Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam: Chuyên gia phân tích và chỉ cách phòng ngừa

    Ngọc Minh, Phụ nữ Việt Nam 

    Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã xác nhận ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam.

     Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam: Chuyên gia phân tích và chỉ cách phòng ngừa - Ảnh 1.

    Tại buổi giao ban của Sở Y tế về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV/2022 vào sáng 3/10, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thành phố đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TP HCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về ca bệnh trên.

    Hiện nay, Sở Y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

    PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay từ năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành ở khu vực châu Phi (tại 11 quốc gia), hầu như không ghi nhận các ca bệnh tại khu vực khác. Đến tháng 5/2022, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo ghi nhận ca bệnh tại một số khu vực châu Âu (chùm ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Anh). Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại các nước ngoài khu vực châu Phi.

    Hiện dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng, lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.

    Theo PGS Trần Đắc Phu, người dân không cần quá hoang mang, lo lắng về việc TP HCM xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Vừa qua, theo các báo cáo, bệnh đậu mùa khỉ đa phần lây lan qua đường tình dục và ở nhóm có quan hệ đồng tính lưỡng giới.

     Đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam: Chuyên gia phân tích và chỉ cách phòng ngừa - Ảnh 2.

    Bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh hoạ

    "Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ vẫn ở diện hẹp, thường gặp ở nhóm có quan hệ đồng tính và các nước ghi nhận ca bệnh dịch cũng không bùng lên quá lớn. Còn tại Việt Nam cần phải xem xét ca bệnh nhập cảnh hay trong nước, có liên quan tới người nhập cảnh hay không?

    Theo tôi người dân cũng không nên quá lo lắng. Bệnh chỉ ở diện hẹp, nếu chúng ta xử lý tốt các ổ dịch sẽ không có chuyện bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên lơ là chủ quan thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh", PGS Phu nói.

    Trong công tác phòng dịch, cần tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu. Trong nước, tại các cơ sở y tế có ca bệnh nghi ngờ cần xét nghiệm và xử lý ổ dịch. Đối với người dân khi có triệu chứng cần tới cơ sở y tế thăm khám sớm, đặc biệt là người có tiền sử đi từ vùng dịch về, có quan hệ không an toàn với người nghi ngờ mắc bệnh…

    Kêu gọi người có yếu tố nguy cơ tham gia phòng ngừa bệnh

    Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay bệnh đậu mùa khỉ không lây lan quá nhiều cho nên người dân cũng không nên quá hoang mang.

    "Đặc biệt, đối với người có nguy cơ cao (chấp nhận quan hệ tình dục với người lạ, người nước ngoài, quan hệ với nhiều người) nên kêu gọi họ cùng hợp tác tham gia phòng chống bệnh. Chúng ta không nên quá sợ hãi, hãy bình tĩnh phòng ngừa các yếu tố nguy cơ", PGS Dũng nói.

    Theo chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ sẽ diễn biến qua các giai đoạn sau:

    - Giai đoạn ủ bệnh: Từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

    - Giai đoạn khởi phát: Từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

    - Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày.

    - Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

    Ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần.

    Bệnh đậu mùa khỉ thể nặng thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

    Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:

    - Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

    - Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

    - Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.

    - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/ động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

    - Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.

    - Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.

    Phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin: Sử dụng vắc xin để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

    Phòng lây nhiễm tại các cơ sở điều trị: Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định. Tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ