Đây là thứ sẽ giúp nút Back ở lại với Android, ngay cả khi Google đang tìm cách để loại bỏ nó
Pixel 3, chiếc điện thoại mới nhất của chính Google, đã không còn nút Back theo kiểu "luôn luôn hiện diện" như các đời Android cũ. iPhone trong bao năm qua vẫn luôn tạo được trải nghiệm ứng dụng tương đồng mà không cần có nút Back như Android. Vậy thì, cái gì đang giữ cho nút Back ở lại?
Những cỗ máy thông minh của tương lai tràn ngập những cái bóng của quá khứ. Những biểu tượng bạn nhìn thấy trên giao diện Windows có cội nguồn là những thứ văn phòng phẩm chất đầy trong kho. Các biểu tượng API trong phần mềm là bánh răng cưa của những cỗ máy cơ học. Đôi khi, những bóng ma của quá khứ tồn tại rất lâu, đơn giản chỉ vì chúng quá quen thuộc với con người.
Nhưng cũng có lúc những bóng ma của quá khứ tồn tại một cách gần như hoàn toàn vô dụng. Nút back trên Android là một ví dụ điển hình. Ứng dụng nào cũng đều có thể đặt nút Back lên trên chính giao diện. Một số nhà sản xuất Android mà tiêu biểu là Xiaomi đã "học" cách Back của Apple: trượt tay từ cạnh trái màn hình. Một số khác có cơ chế riêng, ví dụ như OPPO là kéo tay từ phía dưới cạnh trái màn hình lên trên.
Câu hỏi còn lại là, tại sao chúng ta lại cần mất diện tích màn hình cho một nút bấm xưa cũ khi ngay cả các cử chỉ cảm ứng đã là quá đủ cho một trải nghiệm tiện dụng? Liệu một nút Back luôn luôn tồn tại trên bất kỳ màn hình nào có là thực sự hợp lý cho các ứng dụng di động – nhất là khi một hệ điều hành khác không hề có nút này mà vẫn sống tốt, thậm chí còn độc chiếm phân khúc cao cấp?
Không, nút Back không còn lý do để tồn tại. Nhưng cũng là không có gì khó hiểu khi người dùng mang tâm lý rằng họ phải có nút Back mọi lúc mọi nơi trong không gian số. Ý tưởng này bắt đầu từ 3 thập kỷ trước, khi Internet bắt đầu lên ngôi. Ban đầu, World Wide Web chỉ là các trang web được "trỏ" sang nhau bằng các đường dẫn. Trong tình huống này, bởi các nhà phát triển sẽ không biết người dùng vừa truy cập trang web W từ trang nào (A, B, C, D hay E?), họ buộc phải tạo ra nút Back để người dùng có thể trở lại trang web vừa truy cập ngay trước trang hiện tại.
Dĩ nhiên, nút Back có từ trước khi web ra đời: lùi (Back), tiến (Forward), tạm dừng (Pause) và Start đã luôn gắn liền với các loại thiết bị chơi nhạc của nhiều thập niên trước. Đi suốt cả lịch sử, chính bản thân bộ nút này cũng từng là "nạn nhân" của các bóng ma quá khứ. John Zimmerman, giáo sư tại trường thiết kế Cargnegie Mellon cho biết:
"Nút stop trên máy nghe CD là ví dụ điển hình [cho thay đổi]. Trên đầu cassette, nút stop và khác với nút pause ở chỗ đầu đọc từ trường sẽ di chuyển ra xa để bảo vệ băng. CD cũng có nút stop, nhưng khác biệt nằm ở chỗ nút bấm này sẽ đưa người dùng về bài hát đầu tiên trong đĩa".
Bước vào thời đại số, các chương trình chơi file mp3/mp4 thực chất không cần đến nút Stop – điều khiển nhạc bằng playlist (danh sách phát) và chuột dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng trong khi một số ứng dụng chơi nhạc bỏ nút stop đi, nhiều ứng dụng khác vẫn giữ lại. Thay vì đưa người dùng về đầu ứng dụng, nút Stop nay đưa người dùng về đầu danh sách phát hoặc bắt đầu một "vòng" chơi ngẫu nhiên (Shuffle) mới.
Không chỉ thay đổi cách hoạt đông, đôi khi chính bản thân các yếu tố đồ họa cũ còn đã tự khoác lên mình ý nghĩa mới - nhất là khi ý nghĩa ban đầu của chúng đã tan biến. Ví dụ, nhắc đến nút Save là nhiều người nghĩ ngay đến chiếc đĩa mềm, dù rằng hiện tại ngay cả bút nhớ USB cũng đã không còn được sử dụng phổ biến.
Song, trong rất nhiều trường hợp các yếu tố giao diện được giữ lại chẳng vì lý do gì, ngoại trừ một giới hạn duy nhất: thói quen và hiểu biết của người dùng. Bố cục phím QWERTY ban đầu sinh ra là để giảm thiểu khả năng máy đánh chữ bị kẹt – đến nay, chúng đã được chứng minh là thiếu khoa học và làm chậm tốc độ gõ phím (so với Dvorak chẳng hạn). Ấy thế nhưng nếu các nhà sản xuất bàn phím hay các công ty phát triển hệ điều hành chuyển sang sử dụng bố cục Dvorak, thế giới điện toán chắc hẳn sẽ... sụp đổ.
Một ví dụ khác là trường hợp đặc biệt của máy ghi video TiVo. Vốn được thiết kế để hoạt động 24/7, nhà sản xuất TiVo loại bỏ luôn nút bật/tắt trên điều khiển từ xa. Giáo sư Zimmerman kể lại: "Rất nhiều người dùng đã cảm thấy bối rối với chiếc điều khiển mới, vốn thiếu đi một tính năng mà trong tiềm thức của họ là không thể thiếu được. Đây chính là điều sẽ xảy ra khi các nhà thiết kế thay đổi quá nhanh, quá nhiều. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy bất tiện".
Một ví dụ khác gần gũi hơn là khi Microsoft loại bỏ nút Start menu và chuyển sang một giao diện dạng tile (ô). So với menu cũ, Start Screen vẫn có những lợi ích nhất định và thực tế là không thiếu tính năng. Ấy thế mà cuối cùng Microsoft vẫn phải đưa Start menu trở lại trên Windows 10.
Dĩ nhiên, vẫn có những công ty sẵn sàng gây sốc cho người dùng và... thành công. Khi ra mắt iPhone X vào năm ngoái, Apple đã loại bỏ nút Home và cảm biến vân tay để chuyển sang cơ chế bảo mật "không chạm" thông qua gương mặt. Những tranh cãi nổ ra, nhưng cuối cùng chiếc iPhone nghìn đô đầu tiên vẫn thành công. Apple đã không phải trả giá khi giết chết một nút bấm có thể coi là biểu tượng của iPhone ngay từ những ngày đầu.
Dĩ nhiên, chính bản thân thiết kế không bàn phím của iPhone cũng đã là một cú sốc lớn của năm 2007. Android lẽ ra đã có hình hài của BlackBerry, nếu như Google không theo chân Apple.
Giờ sẽ đến lượt bộ 3 phím "kinh điển" của Android theo chân nút Home của iPhone vào dĩ vãng. Từ sau iPhone X, "toàn màn hình" mặc nhiên đã trở thành cuộc đua "hot" nhất của cả ngành smartphone. Loại màn hình này cũng đòi hỏi cơ chế điều hướng điều hướng hoàn chỉnh bằng các cử chỉ cảm ứng. Android Pie đã tiến rất sát đến trải nghiệm như vậy, nhưng lại chưa bỏ được nút Back. Điều duy nhất các nhà thiết kế của Google mới thực hiện là đưa thanh điều hướng về cơ chế "ẩn/hiện" động mỗi lần ứng dụng xuất hiện. Bất tiện và tốn công sức hơn rất nhiều so với thiết kế "không nút Back" của iOS.
Loại bỏ nút Back mang đến lợi ích cho chính nhà phát triển: việc sở hữu mặt trước toàn cảm ứng/không nút bấm trên cả Android lẫn iOS cho phép các nhà phát triển có thể đặt nút bấm bất cứ nơi nào họ muốn, kiểm soát luôn cả luồng ứng dụng của người dùng. Trải nghiệm nhờ đó mà đồng nhất, hấp dẫn hơn. Chưa kể, giao diện giọng nói cũng đang phát triển mạnh hơn, cho phép ứng dụng có thể hoạt động khi không có cả... nút ảo trên giao diện.
Ấy thế nhưng trải nghiệm hấp dẫn của kẻ này lại có thể trở thành trải nghiệm đáng sợ của kẻ khác. Zoe Guiraudon, một nhà thiết kế tại General Assembly nhận định: "Một vài người sẽ sử dụng các tính năng khác những người khác. Bạn chỉ nên loại bỏ một tính năng cũ khi nó đã trở thành một tính năng cho thiểu số. Bạn không muốn gây rối cho người dùng; bỏ đi những thứ họ đã quen sẽ khiến họ cảm thấy ngớ ngẩn".
Cùng một quan điểm là Yuichi Ishihara, giám đốc sáng tạo tại Tangerine: "Lợi ích của việc có nhiều phương thức thực hiện một tính năng là ở chỗ bạn có thể thỏa mãn nhiều nhóm người dùng với năng lực sử dụng công nghệ khác nhau". Vứt bỏ nút Back là vứt bỏ một phần quan trọng trong lịch sử 10 năm của Android, và cũng giống như nút nguồn trên điều khiển Tivo hay Start menu của Windows, trải nghiệm người dùng sẽ trở nên tồi tệ hơn đơn giản chỉ vì họ đã quen với nút Back.
Nút Back có lẽ vì thế mà ở lại, ngay cả khi điện thoại của chính Google cũng đang tìm cách để loại bỏ nút bấm này. Cũng giống như những biểu tượng văn phòng phẩm trên bàn Windows, giống như nút Save hình đĩa mềm, thứ duy nhất níu nút Back giờ không còn là tính năng, mà chỉ là cảm xúc của người dùng mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời