Bạn muốn kiểm soát giấc mơ hay để giấc mơ kiểm soát bạn?
Giấc mơ là một trong những trải nghiệm khó hiểu nhưng cũng thú vị nhất với con người. Trong giấc mơ, mọi logic ngoài đời thực, mọi định luật vật lý có thể bị phá vỡ. Cảm xúc của bạn được đẩy lên cao trào. Và tất cả đều "thực" đến nỗi bạn không hề biết mình đang mơ.
Nhưng đó cũng là một vấn đề. Đôi khi bạn sẽ có cảm giác mình bị giấc mơ dẫn dắt, bị giam cầm trong một thế giới tưởng tượng do chính não bộ mình vẽ ra.
Tỉnh dậy trong sợ hãi sau khi bất đắc dĩ trải nghiệm một loạt các cung bậc cảm xúc không hề muốn, bạn biết giấc mơ đã chiếm quyền kiểm soát bạn.
Bạn muốn kiểm soát giấc mơ hay để giấc mơ kiểm soát bạn?
Vậy làm thế nào để kiểm soát lại giấc mơ? Đó là điều mà chúng ta suy nghĩ sau khi nhận ra không phải lúc nào giấc mơ cũng chiến thắng được tâm trí. Khảo sát cho thấy hơn một nửa dân số đã từng kiểm soát được giấc mơ của mình, ít nhất một lần trong đời.
Điều đó có nghĩa là họ biết mình đang mơ và có thể điều khiển bản thân trong thế giới tưởng tượng ấy. Giấc mơ loại này được gọi là Lucid dream, hay giấc mơ sáng suốt. Trung bình, 25% dân số trải nghiệm giấc mơ Lucid mỗi tháng một lần hoặc thậm chí nhiều hơn thế.
Nghiên cứu những người này sẽ giúp chúng ta giải mã được bí ẩn của giấc mơ sáng suốt, và khoa học đã bắt đầu tìm ra manh mối.
Quan sát những tình nguyện viên ngủ trong những cỗ máy quét não bộ, các nhà nghiên cứu nhận ra vỏ não trước, vùng não đem lại khả năng nhận thức cao độ của họ bị ức chế trong giấc mơ thông thường.
Nhưng với Lucid dream, vỏ não trước đã được kích hoạt mạnh hơn. Đồng thời với đó là sự gia tăng sóng gamma phát ra từ một nhóm tế bào thần kinh. Các sóng này có tần số giống với những sóng não đã đem lại nhận thức, các chức năng điều khiển vận động và ra quyết định ở con người.
Các nhà khoa học đang tìm cách tác động đến não bộ để xâm nhập vào các vùng não và hoạt động thần kinh này.
Vỏ não trước kích hoạt mạnh hơn trong giấc mơ Lucid
Tạo ra những giấc mơ sáng suốt không chỉ đem lại niềm vui, mà còn là cơ hội cho phép khoa học nghiên cứu cách thức ý thức hình thành trong não bộ.
Ngoài ra, giấc mơ sáng suốt cũng có tiềm năng trở thành một phương pháp điều trị cho những người thường xuyên gặp ác mộng, hoặc những người gặp phải Hội chứng căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Bệnh nhân PTSD thường phải trải qua những cơn ác mộng lặp đi lặp lại hàng đêm, với những ký ức và cảm giác tiêu cực xung quanh sự kiện không may mà họ gặp phải. Những cơn ác mộng này rất đáng sợ, vì sự lặp lại của chúng thường gây ra lo lắng quá mức, mất ngủ và ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân PTSD.
Các nhà nghiên cứu hi vọng Lucid dream có thể giúp bệnh nhân PTSD kiểm soát được những gì xảy ra trong giấc mơ của mình, biết cơn ác mộng là không có thật, biến các trải nghiệm trở nên trung tính, tích cực hoặc thậm chí chữa lành chúng trong giấc mơ của mình.
Các ứng dụng của Lucid dream cũng có thể được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, bao gồm huấn luyện và cải thiện kỹ năng vận động thông qua hình dung. Nghiên cứu cho thấy quá trình diễn tập bằng hình ảnh tưởng tượng có thể giúp người chơi thể thao, bác sĩ và nhạc sĩ cải thiện hiệu quả làm việc của mình.
Nó cũng có thể giúp tăng tốc quá trình phục hồi chức năng ở những người bị liệt do tổn thương hệ thần kinh. Giấc mơ Lucid tỏ ra có tác dụng, bởi nó kích hoạt các con đường điều khiển vận động trong mơ giống hệt ngoài đời thực.
Tạo ra những giấc mơ sáng suốt không chỉ đem lại niềm vui, mà còn là cơ hội cho phép khoa học nghiên cứu cách thức ý thức hình thành trong não bộ.
Qua những giới thiệu kể trên, bạn đã sẵn sàng để biết đâu là những cách giúp bạn trải nghiệm giấc mơ sáng suốt hay chưa? Hãy xem đâu là những mẹo có thể hack qua hệ thống thần kinh, giúp bạn bay tới bất cứ nơi nào mình muốn, gặp bất cứ người nào mình thích, dù chỉ là trong giấc mơ.
Làm thế nào để có được giấc mơ sáng suốt?
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều kỹ thuật khác nhau được phát triển và thử nghiệm nhắm đến mục đích tạo ra những giấc mơ sáng suốt. Tỷ lệ thành công của các phương pháp này còn chưa cao, và cũng chưa thể áp dụng đại trà cho tất cả mọi người.
Nhưng điều đó không ngăn cản được nhiều người tự thử chúng tại nhà và thành công.
Phương pháp đầu tiên được gọi là "Thử nghiệm thực tế". Nó đòi hỏi bạn liên tục phải tự vấn não bộ mình, hỏi rằng bạn có đang mơ hay không? Bằng một hành động nào đó, bạn có thể biết rằng mình đang mơ hay đang tỉnh.
Các nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Inception đã sử dụng kỹ thuật này để kiểm tra giấc mơ của họ. Ví dụ như khi Cobb có một "totem" là con quay, trong giấc mơ nó sẽ quay vĩnh viễn mà không đổ xuống. Nếu Cobb thấy con quay đổ, anh biết đó là đời thực và ngược lại.
Con quay nổi tiếng trong Inception được làm ra dựa trên kỹ thuật thử nghiệm thực tế
Bây giờ, nếu không muốn luôn phải mang theo một con quay trong túi, bạn có thể dùng một hành động khác thay thế, không cần tới đồ vật. Ví dụ, trong ngày khi thức, thi thoảng hãy thử bịt mũi lại cho đến khi không thở nổi.
Bạn biết mình không thể thở khi bịt mũi trong thế giới thực. Hãy lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày, nó sẽ làm tăng cơ hội giúp bạn cũng thử nghiệm nó trong mơ. Và bạn sẽ nhận ra giấc mơ, nếu bạn bịt mũi vào mà vẫn có thể thở.
Công việc sau đó là cố gắng đừng tỉnh dậy, và quyền kiểm soát giấc mơ lúc này sẽ được trao vào tay bạn.
Kỹ thuật thứ hai được gọi là MILD (Mnemonic Indjection Lucid Dream), phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Stephen LaBerge từ thập niên 1970. MILD được thực hiện qua 5 bước:
1. Trước khi đi ngủ, đặt báo thức ở thời điểm 5 tiếng đồng hồ sau.
2. Khi báo thức kêu, hãy nhớ lại giấc mơ ngay trước khi bạn tỉnh dậy. Nếu không thể, chỉ cần gợi nhớ lại bất kỳ giấc mơ nào gần đây cũng được.
3. Điều chỉnh lại tư thế nằm thoải mái, tắt đèn và lặp lại câu nói này trong đầu: "Lần sau trong mơ, tôi sẽ nhớ mình đang mơ". Nhẩm từ nào bạn phải thấu hiểu ý nghĩa của từ đó và tập trung vào ý định nhớ rằng bạn đang mơ.
4. Mỗi khi bạn lặp lại cụm từ ở bước 3, hãy tưởng tượng bạn trở lại giấc mơ bạn nhớ tới ở bước 2, đồng thời vẫn hình dung bản thân bạn nhớ được rằng mình đang mơ.
5. Lặp lại các bước 3 và 4 cho đến khi bạn rơi vào giấc ngủ hoặc chắc chắn rằng ý định ghi nhớ của bạn được thiết lập. Đảm bảo đây là điều cuối cùng trong tâm trí trước khi bạn đi vào giấc ngủ. Nếu bạn thấy mình liên tục lặp lại ý định ghi nhớ mình đang mơ, đó là một dấu hiệu tốt, nó đã được thiết lập vững chắc trong tâm trí bạn.
Kỹ thuật MILD có thể cho kết quả lên tới gần 50%
Để có kết quả tốt nhất, kỹ thuật MILD có thể được thực hiện song song với kỹ thuật WBTB (Wake-Back-To-Bed). Trong đó, bạn cần đặt một đồng hồ báo thức trước lúc thức dậy bình thường từ 1 đến 2 tiếng.
Sau khi chuông reo, bạn cần thức trong vài phút trước khi trở lại giấc ngủ. Sự thức tỉnh ngắn ngủi này có thể kích hoạt các vùng não quan trọng liên quan đến giấc mơ Lucid. Để khi một người quay trở lại giấc ngủ REM, giai đoạn mà giấc mơ sống động xảy ra, họ sẽ biết mình đang mơ.
Đây cũng là lý do tại sao nhiều người gặp giấc mơ sáng suốt khi họ nhấn nút snooze trên đồng hồ báo thức và ngủ thêm trước khi thực sự tỉnh dậy.
Một lưu ý quan trọng, đừng thất vọng nếu bạn thất bại trong lần đầu tiên thử nghiệm các phương pháp này. Nghiên cứu cho thấy chí có 17% số người thành công sau 1 tuần sử dụng chúng để có giấc mơ Lucid.
Nhưng nếu áp dụng cả phương pháp MILD và WBTB cùng lúc, tỷ lệ thành công sẽ đạt tới 47% vào tuần thứ hai. Lời khuyên dành cho bạn ở đây là hãy kiên trì, trước khi khoa học tìm ra một cách dễ dàng và đơn giản hơn để đưa tất cả mọi người vào giấc mơ sáng suốt.
Và sự thật là họ đang thử nghiệm. Một số công ty công nghệ đang phát triển các thiết bị đeo có thể phát sáng, rung hoặc chuông báo hiệu đúng vào giai đoạn giấc ngủ REM. Mục đích là đánh thức họ "tỉnh dậy" trong giấc mơ, nhưng vẫn giữ họ ngủ để kiểm soát giấc mơ ấy.
Trong tương lai, có thể sẽ có các thiết bị đeo giúp bạn trải nghiệm giấc mơ Lucid
Thách thức của phương pháp kích thích này, đó là nó có thể khiến mọi người tỉnh hẳn dậy và phá hoại giấc ngủ của họ sau đó. Một số người ngủ nông hơn những người khác, vì vậy cường độ kích thích nên được điều chỉnh theo ngưỡng cụ thể, phù hợp với từng cá nhân.
Khoảng khắc nào của giấc ngủ REM mà ở đó não bộ dễ tiếp thu các tín hiệu nhất cũng chưa được biết tới. Vì vậy, các công nghệ đeo kích hoạt giấc mơ Lucid hiện tại chưa đạt được tới hiệu quả để triển khai ngoài thực tế.
Một lời hứa khác đến từ các loại thuốc. Ví dụ như các nhà khoa học đang thử nghiệm galantamine, một chất ức chế enzyme thường được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer, để kích hoạt giấc mơ Lucid. Nó đã được chứng minh giúp tăng đáng kể tỷ lệ gặp giấc mơ sáng suốt khi kết hợp với phương pháp WBTB và MILD, lên tới 57%.
Mặc dù vậy, lưu ý rằng loại thuốc này chỉ được phép sử dụng theo toa của bác sĩ và cũng có những tác dụng phụ nhất định. Ngoài ra, mọi người cũng nên cẩn trọng với các loại thực phẩm chức năng hoặc thảo dược tuyên bố có thể tạo ra giấc mơ sáng suốt. Chúng không hề được hỗ trợ bởi khoa học và có nguy cơ gây ra các dụng phụ bao gồm dị ứng phản vệ.
Biểu đồ về giấc ngủ của một người, trong đó giấc mơ Lucid thường xuất hiện giữa giai đoạn REM
Tóm lại, khoa học hiện nay chỉ ra 3 phương pháp nhận thức giúp bạn có được giấc mơ Lucid, bao gồm Thử nghiệm thực tế, MILD và WBTB. Kết hợp với một loại thuốc, các phương pháp này có thể cho tỷ lệ gặp giấc mơ Lucid lên tới 57%.
Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có được một phương pháp kích hoạt giấc mơ sáng suốt hiệu quả, đơn giản và áp dụng được cho tất cả mọi người. Trước khi chờ đợi đến ngày đó, yếu tố quan trọng nhất giúp đạt được giấc mơ Lucid đó là hãy kiên trì, rồi bạn sẽ thành công.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming