Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm

    M.Đức,  

    Một cặp tai nghe có kiểu thiết kế âm thanh 'đậm chất' JBL!

    Nghĩ đến JBL, ta nghĩ đến những chiếc loa sự kiện siêu lớn hoặc các dòng loa di động sặc sỡ sắc màu. Nhưng trong thời gian vừa qua hãng này cũng đã xây dựng được một bộ sưu tập tai nghe khá đầy đủ, trong đó có một số nhỏ là tai nghe không dây hoàn toàn (true-wireless).

    Hôm nay, ta sẽ cùng tìm hiểu sản phẩm TWS mới nhất của hãng là cặp Tune 120, để xem liệu tai nghe của hãng có hiệu năng cao được như những sản phẩm loa hay không!

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 1.

    Sản phẩm có một vỏ hộp thiết kế gọn gàng nên nhìn vẫn không bị quá rối mắt. Tại đây cũng có một dòng giới thiệu ngắn chỉ 4 chữ nhưng rất chính xác về cặp tai nghe này: Pure Bass, Zero Cables - Âm trầm thuần chất, không còn dây.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 2.

    Mặt sau có một cửa sổ nhựa nhỏ nhắn để ta thấy được tai nghe ở bên trong. Cặp tai nghe này có khá là nhiều lựa chọn màu như trắng, hồng, xanh quân đội, xanh dương nhưng phiên bản mình có ở đây sở hữu màu đen đơn giản nhất.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 3.

    Slogan hơi...khó hiểu mà hãng đặt cho cặp tai nghe này: Dare to listen - Dám nghe?

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 4.

    Bộ phụ kiện ở trong hộp bao gồm một hộp sạc tròn trịa, 2 cặp đệm cao su với mặt trong được làm màu cam nổi bật, và một sợi dây sạc micro USB cũng được làm màu cam luôn! Lượng phụ kiện không thực sự nhiều, nhưng ta cũng có thể khen hãng vì tặng những phụ kiện có màu sắc khác lạ, không giống những loại được sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 5.

    Đây là hộp sạc của Tune 120, được catws tròn tất cả các góc song có phần đáy được vát phẳng nhẹ nhàng để ta có thể đặt đứng nó lên bàn.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 6.

    Dưới đáy ta có cổng sạc micro USB. Như đã nói khá nhiều lần, cổng sạc micro USB mặc dù không ảnh hưởng đến khả năng sạc của tai nghe nhưng đến giờ cũng đã là chuẩn cũ, mong JBL chuyển qua USB Type-C trong tương lai để người dùng đơn giản hóa vấn đề pin sạc (dùng chung được dây với smartphone thế hệ mới).

    Cặp tai nghe này có thời lượng sử dụng độc lập là 4 tiếng kèm với 3 lần sạc của hộp tổng cộng là 16 tiếng, nằm ở mức trung bình khá vì hiện nay đã có nhiều cặp TWS khác vượt qua mốc 20 giờ. Thời lượng không đặc sắc này được 'xoa dịu' bằng công nghệ sạc nhanh, 15 phút để nghe trong 1 tiếng.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 7.

    Và đây là cặp tai nghe của chúng ta, được thiết kế từ nửa nhựa cứng và nhựa dẻo, với phần nhựa dẻo để hãng có thể tích hợp một nút nhấn ở dưới. Các nút bấm này có tác dụng dừng / chơi nhạc, chuyển bài hát, nhận cuộc gọi và gọi trợ lý ảo, điều chỉnh âm lượng thì người dùng sẽ thực hiện trên smartphone.

    Nhìn chung độ hoàn thiện của Tune 120 nằm ở mức khá, chỉ có phần nhựa dẻo là hơi dễ dính bẩn nên người dùng cũng phải để ý lau chùi nếu không muốn tai 'xuống sắc' nhanh.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 8.

    Phần ống âm được đặt chéo, có vẻ hãng muốn giảm áp lực vào vành tai người dùng nên phần này được làm hơi dài hơn một chút, đặt trọng lượng tai nghe ra ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc tai nghe sẽ chạm vào tai người nghe đa phần bằng đệm tai, ta sẽ phải chọn đúng kích thước đệm tai để có được độ thoải mái, cách âm tốt nhất.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 9.

    Thông số kỹ thuật

    - Màng loa Dynamic

    - Dải đáp tuyến: 20Hz - 20kHz

    - Bluetooth 4.2

    - Thời lượng sử dụng độc lập: 4 tiếng

    - Thời lượng sử dụng kết hợp hộp sạc: 16 tiếng

    - Trở kháng: 14 Ohms

    - Trọng lượng: 73g

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 11.

    Một trong những thông số nổi bật của cặp tai nghe này, nhưng...theo chiều hướng xấu đó là chuẩn Bluetooth 4.2. Hiện đa phần những cặp tai nghe TWS đã chuyển qua sử dụng Bluetooth 5.0, có khả năng kết nối nguồn phát với cả 2 tai nghe để giảm độ trễ gần bằng được với tai nghe có dây, cũng như tránh hiện tượng mất sóng.

    Vì một lý do nào đó mà độ trễ của Tune 120 vẫn nằm ở mức chấp nhận được, chắc chắn là vẫn nhận thấy được nhưng không gây cảm giác quá khó chịu. Kèm theo đó, ta vẫn sử dụng được cả 2 bên tai khi gọi điện thoại giống với những sản phẩm Bluetooth thế hệ mới. Mặc dù vậy mong rằng trong tương lai JBL sẽ cập nhật lên Bluetooth 5.0 thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 12.

    Cặp tai nghe này được hãng quảng cáo là sinh ra để dành cho âm trầm, và qua trải nghiệm thực tế thì điều này...hoàn toàn đúng, không có gì bất ngờ ở đây cả. Lượng âm trầm nhiều hơn trung bình khá nhiều, dàn đều được cả từ siêu trầm (sub bass) tới mid-bass.

    Thử với bài Too Hip To Retire trong album Whiplash, ta thấy được trầm của Tune 120 được làm dày, có thiên hướng hơi ầm nhẹ (tràn ra nền âm), có tốc độ ngắt không hề nhanh nên để lại đuôi - đều là những yếu tố mà những người bass-head thích. Cũng nhờ âm trầm này mà chất âm chung của cặp tai nghe này khá ấm, đậm vì có bất cứ khe trống nào thì cũng được 'lấp đầy' bởi trống trầm.

    Việc đẩy âm trầm nhiều cũng có một nhược điểm đó là chiếm mất không gian chơi của phần trung. Đoạn âm này cũng vì vậy mà hơi mỏng, cũng như được hãng cố tình chỉnh theo dạng 'điện tử'. Kiểu thể hiện này giúp tai nghe có thể thể hiện tốt các bài nhạc có giọng ca sĩ có nhiều effect máy tính (auto tune, reverb...), ngược lại 'mất điểm' ở những bài nhạc Ballad chậm rãi so với những cặp tai nghe mang hơi hướng nghe tạp nhiều thể loại hơn.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 13.

    Chất âm của Tune 120 không chỉ có trầm, mà được bổ sung rất nhiều âm cao để tạo ra một kiểu âm gọi là V-shape, với 2 phần đầu và cuối của âm thanh đều được đẩy cao giống chữ V. Kiểu âm này cực kỳ hợp với những bài nhạc dạng điện tử, có nhiều nhạc cụ 'ảo' hơn là dạng thực và tự nhiên. Âm cao (treble) sắc cạnh, cho cảm giác khỏe khoắn, tiết tấu nhanh. Một trong những bài rất hợp với kiểu âm này là Just Dance của Lady Gaga, với phần trống giữ nhịp bùng nổ và cymbal sáng tạo sự sôi động.

    Kiểu chơi âm cao này sẽ bị 'hơi quá' với các bài nhạc nhẹ nhàng hơn, với lý do đã nói ở trên là nó thiếu sự tự nhiên. Nhưng có lẽ cũng không bất cứ ai mua cặp tai nghe này để thưởng thức Jazz cả, âm cao của nó thực hiện một mục đích là để tôn vinh âm trầm và nó đã làm được điều này!

    Lời kết

    JBL Tune 120 thực sự rất dễ hiểu và dễ đánh giá: một cặp tai nghe không dây hoàn toàn với chất âm V-shape dành cho những người yêu nhạc Pop và Dance, và khi xét tai nghe với mục đích này thì chắc chắn JBL đã thành công.

    Ngược lại thì hãng cũng cần phải khắc phục một số nhược điểm để các sản phẩm sau trở nên hoàn hảo hơn: chuyển sử dụng USB Type-C, Bluetooth 5.0, và nếu được thì trang bị thêm một chuẩn chống nước nào đó để người dùng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng tai nghe đi tập thể dục hoặc dưới mưa.

    Đánh giá tai nghe true-wireless JBL Tune 120: Tất cả là về âm trầm - Ảnh 14.

    Điểm thích

    - Hoàn thiện khá, có điều khiển trên tai

    - Hộp sạc nhỏ gọn, có sạc nhanh

    - Đeo thoải mái nếu chọn đúng đệm tai

    - Âm trầm đậm, mạnh mẽ và có độ rung

    - Phần cao rất sáng, tạo thành âm thanh V-shape để tôn phần trầm

    - Mức giá 2.4 triệu Đồng không quá cao

    Điểm cần cải thiện

    - Sử dụng cổng sạc micro USB

    - Chưa được cập nhật Bluetooth 5.0

    - Chất âm V-shape nên phần trung nhẹ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ