Đây là 4 'vũ khí' của Go-Viet mà Grab sẽ phải dè chừng?

    Thanh Huyền, Theo Trí Thức Trẻ 

    Thế mạnh và điểm yếu của Grab đều đang được Go-Viet khai thác triệt để.

    1. Sự am hiểu địa phương

    Trong cuộc chiến với Uber tại Việt Nam, Grab luôn được đánh giá là am hiểu thị trường địa phương hơn nhờ việc xuất thân từ Malaysia – một quốc gia Đông Nam Á.

     Tuy vậy, lợi thế ấy không còn rõ ràng với Grab khi Go-Jek (công ty chủ quản của Go-Viet) cũng chứng minh mình là một đối thủ không kém cạnh về việc thấu hiểu văn hóa địa phương, nhất là khi bản thân Go-Jek cũng đến từ một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia.

    Đây là 4 vũ khí của Go-Viet mà Grab sẽ phải dè chừng? - Ảnh 1.

    So sánh bộ nhận diện thương hiệu của Go-Jek và Go-Viet.

    Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn với tờ Bloomberg về kế hoạch tiến đánh thị trường Đông Nam Á, CEO của Go-Jek ông Nadiem Makarim từng chia sẻ sẵn sàng để các công ty con tại thị trường địa phương tự quyết định tên gọi, không nhất thiết sử dụng cái tên Go-Jek, vốn xuất phát từ chữ "xe ôm" (ojek) trong tiếng Indonesia.

    Thay vì mang màu xanh lá na ná Grab như tại quê nhà Indonesia, bộ nhận diện thương hiệu đậm chất "màu cờ sắc áo" Việt Nam của Go-Viet là một sự tính toán rất thông minh

    Ngoài Get (Go-Jek bản Thái Lan), việc đổi tên của Go-Viet là một minh chứng của chiến lược này. Điều này thể hiện được sự "linh hoạt" trong chiến lược địa phương hóa sản phẩm của công ty mẹ Go-Jek.

    Khác với Grab chỉ sử dụng một bộ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu, thì bộ nhận diện thương hiệu của Go-Jek cũng được thiết kế mới hoàn toàn. Từng đổi tông màu vàng chủ đạo cho Get của Thái Lan, bộ nhận diện thương hiệu đậm chất "màu cờ sắc áo" Việt Nam của Go-viet rõ ràng không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một sự tính toán rất thông minh của Go-viet .

    Với bộ nhận diện thương hiệu này, hững địa điểm vốn đông đúc áo xanh GrabBike bỗng nhiên có thêm khá nhiều màu áo đỏ của Go-Viet, hiệu ứng lan toả khiến thương hiệu Go-Viet bỗng chốc bùng nổ tại TPHCM.

    2. Chiến lược mua thị phần

    Chiến lược kéo trong tiếp thị thường được hiểu là chiến lược lôi kéo khách hàng hay người tiêu dùng, mua hàng của mình bằng cách dùng các công cụ tiếp thị tác động trực tiếp tạo ra nhu cầu. Trong chiến lược kéo, việc tung ra các gói khuyến mại hấp dẫn, "giá hủy diệt" là chiêu thức quen thuộc.

    Phương thức của chiến lược này là trực tiếp bỏ tiền để "mua" khách hàng của mình, hay còn gọi là mua thị phần: các công ty sẵn sàng "đốt" tiền để chiếm lấy thị trường mục tiêu một cách nhanh nhất nhằm chiếm thế thượng phong.

    Trợ giá cho các chuyến đi để tung ra các gói cước đồng giá 5.000 đồng, rồi 1.000 đồng khi mới xuất hiện tại thị trường TP.HCM và thủ đô Hà Nội, Go-Viet không chỉ gây chú ý mà còn thực sự đủ sức nặng khiến khách hàng thay đổi thói quen từ ứng dụng này sang ứng dụng khác.

    Vũ khí "giá rẻ" luôn dễ dàng chứng tỏ được "sức công phá". Trong một tuyên bố mới đây, phía Go-Viet đã khẳng định đơn vị này giành tới 35% thị phần xe 2 bánh tại thị trường TPHCM.

    3. Trở thành người dùng thường xuyên hơn là chỉ thu hút khách hàng

    Đây là 4 vũ khí của Go-Viet mà Grab sẽ phải dè chừng? - Ảnh 2.

    Không chỉ cạnh tranh ở người dùng, Go-viet còn cạnh tranh ở việc thu hút tài xế với Grab.

    Ngoài việc tung ra các chương trình khuyến mãi khủng cả ở cả hai chiều: Tài xế và Người đi xe. Go-Viet còn thiết kế các chương trình này với mục tiêu đưa Go-viet trở thành thói quen của người dùng.

    Với khách hàng sử dụng ứng dụng, đó là các chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục.

    Với tài xế, đó là chương trình ưu đãi không phải nộp chiết khấu trong vòng 6 tháng và điểm thưởng tăng dần sau mỗi chuyến đi hoàn thành.

    Đây là 4 vũ khí của Go-Viet mà Grab sẽ phải dè chừng? - Ảnh 3.

    Chính sách này giúp tài xế và khách hàng dần quen và trở nên gắn bó với công ty, trở thành người dùng thường xuyên, hơn là mỗi chỉ thu hút lượt tiếp cận ban đầu.

    4. "Điểm chạm" khách hàng: đặt nhiều chuyến 1 lúc

    Đây là 4 vũ khí của Go-Viet mà Grab sẽ phải dè chừng? - Ảnh 4.

    "Điểm chạm" trong hành trình khách hàng.

    Định nghĩa của điểm chạm trong Marketing là điểm tiếp xúc là bất kỳ lúc nào khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng tiếp xúc với thương hiệu của bạn - trước, trong hoặc sau khi họ mua thứ gì đó từ bạn.

    Đối với việc thiết kế sản phẩm, "điểm chạm" cũng chính là điểm khác biệt của sản phẩm mà bạn sẽ "hứng" được khách hàng khi mà đối thủ không thể đáp ứng được.

    Trong trường hợp này, "điểm chạm" của Go-Viet so với Grab chính là khả năng đặt nhiều chuyến xe một lúc so với việc chỉ đặt được một chuyến trong một thời điểm của Grab. Với chiến lược này, Go-Viet sẽ "vợt" được các các khách hàng từ Grab có nhu cầu đặt nhiều chuyến cùng một lúc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ