Đây mới là cách tốt nhất để thay đổi quan điểm của một người chống vắc-xin, theo khoa học
Logic cũng chẳng có tác dụng.
Làm thế nào để thuyết phục một người chống vắc-xin thay đổi quan điểm của họ? Không dễ dàng! Tranh luận với những bà mẹ “bỉm sữa”, bất chấp khoa học và bằng chứng nghiên cứu, chỉ khiến bạn bực bội thêm.
Cũng có những người nghi ngờ về sự an toàn của vắc-xin, là những ông bố bà mẹ có trình độ học vấn cao và suy luận logic. Nhưng khi nói đến vắc-xin, dù cho bao nhiêu bài báo khoa học bạn liệt kê ra cũng không đủ để thay đổi lập trường của họ.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học California đã thực hiện hẳn một nghiên cứu để tìm câu trả lời cho vấn đề này. Theo kết quả của họ, hóa ra tranh luận với một người chống vắc-xin là điều vô nghĩa.
Các bậc cha mẹ, những người không cho con đi tiêm chủng, coi tài liệu của chính phủ về độ an toàn của vắc-xin như sách dạy nuôi chim. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi bạn nói trong vắc-xin không có thủy ngân hay tỷ lệ biến chứng chỉ ở khoảng 1 phần triệu để thuyết phục họ.
Chỉ có một cách hiệu quả: Đó là tập trung dẫn chứng cho họ hiểu về tầm quan trọng và các lợi ích tích cực của vắc-xin.
Làm thế nào để thay đổi lập trường của một người chống vắc-xin, theo khoa học?
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học California. Trong đó, họ tuyển chọn 315 người chống vắc-xin rồi chia làm 3 nhóm khác nhau. Với mỗi nhóm, các nhà khoa học sẽ thử một cách tiếp cận để thay đổi quan điểm của họ:
- Một là đưa ra các dữ kiện thực tế về sự an toàn của vắc-xin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
- Hai là đưa cho họ đọc một báo cáo không liên quan về việc nuôi chim.
- Ba là đưa cho họ xem các bức ảnh thể hiện khả năng phòng ngừa bệnh tật của vắc-xin, và trường hợp cá nhân của một người mẹ có con 10 tháng tuổi suýt chết về bệnh sởi.
Với thiết kế thí nghiệm như thế này, các nhà khoa học định giữ nhóm thứ 2 làm nhóm đối chứng đế so sánh. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là nhóm thứ nhất cũng cho kết quả tương tự nhóm 2. Nghĩa là những người chống vắc-xin coi tài liệu về độ an toàn từ CDC cũng chỉ như sách dạy nuôi chim. Nó chẳng có tác động gì cả.
Điều khác biệt chỉ xảy ra ở nhóm thứ ba, những người được xem ảnh minh họa và câu chuyện về các bệnh nhân sởi và đậu mùa. Họ đã có những suy nghĩ thay đổi tích cực về vắc-xin.
Điều này chỉ ra vũ khí mạnh nhất để thay đổi lập trường của những người chống vắc-xin, không phải tranh luận về độ an toàn của thuốc, mà là tập trung vào lý do tại sao vắc-xin lại quan trọng.
Mặc dù chỉ là một nghiên cứu nhỏ, kết quả này được hỗ trợ bởi những nghiên cứu trước đây về kỹ thuật thay đổi quan điểm của công chúng về các thuyết âm mưu.
"Sẽ là hiệu quả hơn khi nhấn mạnh những lý do tích cực của việc tiêm vắc-xin, áp dụng cách tiếp cận tránh đối đầu trực tiếp", Keith Holyoak, nhà nghiên cứu từ Đại học California cho biết. “Nói rằng “Đây là những lý do để tiêm chủng" thì tốt hơn việc cố gắng phản bác trực tiếp các lập luận tiêu cực chống lại vắc-xin”.
Vũ khí mạnh nhất để thay đổi lập trường của những người chống vắc-xin là tập trung vào lý do tại sao vắc-xin lại quan trọng.
Hướng tiếp cận này hoàn toàn có lý, khi bạn nhìn vào động cơ thúc đẩy những người chống vắc-xin. Bất kể lý do là gì đi chăng nữa, những bậc cha mẹ không muốn cho con mình tiêm chủng, cũng vì lo cho sự an toàn của chúng. Các hành động của cả nhóm ủng hộ và chống vắc-xin đều dựa trên một khuôn khổ đạo đức.
Nhưng nghiên cứu cho thấy những hướng đạo đức thúc đẩy trong hai nhóm rất khác nhau. Hai nền tảng của người chống vắc-xin là: tự do cá nhân và sự thuần khiết.
Tự do trong bối cảnh này có nghĩa là họ tin vào trách nhiệm cá nhân, quyền tự do, quyền sở hữu và chống lại sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống người dân. Sự thuần khiết nghĩa là họ coi trọng một ranh giới giữa việc bảo vệ con người và bệnh truyền nhiễm.
Khi bạn nghĩ đến những giá trị cốt lõi này, hóa ra cố gắng dập tắt mối lo ngại của họ về vắc-xin có thể dẫn đến tác động ngược lại. Chẳng hạn như việc khuyên họ nên cho con đi tiêm chủng đã động chạm đến tự do cá nhân, nên nhớ rằng các bậc cha mẹ tin rằng họ có quyền quyết định những điều tốt đẹp cho con cái mình.
Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều muốn điều tốt nhất cho con em mình
Trở lại thực tế hiện nay, phong trào chống vắc-xin đang khiến nhiều bậc cha mẹ không cho con cái đi tiêm chủng. Một nghiên cứu cho thấy không tiêm phòng có thể tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh và giúp những người chống vắc-xin hiểu được vấn đề không phải chuyện dễ dàng.
Theo khoa học, cách tốt nhất để làm điều đó là nhấn mạnh những tác động tích cực của vắc-xin. Hãy để cho những người chống vắc-xin thấy hiệu quả phòng bệnh của tiêm chủng. Đừng tập trung vào việc “lên lớp”, cố gắng phản biện lập luận của họ. Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều muốn điều tốt nhất cho gia đình mình.
"Cố gắng đừng đối đầu trực tiếp", Holyoak nói. "Hãy cố gắng tìm ra điểm chung nếu có thể, và đưa ra ý kiến mang tính xây dựng”.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming