Đây sẽ là nhà máy đầu tiên trên thế giới hút khí thải CO2 rồi bón cho cây, đi vào hoạt động cuối tháng 5 này

    Dink,  

    Đây sẽ là nhà máy hút khí thải quy mô lớn đầu tiên, thương mại hóa việc "bán không khí lấy tiền".

    Vào ngày 31 tháng 5 tới, công ty Climeworks của Thụy Sĩ sẽ khởi động nhà máy hút carbon dioxide ra khỏi không khí và cung cấp cho một nhà kính trồng rau quả gần đó. Nằm tại thành phố tự trị nhỏ bé Hinwil, nhà máy cao 12 mét này trông không ... ra dáng một nhà máy cho lắm - nó có vẻ ngoài khá kì lạ.

    Nhưng nó sẽ là một trong những nhà máy đặc biệt nhất từng được xây dựng, kiếm lợi nhuận bằng cách bán khí carbon dioxide từ môi trường xung quanh. Để làm được điều đó, họ áp dụng một công nghệ có thể thu thập không khí trực tiếp (direct air capture). Tới thời điểm này, công nghệ thu khí carbon mới chỉ được lắp đặt tại những khu vực ô nhiễm nặng, ví dụ như những nhà máy đốt than để hoạt động. Nhưng công nghệ hút trực tiếp khí thải từ không khí này sẽ thu thập được mọi loại khí carbon đã có sẵn trong môi trường.

    Bởi lẽ tỉ lệ khí carbon trong không khí rất thấp (chỉ khoảng 0,04% trong thành phần không khí), công nghệ này sẽ rất khó thực hiện và nhiều phần tốn kém. Đó là lý do tại sao từ trước tới nay, ta mới chỉ có những nhà máy thử nghiệm nhỏ lẻ. Những gì người ta đang làm ở thành phố Hinwil sẽ cho ta thấy rằng công nghệ trên không chỉ áp dụng ở quy mô nhỏ và nhằm làm sạch không khí, mà người ta còn có thể lấy chỗ khí thải ấy để bón cho cây và thậm chí sau này, còn để sản xuất một số đồ uống có gas nữa.

    Thông qua việc này, ta có thể giúp cho môi trường trong sạch hơn

    Các nhà khoa học về biến đổi khí hậu nói rằng công nghệ loại bỏ các yếu tố ô nhiễm khỏi không khí sẽ là yếu tố tối quan trọng trong nỗ lực đạt được Thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu Paris, một nỗ lực chung tới từ 196 quốc gia nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không lớn hơn 2 độ C.

    Climeworks là nơi đầu tiên nâng nỗ lực này lên một mức độ lớn như vậy”, Julio Friedmann, cựu trợ lý ngành năng lượng hóa thạch tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và cố vấn cao cấp cho Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore phát biểu. “Gần như không có cách nào để đạt được những mục tiêu ấy mà không tiến hành thu thập khí thải từ môi trường”.

    Nhà máy này dự kiến sẽ thu thập được khoảng 900 mét khối khí nhà kính, tương được với lượng khí thải mà 200 chiếc xe ô tô thải ra trong một năm. Hệ thống sẽ tiến hành giữ khí carbon dioxide xung quanh khu vực vận hành của nhà máy, thông qua một bộ lọc thẩm thấu. Để thải khí carbon dioxide ra, bộ lọc trên sẽ được làm nóng tới 100 độ C bằng nhiệt từ việc đốt rác từ một nhà máy xử lý rác gần đó của công ty Kezo. Những phân tử carbon dioxide được lấy ra đó sẽ được bơm vào một nhà kính trồng cây của công ty Gebrüder Meier, nhằm “tăng cường mức độ phát triển của rau xanh lên tới 20%”, thông số lấy từ thông cáo báo chí của công ty Climeworks.

    Một nghiên cứu chỉ ra rằng để tránh được mốc tăng nhiệt độ “2 độ C” kia, công nghệ hút khí thải phải tới được mốc 5 tỷ tấn CO2/năm khi vào năm 2050. Một con số khổng lồ cho một công nghệ mới đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm.

    Nếu ta muốn đạt được điều này vào giữa thế kỷ này, chúng ta không chỉ phát triển những công nghệ kia mà còn phải áp dụng, tăng quy mô của chúng lên nhiều lần. Đó mới là mục tiêu chính của chúng ta”, Jan Wurzbacher, người đồng sáng lập Climeworks cùng với Christoph Gebald vào năm 2009. Kể từ lúc nghiên cứu và phát triển, họ đã nhận được 7 triệu USD tiền vốn từ nhiều nguồn và dự án khác nhau, cả từ chính phủ lẫn những nhà đầu tư tư nhân. Số tiền ấy được dùng vào việc phát triển công nghệ hút khí thải cũng như để xây dựng nhà máy nói trên.

    Tham vọng của họ với nhà máy này là hút được 1% khí thải CO2 vào năm 2025. Con số ấy đồng nghĩa với việc họ phải đưa vào hoạt động 750.000 nhà máy nữa và cũng đồng nghĩa với việc họ phải tìm cách cắt giảm chi phí xây dựng cũng như tìm thêm những nhà đầu tư khác nữa.

    Một nhà máy như thế này tiêu tốn khoảng từ 1 cho tới 9 triệu USD (Climeworks từ chối đưa ra con số chính xác). Họ đang bán khí CO2 thu thập được cho những nhà kính trồng cây với giá thị trường để thu hồi lại chút vốn, để xây dựng nhà máy thứ 2 có chi phí dự kiến khoảng 2 triệu USD.

    Chi phí cho một nhà máy như vậy

    Báo cáo từ Viện Quốc gia Mỹ năm 2015 cho biết chi phí để thu thập khí thải sẽ rơi vào khoảng 300 cho tới 1.000 USD với mỗi tấn CO2 thu thập được. Khoảng cách lớn như vậy là do họ có quá ít dữ liệu từ thực tế về hoạt động này.

    Ông Noah Deich, giám đốc cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận mang tên Trung tâm Loại bỏ Khí thải Carbon chỉ ra rằng những công ty thu thập khí thải hiện tại không khác gì ngành công nghiệp năng lượng tái tạo hồi những năm 1980, khi mà việc tập trung vào những dự án nhỏ lẻ sẽ cho phép họ phát triển được công nghệ này tới một mức cao hơn, qua đó giảm thiểu giá thành của toàn ngành nói chung.

    Người ta đã cố gắng xây nên những cơ sở có thể lợi dụng được thị trường đã có sẵn. Climeworks đã tìm ra được một giải pháp cho vấn đề nhức nhối là khí thải CO2, phù hợp với thị trường ngày nay”, ông Deich nói về việc nhà máy thu thập khí thải đã tìm được người mua, đó là những cơ sở nhà kính sản xuất rau quả.

    Những công ty có tiềm năng mua lại những khí thải ấy là những công ty thực phẩm và sản xuất thức uống, ví dụ như việc nuôi trồng rau củ, làm nước có gas hay đóng gói đá khô. Nhiều công ty khác có thể sử dụng những khí carbon ấy để sản xuất nhiên liệu, sản xuất vật liệu nói chung.

    Hiện nay, một trong những người đối đầu với Climeworks trong lĩnh vực này (sự đối đầu này đều có lợi cho nhân loại nói chung) là Carbon Engineering, có trụ sở tại Canada. Công ty này đang hướng tới mục tiêu thương mại hóa công nghệ chế tạo nhiên liệu dựa trên khí thải thu về được, để sản xuất nên loại nhiên liệu cho ra ít khí carbon. Công nghệ của họ đã cho thấy khả năng xử lý được 1 tấn CO2/ngày và hiện đang kết hợp với Greyrock Energy để phát triển một quá trình sản xuất nhiên liệu dựa trên nước và CO2.

    Thứ nhiên liệu này dự kiến sẽ có giá khoảng 1 USD/lít, một cái giá “nằm trong khoảng cạnh tranh”, theo lời của quản lý phát triển doanh nghiệp Carbon Engineering, ông Geoff Holmes. Giá ấy chưa hẳn là đã cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch, nhưng trong tương lai, nó sẽ có một mặt bằng chung cân bằng hơn nhiều. Climeworks cũng đang có kế hoạch trong lĩnh vực “biến không khí thành nhiên liệu” này, họ cũng đang hợp tác với Audi để sản xuất dầu diesel tổng hợp trong một nhà máy thử nghiệm.

    Việc kiếm tiền từ khí CO2 nghe có quá ... vô lý không?

    Những hình mẫu kinh doanh theo kiểu “bán không khí lấy tiền” này vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, CEO của Carbon Engineering, Adrian Corless cho hay. Trong một tương lai lý tưởng, người ta sẽ có thể kiếm lời từ việc hút khí CO2 ra khỏi bầu không khí. Nhưng theo Corless thì viễn cảnh này “phải một thập kỷ nữa mới có”.

    Không phải chỉ những dự án khởi nghiệp mới nghĩ tới hình mẫu kinh doanh này. Ngay tuần vừa rồi, Vương quốc Anh đã khởi động một chương trình loại bỏ khí thải nhà kính trị giá 10 triệu USD, nhằm dồn quỹ nghiên cứu vấn đề nan giải này.

    Chỉ mới vài năm gần đây thôi, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc thu thập khí thải từ môi trường trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính trên Trái Đất. Dù rằng đây là thứ công nghệ đầy tiềm năng, các chuyên gia môi trường vẫn khẳng định rằng việc giảm thiểu khí thải vẫn là mục tiêu trước mắt và phải đặt lên hàng đầu.

    Hiện tại, vẫn còn quá sớm để khẳng định công nghệ thu thập khí thải (dù có để kiếm lời hay không) sẽ ảnh hưởng mạnh tới khí hậu Trái Đất. Nhưng đó chắc chắn là một giải pháp không tồi để cứu lấy hành tinh đang bị ô nhiễm này, bất chấp khái niệm “kiếm tiền từ việc bán không khí” có buồn cười tới mức nào.

    Tham khảo Vice

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ