Đây là lý do vì sao Tổng thống Donald Trump phải ngăn chặn thương vụ Broadcom - Qualcomm
Tất cả là vì công nghệ mạng 5G đột phá của Qualcomm.
Hôm thứ hai vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ban hành một lệnh cấm nhằm ngăn chặn việc Broadcom có thể mua lại Qualcomm. Tuy nhiên lý do của lệnh cấm này đã không được giải thích rõ ràng, mà chỉ được ông Trump miêu tả là một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Điều bất thường là lệnh cấm này được đưa ra trước khi thương vụ Broadcom - Qualcomm hoàn tất. Bởi theo thường lệ thì Bộ Tài chính sẽ can thiệp vào một thỏa thuận thâu tóm sau khi nó đã được hai bên đồng ý, bên cạnh đó còn phải xem xét dựa trên luật pháp nếu như muốn bác bỏ thỏa thuận đó.
Có vẻ như mối đe dọa từ thương vụ Broadcom - Qualcomm là rất lớn, khiến Chính phủ Mỹ phải hành động nhanh chóng và ngăn chặn ngay từ khi thỏa thuận này còn chưa hoàn tất. Tổng thống Donald Trump đã viết:
“Có những bằng chứng đáng tin cậy để tôi tin rằng Broadcom có thể đe dọa tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.
Và có vẻ như ông Trump đang muốn nói đến công nghệ kết nối di động không dây 5G. Đây là công nghệ đang rất được quan tâm, hứa hẹn sẽ mang đến kết nối di động với tốc độ cao hơn cả cáp quang hiện nay.
Rất nhiều công ty công nghệ lớn và các nhà mạng đã đua nhau để trở thành kẻ đi tiên phong trong việc sử dụng kết nối 5G. Khác với các kết nối di động cũ như 3G, mạng 5G sẽ sử dụng một tiêu chuẩn chung giữa các nhà mạng và các quốc gia trên toàn thế giới. Do đó, công nghệ di động này được cho là chiếc chìa khóa để kiểm soát mọi thứ.
Qualcomm là một trong số những công ty đi tiên phong trong việc phát triển mạng 5G
Nhà sản xuất chip di động có trụ sở chính tại San Diego, California đang đi tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển mạng 5G. Trong khi hiện tại, bất kỳ công ty nào chứng tỏ được sự vượt trội về công nghệ đều có khả năng áp đạt tiêu chuẩn mạng 5G của mình trên toàn cầu.
Chắc chắn rằng Chính phủ Mỹ sẽ không muốn một công ty nước ngoài làm được điều đó. Dẫn chứng là Bộ Tài chính từng cho rằng động thái đầu tư phát triển mạng 5G của Huawei là một mối đe dọa tiềm ẩn.
Carolina Milanesi, nhà phân tích của Creative Strategies cho biết: “Động thái của Chính phủ Mỹ đảm bảo rằng một trong những công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Mỹ, cho phép nước này có thể định hình sự phát triển của công nghệ di động trong tương lai”.
Các nhà mạng tại Mỹ như Verizon, AT&T hay T-Mobile cũng tỏ ra rất hào hứng với mạng 5G. Có nhiều thử nghiệm đã được tiến hành với Qualcomm và một số dịch vụ mới được hứa hẹn sẽ ra mắt trong năm nay. Tuy nhiên nếu như Qualcomm bị thâu tóm bởi Broadcom, các thỏa thuận này có thể sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Mỹ đang cho thấy tham vọng muốn trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng mạng 5G. Chính quyền Donald Trump thậm chí còn muốn tự phát triển mạng lưới 5G quốc gia của riêng mình, như một cách để dẫn trước các đối thủ nước ngoài.
Tuy nhiên không chỉ có Mỹ, mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang chạy đua phát triển công nghệ di động này. Và nếu như Qualcomm rơi vào tay một công ty của Singapore, rất có thể một cuộc đấu giá sẽ diễn ra để tranh giành những nghiên cứu và công nghệ 5G của công ty này.
Tham khảo: CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương