Danh sách VGA đáng mua nhất theo từng mức giá (Phần 1)

    PV, Nội Tâm 

    Cùng với CPU, card đồ họa là thành phần phức tạp nhất trong thùng máy của chúng ta, đặc biệt là đối với các game thủ.

    Tôi muốn mua card đồ họa để chơi game thì thế nào là hợp lý nhất?” – đây là câu hỏi đứng hàng thứ 2 trong danh sách những câu hỏi người bán hàng thích nghe nhất. 90% trong trường hợp này, bạn sẽ là con mồi béo bở tiêu thụ hàng tồn kho cho họ. 10% còn lại là chia đều cho 2 tình huống: Bạn có "vệ sĩ" am hiểu về máy tính đi hộ tống, hoặc… cửa hàng đã hết hàng tồn kho.
     
    Nắm bắt được nhu cầu này của các độc giả chưa am hiểu nhiều về phần cứng, trong bài viết hôm nay, GenK.vn sẽ giúp các bạn lựa chọn card đồ họa hợp lý nhất, phù hợp với số tiền bỏ ra.
     
    Card đồ họa chơi game – thế nào là đủ?
     
    Với mục tiêu đem lại lựa chọn tốt nhất, tiết kiệm nhất cho các game thủ, GenK.vn xin phép được trình bày vài điều trước khi đi vào phần “hot” nhất.
     
    Giống như mọi thiết bị khác, một trong những câu hỏi lớn nhất người ta hay đặt ra khi xây dựng máy tính là yếu tố "tiết kiệm". "Tiết kiệm" ở đây không được hiểu theo nghĩa lựa chọn linh kiện rẻ tiền hay săn lùng khuyến mãi, mà là đáp ứng vừa đủ nhu cầu sử dụng của người mua. Chẳng có lý do gì để chi cả nghìn USD cho hệ thống Core i7 trong khi công việc của bạn chỉ là soạn thảo văn bản hay lướt web, nghe nhạc.
     
    Lựa chọn card đồ họa chơi game cũng vậy. Nếu nhu cầu của bạn chỉ dừng lại ở DotA hay Kiếm Thế, đầu tư cho card đồ họa mạnh là không thực sự cần thiết. Thậm chí, ngay cả khi đam mê các game offline hạng nặng như Crysis hay Metro 2033, việc trang bị những GTX 580 hay HD 6970 đắt tiền cũng chưa chắc đã hợp lý trong một số trường hợp.
     
    Nói đến khả năng chơi game của card đồ họa, không thể không đề cập đến màn hình chúng ta đang sử dụng. Nếu chỉ sở hữu màn hình 17 inch hỗ trợ độ phân giải tối đa 1280 x 1024, GTX 580 cũng sẽ chẳng hiệu quả hơn chiếc card khác giá chỉ bằng 1/4 nó.
     
    Ngoài ra, thiết lập trong game cũng là yếu tố cần nhắc tới. Tất nhiên, chẳng ai lại không thích thưởng thức đồ họa tuyệt vời của thế giới game ngày nay tại các thiết lập cao nhất, nhưng hầu bao của game thủ luôn luôn có hạn. Do vậy, “liệu cơm gắp mắm” là điều cần thiết phải tính tới.
     
    GenK.vn xin liệt kê sẵn các lựa chọn card đồ họa đáng giá nhất trong từng phân khúc cho độc giả đang có nhu cầu mua máy hoặc nâng cấp tham khảo. Tại mỗi đề cử sẽ có nhận định khả năng chơi game tại 3 độ phân giải phổ biến nhất hiện nay là 1280 x 1024, 1680 x 1050 và 1920 x 1080, tương ứng tốt – khá – trung bình – kém. Ngoài ra, đánh giá “thừa thãi” nghĩa là bạn không cần thiết phải dùng đến card đồ họa đó.
     
    Tầm giá dưới 100 USD
     
    Nvidia GT 240 GDDR5
     
    Đề cử: Sparkle GT 240 1GB GDDR5 – 80 USD
     
     

    Khả năng chơi game:

     
    1280 x 1024 – Trung bình

    1680 x 1050 – Kém

    1920 x 1080 – Kém
     
    GT 240 có khả năng chơi hầu hết các game hiện nay tại độ phân giải 1280 x 1024, thiết lập trung bình. Ngoài ra, tại độ phân giải 1680 x 1050, chúng ta cũng có thể thưởng thức game tại thiết lập… thấp nhất cùng khung hình tạm chấp nhận được.
     
    Nếu muốn đến với thế giới game, 80 USD cho GT 240 là chi phí tối thiểu bạn phải bỏ ra.
     
    AMD HD 5670 GDDR5
     
    Đề cử: HIS HD 5670 IceQ 512MB GDDR5 – 100 USD
     
     

    Khả năng chơi game:

    1280 x 1024 – Trung bình

    1680 x 1050 – Trung bình

    1920 x 1080 – Kém
     
    HD 5670 là card đồ họa mạnh nhất hiện nay không cần nguồn phụ, rất phù hợp cho nhu cầu nâng cấp hoặc mua mới trong trường hợp hầu bao không cho phép đầu tư thêm cho bộ nguồn.
     
    Giống như các card đồ họa khác thuộc series HD 5000, HD 5670 cũng hỗ trợ thư viện DirectX 11 và xuất nhiều màn hình, tuy nhiên, sức mạnh hạn chế của HD 5670 hoàn toàn không thể đáp ứng được nhu cầu game DirectX 11 hoặc chơi ở độ phân giải cao.
     
    Nếu bạn có khả năng trang bị (hoặc đang sở hữu) bộ nguồn công suất thực tốt một chút, có một sự lựa chọn tốt hơn rất nhiều nhưng chỉ chênh lệch 7 USD.
     
    Tầm giá 100 – 120 USD
     
    Nvidia GTS 250 512MB
     
    Đề cử: Gigabyte GTS 250 512MB GDDR3 – 107 USD
     
     
    Khả năng chơi game:
     
    1280 x 1024 – Tốt
     
    1680 x 1050 – Khá
     
    1920 x 1080 – Trung bình
     
    GTS 250 là một trong những sản phẩm thành công vào bậc nhất của Nvidia. Tuy ra đời cách đây tận hai năm nhưng chiếc card vẫn làm mưa làm gió trên phân khúc phổ thông đến tận bây giờ. Nếu chỉ sở hữu màn hình 17 inch hỗ trợ độ phân giải cao nhất 1280 x 1024, GTS 250 hoàn toàn đáp ứng tốt mọi nhu cầu chơi game nói chung của bạn với các thiết lập cao nhất.
     
    Cho dù phân khúc này có rất nhiều đại diện đến từ cả Nvidia lẫn AMD, nhưng không có card đồ họa nào trong số đó có thể sánh với GTS 250 về hiệu năng. Tuy nhiên, chiếc card chỉ hỗ trợ DirectX 10, đồng thời yêu cầu 1 nguồn phụ 6 - pin. Bạn sẽ cần phải trang bị một bộ nguồn công suất thực 400W có nguồn phụ cho VGA.
     
    Tầm giá 120 – 140 USD
     
    AMD HD 5750
     
    Đề cử: HIS HD 5750 Icooler IV 1GB GDDR5 – 123 USD
     
     
    Khả năng chơi game:
     
    1280 x 1024 – Tốt
     
    1680 x 1050 – Khá
     
    1920 x 1080 – Trung bình
     
    HD 5750 là một trong những sản phẩm có hiệu năng/giá thành tốt nhất tại thời điểm này. Tuy đánh giá có phần hơi giống vớiGTS 250, nhưng kì thực HD 5750 mạnh hơn tới 15%, cho bạn khung hình ổn định hơn khi chơi game.
     
    Giống như GTS 250, HD 5750 cũng yêu cầu 1 nguồn phụ 6 - pin. Tuy nhiên, chiếc card chỉ có mức tiêu thụ điện khoảng 100W so với 150W của GTS 250.
     
    Tầm giá 140 – 160 USD
     
    AMD HD 5770
     
    Đề cử: Gigabyte HD 5770 1GB GDDR5 – 155 USD
      

     
    Khả năng chơi game:

    1280 x 1024 – Tốt

    1680 x 1050 – Khá

    1920 x 1080 – Khá
     
    Nói không ngoa, từ ngày ra mắt cho đến tận bây giờ, HD 5770 hoàn toàn không có đối thủ trong tầm giá của mình. Hiệu năng tốt, mát mẻ, tiêu thụ ít điện năng, giá cả phải chăng – đó là công thức làm nên thành công cho HD 5770. Cùng vớiHD 5750, hai quân bài chiến lược của AMD gần như làm chủ phân khúc tầm trung. GTS 450 ra mắt mãi sau này tỏ ra hoàn toàn thất bại trong việc giúp Nvidia giành lại thị phần béo bở này.
     
    HD 5770 yêu cầu 1 nguồn phụ 6 - pin, công suất tiêu thụ khoảng 108W.
     
    (Còn tiếp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ