Đây là lý do tại sao Thung lũng Silicon cần 'lạc đà', chứ không phải 'kỳ lân' công nghệ
Bởi chỉ có những con 'lạc đà' mới có thể sống sót qua cơn khủng hoảng từ một đại dịch toàn cầu.
Từ lâu trong giới công nghệ, khái niệm kì lân (Unicorn) được dùng để chỉ các Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Còn 'lạc đà' là một khái niệm mới, ban đầu được đặt ra bởi Alex Lazarow từ Kauffman Fellows - một tổ chức nổi tiếng tập trung vào đầu tư mạo hiểm và đổi mới.
Trước hết, đây là ba đặc điểm của một con lạc đà mà bạn phải biết:
Đầu tiên, chúng không phải là động vật hư cấu (như kỳ lân). Chúng có thật và có thể tồn tại ở một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới.
Thứ hai, dù không có nhiều nước uống, lạc đà cũng có thể đi một chặng đường dài. Nhưng khi có nước, chúng có thể uống nhanh hơn các loài động vật khác, với tốc độ có thể đạt 100 lít trong vòng 10 phút.
Cuối cùng, chúng đã biến đổi, tiến hóa để thích nghi và sống trong các sa mạc nóng và khô nhất trên toàn thế giới.
Và "lạc đà" ở đây chính là một phép ẩn dụ cho tình hình hiện tại của giới công nghệ. Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, một loạt các công ty kỳ lân nổi lên sau làn sóng IPO đã liên tục gục ngã và thất bại. Các nhà lãnh đạo của nhiều công ty khởi nghiệp đã bắt đầu đặt câu hỏi về định kiến đã tồn tại lâu nay ở Thung lũng Silicon, đó là liệu việc "tăng trưởng bằng mọi giá" có phải là lựa chọn sáng suốt.
Trong nhiều thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng chung của Thung lũng Silicon đã được định nghĩa là việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình đổi mới sản phẩm và thị phần. Cụ thể hơn thì đối với một Startup, chỉ có hai thứ cần ưu tiên là chiến thắng trên thị trường và không bị hết tiền mặt. Một bộ máy hoạt động tinh gọn không phải là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp, vì nếu tập vào nó, bạn sẽ bị đánh mất thị phần. Và nếu không có hỗ trợ tài chính cho công việc nghiên cứu phát triển để tìm ra sản phẩm hay thị trường mới phù hợp, bạn sẽ bị các đối thủ vượt qua.
Chiến lược này từng rất có hiệu quả. Nhiều công ty kỳ lân được xây dựng theo mô hình này và thay đổi thế giới như Uber, Robinhood, Airbnb... Thông qua rất nhiều trợ cấp và giảm giá dịch vụ, các công ty này đã chiếm được khách hàng và mở rộng thị trường của mình một cách nhanh chóng. Và hậu thuẫn cho chúng là các quỹ đầu tư mạo hiểm với nguồn lực vốn tưởng chừng vô hạn.
Uber là một trong những con "kỳ lân" điển hình của giới công nghệ.
Nhưng đầu tư mạo hiểm cũng có thể "gây nghiện". Một khi các công ty đã quen dùng "động cơ phản lực" thì việc chuyển sang sử dụng "động cơ diesel" sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và có những ví dụ điển hình trong giới công nghệ như các công ty khởi nghiệp Juicero, Theranos, WeWork... nổi tiếng rất nhanh và biến mất cũng nhanh tương tự.
Bởi trong một thế giới, nơi mà sự chi tiêu của người tiêu dùng đang dần chậm lại, bởi nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan như Covid-19, chúng ta sẽ thấy mình như đang ở trong một sa mạc hoang vắng. Và giữa sa mạc này không có cây đèn ma thuật của Aladdin.
Ở nơi đây, kẻ sống sót chỉ có thể là những con "lạc đà". Đó là các công ty đáp ứng được các điều kiện như sau:
Đầu tiên, họ tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu quan trọng của người dùng, đồng thời tính phí cho các giá trị mà họ tạo ra. Các công ty này sẽ không đặt mục tiêu tối ưu là tăng trưởng. Mô hình kinh doanh phải hướng về các lợi ích kinh tế bền vững ngay từ đầu.
Thứ hai là khả năng quản lý chi phí tốt. Điều này có nghĩa là đảm bảo việc "đốt tiền" tùy theo tỷ lệ và quy mô doanh nghiệp. Một công ty "lạc đà" sẽ phát triển tốt trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, nhưng khi cần, chúng cũng có thể thay đổi để trở lại quá trình phát triển bền vững.
Thứ ba, nó cần có một tầm nhìn dài hạn. Ví dụ như công ty phần mềm về khảo sát trực tuyến Qualtrics (được SAP mua lại với giá 8 tỷ USD vào năm 2018). Công ty phân tích mọi khía cạnh trong trải nghiệm để khách hàng quay lại cũng như giới thiệu sản phẩm cho người khác. Cách làm này rất quan trọng trong bối cảnh mạng xã hội cho phép bất cứ ai đưa ra ý kiến. Trong năm thứ 13 thành lập, hai ông chủ của Qualtrics đã quyết định bán công ty thay vì "lên sàn", vì được định giá tốt hơn và những lợi ích mà SAP mang lại.
Cuối cùng, "lạc đà" có thể phát triển trong bối cảnh các hệ sinh thái tồi tệ nhất thế giới, dựa vào tính bền vững và khả năng phục hồi với môi trường. Bằng cách này, họ biến những thách thức thành lợi thế.
Eric Yuan - CEO của Zoom trong ngày công ty này lên sàn năm 2019.
Bên ngoài Thung lũng Silicon, các công ty khởi nghiệp theo phong cách lạc đà đang bùng nổ. Atlassian, một công ty phần mềm của Úc thành lập năm 2002, không có nhân viên bán hàng, với 11 năm có lợi nhuận liên tiếp trước khi lên sàn. Grubhub và Qualtrics cũng là những ví dụ điển hình. Họ chỉ sử dụng đúng số tiền mình cần, liên tục đánh bóng và cải tiến sản phẩm, quản lý tốc độ đốt tiền trong suốt vòng đời của công ty, chọn tính bền vững thay vì mở rộng nhanh chóng.
Zoom - công ty phát triển phần mềm họp trực tuyến đang nổi hiện nay - cũng là một ví dụ. Công ty này là một trong số ít các công ty công nghệ kiếm được lợi nhuận trước khi tiến hành IPO năm ngoái.
Khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu loay hoay tìm cách đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, kẻ có thể thoát khỏi khốn cảnh này và thành công trong tương lai sẽ không phải kỳ lân kiêu ngạo, mà sẽ là những con lạc đà chăm chỉ.
Tham khảo Sina
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"