Đây sẽ là những chiến trường thay thế smartphone để trở thành trọng tâm mới của thế giới hi-tech
Trong bối cảnh smartphone cấp thấp mất dần sức hút và smartphone cao cấp cũng chẳng thể thực sự gây ấn tượng, cuộc chiến smartphone rõ ràng đang đi vào giai đoạn khắc nghiệt nhất. Đây là lúc cả những kẻ thua cuộc lẫn những gã khổng lồ thống trị trong cuộc chiến smartphone phải đi tìm nguồn sống mới để thay thế cho những chiếc điện thoại cảm ứng đã trở nên quá phổ cập.
Smarthome: Trọng tâm mới của các gã khổng lồ Châu Á
Samsung SmartThings: Ngôi nhà nào cũng có thể trở thành nhà thông minh.
Nếu nói đến hai chữ "thích nghi" thì bao giờ chúng ta cũng phải nói đến Samsung đầu tiên. Ngay từ khi Galaxy S5 gặp thất bại, nhà sản xuất Hàn Quốc đã ngay lập tức dành ra những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực đồ gia dụng kết nối. Kết quả là trong lúc smartphone từ từ xuống dốc thì tại thời điểm 2016, khi nhắc đến một hệ sinh thái smarthome chất lượng và đầy đủ giải pháp, Samsung vẫn là một trong số rất ít những cái tên có thể nhắc đến.
Cùng lúc, đối thủ Xiaomi của Samsung cũng đang mon men ra mắt những sản phẩm smarthome đầu tiên để mong đảo chiều suy thoái khi smartphone Trung Quốc đã bão hòa. Tuy vậy, rõ ràng là trên cả hai khía cạnh kinh nghiệm sản xuất đồ gia dụng lẫn các mảng kinh doanh bổ sung (gia công chip) thì Xiaomi vẫn đang tụt hậu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Smarthome cũng là lời giải của LG để đối phó với hiện trạng buồn thảm trên lĩnh vực smartphone. Sau 6 quý liên tiếp chứng kiến bộ phận di động chịu lỗ, LG mới đây đã bổ nhiệm lãnh đạo bộ phận thiết bị gia dụng Jo Seong-jin lên trở thành CEO của cả tập đoàn. Không chỉ đặt nền móng vững chắc cho mảng kinh doanh smarthome, ông Jo còn là người có công đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ để bù lỗ cho mảng kinh doanh điện thoại đang ngày một leo dốc của LG. Khi bổ nhiệm nhà lãnh đạo này vào một vị trí vốn đã bị bỏ ngỏ trong nhiều năm vừa qua, chắc chắn công ty Hàn Quốc sẽ có những bước tiến mạnh mẽ để giữ vững vị trí là đối thủ duy nhất của Samsung trong lĩnh vực đồ gia dụng thông minh.
Xe thông minh: Cuộc đua đa màu sắc
Đây sẽ là một cuộc chiến khá phức tạp được các hãng theo đuổi từ nhiều góc độ khác nhau. Nhắc đến xe thông minh thì cái tên đầu tiên phải nhắc tới vẫn là Tesla, nhưng hiển nhiên một kẻ thức thời như Samsung sẽ không chịu đứng ngoài. Mới gần đây, Samsung cũng đã bỏ ra khoản tiền lên tới 8 tỷ USD – lớn nhất trong lịch sử kinh tế Hàn Quốc – để mua lại tập đoàn Harman nhằm mở đường tấn công lĩnh vực xe thông minh. Trong khi các nỗ lực của Apple và Google hiện mới chỉ tập trung vào góc độ phần mềm, việc sở hữu Harman sẽ giúp Samsung mở một cuộc tấn công khá toàn diện trên cả phần cứng lẫn phần mềm.
Một cái tên khác không thể bỏ qua là NVIDIA: kẻ khổng lồ của thế giới GPU sau khi không thể chen chân vào thị trường smartphone quá chật chội đã được tái định hướng để làm chủ các hệ thống infotainment trên xe hơi. Đến nay, mảng kinh doanh này đã mang lại hàng trăm triệu USD mỗi quý cho NVIDIA, giúp cho hãng chip này trở thành tên tuổi vượt mặt cả Intel lẫn Qualcomm khi nhắc tới khái niệm chip dành cho xe kết nối.
Thực tại ảo: Cứu cánh cho trải nghiệm người dùng cuối
Bất chấp những cải tiến như màn hình vát hoặc cảm biến lực nhấn, rõ ràng là trải nghiệm smartphone đã không còn gì mới mẻ đến mức "gây sốc" nữa cả. Ngoại lệ duy nhất là Gear VR, phụ kiện được Samsung lựa chọn làm nhân vật chính trong sự kiện ra mắt Galaxy S7/S7 edge đầu năm nay. Với thương vụ hợp tác đình đám cùng Facebook và công ty con Oculus, Samsung đang ở vị trí tiên phong trong cuộc đua phổ cập smartphone. Bám đuổi khá quyết liệt là Google: sau nhiều năm dừng ở mức độ thử nghiệm với Cardboard, trong năm nay gã khổng lồ tìm kiếm tỏ ra khá nghiêm túc khi ra mắt kính Dream VR để phục hận cho Google Glass.
Song, nếu nói về chất lượng trải nghiệm thì có lẽ cả 2 ông lớn này đều phải xếp sau HTC. Chiếc kính Vive được công ty Đài Loan gia công cho Valve đã trở thành một trong những giải pháp VR cao cấp đầu tiên ra mắt nhằm cạnh tranh cùng PS VR của Sony và Oculus Rift của Facebook. Đây cũng sẽ là chiến trường chứng kiến sự bành trướng của NVIDIA: trong năm qua, gã khổng lồ GPU đã đột ngột đẩy cao sức mạnh của các mẫu GPU Pascal để cùng Valve, Steam và tất cả các nhà phát triển game lớn đón đầu cuộc đua VR trên PC.
Trợ lý ảo (và loa thông minh): Hiện thân gần gũi nhất của AI
Có lẽ nếu chỉ lựa chọn ra một từ khóa công nghệ duy nhất cho năm 2016 thì đó chắc chắn sẽ là AI. Từ những ván cờ vây của AlphaGo, bộ API nhận diện cảm xúc của Microsoft cho đến tai nạn chết người/cú phanh cứu mạng người của Model S, trí thông minh nhân tạo đang có những bước tiến vượt bậc để từ phim ảnh đi vào đời sống thực.
Nhưng bước tiến gần gũi và phổ cập nhất của AI tới loài người có lẽ vẫn là trợ lý ảo, và trên lĩnh vực này thì một kẻ thua cuộc trong cuộc chiến smartphone đang dẫn đầu: Amazon. Với thành công của AI trò chuyện Alexa trên chiếc loa Echo, Amazon đang thu hút được một lượng lớn các đối thủ cạnh tranh đưa trợ lý ảo vào các vật dụng tĩnh thay thế cho vị trí truyền thống trên smartphone. Danh sách này bao gồm rất nhiều các tên tuổi smartphone lớn như Samsung, Sony và LG, song đáng chú ý nhất vẫn lại là Google. Trong năm đầu tiên tham gia thiết kế/chế tạo phần cứng một cách nghiêm túc, sản phẩm đỉnh được Google lựa chọn lại là một bản sao hoàn chỉnh của Alexa.
Ngay cả khi nhìn vào chiếc smartphone đình đám nhất của năm 2016 là Google Pixel, bạn cũng sẽ nhận ra rằng trọng tâm của smartphone không còn là phần cứng smartphone. So với tất cả các đối thủ cạnh tranh, Pixel không hề có một thế mạnh nào về cấu hình hay về tính năng phần cứng: ngay đến cả camera 89 điểm dXo của Pixel vẫn bị đánh giá là kém cỏi hơn camera của Galaxy S7. Nhưng Google từ trước đến nay vẫn là một công ty chuyên về dịch vụ dữ liệu, và Pixel hiện vẫn đang độc quyền sở hữu trải nghiệm trợ lý ảo Google Assistant. Đứng từ góc độ này, Pixel đơn giản chỉ là một cái "gói" phần cứng cho dịch vụ Google bên trong, một thứ vũ khí trung gian để Google chống lại các dịch vụ dữ liệu được Amazon "gói" trong loa Echo, được Microsoft "gói" trong HoloLens và Windows 10.
Dĩ nhiên, chiếc smartphone của chúng ta vẫn sẽ là ngôi sao của toàn bộ nền công nghiệp hi-tech trong vòng vài năm tới. Song, khi cả Apple, Google, Microsoft, Amazon lẫn Xiaomi đều đang có những bước tiến nhằm giảm bớt vai trò trung tâm của smartphone, sự thật rõ ràng là chiếc điện thoại thông minh không còn là cuộc chiến trung tâm nhất, màu mỡ nhất mà bất kỳ ai cũng phải tham gia.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI