Đây là đồng minh công nghệ mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ: ARM China

    Thiên Long, Theo Trí Thức Trẻ 

    Nếu được hỏi đâu là đồng minh mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ lúc này thì đó chính là ARM China, công ty con của hãng thiết kế chip hàng đầu thế giới, ARM.

    ARM China, công ty con của hãng chip nước Anh tại thị trường Trung Quốc, đồng thời hiện thuộc sở hữu của SoftBank, Nhật Bản đã và đang trở thành nhân tố chính hỗ trợ quá trình "tự chủ" công nghệ của Trung Quốc. Và trong một động thái bất ngờ, ARM China đã phát triển các mã cho phép các hãng bán dẫn Trung Quốc điều khiển các thuật toán mật mã do chính phủ nước này cấp phép.

     Đây là đồng minh công nghệ mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ: ARM China - Ảnh 1.

    Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông số một thế giới và đang bị Mỹ cáo buộc là gián điệp đang là một trong những khách hàng lớn nhất của ARM China kể từ khi chi nhánh này tiếp quản toàn bộ mảng kinh doanh của của ARM tại Trung Quốc hồi năm ngoái.

    Bước đột phá của ARM China là bằng chứng rõ nhất về nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ chính họ khỏi lệnh cấm của Mỹ, bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng trong nước và phát triển tài sản trí tuệ của riêng họ.

    Chỉ trong chưa đầy một năm, ARM China đã phát triển đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để chế tạo bộ xử lý trí tuệ nhân tạo hay bộ xử lý trung tâm. Đây là hai cột mốc quan trọng thúc đẩy xây dựng ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

    William Liu, phó chủ tịch phát triển sản phẩm của ARM chia sẻ: "Mục tiêu của ARM China là giúp tất cả các nhà phát triển chip Trung Quốc và các nhà sản xuất sản phẩm khác sử dụng công nghệ do Trung Quốc kiểm soát, không chỉ cho thị trường nội địa mà là cả thị trường toàn cầu".

    ARM China được thành lập vào tháng 4/2018 sau khi SoftBank bán 51% cổ phần thuộc sở hữu chi nhánh ARM tại thị trường Trung Quốc vào tay một nhóm các đầu tư nước này với giá 775 triệu USD.

    Thỏa thuận trên được SoftBank ca ngợi là một cách để ARM mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Chỉ trong hơn một năm, ARM China đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên lên hơn 600 người. Trong đó có khoảng 500 người là kỹ sư.

     Đây là đồng minh công nghệ mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ: ARM China - Ảnh 2.

    Chủ tịch kiêm CEO SoftBank, ông Masayoshi Son là người đã đặt vấn đề mua lại ARM vào năm 2016 trước khi bán 51% cổ phần của bộ phận ARM China cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc vào năm 2018

    ARM China trước đây là là nơi bán và cấp phép công nghệ của công ty mẹ ARM tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên giờ đây công ty còn tập trung phát triển các tài sản trí tuệ của riêng mình. Nói cách khác, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng các bằng sáng chế của ARM China bất chấp công ty mẹ ARM có không cấp phép.

    Điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi cách đây không lâu, ARM đã dừng hợp tác kinh doanh với Huawei sau khi Bộ thương mại Mỹ đưa hãng viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen hồi cuối tháng 5.

    Đặc biệt hầu hết máy chủ và chip xử lý của Huawei đều sử dụng nhân ARM. Tuy nhiên vào tháng 9/2019, nhóm pháp lý ARM cho biết, họ vẫn tiếp tục cung cấp bằng sáng chế cho Huawei khi hai trong số các công nghệ chip quan trọng của hãng có nguồn gốc từ Anh.

    Hiện ARM China có tới 30 khách hàng sử dụng các thiết kế chip của ARM, trong đó phải kể đến HiSilicon Technologies.

    Trong số các công nghệ đã được ARM China phát triển, có một thiết kế cho phép các dòng chip do Trung Quốc sản xuất có thể chạy thuật toán mật mã do Cơ quan quản lý mật mã Trung Quốc xây dựng.

    Ngoài ra công ty còn thiết kế cấu trúc chip, cho phép các nhà phát triển Trung Quốc xây dựng bộ xử lý AI có tên Zhouyi, được sử dụng trên hầu hết smartphone, smarthome, camera giám sát và ứng dụng xe hơi tại nước này.

    COO Wang Dajun của ARM China là người rất ủng hộ đường lối "tự chủ" công nghệ của Bắc Kinh. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị công nghệ ở Nam Kinh hồi tháng trước, ông cho biết: "Trung Quốc hiện có tất cả các điều kiện cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp chip. Áp lực bên ngoài sẽ chỉ càng đẩy nhanh sự phát triển các dòng sản phẩm mới và tăng cường mở rộng hệ sinh thái nội địa".

    Sự giúp đỡ của ARM chỉ là phụ, điều quan trọng vẫn là thái độ "chủ động" của Trung Quốc

    ARM là hãng thiết kế chip di động hàng đầu thế giới với doanh thu báo cáo lên tới 1,8 tỷ đô trong năm 2018. ARM đang độc quyền thiết kế cho nhiều chip xử lý đang được sử dụng trên smartphone Android và iPhone.

     Đây là đồng minh công nghệ mới nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ: ARM China - Ảnh 3.

    Công ty chip nước Anh đã bị tập đoàn đầu tư SoftBank thâu tóm hồi năm 2016 với số tiền lên tới 32 tỷ USD. Tuy nhiên việc tạo ra một thực thể riêng biệt như ARM China thì là lần đầu tiên trong lịch sử của ARM. Vai trò của ARM China là chuyển giao và tiếp thị công nghệ của hãng ra nước ngoài.

    Biện bạch cho việc ưu ái Trung Quốc, ARM cho rằng, họ kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của hãng và liên doanh này sẽ cho phép họ phát triển các sản phẩm mà các công ty phương Tây không thể làm được.

    Theo các tài liệu nội bộ của công ty tiết lộ, ARM China định hướng sẽ vượt qua công ty mẹ vào năm 2025. Thậm chí công ty có thể sẽ bán và cấp phép ngược trở lại bằng sáng chế cho công ty mẹ trong tương lai không xa.

    Mặc dù có sự hỗ trợ từ "đồng minh mới" là ARM China nhưng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh vẫn cần "tự chủ" hơn nữa về công nghệ. Chỉ có như vậy nước này mới tìm ra được lối thoát khỏi cuộc chiến Mỹ-Trung kéo dài dai dẳng, đang gây thiệt hại cho cả hai bên.


    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ