Đánh giá tai nghe chơi game SteelSeries Arctis 3: Vừa hay, vừa đẹp lại còn nhẹ
Phiên bản Arctis 3 Bluetooth hiện được bán ở Việt Nam với mức giá 3,5 triệu đồng, và là lựa chọn vô cùng đáng giá đối với những game thủ vừa cần một chiếc tai nghe chơi game, vừa muốn sử dụng chiếc tai nghe này trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với cộng đồng game thủ trên toàn thế giới, SteelSeries có lẽ đã là cái tên vô cùng thân quen. Bên cạnh những sản phẩm như bàn phím hay chuột chơi game, ông lớn này còn khá nổi danh với những sản phẩm tai nghe gaming với chất lượng tốt, nổi bật nhất là dòng tai nghe Siberia được giới game thủ đánh giá rất cao.
Năm 2017, SteelSeries giới thiệu tới cộng đồng game thủ dòng tai nghe mới mang tên Arctis, với bộ 3 sản phẩm Arctis 3, 5 và 7. Phiên bản có con số càng lớn thì mức giá càng cao, và kèm theo đó những tính năng của tai nghe cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi trải nghiệm chiếc tai nghe Arctis 3 - phiên bản khởi điểm cho dòng sản phẩm Arctis mới của SteelSeries.
Chiếc hộp của chiếc tai nghe này được thiết kế vô cùng chắc chắn và đẹp mắt, với họa tiết trang trí tương đối đồng bộ với dải headband của tai nghe. Trên vỏ hộp là hình ảnh thực tế của sản phẩm, và SteelSeries cũng không quên "khoe" phần nhận xét của tạp chí PCGamer về chính bản thân hãng:
"Từ nhà sản xuất của chiếc tai nghe chơi game xịn nhất"
Một tính năng vô cùng quan trọng của chiếc tai nghe này là Bluetooth cũng được ghi rõ ngay trên vỏ hộp
Tháo lớp nắp bên ngoài ra, chúng ta có thể thấy chiếc tai nghe của chúng ta được xếp gọn bên trong:
Nhấc phần nhựa đựng tai nghe ra, chúng ta sẽ thấy hộp phụ kiện bên dưới. Trong chiếc hộp phụ kiện này có chứa dây cắm của tai nghe, cùng với các loại đầu cắm khác nhau để chúng ta có thể kết nối với nhiều loại thiết bị khác nhau.
Đây là sợi dây cắm chính của chiếc tai nghe này. Đầu màu xanh cắm trực tiếp vào tai nghe, đầu màu đen để cắm với các loại cổng kết nối khác nhau khi lắp vào các thiết bị khác nhau.
Jack cắm 3,5; dùng khi cắm vào điện thoại, PS4, Xbox hay Nintendo Switch
Cổng chia ra hai đường input là tai nghe và mic. Bên cạnh đó, bên trong hộp phụ kiện còn chứa một sợi cáp micro USB dùng khi sạc pin cho tai nghe.
Chiếc tai nghe Arctis 3 của chúng ta là một chiếc tai nghe dạng closed-back, với phần củ tai là một khối kín liền mạch. Kết hợp với tông màu đen tuyền chủ đạo và thiết kế có phần góc cạnh, chiếc tai nghe này tạo một cảm giác vô cùng đẹp mắt và ấn tượng khi nhìn vào. Phần headband của chiếc tai nghe này, thay vì sử dụng đệm xốp bọc nhựa như nhiều sản phẩm tai nghe khác, thì SteelSeries đã sử dụng một dải dây chun co dãn để điều chỉnh vị trí tai nghe. Chính nhờ dải chun này, trọng lượng của chiếc tai nghe được phân bố rất đều, khiến cho chiếc tai nghe này vốn đã nhẹ, khi đeo lên đầu lại càng nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, dải headband này còn đóng vai trò trở thành điểm nhấn trong thiết kế của chiếc tai nghe
Phần đệm tai của chiếc tai nghe này là đệm vải, vậy nên mặc dù chiếc tai nghe này đeo rất thoải mái, nhưng lại có điểm yếu là dễ thấm mồ hôi trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Nếu như mùa đông không phải là vấn đề, thì đến mùa hè, người dùng sẽ phải chú ý vệ sinh chiếc tai nghe này thường xuyên nếu không muốn phần đệm tai bị ám mùi mồ hôi gây khó chịu.
Trải nghiệm thực tế chiếc tai nghe này, âm thanh mà chiếc tai nghe đem lại khá tốt, với dải bass chắc, âm thanh hài hòa và âm trường rộng. Do đó, các hiệu ứng đạn bắn, cháy nổ trong game hay trong phim được chiếc tai nghe này thể hiện vô cùng ấn tượng. Nhưng đó là khi đánh giá một mình chiếc tai nghe Arctis 3 thôi, còn nếu so sánh với những mẫu tai nghe trước đây của SteelSeries, đặc biệt là dòng tai nghe Siberia, thì khả năng âm thanh của chiếc tai nghe này vẫn chỉ dậm chân tại chỗ chứ chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Thực tế thì người dùng hoàn toàn có quyền đòi hỏi SteelSeries làm được nhiều hơn thế cho sản phẩm mới của mình, nhất là với một chiếc tai nghe có mức giá khoảng hơn 2 triệu đồng như Arctis 3.
Mặc dù được quảng cáo là có khả năng giả lập âm thanh vòm 7.1 cho chiếc tai nghe này, nhưng thực tế trải nghiệm cho thấy kể cả khi bật tính năng này lên, âm thanh mà Arctis 3 phát ra vẫn không có sự thay đổi gì đáng kể. Dù sao đi chăng nữa, phần mềm xử lý không phải bao giờ cũng tốt như phần cứng trên những chiếc tai nghe 7.1 có kết nối USB.
Một trong những điểm mạnh vượt trội có thể thấy được ở Arctis 3, nằm ở khả năng lọc âm vô cùng ấn tượng của Micro. Với các phần mềm voice chat thông dụng như Skype, Discord hay TeamSpeak, chiếc tai nghe này thể hiện khả năng lọc âm rất tốt, gần như chỉ bắt đúng giọng nói của người dùng và lọc "sạch sẽ" toàn bộ tạp âm khác bên ngoài.
Do Arctis 3 còn là tai nghe Bluetooth, nên một điểm cũng tương đối được quan tâm là thời lượng pin. Trải nghiệm thực tế cho thấy, với nhu cầu sử dụng tương đối thường xuyên của người viết, chiếc tai nghe này trụ được khoảng hơn 3 ngày sử dụng trước khi cần phải sạc pin.
Phiên bản Arctis 3 Bluetooth hiện được bán ở Việt Nam với mức giá 3,5 triệu đồng, đắt hơn khoảng 1 triệu so với phiên bản Arctis 3 thường, nhờ vào việc sở hữu khả năng kết nối Bluetooth với nhiều thiết bị khác nhau. Đây thực sự là một lựa chọn hết sức sáng giá đối với những game thủ muốn sở hữu cho mình một chiếc tai nghe chơi game tốt, đồng thời đủ gọn nhẹ để có thể mang theo mình trong những chuyến đi cũng như sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Còn nếu như nhu cầu của bạn chỉ đơn thuần là chơi game, bạn có thể cân nhắc lựa chọn Arctis 3 phiên bản thường có mức giá rẻ hơn rất nhiều. Nhưng dù sao đi nữa, thiết kế và trải nghiệm sử dụng xuất sắc của chiếc tai nghe này thực sự đã củng cố vị thế lớn mạnh của hãng gaming gear đến từ Đan Mạch trong thị trường tai nghe gaming.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Người sáng tạo nội dung này bị phạt gần 7 tỷ Đồng vì bay drone quấy rối người vô gia cư