Đạo diễn Blade Runner 2049 nói rằng thế giới tương lai của phim không có iPhone đâu
Thế giới hiện đại này dường như không cần sự hiện diện của những thiết bị smartphone.
Khi người ta tự tay tạo nên một thế giới tương lai thông qua trí tưởng tượng, chắc chắn sẽ có người áp đặt những câu hỏi thực tế, những tầm nhìn tương lai của chính họ lên cái thế giới ấy.
Đó cũng là câu hỏi mà dạo diễn Denis Villeneuve và đội ngũ sản xuất Blade Runner 2049 thường xuyên được hỏi. Họ vừa tạo nên một tác phẩm mà theo đại đa số những lời đánh giá, là một phần nối tiếp tuyệt vời và tuyệt đẹp với tuyệt phẩm Blade Runner năm 1982 của Ridley Scott. Trong phần cũ, ta thấy xe bay, ta thấy robot có cảm xúc như con người, nhưng ta cũng vẫn thấy người ta gọi điện cho nhau bằng các bốt điện thoại. Thế giới ấy không có smartphone.
Trong bối cảnh tương lai của Blade Runnder, "nơi đó không có Steve Jobs", đạo diễn Villeneuve cười nói với phóng viên CNET. "Apple không có mặt trong bộ phim đầu tiên. Người ta không có điện thoại di động".
"Thế giới ảo là một vũ trụ đầy sức mạnh, nhưng nó lại chẳng mang nhiều tính điện ảnh lắm", ông nói. "Chẳng có gì nhàm chán hơn một thám tử ngồi trước bàn phím và tìm thông tin trên Google cả". Trong cái thế giới không có điện thoại thông minh kết nối Internet mọi lúc mọi nơi, không có những dàn máy tính có thể làm mọi việc, mọi thứ sẽ thú vị hơn nhiều.
"Thế giới đó cho phép nhân vật của tôi có thể tự lội xuống bùn lầy để làm việc", ông Volleneuve nói. "Tôi cần một người phải đi vòng quanh thế giới này, tự mình tìm chứng cứ".
Và ta có Ryan Gosling, anh chàng điển trai thủ vai thám tử điều tra một âm mưu đen tối. Bản thân là một Blade Runner – một thợ săn robot chuyên nghiệp, anh phải đi tìm người tiền nhiệm của mình, Rick Deckard do Harrison Ford thủ vai để tìm hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện. Sự kiện của Blade Runner 2049 diễn ra 30 năm sau bộ phim đầu tiên, công nghệ chắc chắn đã phát triển vượt bậc, thế giới đã khác.
Villeneuve cũng mô tả cách mà ông cũng biên kịch Hampton Fancher – một tài năng cũng góp phần tạo nên Blade Runner phiên bản đầu tiên, tạo nên một thế giới "trong mơ, được chuyển thể từ một giấc mơ khác" chứ không phải một thế giới thực tại. Blade Runner 2049 tồn tại trong một thế giới mà Villeneuve mô tả là "một vũ trụ song song kết nối với bộ phim đầu tiên, nhưng bị chi phối bởi những câu hỏi của thế giới hiện tại". Phần phim này bị ảnh hưởng nhiều bởi cuốn tiểu thuyết "Liệu robot có mơ thấy cừu máy không? – Do Androids Dream of Electric Sheep?", phần trước gần như không động tới nguyên tác này.
"Đôi khi, tôi có một cảm giác lạ lùng rằng tôi làm một bộ phim về một thời kì lịch sử, chứ không phải một bộ phim giả tưởng", Villeneuve nói. "Với tôi, Blade Runner 2049 là một bộ phim khoa học giả tưởng cổ lỗ và hơi khó coi. Một bộ phim có yếu tố lãng mạn của khoa học giả tưởng xưa cũ".
Villeneuve nói chuyện với Ridley Scott, Harrison Ford và Ryan Gosling. Thứ tự tên là thứ tự ảnh từ trái sang phải.
Apple cũng không nên quá buồn khi không thấy sản phẩm của mình xuất hiện trong cái vũ trụ u ám đó. Bên cạnh đó, cũng nhiều nhãn hàng đã "chết" từ lâu rồi lại xuất hiện lại trong phần tiếp theo của Blade Runner này, như Pam và Atari chẳng hạn. "Tôi khăng khăng là phải cho những thứ đó vào phim", ông nói, "để nó có thể tạo ra một khoảng cách xa xôi với thế giới thực tại".
Có nhiều câu hỏi vẫn cứ tồn tại từ ngày xưa, từ phim cũ cho đến giờ, nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là "thám tử Deckard có phải là robot không?". Blade Runner rất mơ hồ ở điểm này, và Blade Runner 2049 cũng y như vậy – Villeneuve đã nghe lời khuyên này từ chính Ridley Scott.
Vài giây trước cảnh độc thoại nổi tiếng của Blade Runner bản 1982.
"Tôi cực kì thích sự nghi ngờ; tôi thích những câu hỏi; tôi không ưa những câu trả lời rõ ràng", Villeneuve nói. "Tôi nghĩ rằng một mối quan hệ với những thứ chắc chắn sẽ nhàm chán hơn việc bạn đi tìm hiểu điều chưa biết".
Blade Runner đã khởi chiếu tại Việt Nam từ thứ sáu, ngày 20/10 vừa rồi tại các cụm rạp trên toàn quốc. Các bạn hãy tự trải nghiệm cho mình: không bài review nào có thể diễn tả hết một bộ phim đâu!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4