Đây là lý do vì sao Apple không làm mới thiết kế của iPhone trong năm nay dù đang gặp khó khăn chồng chất
Ra mắt một mẫu iPhone có thiết kế mới trong năm đầu tiên suy giảm doanh số có thể sẽ giúp Apple phục hồi mạnh mẽ. Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn, bạn sẽ thấy năm 2016 chỉ đáng là tốt thí để Apple hy sinh cho một năm 2017 tươi sáng hơn.
Chúng ta đã đặt chân tới tháng thứ 7 của năm 2016, và cũng giống như mọi năm, đến thời điểm này chiếc iPhone sắp ra mắt vào tháng 9 đã lộ diện đầy đủ qua vô số hình ảnh rò rỉ. Trong khi các chi tiết như cổng tai nghe hoặc màn hình OLED vẫn còn chưa rõ ràng, đặc điểm rõ ràng nhất của chiếc iPhone 2015 là thiết kế gần như giống hệt 2 thế hệ iPhone vừa qua với điểm khác biệt duy nhất là hai dải anten đi theo viền thân máy thay vì đi ngang qua thân như trước đây.
Nói cách khác, chiếc iPhone của năm nay có vẻ sẽ là “iPhone 6S II” (hay “iPhone 6SS”, tùy xem bạn thích gọi như thế nào). Và cũng theo các tin đồn, phải sang tới năm 2017 Apple mới ra mắt một phiên bản iPhone hoàn toàn mới với thiết kế hai mặt kính.
Đây không phải là một tin tức thực sự tốt lành. Chúng tôi đã từng có lần phân tích rằng thiết kế mới là điểm hấp dẫn nhất của iPhone, và năm nay cũng là năm đầu tiên Apple thực sự gặp khó kể từ khi iMac đưa công ty này trở lại thành công. Chiến lược của Apple cho năm nay có vẻ là cực kỳ mâu thuẫn: ra mắt một chiếc iPhone chắc chắn không được lòng người dùng (vì thiết kế cũ) trong năm đầu tiên gặp khó.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Sinh nhật 10 tuổi
Lý do đầu tiên khiến cho Tim Cook phá lệ và kéo dài tuổi đời của một mẫu thiết kế iPhone tới 3 năm có thể là vì chiếc iPhone sẽ tròn 10 tuổi vào năm 2017. Đây chắc chắn sẽ được coi là một mốc thời gian quan trọng để các nhà đầu tư nhìn về quá khứ cũng như tới tương lai của iPhone.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như chiếc iPhone 7 thực sự ra mắt từ năm nay? Gần như chắc chắn, kịch bản của iPhone 6 và iPhone 6s sẽ lặp lại: iPhone 7 sẽ đưa Apple lên một đỉnh cao mới nhưng iPhone 7s sẽ khiến Apple phải kết thúc năm 2017 một cách đầy thất vọng. Từ phía các fan, ai lại muốn kỷ niệm sinh nhật của dòng điện thoại yêu quý bằng một chiếc iPhone quá nhà chám, chưa ra mắt đã biết rõ hình thù?
Nếu để ý bạn sẽ thấy dù phải đến năm nay mới sụt giảm nhưng trong tất cả các năm của “iPhone S” cổ phiếu của Apple đều trồi sụt, còn trong các năm có thiết kế mới thì lại lập kỷ lục giá trị vốn hóa. Rõ ràng, sinh nhật 10 tuổi không thể là một năm iPhone S được.
Từ góc độ kinh doanh, “hi sinh” năm 2016 để đẩy mạnh năm 2017 cũng sẽ là một chiến lược thông minh. So với mặt bằng người dùng Android thì người dùng iPhone dư dả kinh tế hơn hẳn và cũng có chu kỳ nâng cấp khá ổn định, thường là vào khoảng 2 năm (theo hợp đồng chiết khấu của các nhà mạng Âu Mỹ). Điều đó có nghĩa rằng năm nay sẽ là năm nâng cấp của người dùng iPhone 6/6 Plus.
Thế nhưng, nếu Apple ra thế hệ “iPhone 6s II” thì những người này có lẽ sẽ chưa mua mới và đợi tới năm 2017. Và đến năm 2017 thì Apple lại có thêm một nhóm người chờ nâng cấp mới: những người hiện tại đang dùng iPhone 6s và iPhone 6s Plus.
Tất cả vẽ ra một kịch bản không thể đẹp hơn: trong năm sinh nhật 10 tuổi, iPhone có thể lập kỷ lục doanh số mới từ một nhóm fan rất đông đang nóng lòng chờ nâng cấp. Như vậy, các fan vừa lòng, Apple thu lời, các nhà đầu tư cũng mỉm cười.
iPhone Pro và những đột phá công nghệ khác
Một xu hướng khác rất cần chú ý là khả năng Apple đưa iPhone tiến vào thị trường doanh nghiệp/người dùng chuyên nghiệp với một chiếc “iPhone Pro”. Tên gọi này đã xuất hiện từ nhiều tháng nay nhưng các chi tiết về dòng iPhone hoàn toàn mới này chưa được hé lộ nhiều ngoại trừ một tính năng quan trọng nhất: iPhone Pro có lẽ sẽ là mẫu iPhone đầu tiên hỗ trợ bút stylus. Hiển nhiên Apple cũng hoàn toàn có thể ra mắt một vài tính năng bất ngờ cho dòng iPhone hoàn toàn mới kể trên để phục vụ thật tốt giới người dùng chuyên nghiệp.
Bất kể iPhone Pro sẽ khác biệt như thế nào so với 2 dòng iPhone hiện tại, vốn tập trung cho người dùng phổ thông, chắc chắn chiếc iPhone này sẽ mang rất nhiều công nghệ mang tính thay đổi bước ngoặt. Thậm chí, mức độ thay đổi hoàn toàn có thể vượt qua cả Touch ID, chip 64-bit vào năm 2013 và Siri của năm 2011.
Trong mọi trường hợp, các thay đổi lớn về tính năng sẽ được dành cho một năm của iPhone S. Điều đó lại càng khiến năm 2016 trở nên bất hợp lý để ra mắt một chiếc "iPhone 7 Pro" thực thụ. Việc ra mắt một chiếc iPhone vừa có thiết kế mới, vừa có tính năng mới vào năm nay có thể là quá sức với đội ngũ Jony Ive/Craig Federighi, chưa kể nếu ra mắt một chiếc iPhone như vậy vào năm nay thì sang năm Apple làm thế nào để vượt qua cái bóng của chính mình? Không một ai muốn đón sinh nhật 10 tuổi của iPhone trong sự thất vọng cả.
Dĩ nhiên tất cả những điều này không có nghĩa rằng iPhone Pro không thể ra mắt trong năm nay. Nhưng ngược lại, nói đến iPhone Pro là nói tới tính năng mới, và ra mắt trong năm nay không có nghĩa rằng iPhone Pro không thể tái sử dụng thiết kế của iPhone 6. Điều Apple cần làm nhất là hoàn thiện công nghệ cho iPhone Pro trước tiên, và đến năm 2017, các fan Táo sẽ được đón nhận chiếc iPhone mang nhiều thay đổi nhất trong suốt 10 năm lịch sử của dòng điện thoại đình đám này.
Bài toán Ấn Độ
Một xu thế khác không thể không chú ý tới của thị trường smartphone toàn cầu là hiện tượng bão hòa tại Trung Quốc. Khi thị trường đông dân này đã hết màu mỡ, Apple sẽ buộc phải tìm tới các thị trường khác để giữ tốc độ tăng trường hoặc chí ít là giữ nguyên doanh số.
Vấn đề của Apple là ở chỗ nhiều trở ngại đang khiến cho giá iPhone tại các thị trường trọng điểm tăng chóng mặt. Ví dụ, tại Ấn Độ, giá iPhone SE bị đội cao hơn cả iPhone 6s, trong đó phần nhiều khoản giá đội lên là do các hàng rào thuế quan và chính sách.
Chìa khóa để giải bài toán này chỉ có một: tìm cách gia tăng chuỗi cung ứng tại Ấn Độ. Để lấy lòng chính phủ sở tại, Apple sẽ phải thuê nhiều nhà máy lắp ráp của Ấn Độ hơn, phải mua nhiều linh kiện từ đất nước này và cũng sẽ phải mở rộng mạng lưới bán lẻ. Yêu cầu này đòi hỏi Apple phải thực hiện thay đổi đáng kể chuỗi cung ứng hiện tại, và đây chắc chắn sẽ là quá trình dài hơi, tốn công sức. Khi muốn xâm nhập các thị trường tương tự như Indonesia hoặc Brazil, Apple cũng buộc phải thực hiện chiến lược tương tự.
Nhưng Apple không có lựa chọn nào khác. Ấn Độ, Indonesia, Nam Mỹ và Trung Đông sẽ thay thế Trung Quốc trở thành chiến trường smartphone quyết định tương lai. Sản xuất một chiếc iPhone 7 có thiết kế và cấu trúc hoàn toàn mới trên một chuỗi cung ứng sắp sửa phải dịch chuyển mạnh mẽ sẽ không phải là một lựa chọn tốt, bởi vậy nên trước mắt Apple vẫn cứ nên ra mắt “iPhone 6s II” cái đã.
Tốt thí 2016
Nói tóm lại, Apple có đầy đủ lý do để chọn năm 2016 để ra mắt thêm một chiếc “iPhone 6s” thứ 2, không thay đổi nhiều về thiết kế nhưng gia tăng nhiều về tính năng. Đây là tiền lệ đầu tiên của Apple, nhưng nếu nhìn vào thời đại Apple Tim Cook, bạn sẽ thấy “tạo tiền lệ” không phải là chuyện hiếm gặp.
Chiến lược này không phải là không có điểm yếu. Khi chọn năm 2016 để ra mắt một phiên bản khác của iPhone 6, Apple chắc chắn cũng hiểu doanh số năm nay sẽ lao dốc. Thế nhưng, bạn đừng quên rằng Apple là... Apple, và dù có lao dốc đến mấy thì doanh số iPhone vẫn sẽ đạt mốc vài chục triệu chiếc mỗi quý, lợi nhuận biên vẫn sẽ là 40%. Cổ phiếu có thể sụt dốc, nhưng đến năm 2017 sẽ hồi sinh.
Đến lúc đó, viễn cảnh 1.000 tỷ đô trị giá vốn hóa có thể không phải là quá xa vời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?