Đế chế bán lẻ "từng thay đổi cả nước Mỹ" chính thức đệ đơn xin phá sản

    Ngọc Trang, Theo Vneconomy 

    Sau nhiều thập kỷ thoi thóp do doanh số sụt giảm, thua lỗ liên tiếp và nợ chồng chất, Sears đệ đơn xin phá sản vào rạng sáng ngày 15/10...

    Hãng bán lẻ 132 năm tuổi Sears vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ sau nhiều năm kinh doanh bết bát và chìm trong nợ nần. Khoản nợ 134 triệu USD tới hạn ngày 15/10 nhưng không thể trả được là "giọt nước tràn ly" dẫn tới quyết định này của Sears, CNN cho biết.

    Đơn xin bảo hộ phá sản của Sears Holdings, công ty mẹ của Sears và Kmart, được trình lên toà án liên bang tại New York vào rạng sáng ngày 15/10. Sears Holdings đã phát đi thông cáo nói rằng dự định tiếp tục kinh doanh, giữ lại các cửa hàng đang có lãi và trang mua sắm trực tuyến của Sears và Kmart.

    Tuy nhiên, công ty này cho biết đang tìm kiếm người mua lại số lượng lớn cửa hàng còn lại. Ngoài 46 cửa hàng dự kiến đóng cửa vào tháng tới, công ty này sẽ đóng cửa thêm ít nhất 142 cửa hàng vào cuối năm nay.

    Eddie Lampert, chủ tịch, cổ đông lớn nhất của Sears - người đứng sau thương vụ sáp nhập Sears và Kmart vào năm 2005, cũng tuyên bố từ chức CEO. Công ty sẽ được điều hành bởi 3 giám đốc cấp cao. Trước đó, Lampert từng tuyên bố Sears đã có những bước tiến nhằm chấp dứt nhiều năm thua lỗ.

    "Dù có bước cải thiện nhưng kế hoạch của chúng tôi vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi", Lampert nói trong thông cáo ngày 15/10. Ông cho biết quá trình phá sản sẽ cho phép công ty giảm nợ, chi phí và "trở thành hãng bán lẻ có lãi, cạnh tranh hơn".

    Được biết đến là hãng bán lẻ biểu tượng thay đổi cách sống và mua sắm người Mỹ vào thế kỷ trước, Sears nằm trong số hàng chục hãng bán lẻ lớn như Toys "R" Us, RadioShack và Sports Authority, tuyên bố phá sản trong kỷ nguyên thương mại điện tử của Amazon.

    Nhiều thập kỷ thoi thóp

    Trong nhiều thập kỷ qua, Sears không còn giành được sự yêu thích của người tiêu dùng Mỹ khi các hãng thương mại điện tử và những đối thủ lớn như Walmart và Home Depot đánh bại hãng này về giá và sự tiện lợi.

    Tuy nhiên, không ít vấn đề của Sears là do tự hãng này gây ra. Đội ngũ lãnh đạo công ty này đã cố gắng cạnh tranh bằng cách đóng các cửa hàng và cắt giảm chi phí. Công ty này giảm chi tiêu cho quảng cáo và không đầu tư vào việc bảo trì, hiện đại hoá các cửa hàng của mình. Các cửa hàng Sears và Kmart bị đánh giá là tàn tạ và hoạt động kém hiệu quả.

    Doanh số sụt mạnh, lỗ hàng tỷ USD, nợ chồng chất và dự trữ tiền mặt cạn kiệt khiến Sears phải bán đi nhiều tài sản giá trị nhất để lấy tiền duy trì hoạt động. Sears phải bán đi công ty bán đồ nội thất và quần áo Lands End vào năm 2014.

    3 năm sau đó, hãng này tiếp tục bán đi thương hiệu Craftsman và vài năm qua đang tìm người mua thương hiệu gia dụng Kenmore. Người mua duy nhất có thể tìm được là Lampert với đề nghị trả 400 triệu USD cho Kenmore thông qua quỹ đầu tư của mình. Tuy nhiên, hội đồng quản trị của Sears không đồng ý với đề nghị này.

    Tháng 9/2018, giá trị vốn hoá của Sears chỉ còn dưới 100 triệu USD, chưa bằng 1/4 giá trị của Kenmore.

    Sears đã lỗ tổng cộng 11,7 tỷ USD kể từ năm 2010 - năm cuối cùng hãng bán lẻ biểu tượng một thời này có lãi. Trong cùng thời kỳ, doanh số sụt 60%. Suốt 13 năm qua, công ty này đã đóng cửa hơn 2.600 cửa hàng.

    Các nhà cung cấp cũng yêu cầu hãng này phải trả tiền mặt trước cho hàng hoá bày bán trong cửa hàng, khiến Sears càng khó cạnh tranh với những hãng bán lẻ khác.

    Năm ngoái, Whirlpool, hãng gia dụng đã hợp tác với Sears hơn 100 năm qua, đã rút nhiều thương hiệu của mình ra khỏi các cửa hàng Sears và Kmart. Từng là hãng bán lẻ gia dụng lớn nhất tại Mỹ, năm ngoái, Sears chỉ còn chiếm 3% doanh số toàn cầu của Whirlpool.

    Hồi tháng 9, Lampert đề xuất về một đợt tái cấu trúc tài chính mà không phải xin phá sản. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng công ty đang cạn tiền mặt. Giá cổ phiếu Sears nhanh chóng giảm xuống dưới 1 USD lần đầu tiên trong lịch sử.

    Thương hiệu từng thay đổi cả nước Mỹ

    Sears từng là hãng bán lẻ lớn nhất và cũng là công ty có nhiều nhân viên nhất tại Mỹ. Vào thời hoàng kim, công ty này từng là một gã khổng lồ như Walmart và Amazon hiện nay.

    Được thành lập vào năm 1886 bởi nhân viên ga tàu Richard Sears, Sears bắt đầu là một công ty đồng hồ tại North Redwood, Minnesota. Sears chuyển tới Chicago vào năm 1887 và hợp tác với đồng hồ Alvah Roebuck. Catalog đầu tiên của công ty Sears Roebuck, bán đồng hồ và trang sức, được in vào năm 1896.

    Qua các tập catalog của Sears, nhiều người Mỹ bắt đầu tiếp cận và mua những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Đây là sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt đối với những người đang sống trên các trang trại và thị trấn nhỏ và từ lâu luôn tự cung tự cấp nhiều nhu yếu phẩm như quần áo, nội thất.

    Các cửa hàng của Sears đã giúp định hình cả nước Mỹ, thay đổi thói quen mua sắm từ các gian hàng vỉa hè truyền thống. Sears thu hút người tiêu dùng đến các trung tâm mua sắm, dẫn đầu trong công cuộc đô thị hoá nông thôn nước Mỹ hậu Thế chiến thứ 2. Những sản phẩm gia dụng Kenmore của hãng mang đến cho người Mỹ nhiều thiết bị giúp tiết kiệm sức lao động - thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các gia đình Mỹ.

    Tuy nhiên, khá lâu trước khi Amazon và thương mại điện tử trỗi dậy, Sears đã phải vật lộn để theo kịp sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người Mỹ. Các hãng bán lẻ truyền thống lớn như Walmart đã đánh bại hãng này về giá và sự tiện lợi.

    Năm 1999, Sears bị loại khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones sau hơn 75 năm và Home Depot thế vào vị trí đó.

    Sears và Kmart sáp nhập tạo thành Sears Holdings vào năm 2005 với tổng số 3.500 cửa hàng tại Mỹ. Đến nay, đế chế này chỉ còn chưa tới 900 cửa hàng.

    Hồi tháng 7, Sears đóng cửa hàng cuối cùng tại Chicago - nơi từng là quê hương của hãng bán lẻ này. Tháng sau đó, công ty tuyên bố đóng thêm 46 cửa hàng nữa. Tính tới tháng 2/2018, công ty này có 89.000 nhân viên, giảm từ 317.000 người vào đầu năm 2006, không lâu sau thương vụ sáp nhập.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ