cho người sử dụng cảm giác dày dặn và ấn tượng là vỏ máy được chế tác bằng vật liệu có độ bền cao.


    Logo của Q-Mobile nằm ngay dưới phần loa thoại.

    Máy có kích thước nhỏ so với các smartphone hiện đại, lý do chủ yếu là màn hình của máy hơi nhỏ hơn kích cỡ chuẩn 3.5 inch. Nhưng người viết cảm thấy kích thước này là hoàn toàn hợp lý với cơ địa của người Việt Nam, máy nằm rất gọn trong lòng bàn tay, không hề có cảm giác cấn tay như khi sử dụng các smartphone cỡ lớn. Đồng thời kích thước nhỏ khiến cho việc thao tác trên màn hình cảm ứng bằng 1 tay trở nên dễ dàng hơn, thực tế là nhiều người Việt Nam gặp khó khăn khi sử dụng các smartphone với cỡ màn hình 4.3 inch vốn thiết kế cho người phương Tây với hình thể cao lớn.

    Màn hình


    Màn hình của máy hiển thị khá rực rỡ và có góc nhìn rộng.


    Màn hình của S10 là một trong những điểm mà người viết cảm thấy hài lòng nhất về mẫu di động này. Màn hình của máy lớn 3.2 inch là loại TFT  265k màu, phân giải 320 x 480 công nghệ cảm ứng điện dung. Màu sắc hiển thị trên màn hình khá rực rỡ và độ sáng của màn hình cũng khiến người viết cảm thấy thỏa mãn. Điểm đặc biệt là góc nhìn của màn hình trên S10 khá lớn, các bạn có thể nhận thấy điều này qua các bức ảnh trong bài viết: Rất nhiều bức ảnh không chụp chính diện màn hình nhưng màu sắc và hình ảnh vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

    Do điều kiện thử nghiệm, người viết không tháo được phần nilon bảo vệ màn hình, nhưng màn hình cảm ứng hoạt động vẫn khá nhạy, S10 cũng hỗ trợ cảm ứng đa điểm, những tính năng như phóng to thu nhỏ ảnh bằng 2 ngón tay, trượt kéo trang web hoạt động tốt. Có 1,2 lần người viết vẫn còn cảm thấy màn hình không phản ứng với thao tác, nhưng nhiều khả năng đó là do ảnh hưởng của lớp nilon bảo vệ.

    Cũng do lớp nilon bảo vệ, người viết không có điều kiện kiểm tra chất lượng và khả năng chống xước của lớp thủy tinh màn hình, tuy nhiên một kinh nghiệm chung cho các dòng điện thoại giá rẻ đó là : Cẩn tắc vô ưu. Cứ mua lấy 1 cái dán màn hình và bạn sẽ không bao giờ thấy hối hận vì đã làm thế.

    Hiệu năng

    S10 chạy hệ điều hành Android 2.2 và sử dụng luôn giao diện chuẩn của hệ điều hành này. Q-Mobile không "đụng chạm" tí gì đến giao diện của S10. Và người dùng cảm thấy đây là một bước đi hợp lý, ngay cả những hãng lớn như Samsung, Motorola, Sony Ericsson... cũng chịu nhiều chê bai khi tùy biến giao diện trên các smartphone của họ. Và Q-Mobile đã chọn hướng đi đúng: "Biết thì thưa thì thớt, không biết thì dựa cột mà nghe".

    Nhìn chung vì sử dụng giao diện chuẩn của Android nên không có gì nhiều cần bàn về phần mềm của S10. Q-Mobile cũng cài sẵn trên S10 một vài phần mềm khá hữu ích như Yahoo Messenger, Yahoo Mail, một trình quản lý file một phần mềm chỉnh sửa văn bản và cuối cùng là Facebook.


    Các ứng dụng cài sẵn khá quen thuộc với người Việt.

    Dù vậy, đây đều là những phần mềm miễn phí, nên việc Q-Mobile cài sẵn chúng trên S10 cũng không tạo nên nhiều khác biệt.Giao diện của S10 cũng được Việt hóa một phần, những phần thuộc về hệ thống như Setting, Menu... đã được Việt hóa, nhưng vào sâu hơn, ở một số thông báo và điều khoản sử dụng dịch vụ vẫn là tiếng Anh. Dù vậy việc Việt hóa S10 vẫn rất đáng được hoan nghênh, dù rằng đa số người sử dụng biết tiếng Anh đều sẽ chọn ngôn ngữ này làm ngôn ngữ chính của máy.


    Giao diện được Việt hóa 1 phần

    Bàn phím của S10 cũng là bàn phím mặc định của Android, có nghĩa là không gõ được tiếng việt. Người viết nghĩ rằng đáng ra Q-Mobile nên bỏ công sức ra phát triển một bàn phím tiếng Việt cho S10. Có thêm bàn phím tiếng Việt cài mặc định, S10 sẽ trở nên thân thiện và "thuần Việt" hơn. Dù vậy đây cũng không phải vấn đề quá lớn, khi mà trên mạng đang có một vài bàn phím tiếng Việt cho Android được cung cấp miễn phí và dùng cũng ổn.


    Nhưng bàn phím lại không gõ được tiếng Việt.

    Giao diện của máy hoạt động ổn định, máy đáp ứng tương đối tốt với các thao tác của người sử dụng, dù rằng hiện tượng giật hình hay không phản ứng cũng đôi lúc xảy ra. Người viết thử chơi Angry Bird trên S10 và kết quả ở mức chấp nhận được, khung hình đảm bảo, tuy nhiên thi thoảng có hiện tượng bỏ hình.


    Khi zoom ra hết cỡ, chữ bị bể do DPI của máy thấp và gần như không thể đọc được.

    Duyệt Web trên S10 cũng khá thoải mái vì kích thước màn hình của máy cũng đủ dùng. Tuy nhiên do phân giải không cao, nên khi zoom ra hết cỡ, text trên các trang web trở nên rất khó đọc, nhưng khi zoom to lên thì text và ảnh hiển thị đẹp, sắc sảo. Một điểm bất ngờ nữa là khả năng xoay màn hình của S10 khi duyệt web rất tốt. Người viết thử bằng cách liên tục xoay màn hình để xem S10 có "theo kịp" hay không, kết quả là S10 đáp ứng nhẹ nhàng trong vòng khoảng 3,4 lần đầu, những lần sau máy "ngập ngừng" một lát trước khi có phản ứng lại thao tác. Dù vậy, với một điện thoại có cấu hình không quá cao như S10, người viết nghĩ cũng khó có thể đòi hỏi gì hơn về mặt hiệu năng. Việc trượt, cuộn trang web cũng khá nhẹ khi trên trang chỉ có text, nhưng nếu trên trang xuất hiện thêm hình ảnh hay các đối tượng khác, lập tức S10 tỏ ra đuối sức, trang cuốn không còn mượt mà như trước nữa.


    Text khi zoom lớn lên đọc được rõ ràng.

    Đồng thời thêm một lưu ý cho những ai đang có ý định sở hữu S10 đó là smartphone này tuy chạy Android 2.2 nhưng lại không hỗ trợ flash, lý do chủ yếu là vì SoC của máy  là dòng Qualcomm 7227, sử dụng kiến trúc ARM v6 và CPU của dòng này chạy ở mức xung nhịp 600Mhz không đủ sức "Gánh" những tác vụ đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý như Flash.

    S10 được trang bị bộ nhớ RAM 256 MB, khi xem bằng ứng dụng Memory Info, RAM khả dụng của máy ở vào mức khoảng trên 150MB, cũng không tệ cho 1 lowend smartphone như S10.


    Điểm Quadrant của S10 không thực sự ấn tượng.

    Người viết còn dùng Quadrant để thử benchmark S10 và kết quả cũng không gây nhiều bất ngờ, 475 so với kết quả khoảng 800 của HTC Legend cùng chạy Android 2.2 và sử dụng chung CPU với S10 (Dù rằng Ram của Legend nhiều hơn S10, đến 384 MB )Nhìn chung S10 không phải là 1 smartphone được sản xuất cho cuộc chạy đua cấu hình nên khó có thể đòi hỏi gì hơn ở nó. Trong quá trình benchmark người viết nhận thấy máy vượt các bài test liên quan đến dựng hình 3D khá vất vả. Điều này cũng phần nào được lý giải nếu xét đến GPU của máy là dòng Adreno 200, vốn nổi tiếng là yếu trong các tác vụ 3D.
     
    Camera

    Camera 5Mpx nằm chìm trong lưng máy

    S10 được trang bị 1 camera 5 Mpx, Camera của S10 được thiết kế chìm hẳn vào trong lưng máy, giảm thiểu nguy cơ bị xước khi lưng máy tiếp xúc với các bề mặt gồ ghề. Tuy nhiên thiết kế của camera bất hợp lý vì nằm chìm vào vỏ máy nhưng lại không hề có lớp mica bảo vệ, vì thế lens của camera vẫn có thể dính bụi bẩn. Nếu camera bị bẩn, người sử dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lau chùi. Trong quá trình thử nghiệm, không hiểu vì sao nhưng người viết không thể chỉ định điểm lấy nét cho camera của S10 được, vì thế người chụp cũng không thể biết được S10 đang lấy nét vào đâu, điều này có thể sẽ gây nhiều khó chịu và kết quả ảnh chụp sẽ khó lòng như ý.


    Ảnh ngoại cảnh của S10 khá tốt.

    Ảnh ra rất chi tiết và sắc sảo trong điều kiện đủ sáng, dù DOP thì gần như ở ...vô cùng.

    Ảnh chụp từ S10 nhìn chung cũng tương đối sắc nét, màu sắc được tái tạo trung thực. Tuy nhiên ảnh nội cảnh trong điều kiện ánh sáng không quá thiếu thốn vẫn bị nhiễu. Ảnh của S10 gần như không có DOP, dẫn đến việc nếu bạn muốn sử dụng S10 để chụp chân dung thì máy sẽ khó lòng làm bạn vừa ý.


    Làm thế nào cũng không lấy nét được cho camera theo ý người chụp


    Chất lượng phim quay từ S10 khá tệ, hình bị vỡ khi camera di động hoặc có vật thể chuyển động nhanh, khung hình chỉ đạt xấp xỉ mức 24 fps, khiến cho việc quay những vật thể chuyển động nhanh gặp nhiều khó khăn.
     

    Chất lượng quay phim của S10 rất tệ.

    Chất lượng âm thanh

    Tai nghe đi theo S10 nhìn chung thuộc loại "có cho bằng anh bằng em", còn chất lượng của nó thì lại quá tệ. Âm lượng của tai nhỏ, dù đã mở volume hết cỡ, không hề có tiếng bass. Nhìn chung nếu mua S10 về thì việc đầu tiên những người đam mê âm nhạc nên làm là tìm cho mình một chiếc tai nghe khác. Một điểm lạ nữa là tai nghe đi theo máy, khi cắm vào máy ko kín khít mà còn thừa ra khoảng 2mm. Dù không ảnh hưởng gì đến chất lượng âm thanh nhưng 1 chi tiết nhỏ như vậy cũng làm mất điểm của S10. Đáng ra Q-Mobile phải chú ý nhiều hơn đến những tiểu tiết như thế này.

    Loa ngoài của máy cho âm lượng vừa phải. Nhưng có 1 điểm trừ lớn, đó là khi mở âm lượng hết cỡ, mặt sau của máy rung rung y như các điện thoại... Tàu. Điều này đã "tố cáo" chất lượng kém của thân vỏ S10.

    Kết nối

    S10 hỗ trợ mạng 3G với tốc độ download lên đến 7.2 MBps( HSDPA). Và trong quá trình thử nghiệm, tốc độ mạng 3G của máy có thể nói là ngang ngửa với chiếc Desire HD của người viết. Người viết có thể thoải mái xem film trên Youtube với thiết lập HQ mà không gặp hiện tượng dừng hình chờ đệm hoặc bỏ hình, lag.


    S10 cho chất lượng thoại rất tốt, sóng khỏe, trái ngược với ấn tượng xấu của người viết về "điện thoại Tàu".

    Kết nối Wifi của máy hoạt động ổn định, thử nghiệm tìm mang Wifi của cửa hàng thì thấy tìm mạng nhanh và kết nối cũng rất nhanh. Không có gì đáng phàn nàn về tính năng kết nối của S10.

    S10 hỗ trợ GPS, và người viết cũng thử sử dụng tính năng này, nhưng không rõ do vị trí thử nghiệm khuất sóng hay vì sao mà tốc độ fix tọa độ GPS của máy khá chậm. Lần bắt tọa độ đầu tiên mất gần 4 phút, các lần sau cũng mất hơn 1 phút.

    Chất lượng thoại của S10 cũng rất tốt, cột sóng luôn đầy vạch và âm thoại to, rõ ràng. Mặc dù khả năng chống tiếng ồn nền của S10 có vẻ kém khi người người ở đầu dây bên kia nghe khá rõ những tiếng ồn ở bên của người viết.

    Thời lượng sử dụng pin

    Do không có thời gian test máy được lâu nên người viết không có cơ hội thử nghiệm đồ bền của pin S10, tuy nhiên nếu dung lượng pin đảm bảo 1200Mah như đặc tả của nhà sản xuất, thì có thể tin tưởng rằng S10 sẽ đủ sức "gánh" bạn qua một ngày làm việc, giải trí , và có thể sẽ "lê" sang được ngày thứ 2 nếu bạn biết dè sẻn.

    Kết luận

    Với giá bán khoảng 3.7 triệu đồng (
    giá tham khảo tại Hoàng Hà Mobile rẻ hơn khá nhiều so với mức giá niêm yết trên website chính thức của hãng khoảng 4.3 triệu), nhìn chung S10 là một sản phẩm khá tốt so với tầm giá. Dù rằng với cái giá 4tr đồng bạn có thể tìm được cho mình 1 chiếc smartphone khác với tính năng tương đương lại không mang mác "đồ Tàu".

    Có điều trong hoàn cảnh nền công nghiệp phần cứng cũng như phần mềm của nước nhà còn nhiều thiếu thốn, không đáp ứng được việc sản xuất một sản phẩm công nghệ cao như smartphone, thì những bước chập chững của Q-Mobile , khởi đầu từ việc phân phối lại sản phẩm của các nhà sản xuất nước ngoài cũng đã là rất đáng khen.

    Bắt đầu từ việc phân phối, sau này khi đã đủ lực, các doanh nghiệp trong nước có thể tự mình sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm, không phụ thuộc vào nước ngoài. Động thái "giữ chỗ" của Q-Mobile là hướng đi đúng, nếu không chỉ dăm năm nữa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể tìm được lối để chen chân vào một thị trường đã bị các nhà sản xuất nước ngoài thống trị toàn diện.

    Vì vậy, nếu bạn cần 1 chiếc smartphone với ngân sách dưới 4tr đồng, có lẽ bạn nên thực sự nghiêm túc cân nhắc đến S10. Ủng hộ hàng nội địa ngay từ hôm nay thì về sau chúng ta mới có cơ hội được sử dụng những sản phẩm "made in Việt Nam" chất lượng cao được.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày