Đánh giá sơ bộ laptop EliteBook 8470p: Sức mạnh Ivy Bridge

    Leopard,  

    Nếu bạn là người "sính" công nghệ lại đồng thời mong muốn những sản phẩm "cối đá", EliteBook 8470p hẳn là một chiếc laptop mà bạn không thể không "nghía" qua.

    Nếu bạn là người "sính" công nghệ lại đồng thời mong muốn những sản phẩm "cối đá", EliteBook 8470p hẳn là một chiếc laptop mà bạn không thể không "nghía" qua.


    Với một số người, nhất là các doanh nhân, kiểu dáng thường không quan trọng bằng "chất" của sản phẩm. EliteBooks là một dòng PC nhắm đến loại đối tượng này: chất lượng và độ bền thuộc hàng đầu các dòng laptop hiện nay. Với EliteBook 8470p, bạn có được cả độ bền của EliteBook lẫn sức mạnh của nền tảng Ivy Bridge từ phía Intel.

    Vẻ ngoài

    Thực tế EliteBook 8470p dựa trên thiết kế cũ của 8460p. Điều này không có gì đặc biệt, vì chiếc laptop mới chỉ thay đổi con chip xử lý bên trong, còn vẻ ngoài không ảnh hưởng đến hiệu năng chip. Ngoài ra thiết kế của EliteBook thường đã đạt đến độ tối ưu tuyệt đối, nên không việc gì phải thay đổi kiểu dáng nếu nó không đem lại lợi ích.


    Bàn phím của EliteBook 8470p giống với các model EliteBook xx60 khác: khá tốt, hệ thống "flex" phím khi gõ hoàn toàn không tồn tại, bất kể bạn ấn mạnh bao nhiêu. Chỉ có hai điểm dở ở đây là:
     
    - Phím mũi tên lên / xuống quá nhỏ, gây cảm giác "thiếu an tâm" khi bấm.
    - Không có đèn nền (backlit) bên dưới giúp nhìn rõ trong môi trường tối.

    Touchpad của EliteBook 8470p thừa hưởng lại "gene" của EliteBook: rất mượt mà và đem lại cảm giác "sang" khi sử dụng. Bạn sẽ không thấy chút cọ xát nào ở đây. Kích thước touchpad vừa đủ, không gây cảm giác "tù túng" khi dùng. Ngoài ra các model EliteBook còn có một nút di con trỏ ở giữa bàn phím, tương tự phong cách dòng máy ThinkPad của Lenovo (xưa là IBM). Một số người thậm chí thích dùng cái "núm" nho nhỏ này hơn cả dùng touchpad.


    Khối lượng

    Đa phần các model "cối đá" đều khá nặng. Khi gắn kèm pin 6-cell, EliteBook 8470p nặng gần 2,5 kg. Với vỏ ngoài làm bằng hợp kim magnesium, đừng trông mong chuyện nhẹ nhàng ở đây. Và bạn phải chấp nhận điều này khi ngắm đến EliteBook.

    Màn hình

    EliteBook 8470p có màn hình LCD 14-inch bằng LED, với độ phân giải 1366 × 768. Có lẽ con số này sẽ làm nhiều người (như tôi) không hài lòng, đặc biệt cho nhu cầu công việc. Hy vọng HP sẽ có tuỳ chọn thay đổi độ phân giải để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng này. Mang "dòng máu" EliteBook, hẳn nhiên mặt trước chiếc laptop này sẽ không bị "lún" khi có ngoại lực đè lên. Vốn nó sinh ra để "chịu đòn" mà!


    Về độ sáng, EliteBook 8470p sáng hơn model 2560p ra mắt trước đây. Góc nhìn dường như cũng rộng hơn. Chất lượng màn khá tốt, không có hiện tượng quá sáng hoặc quá tối. Màn của EliteBook không phải dạng gương, nên các doanh nhân sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc trong môi trường có nhiều ánh sáng (phản chiếu lại gây chói mắt).

    Mặt dưới

    Nắp ngoài bên dưới EliteBook 8470p không cầu kỳ, phức tạp. Bạn có thể dễ dàng tháo nó ra để thay đổi, nâng cấp linh kiện: RAM, HDD / SSD, ODD (ổ quang).


    Thời lượng pin

    EliteBook 8470p dùng lại hầu như toàn bộ thiết kế của 8460p, ngay cả cục pin 6-cell CC06 có dung lượng 5100 mAh. Khi bị "hành hạ" bằng công cụ benchmark Battery Eater Pro, EliteBook 8470p "trụ" được 2 giờ 8 phút. Khi chuyển sang test Reader (wi-fi tắt, màn hình tối, các chế độ tiết kiệm pin được bật), sản phẩm này dùng được tới 9 giờ. Trong thực tế bạn có thể hy vọng thời lượng dùng từ 4 - 5 giờ.

    Âm thanh

    Loa ngoài EliteBook 8470p rất "phổ thông": không có "Beats Audio" gì ở đây, các tính năng dùng cho dòng máy giải trí hoàn toàn bị lược bỏ. Hiểu theo cách nào đấy, loa ngoài EliteBook thuộc dạng "chống điếc".


    Nhiệt độ

    Được thiết kế để làm việc cường độ cao, khả năng giải nhiệt của EliteBook 8470p rất tốt. Bạn hầu như không thấy nóng hoặc thậm chí là ấm khi sử dụng. Chỉ trừ ở các benchmark "khắc nghiệt", bạn mới thấy hơi ấm phát ra từ khe thoát nhiệt ở bên phải thân máy. Tiếng ồn của quạt tản nhiệt cũng rất nhỏ, gần như không nghe thấy kể cả khi fullload. Có vẻ chip Ivy Bridge của Intel chạy rất mát nên tản nhiệt không cần chạy nhiều.

    Các cổng kết nối

    Có 2 cổng USB 3.0 ở bên trái thân máy, được kèm theo logo SuperSpeed "SS" (đừng nhầm với biểu tượng Gestapo nhé!). Nằm ngay bên dưới 2 cổng này là khe đọc thẻ đa năng SD, MMC... Cổng FireWire và sạc điện cũng nằm ở bên này.


    Phía bên phải, chúng ta có các cổng cắm headphone, mic, eSATA, USB 2.0 và DisplayPort. Còn đằng sau là cổng RJ-11 dùng cho điện thoại có dây và RJ-45 cho mạng Ethernet, giữa chúng là cổng D-Sub (VGA).


    Các kết nối không dây trên EliteBook 8470p gồm Bluetooth và Wi-Fi 802.11a/g/n.


    Benchmark

    Thực tế EliteBook 8470p chỉ khác các model EliteBook khác ở chỗ dùng chip Ivy Bridge của Intel. Do vậy điểm chúng ta quan tâm chính ở đây là sức mạnh của cỗ máy, thể hiện chủ yếu ở năng lực CPU (x86) và đồ hoạ (nhân Intel HD 4000).

    Điểm số Windows 7

    Theo đánh giá của Windows 7, phần "kém nhất" trên EliteBook 8470p là GPU - 6,4 điểm. Nhưng so với các model dùng chip Sandy Bridge (Intel HD 2000 / 3000), như thế là "khá hơn nhiều" vì đa số chúng chỉ đạt 4,7 điểm đồ hoạ.


    Điểm đồ hoạ 3DMark Vantage

    Trong một thời gian dài, điểm đồ hoạ của Intel vẫn thường thua kém AMD và NVIDIA. Nhưng Sandy Bridge đã rút ngắn khoảng cách ấy và nay Ivy Bridge có thể giúp Intel "hiên ngang" sánh vai với AMD. Bạn có thể thấy điểm 3DMark Vantage của EliteBook 8470p chỉ kém các model dùng card đồ hoạ rời (và hơn "chút đỉnh" model dùng chip Llano của AMD).


    PCMark Vantage & PCMark 7

    Nói về năng lực tính toán chung (x86), EliteBook 8470p đứng đầu trong các model được liệt kê dưới đây, kể cả khi chúng dùng chip Sandy Bridge phiên bản cao cấp lẫn card đồ hoạ rời cao cấp. Một chi tiết bạn cần chú ý là chúng ta chưa được biết model Ivy Bridge cụ thể trong chiếc laptop này tên gì. Song thông số từ CPU-Z cho thấy đây là một trong các CPU Ivy Bridge cao cấp nhất dành cho laptop của Intel (4 nhân 8 luồng, xung chưa xác định vì bản CPU-Z cũ). Vì vậy không ngạc nhiên khi EliteBook 8470p giành được vị trí cao như thế.


    Tạm kết

    Về khía cạnh laptop, EliteBook 8470p thực sự khiến người dùng cảm thấy thoải mái như bao model EliteBook khác. Bạn có được một bàn phím gần như hoàn hảo, vỏ ngoài kim loại chắc chắn. Dĩ nhiên loại trừ chi tiết loa "cùi" và chút "tiếc nuối" vì bàn phím không có đèn nền. Nhưng nhìn chung, EliteBook 8470p mang đầy đủ phẩm chất của một chiếc EliteBook: cứng cáp, mạnh mẽ.

    Về khía cạnh hiệu năng, với con chip 4 nhân 8 luồng được xây dựng trên tiến trình 22nm mới nhất của Intel, tốc độ xử lý chưa bao giờ nhanh đến thế với laptop. Được trợ lực bởi ổ SSD, mọi thứ chạy trên EliteBook 8470p chỉ có thể nói là NHANH! Bạn sẽ thấy hài lòng với sản phẩm này.

    Yếu tố "vấn vương" còn lại là giá thành. Song bạn cũng tự mường tượng được, sản phẩm cao cấp cho doanh nhân thường không bao giờ rẻ hoặc "bình dân"...


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ