Trong số 5 trận đấu cờ vây giữa nhà vô địch thế giới Lee Se-Dol và AI của Google thì đã có 3 trận máy tính giành chiến thắng. Và đây là người đứng sau chiến thắng đó.
Lee Se-Dol là nhà vô địch cờ vây thế giới, môn cờ có từ thời cổ đại của Trung Quốc và được xem là trò chơi phức tạp nhất thế giới. Trong tuần này, kỳ thủ người Hàn Quốc đã đọ sức với chương trình máy tính với trí thông minh nhân tạo (AI) AlphaGo do DeepMind chế tạo. Đây là một công ty của Anh được Google mua lại vào năm 2014.
Trong chuỗi 5 ván đấu ở Seoul, cỗ máy này đã chiến thắng với tỷ số thuyết phục 3 - 0.
Kiến trúc sư đằng sau những chiến thắng trên là Demis Hassabis, đồng sáng lập kiêm CEO của DeepMind. Ông gọi Lee là “Roger Federer của cờ vây” và ví kỳ tích của AlphaGo giống như việc một robot bước vào sân đấu của Wimbledon và đánh bại nhà vô địch tennis huyền thoại.
“Tôi nghĩ đây là một kỳ tích nhưng vẫn phải nhường quyền đánh giá cho lịch sử”, Hassabis nói. “Nhiều người dự đoán phải mất ít nhất một thập kỷ nữa máy tính mới đánh bại được con người trong cờ vây, vì thế chúng tôi rất phấn khích trước thành tựu trên”. Người đàn ông 39 tuổi này từ lâu đã mơ về một chiến thắng như vậy. Nhưng tham vọng của ông còn vượt xa bàn cờ vây. Mục tiêu của ông là làm cho máy móc “thông minh hơn”.
Có mẹ là người lai Trung Quốc-Singapore, bố là người lai Hy Lạp-đảo Síp, người đàn ông mang trong mình bốn dòng máu này đã có một sự nghiệp kỳ lạ: thần đồng cờ vua, lập trình viên bậc thầy, nhà thiết kế video game và nhà thần kinh học.
Những trải nghiệm này đã đưa ông sáng lập nên DeepMind vào năm 2010 cùng với Mustafa Suleyman, một chuyên gia công nghệ là bạn thời thơ ấu của Hassabis và Shane Legg, bạn cùng lớp cao học về khoa học thần kinh ở Đại học University College London. Start-up về trí thông minh nhân tạo của bộ ba này đã được Google mua lại với giá 400 triệu bảng vào năm 2014.
“Một điều đặc biệt về Demis là trong khi những thiên tài thường khó gần, ông ấy lại rất cởi mở, hào phóng và hài hước. Ông ấy không có vẻ gì là kiêu ngạo”, Hermann Hauser, nhà khoa học máy tính đồng thời là doanh nhân khởi nghiệp chia sẻ.
Hassabis biết đến AI khi theo học chương trình cử nhân khoa học máy tính ở Đại học Cambridge. Khi ấy, các giảng viên của ông chỉ chăm chăm dạy môn AI “hẹp”, lĩnh vực mà các lập trình viên phân loại dữ liệu để máy tính thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
Hassabis không thỏa mãn với cách tiếp cận này. Ông muốn tạo ra những hệ thống “tổng quát” biết sử dụng thông tin phi cấu trúc từ môi trường xung quanh để đưa ra quyết định và phán đoán một cách độc lập.
Ở DeepMind, các kỹ sư đã tạo ra các chương trình dựa trên mạng thần kinh được mô phỏng theo não bộ con người. Những hệ thống này có thể phạm sai lầm, nhưng có thể học hỏi và tiến bộ theo thời gian. Chúng có thể được thiết lập để chơi các trò chơi hoặc làm các nhiệm vụ khác nhau, vì thế trí thông minh của chúng mang tính tổng quát chứ không phải đặc thù. AI này “suy nghĩ” giống như con người.
Trò chơi là phương tiện lý tưởng để kiểm nghiệm các chương trình AI này, giúp các nhà nghiên cứu đánh giá tính năng của chúng trước các mục tiêu được thiết lập. Và Hassabis là người lý tưởng nhất để huấn luyện cỗ máy trên. Là kiện tướng cờ vua ở tuổi 13 và từng tham gia đại hội thể thao trí tuệ thế giới, ông nổi tiếng với việc đấu cờ với nhiều người cùng một lúc. Ban tổ chức cuộc thi đã gọi ông là “người chơi các trò chơi giỏi nhất lịch sử”.
Hassabis thích các trò chơi có tính ngẫu nhiên. Ông đã thắng các cuộc thi bài poker và cho biết ông thích trò chơi này vì người chơi có thể thực hiện tất cả các nước đi đúng mà vẫn thua. Ông thích Diplomacy, một trò chơi chiến lược với luật lệ lỏng lẻo khi người chơi phải đàm phán, kết đồng minh và phản bội nhau để thống trị thế giới trên bàn cờ.
Cờ vua là “chén thánh” đối với AI. Trò chơi có 2.500 năm tuổi bắt nguồn ở Trung Quốc này được chơi bởi 40 triệu người trên toàn thế giới và có 1000 kỳ thủ chuyên nghiệp.
“Tôi biết chơi cờ vây đủ để hiểu được vẻ đẹp của nó”, Hassabis nói. “Nhưng đây không phải là một trong những trò chơi mà tôi giỏi nhất, vì thế tôi không thể đấu được với AlphaGo vì sức mạnh của nó vượt xa tôi ngay từ đầu”.
Máy tính từ lâu đã “phá đảo” các trò chơi như cờ backgammon và draughts. Vào năm 1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại Garry Kasparov, nhà vô địch cờ vua thế giới thời ấy. Với Deep Blue, các lập trình viên đã xây dựng một hệ thống có thể phân tích mọi kết quả của mọi nước đi có thể. Nhưng cờ vây phức tạp hơn nhiều so với cờ vua. Số nước đi trên bàn cờ vây còn có thể nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ. Vì thế có quá nhiều thông tin để xử lý ngay cả với siêu mạnh tính mạnh nhất. Để đánh bại một kỳ thủ con người cần một đột phá về công nghệ.
Khoảnh khắc đó đã đến vào hôm 9/3 khi sau ba tiếng rưỡi đồng hồ, Lee đã chịu thua trước AlphaGo. Nhà vô địch của nhân loại đã rất sốc sau trận thua. Trong ván đấu tiếp theo, máy tính lại giành chiến thắng một lần nữa. Ván thứ ba sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Mặc dù tỏ ra phấn khích về thành tựu trên, Hauser cảnh báo tiến bộ ở các lĩnh vực khác như robot vẫn còn một chặng đường dài để đi.
“Một trong những vấn đề với AI là chúng tôi chưa chế tạo được máy tính có thể tự di chuyển các quân cờ bằng tay”, ông nói. Vì thế, Federer của tennis sẽ chưa phải đối mặt với một đối thủ như vậy ở ngoài đời.
Đối với Hassabis, tạo ra một cỗ máy đánh bại con người trong trò chơi mới chỉ là bước thử nghiệm trước khi áp dụng công nghệ DeepMind vào giải quyết các thách thức của thế giới thực như làm phần mềm trợ lý ảo của smartphone thông minh hơn. Và xa hơn trong tương lai, ông muốn sử dụng chúng để giúp các nhà khoa học giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của xã hội như y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Tham khảo: ft.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?