Đánh giá SSD Kingston HyperX Savage: Tốc độ cao, thiết kế mạnh mẽ, xứng đáng trong tầm giá
SSD Kingston thì đã quá quen rồi, SSD Kingston HyperX thì đúng là hiếm gặp.
Kingston là thương hiệu SSD đã quá quen thuộc với thị trường Việt Nam từ những ngày SSD còn chưa thực sự là một sản phẩm phổ biến trên thị trường. Từ những chiếc SSDNow V300 cho đến những chiếc UV400 hiện nay vẫn đang chiếm lĩnh khá nhiều thị phần ổ cứng SSD phổ thông với ưu điểm là giá thành tốt, hiệu năng khá trong tầm giá và xứng đáng để được trang bị thay cho HDD nếu người sử dụng có nhu cầu load ứng dụng một cách nhanh chóng hơn HDD thông thường. Thương hiệu SSD Kingston còn nổi tiếng đến mức sản phẩm V300 của hãng này còn bị làm nhái trên thị trường ồ ạt với mức giá cực rẻ.
Tuy nhiên đó mới chỉ là chúng ta nói về Kingston nói chung, thương hiệu này còn có một flagship cũng khá quen thuộc đối với thị trường Việt Nam đó là HyperX, dải sản phẩm của HyperX khá là đa dạng, từ bộ nhớ trong (RAM) cho đến SSD và Gaming gear. Sản phẩm mà có lẽ chúng ta ít biết tới nhất trong dải này chính là SSD HyperX Savage.
Đập hộp sản phẩm:
Đối với một chiếc SSD thì vỏ hộp cực kì đơn giản, và Savage cũng như vậy tuy nhiên với định hình là một sản phẩm cao cấp hơn thì chúng ta vẫn thấy được sự tỉ mỉ trong thiết kế, phối màu sắc, cũng như cách đưa ra thông tin của sản phẩm có phần đẹp hơn các phiên bản rẻ tiền hơn.
Bằng một cách nào đó Savage tuy nhỏ nhưng lại được thiết kế tài tình để có thể chưa đựng không chỉ một sản phẩm mà còn khá nhiều phụ kiện đi kèm khá tiện dụng mà đúng là không phải SSD nào cũng có kể cả trên những SSD cao cấp. Toàn bộ sản phẩm bao gồm một khung đệm SSD, một khay kim loại hỗ trợ gắn SSD lên các loại PC với logo HyperX, vài con ốc bắt ổ cứng, sách hướng dẫn cùng một mã code sử dụng ứng dụng hỗ trợ của Kingston. Ngay cả phần đệm mousse bảo vệ SSD cũng được làm dày dạn chắc chắn có logo HyperX đi kèm luôn. Đến tôi cũng cảm thấy ấn tượng về cách đóng gói sản phẩm của chiếc SSD này.
Chi tiết thiết kế:
Không rõ vì lý do gì nhưng đa phần các loại SSD được làm phần vỏ bằng nhựa hoặc kim loại mỏng khá là đơn giản và nhẹ nhưng với Savage thì điều này hoàn toàn trái ngược, có lẽ rằng Kingston đang muốn người sử dụng khoe mẽ chiếc SSD đầy uy lực của mình hơn ra giấu nó đi đâu đó cho thùng máy thoáng mát hơn.
Cảm giác ngay từ lúc cầm chiếc SSD lên tôi đã thấy độ nặng của nó có sự khác biệt vô cùng lớn với các loại SSD khác, bản thân chất liệu vỏ là kim loại phủ sơn đen mịn cảm giác đã rất cứng cáp và sang trong rồi. Mặt trước của Savage lại còn được trang bị miếng khiên tạo hình giống như chữ X bằng kim loại được anodize màu đỏ theo phong cách gaming cũng bắt mắt hơn. Bên trên lớp khiên này dòng chữ HyperX cũng như họa tiết phối theo được làm màu trắng bạc, phản quang rất tốt nhất là trong những thùng máy được trang bị nhiều kiểu đèn led sáng rực rỡ. Dòng chữ Savage thì được sơn chìm ở cạnh dưới của SSD.
Kết nối:
SSD Savage sử dụng chuẩn kết nổi SATA III thông dụng với băng thông 6Gb/s.
Hiệu năng:
Là một sản phẩm cao cấp với quảng cáo về hiệu năng được quảng cáo trên vỏ hộp là có thể đạt 560MB/s đọc và 530MB/s ghi thì chúng tôi kì vọng một kết quả khả quan ở các bài test ngay sau đây.
Hệ thống thử nghiệm:
Main: Asus Maximus IX Hero
CPU: Intel Core i7 7700k @ 4.7GHz
RAM: Kingston HyperX Fury DDR4 2x8Gb Bus 2400Mhz
VGA: Asus GTX 1080Ti Strix Gaming
Bài test 1: Crystal Disk Mark 5
Đây chắc chắn là phần mềm test tốc độ ổ cứng phổ biến nhất hiện nay với chỉ số về tốc độ cơ bản như tốc độ đọc/ghi đa luồng, đơn luồng trên 2 dạng đọc/ghi tuần tự và đọc/ghi file < hơn 4Kb. Sau bài test với dung lượng 1Gb sample thì tốc độ đọc tuần tự đa luồng là 557,4 MB/s và đơn luồng là 544,9 MB/s, đối với tốc độ ghi chúng ta có 532 MB/s ghi khi đa luồng và 519.4 MB/s khi ghi đơn luồng. Kết quả bài test này khá sát với những gì hãng đưa ra. Ở bài test đa luồng và đơn luồng dành cho file 4K, chúng ta thấy là tốc độ đọc đa luồng 362.9 MB/s là khá ổn công thêm tốc độ khi đa luồng là 366,8 MB/s đúng là không phải SSD nào cũng đạt được tốc độ này.
Bài test 2: AS SSD Benchmark 1.8
Đây là bài test có kết quả khá chặt, nên đối với hầu hết các ổ SSD đều cho ra kết quả thấp hơn so với các bài test khác. Và lần này đối với Kingston, kết quả bài test là 525.35 MB/s tốc độ đọc và 495.21 MB/s tốc độ ghi cao hơn khá nhiều so với SSD Samsung PRO 850 256Gb một trong những chuẩn mực về SSD trong cùng tầm giá mà chúng tôi có dịp test qua. Các kết quả còn lại cũng khá sát với Crystal Disk Mark 5 nên chúng tôi cũng không đánh giá gì thêm
Bài test 3: Anvil’s Storage Utilities 1.1.0
Bài test này mang tính tham khảo cao hơn khi các chỉ số phụ được đo đạc khá kĩ lưỡng, các mẫu sample cũng đa dạng hơn cho người sử dụng cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm bao gồm thời gian phản hồi, IOPS. Bài test này cũng cho kết quả sát với AS SSD Benchmark.
Bài test 4: ATTO Disk Benchmark:
Đây chính là phần mềm benchmark mà chính Kingston đã dùng để thử nghiệm trên Savage. Với 21 mẫu file có kích thước từ 512Byte đến 64MB. Ta có thể thấy tốc độ mà nhà sản xuất đưa ra khá sát với bài test này, thậm chí kết quả bài test có phần nhỉnh hơn một chút cho thấy họ cũng không hề thổi phồng khả năng của sản phẩm lên mà sử dụng những con số rất chân thực.
Bài test 5: HD Tune Pro 5.6
Bài test có phần sinh động hơn này sẽ cho chúng ta thấy được tốc độ của của SSD trong từ lúc dung lượng bằng 0 cho đến khi đầy bộ nhớ. Tốc độ đọc/ghi của SSD được giữ khá tốt xuyên suốt dung lượng trong khoảng 450 MB/s đọc và 420MB/s ghi cho thấy độ ổn định của SSD qua các chip nhớ và controller là rất tốt. Thời gian truy cập nhỏ cũng là những điểm nhỏ giúp cho Savage có thể đạt được tốc độ mà người dùng mong muốn và đây chắc chắn là điểm cộng của nó.
Tổng kết:
Qua 5 bài test rất đa dạng về tốc độ chúng ta có thể tin tưởng vào chất lượng của Savage nếu như các game thủ hay những người có nhu cầu sử dụng SSD tốc độ cao có ý định tìm kiếm một sản phẩm phù hợp cho mình. Mang trong mình một phần cứng tốt, lại cộng thêm vẻ ngoài đẹp mã chắc chắn rằng ở mức giá khoảng trên dưới 3 triệu động một chút thì HyperX Savage sẽ gặt hái được nhiều thành công trên thị trường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple chính thức mở bán Mac mini M4 tại Việt Nam: Chip M4 và M4 Pro, RAM khởi điểm 16GB, giá ưu đãi từ 12.5 triệu đồng
Người dùng hiện sẽ phải chờ khoảng 2 đến 3 tuần để nhận máy.
Cầm Sony 85mm F/1.4 GM II giá 50 triệu du hí bắc Thái Lan và đây là những gì tôi chụp được