Đây là lý do vì sao Apple sẽ không thể trở thành một gã khổng lồ phần mềm và dịch vụ
Apple cần phải thay đổi để không còn phụ thuộc vào iPhone, thế nhưng đó không phải là điều dễ dàng.
Khi mà doanh số iPhone đang sụt giảm, trong khi các sản phẩm phần cứng khác như iPad hay máy tính Mac và cả Apple Watch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số của Apple, thì đã đến lúc để tìm một hướng đi mới.
Và khi bạn không thể bán được nhiều hơn các thiết bị như iPhone hay iPad, một kế hoạch có vẻ thông minh đó là tìm cách kiếm tiền từ những khách hàng đã và đang sở hữu những thiết bị này. Để có thể kiếm tiền từ những khách hàng cũ của mình, Apple sẽ phải hướng đến việc cung cấp phần mềm và dịch vụ.
Đó là một hướng đi hợp lý và có vẻ sẽ thành công, trong thời điểm mà các thiết bị phần cứng không còn sức hấp dẫn và đem lại doanh thu khổng lồ nữa.
Điều đó có nghĩa là Apple sẽ cần kiếm nhiều tiền hơn từ những dịch vụ như iCloud hay Apple Music. Tuy nhiên nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng để Apple làm được điều đó không phải là đơn giản.
Apple không phải là một công ty phần mềm và dịch vụ
Microsoft là một gã khổng lồ phần mềm, họ đã rất thành công trong việc kiếm tiền từ các dịch vụ cung cấp cho khách hàng bên cạnh việc chỉ đơn giản là bán các gói phần mềm. Đặc biệt là cung cấp các dịch vụ và nền tảng điện toán đám mây, thứ đem lại lợi nhuận rất cao so với các hình thức kinh doanh trước đây.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý ở đây, đó là khách hàng của Microsoft phần lớn là các doanh nghiệp. Khách hàng doanh nghiệp khác với những người tiêu dùng bình thường, bởi họ sẵn sàng bỏ hàng triệu USD cho các công ty cung cấp phần mềm và dịch vụ hỗ trợ.
Còn đối với những người tiêu dùng bình thường thì việc bỏ tiền cho một dịch vụ như Apple Music cũng là điều cần phải đắn đo. Trong khi đó, khách hàng của Apple hiện nay lại là người tiêu dùng bình thường chứ không phải doanh nghiệp.
Đó là lý do vì sao mà Apple sẽ rất khó để có thể trở thành một công ty phần mềm và dịch vụ, để không còn phụ thuộc vào iPhone. Nếu như muốn làm được điều đó, Apple sẽ cần hướng tới các doanh nghiệp, các khách hàng lớn hơn.
Một bằng chứng rõ rệt chính là Dropbox, một công ty lưu trữ dữ liệu có giá trị 10 tỷ USD và hơn 500 triệu người dùng. Tuy nhiên phần lớn các khách hàng của Dropbox cũng là những người tiêu dùng bình thường. Chính vì vậy mà Dropbox đang phải lo lắng về việc người sử dụng sẽ không trả tiền cho việc mở rộng thêm dung lượng lưu trữ và các tính năng mới.
Apple đã bỏ qua cơ hội của mình
Apple đã từng hợp tác với các công ty công nghệ lớn, có kinh nghiệm phục vụ khách hàng doanh nghiệp như IBM, Cisco và mới đây nhất là SAP. Tuy nhiên tất cả các thỏa thuận hợp tác này đều nhằm một mục đích duy nhất, đó là bán được càng nhiều iPhone và iPad càng tốt.
Theo các thỏa thuận hợp tác, Apple sẽ cung cấp phần cứng còn các đối tác cung cấp phần mềm và dịch vụ. Chính Apple đã tự đẩy mình vào con đường không thể lùi lại, khi chấp nhận chia sẻ toàn bộ mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp cho các đối tác của mình.
Trong khi là một nhà cung cấp các thiết bị phần cứng, Apple không có được bất kỳ mối quan hệ nào với các khách hàng doanh nghiệp. Thay vào đó các đối tác như IBM hay Cisco lại có được điều đó, bởi họ phải luôn tiếp cận với khách hàng doanh nghiệp để hỗ trợ và vận hành nền tảng dịch vụ của mình.
Apple cũng không được biết đến như một nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp, Apple không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong mảng kinh doanh này. Do đó, giữa việc lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp như IBM hay Cisco với Apple, chắc chắn Apple sẽ không được chọn.
Tập trung quá nhiều vào iPhone đã hại Apple
Apple đã quá tập trung vào iPhone, vào doanh số bán iPhone và chính điều đó đang khiến họ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ do doanh số iPhone sụt giảm khiến tổng doanh thu của công ty lao dốc. Mà còn vì Apple không thể tìm ra con đường nào khác để đi trong lúc này.
Apple có thể có hơn 1 tỷ thiết bị iOS đã được kích hoạt trên toàn thế giới, tuy nhiên số khách hàng này lại không có nhiều tiềm năng để khai thác trong mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ. Nếu có, cũng chỉ đem lại một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Apple.
Apple có thể cung cấp một hệ sinh thái iOS với các dịch vụ như Apple Pay hay Apple Music rất hấp dẫn đối với người sử dụng. Nhưng đó vẫn chỉ là các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng bình thường và khó có thể đem lại hàng tỷ USD doanh thu cho Apple, bù đắp lại doanh thu sụt giảm do iPhone.
Chính vì vậy mà theo nhận định của nhiều chuyên gia, cách nhanh nhất để Apple có thể mở ra lối đi mới cho mình và hướng tới khách hàng doanh nghiệp, chính là thâu tóm một công ty có những điều đó.
Dropbox có thể không phải là sự lựa chọn hoàn hảo, nhưng có thể là khởi đầu tốt nhất nếu như Apple muốn tiến sâu hơn vào mảng kinh doanh điện toán đám mây. Đây chính là xu hướng hiện nay, khi mà cả Amazon và Microsoft đều đang phát triển mạnh mẽ nhờ có nền tảng đám mây.
Sự thay đổi này chắc chắn sẽ không xảy ra một sớm một chiều, trong khi đó Apple sẽ vẫn “sống được” nhờ vào việc bán iPhone. Tuy nhiên nếu không sớm thay đổi khi mà thời thế đổi thay, Apple có thể sẽ đi theo vết xe đổ mà Nokia đã từng để lại.
Tham khảo: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android