Đặt chân lên đất Ấn sau Samsung tới 19 năm, Xiaomi đã làm thế nào để đe dọa gã khổng lồ xứ Hàn?
Nhà sản xuất 7 năm tuổi của Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới.
Theo Counterpoint Research, thị phần của Xiaomi đã tăng từ 6% của năm ngoái lên 22% quý II năm nay. Nó giúp công ty xếp ngang hàng với Samsung, đơn vị thống trị thị trường này trong vài năm trở lại đây. Báo cáo của Couterpoint ngày 27/10 cho biết, Xiaomi được xếp vào 3 trong số 5 thương hiệu smartphone phổ biến nhất Ấn Độ tính tới tháng 9.
Chiến tích phi thường
Đó là chiến tích phi thường khi biết Xiaomi đặt chân vào đây mới chỉ từ năm 2014, còn gã khổng lồ Samsung từ năm 1995. Công ty trụ sở ở Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Ấn Độ trong 2 năm qua và dự định rót nguồn vốn tương đương trong 3 – 5 năm tới.
Theo các nhà phân tích, thành công vượt trội này đến từ khả năng quản lý nguồn cung ứng và mức giá bán hấp dẫn.
Kể từ khi đặt chân vào Ấn Độ, Xiaomi đã tạo chiến lược nổi bật khi chỉ bán hàng trực tuyến. Họ hợp tác với nhà bán lẻ thương mại điện tử Flipkart và tung ra các đợt “flash sale” mỗi lần phát hành model mới. Chính việc giảm giá chớp nhoáng đã tạo ra doanh thu khủng chỉ trong ít giây. Ví dụ như phiên bản Redmi 1S tháng 9 năm 2014 đã bán được 40.000 máy chỉ trong 4,2 giây đầu mở bán.
Ở Ấn Độ, bán hàng online chiếm 30% tổng doanh số smartphone nên đó là cơ sở để Xiaomi chuyên tâm hơn vào kênh bán hàng này. Thường thì các nhãn hiệu khác phải vật lộn giữa việc bán trực tuyến và mở cửa hàng bán lẻ, nhưng đa phần họ đều không khiến khách hàng hài lòng ở mỗi kênh.
“Họ (Xiaomi) quản lý dây chuyền chuỗi cung ứng của mình để làm sao đảm bảo chắc chắn độ lệch giữa cung và cầu không đáng kể”, Tarun Pathak, Phó Giám đốc Counterpoint Research chia sẻ.
Giữa lúc phân nửa điện thoại bán online thuộc thương hiệu Xiaomi, công ty đang đẩy mạnh thêm kênh cửa hàng bán lẻ. Kết quả, tổng thị phần của hãng ở kênh này đã tăng gấp đôi lên 20% trong năm qua. Điều đó giúp tạo nên tâm lý sùng bái tại Ấn Độ bất kể hãng không đầu tư mạnh cho quảng cáo.
Xiaomi mở các cửa hàng với cái tên Mi Home, đồng thời hợp tác với những nhà bán lẻ lớn như Croma, Univercell, Poorvika và Sangeetha. Ở các thành phố nhỏ, công ty thực hiện “Chương trình Ưu đãi Đối tác” trong đó Xiaomi đặt mối quan hệ với các cửa hàng bán đa thương hiệu, tất nhiên không phải dạng bán độc quyền.
“Họ hiểu mình không thể hiện diện ở mọi ngõ ngách. Vậy nên, các đối tác sẽ góp phần duy trì khả năng nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường”, Jaipal Singh, chuyên gia phân tích cao cấp đến từ IDC India nhận định.
Khả năng quản lý chuỗi cung ứng và nội địa hóa
Thay vì nhập thiết bị như những nhà sản xuất khác, Xiaomi thiết lập hẳn 2 cơ sở sản xuất nội địa ở Andhra Pradesh để đảm nhiệm tạo ra hơn 75% số thiết bị bán ra ở Ấn Độ. Nó được vận hành dựa trên mối hợp tác với Foxconn.
“Xiaomi đã có bước đi đúng đắn về chuỗi cung ứng và khả năng nội địa hóa. Thật không hề dễ dàng trong việc dự đoán nhu cầu để từ đó tạo ra lượng sản phẩm phù hợp”, Pathak của Counterpoint nhận xét. Công ty hiện đang lên kế hoạch mở nhà máy thứ ba trước nhu cầu ngày càng tăng.
Thành công còn đến từ quyết định lựa chọn phân khúc smartphone bình dân dao động từ 150 – 300 USD. Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ mạnh loại điện thoại ở khung giá này, thậm chí thấp hơn. Ưu điểm nằm ở chỗ, sản phẩm của Xiaomi có nhiều tính năng hơn của đối thủ. Ba trong số 5 dòng điện thoại bán chạy nhất tại Ấn Độ từ tháng 7 đến tháng 9 thuộc về Xiaomi.
Duy trì sự lãnh đạo?
Dẫu vậy, Xiaomi vẫn không hề dễ dàng trong việc giữ vững thị phần. Đối thủ đáng sợ nhất phải kể đến gã khổng lồ Hàn Quốc với tiềm lực mạnh mẽ.
Ấn Độ là thị trường chiến lược của Samsung để tiếp tục ngồi trên đỉnh thị trường smartphone toàn cầu. Apple thì đang nhăm nhe chen chân vào đây.
Khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 9 năm 2017, Samsung duy trì thị phần 23% tại Ấn Độ, nhưng lại để mất phân khúc smartphone giá 10.000 rupee – 15.000 rupee vào tay Xiaomi. Chưa kể, sức cạnh tranh còn đến từ Oppo, Vivo, Huawei của Trung Quốc và các công ty bản địa như Micromax, Lava hay Karbonn Mobiles. Người dân Ấn Độ có tới 150 thương hiệu điện thoại để lựa chọn.
Tính tới thời điểm này, Xiaomi đã giải được bài toán ở thị trường đông dân thứ 2 thế giới. Nhưng để duy trì vị trí hiện tại là thách thức không hề nhỏ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI