Déjà vu đã khiến tôi không còn phân biệt được đâu là thực tại và đâu chỉ là những ảo ảnh
Tôi cảm thấy mình đang lật một album ảnh chẳng có gì, ngoài chính tấm ảnh bìa được sao chép lại một cách vô tận.
5 năm trước, Pat Long, một nhà báo, quyết định phẫu thuật để loại bỏ khối u trong não mình. Theo mô tả của anh, cuộc phẫu thuật ấy đã để lại “một cái hố to bằng quả chanh” phía sau đầu bên phải.
Nó cũng bắt đầu tạo ra những cơn co giật mạn tính, thường xuyên và liên tục. Đi đôi với đó là một chứng déjà vu kinh niên, khiến nhiều lúc anh bị lạc giữa thực tại và những ảo giác tự nhiên chui ra từ đâu đó bên trong bộ não.
Để tiếp tục sống mà không bị “mất lối dẫn về thực tại”, Pat Long đã tìm hiểu tất cả những gì mà các nhà khoa học có thể nói về déjà vu. Đây là lần đầu tiên anh chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình:
Vào một buổi chiều buồn tẻ cách đây vài năm, có một chuyện gì đó rất bất thường đã xảy đến với tôi. Tôi nhớ mình đang nằm ườn dưới một gốc cây trong công viên phía đông London chật ních người, vào thời điểm mà cái trải nghiệm ấy chợt ập đến. Một cảm giác bất ngờ, chóng mặt, rồi ngay lập tức bị xâm chiếm bởi một sự quen thuộc mạnh mẽ và áp đảo.
Tất cả mọi người xung quanh biến mất. Tôi tìm thấy chính mình đang nằm trên một chiếc chăn dã ngoại bằng vải kẻ ô vuông, giữa một cách đồng lúa mỳ chín vàng cao vút.
Ký ức đó đặc biệt chi tiết và phong phú. Tôi có thể nghe thấy tiếng của những cây lúa mỳ trổ bông lắc lư khi một làn gió nhẹ thổi qua chúng. Tôi cảm thấy ánh nắng ấm áp của mặt trời ngay phía sau cổ mình, và nhìn thấy cả những con chim đang chao liệng rồi thả trôi trên tầm mắt.
Đó là một hồi tưởng êm đềm và cực kỳ sống động. Chỉ có một vấn đề: Nó chưa từng thực sự diễn ra. Những gì tôi đã trải nghiệm khi đó chỉ là hình thức cực đoan của một ảo giác thần kinh phổ biến: déjà vu.
Những gì tôi đã trải nghiệm khi đó chỉ là hình thức cực đoan của một ảo giác thần kinh phổ biến: déjà vu.
Con người chúng ta coi ký ức là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Một trong những học thuyết cơ bản nhất của triết học phương Tây đã được Aristotle thành lập: Ông coi những đứa trẻ sơ sinh như một cuốn sổ trắng. Cuốn sổ được lấp đầy dần khi đứa trẻ lớn lên, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
Cho dù chỉ là cách buộc dây giày hay việc nhớ lại ngày đầu tiên đến trường, những ký ức tạo nên một bản đồ tự truyện, giúp chúng ta định hướng được những gì thuộc về hiện tại và ngày hôm nay.
Tiếng nhạc từ một quảng cáo truyền hình cũ rích, tên lần lượt của những đời tổng thống, trò chơi chữ của một câu chuyện cười: Ký ức là những thành phần cấu tạo nên hiện diện bản thân một con người.
Trong hầu hết thời gian, hệ thống ghi nhớ sẽ chạy ngầm bên dưới những hoạt động thường ngày mà mọi người vẫn làm. Chúng ta coi sự ghi nhớ ấy hiệu quả một cách hiển nhiên. Cho đến một lúc, sự hiển nhiên ấy đổ sập xuống.
Trong suốt 5 năm qua, tôi đã bị giày vỏ bởi một chứng động kinh, hậu quả của một khối u to bằng quả chanh ở bán cầu não phải. Trước khi nó được phát hiện, tôi hoàn toàn khỏe mạnh: Tôi đang ở giữa tuổi 30 và chẳng có triệu chứng gì về sức khỏe.
Cho đến hôm đó, một buổi chiều tôi tỉnh dậy trên sàn nhà bếp với hai mắt đen lại sau cơn co giật đầu tiên được ghi nhận.
Những cơn co giật sẽ xảy ra sau một đợt giải phóng tín hiệu điện bất ngờ và không thể lường trước trong não. Chúng thường được báo trước bởi một cái gì đó gọi là “aura- tiền triệu chứng”, những rung động nhẹ nhàng kéo dài một vài phút trước khi con co giật chính bắt đầu.
Bản chất của tiền triệu chứng khác nhau rất nhiều giữa các bệnh nhân. Một số người trải nghiệm những cảm giác kèm, cực kỳ hưng phấn hoặc thậm chí khoái cảm ở thời điểm cơn co giật bắt đầu. Với riêng tôi, nghe có vẻ không thú vị như vậy. Nó bắt đầu bằng một sự thay đổi đột ngột, phối hợp giữa một nhịp tim tăng nhanh, cảm giác lo lắng và đôi khi là những ảo giác về âm thanh.
Nhà thần kinh học tiên phong người Anh, John Hughlings Jackson là người đầu tiên định nghĩa tiều triệu chứng động kinh. Theo những quan sát của ông năm 1898 thì dấu hiệu báo trước đó bao gồm các ảo giác sống động như ký ức, thường đi cùng với cảm giác déjà vu. “Những khung cảnh cũ quay trở lại”, một bệnh nhân đã nói với ông. “Tôi cảm thấy mình đang ở một nơi hết sức lạ lùng”, một người khác nói.
Cho đến hiện tại, đặc trưng quan trọng nhất trong tiền triệu chứng của tôi là cảm giác choáng ngợp, cho rằng mình đã từng trải qua chính xác một thời điểm của hiện tại nhưng lại là đâu đó trong quá khứ - mặc cho điều đó không phải sự thật.
Trong thời điểm cơn co giật nặng nhất của tôi diễn ra, và rồi kéo theo một tuần sau đó, cảm giác này xảy ra nhiều đến nỗi tôi thường xuyên phải vật lộn để phân biệt sự khác nhau, giữa những sự kiện của thực tại sống và những giấc mơ, giữa những ký ức thật và ảo giác được tạo ra từ sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tôi không nhớ déjà vu có xảy ra ở dạng bình thường trước khi chứng co giật của mình xuất hiện hay không. Nhưng bây giờ, nó xảy ra ở một tần suất kinh khủng, đến mười lần mỗi ngày. Tôi không thể tìm ra một manh mối nào giải thích, khi nào hoặc tại sao những “tập phim” lại tự trình chiếu chúng. Chỉ có một điều để biết, déjà vu thường kéo dài qua một cảm xúc rộn ràng trước khi chúng biến mất.
Ước tính có khoảng 50 triệu người mắc phải chứng động kinh trên toàn thế giới. Nhiều trong số họ trải nghiệm những vấn đề tâm thần và suy giảm trí nhớ dài hạn. Và thật khó để tôi không lo lắng cho sự mờ nhạt của thực tế và những huyễn hoặc tôi trải nghiệm, một ngày nào đó, có thể biến thành một cơn ác mộng.
Bởi vậy, bằng cách cố gắng hiểu càng nhiều điều về déjà vu, tôi hy vọng có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ lạc trên con đường dẫn trở lại thực tại, từ “những nơi xa lạ” mà giống hệt thực tại ấy.
Tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ lạc trên con đường dẫn trở lại thực tại, từ “những nơi xa lạ” mà giống hệt thực tại ấy
Trong cuốn sách Catch-22 của mình, Joshep Heller đã miêu tả déjà vu như “một cảm giác bí ẩn và kỳ lạ, của việc trải nghiệm những hoàn cảnh giống hệt thời điểm hoặc thực tế trước đó”.
Peter Cook đã viết trên một cột của tạp chí: “Tất cả chúng ta, một hoặc nhiều lần trong đời sẽ có cảm giác déjà vu, một cảm giác rằng điều này đã từng diễn ra trước đó, rằng điều này đã từng diễn ra, nhất định là nó đã từng diễn ra trước đó”.
Là một thuật ngữ được mượn từ tiếng Pháp với ý nghĩa “đã từng nhìn thấy”, déjà vu nằm trong nhóm những bí ẩn liên quan đến trí nhớ. Nghiên cứu từ 50 cuộc khảo sát khác nhau cho thấy khoảng 2 phần 3 người khỏe mạnh đã từng trải nghiệm déjà vu tại một thời điểm trong đời. Đối với đa số, mọi người sẽ chẳng để ý đến déjà vu sau phút chốc, khi họ chỉ coi đó là một ảo giác thần kinh thú vị và nhẹ nhàng.
Nhưng đó chỉ là déjà vu tức thời và thoáng qua. Thế còn déjà vécu (đã từng sống) là cực kỳ phiền toái. Không giống như déjà vu, déjà vécu liên quan đến cảm giác cho rằng toàn bộ chuỗi sự kiện được trải nghiệm đã từng xảy ra trước đó. Hơn thế nữa, nó không có cái cảm giác bắt đầu thình lình và tính chất kết thúc đột ngột của déjà vu.
Một đặc tính để định nghĩa déjà vu bình thường là khả năng phân biệt nó không có thật. Khi gặp déjà vu, não bộ sẽ chạy một loạt các bài kiểm tra bằng giác quan, tìm kiếm các bằng chứng khách quan của trải nghiệm trước đó, và sau đó kết luận déjà vu chỉ là ảo giác.
Thế nhưng, những người mắc déjà vécu đã bị mất khả năng kiểm tra này hoàn toàn.
Giáo sư Chris Moulin, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về những trải nghiệm dạng déjà, từng ghi chép về một bệnh nhân của ông ở Anh. Năm 2000, giáo sư Moulin nhận được thư của một bác sĩ địa phương, đề cập đến ca bệnh của một kỹ sư 80 tuổi có biệt danh AKP.
Người đàn ông 80 tuổi này có các tế bào não chết dần, hậu quả của chứng sa sút trí tuệ. Sau đó, ông rơi vào trạng thái déjà vu mạn tính và vĩnh viễn: déjà vécu.
APK tuyên bố rằng ông đã bỏ xem truyền hình và đọc báo, bởi ông biết trước được tương lai điều gì sẽ diễn ra. “Vợ ông ấy nói rằng ông ấy cảm thấy như thể mọi thứ trong cuộc đời mình đã diễn ra một lần trước đây”, giáo sư Moulin kể lại.
APK không chịu đi viện bởi vì ông cảm thấy mình đã từng ở bệnh viện rồi, mặc dù sự thật dĩ nhiên không phải thế. Khi được giới thiệu với giáo sư Moulin lần đầu tiên, ông ta còn tuyên bố có thể kể cho ông chi tiết về những lần gặp gỡ trước đó của hai người.
Một số nhận thức về bản thân mà AKP còn giữ lại được, giáo sư Moulin nói: “Vợ ông ta sẽ hỏi làm thế nào mà ông có thể biết những gì sẽ xảy ra trên chương trình truyền hình, khi mà ông chưa từng nhìn thấy nó trước đây. Ông ấy sẽ trả lời “Tại sao tôi biết ư? Tôi có một vấn đề với trí nhớ””.
Những người mắc déjà vécu sẽ vĩnh viễn không biết rằng họ đang gặp ảo giác
Vào cái ngày hôm đó trong công viên, ảo giác về tấm chăn dã ngoại và cánh đồng lúa mỳ biến mất khi một nhân viên y tế tới và bắt đầu lắc vai tôi. Mặc cho thực tế rằng ký ức đó chỉ là một ảo giác, tôi vẫn có cảm giác chúng có ý nghĩanhư bất kể một ký ức thực nào.
Giáo sư Moulin coi trải nghiệm déjà này là một loại, bằng cách nào đó, được nhuốm màu thực tại.
“Cảm giác của chúng ta về déjà vu là nó được gây ra bởi cảm giác quen thuộc”, ông nói. “Thay vì chỉ cảm thấy một thứ gì đó có cảm giác thuộc về quá khứ, một thứ gì đó khác xâm chiếm tâm trí mang đặc tính hiện tượng học, do đó nó xuất hiện thành một kỷ niệm thực”.
Nhiều bệnh nhân khác của giáo sư Moulin đã thể hiện tình trạng mà các nhà khoa học thần kinh gọi là khuynh hướng 'anosognosic' (mất nhận thức về bệnh tật). Họ hoặc là không thể nhận thức về tình trạng của mình, hoặc mất khả năng phân biệt giữa trí nhớ và những gì thuộc về tưởng tượng.
“Tôi đã từng nói chuyện với một người phụ nữ mà cảm giác déjà vu của cô ấy cực kỳ mạnh, đến nỗi chúng trở thành những ký ức thực của cô”, Giáo sư Moulin nói với tôi. ”Một số điều xảy đến với cô ấy rất tuyệt vời. Cô có một ký ức về một chuyến bay trên trực thăng. Những ký ức này sẽ còn làm khó cô sau này, bởi cô phải dành ra một khoảng thời gian dài hơn nữa, cố gắng hiểu xem có thực chúng đã từng xảy ra hay không”.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với AKP, giáo sư Moulin bắt đầu quan tâm đến nguyên nhân của déjà vu, và làm thế nào cảm giác chủ quan có thể ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ hàng ngày.
Bởi khi đó những tài liệu đáng tin cậy mô tả nguyên nhân của déjà vu là rất hạn chế, giáo sư Moulin và các động nghiệp tại Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ và trí nhớ, Khoa Tâm thần học Đại học Leeds đã bắt đầu thực nghiện nghiên cứu riêng của mình, trên những bệnh nhân động kinh và người gặp khiếm khuyết về trí nhớ.
Mục đích của họ là rút ra một kết luận về trải nghiệm déjà vu trên những người khỏe mạnh và khám phá déjà vu có ý nghĩa gì với hoạt động nhận thức nói chung.
Thế nhưng, vấn đề lập tức mà giáo sư Moulin phải đối mặt: trải nghiệm déjà vu quá ngắn ngủi, đến mức hầu như không thể tái tạo lại được chúng trong các điều kiện lâm sàng. Công việc mà nhóm nghiên cứu phải đối mặt khi đó giống như nỗ lực làm một điều không thể.
Émile Boirac chính là người đặt ra thuật ngữ déjà vu
Émile Boirac là một nhà nghiên cứu thần kinh và giải phẫu tâm lý học sống ở thế kỷ 19. Năm 1876, ông viết trong một tạp chí triết học Pháp, miêu tả trải nghiệm đến thăm một thành phố mới, nhưng lại có cảm giác đã từng đến đó trước rồi.
Boirac chính là người đặt ra thuật ngữ déjà vu. Ông cho rằng đó là một gợn sóng hoặc tiếng vọng của tinh thần: cảm giác mới mẻ ông trải qua chỉ đơn giản là nhớ lại một ký ức từng bị lãng quên.
Mặc dù giả thuyết này vẫn được xem là hợp lý, nhưng nhiều nỗ lực tiếp theo của các nhà khoa học sau này nhằm giải thích déjà vu có xu hướng phức tạp và kì lạ hơn nhiều.
Cuốn sách Tâm lý học của cuộc sống thường ngày xuất bản năm 1901 của Sigmund Freud tạo được tiếng vang vì đã khám phá ra bản chất của Freudian slip (những lời nói lỡ nhưng chứa đựng sự thành thật từ tiềm thức). Thế nhưng, nó cũng thảo luận về các khiếm khuyết khác trong quá trình hồi tưởng của trí nhớ.
Cuốn sách ghi lại trải nghiệm déjà của một nữ bệnh nhân: Trong lần đầu tiên bước chân vào nhà một người bạn, người phụ nữ có cảm giác rằng cô từng đến thăm ngôi nhà này trước đây, và tuyên bố sẽ biết từng căn phòng trong ngôi nhà, trước khi bước vào đó.
Những gì mà bệnh nhân của Freud trải nghiệm, bây giờ, được miêu tả bằng thuật ngữ déjà visité, hay “đã từng ghé thăm”. Freud gán nguyên nhân cảm giác déjà visité ở bệnh nhân của ông cho biểu hiện của một óc tưởng tượng bị trấn áp, thứ mà chỉ nổi lên khi người phụ nữ gặp phải một tình huống tương tự mà cô khát khao thấy trong vô thức.
Định nghĩa khoa học được công nhận của déjà vu được nhà thần kinh học người Nam Phi Vernon Neppe đưa ra vào nằm 1983. Ông miêu tả déjà vu là “bất kể một ấn tượng chủ quan rất quen thuộc của một thực tại đang diễn ra với một quá khứ không xác định rõ được”.
Neppe cũng xác định tới 20 hình thức của trải nghiệm déjà. Không phải tất cả các trải nghiệm này đều liên quan đến thị giác: một bệnh nhân của Moulin bị mù bẩm sinh, cũng tuyên bố đã từng trải nghiệm déjà vu, trong khi mô tả trải nghiệm déjà của Neppe bao gồm cả déjà senti (đã từng cảm thấy) và déjà entendu (đã từng nghe thấy).
Sự chẩn đoán của Freud về déjà vu như một hiện tượng tâm lý học thuần túy – chứ không phải do sai sót thần kinh – đã kéo theo một hệ quả không may, sự nổi lên của những lời giải thích mang khuynh hướng thần bí và vô lý.
Năm 1991, một cuộc thăm dò ý kiến của công ty Gallup về déjà vu đã đặt nó cùng hàng các câu hỏi về chiêm tinh học, những hoạt động huyền bí và ma. Nhiều người cho rằng déjà vu nằm bên ngoài những trải nghiệm nhận thức thông thường, và là bằng chứng rõ ràng cho giác quan thứ 6, truyền thuyết bắt cóc của người ngoài hành tinh, các yếu tố tâm linh và tiền kiếp.
Chẳng có gì khó khăn để tôi nghi ngờ về những lời giải thích kiểu này, nhưng sự nổi lên của những lý thuyết bên lề này gợi ý rằng có lẽ déjà vu đã ít được quan tâm bởi khoa học chính thống.
Có hàng chục dạng déjà vu và không phải dạng nào cũng liên quan đến thị giác
Cho tới tận bây giờ, gần 150 năm sau khi Émile Boirac phát minh ra cụm từ này, các nhà nghiên cứu như Chris Moulin mới bắt đầu hiểu được điều gì đã gây ra lỗi hệ thống, trong thứ mà nhà khoa học thần kinh Read Montague gọi là “chiếc máy vi tính ướt át” của bộ não.
Vùng hồi hải mã trong não bộ là một thứ rất đẹp và ưa nhìn. Não của động vật có vú chứa hai phần vùng hồi hải mã đối xứng hai bên phía sau đầu. Trong tiếng Hy Lạp cổ đại hồi hải mã (Hippocampus) là một từ để chỉ cá ngựa. Nhưng 40 năm trở lại đây, chúng ta mới thực sự bắt đầu hiểu những gì mà cấu trúc tinh tế trong não bộ này đang làm.
Các nhà khoa học từng nghĩ rằng ký ức trong đầu chúng ta được sắp xếp cẩn thận với nhau ở cùng một nơi, giống như những tài liệu được đặt trên tủ hồ sơ. Sự đồng thuận này đã bị lật đổ vào đầu những năm 1970, khi nhà thần kinh học, giáo sư Endel Tulving đưa ra giả thuyết của ông nói rằng ký ức thực sự có 2 nhóm riêng biệt.
Thứ mà Tulving gọi là “semantic memory” (trí nhớ ngữ nghĩa) dùng để chỉ các sự kiện thực tế không mang tính trải nghiệm cá nhân, độc lập với các kinh nghiệm của bất kỳ ai. Trong khi đó, “episodic memories” (trí nhớ tình tiết) bao gồm những hồi tưởng về các sự kiện và kinh nghiệm trong cuộc sống của một người.
Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London là một trí nhớ ngữ nghĩa. Khoảng thời gian mà tôi đến thăm nó trong một chuyến tham quan với trường học năm lớp 11 là một trí nhớ tình tiết.
Với sự hỗ trợ của những tiến bộ trong kỹ thuật chụp ảnh thần kinh, Tulving phát hiện ra trí nhớ tình tiết được tạo ra từng phần như những mảnh nhỏ của thông tin ở các điểm khác nhau trong não bộ, rồi sau đó mới được sắp xếp lại thành một toàn thể mạch lạc.
Ông thấy quá trình này giống như trải nghiệm trí nhớ tình tiết một lần nữa. “Quá trình hồi tưởng là việc đi du lịch ngược thời gian trong tâm thức, một hình thức làm sống lại những gì đã xảy ra trong quá khứ”, Tulving nói vào năm 1983.
Rất nhiều tín hiệu kí ức được phát ra từ vùng hồi hải mã và cả những vùng xung quanh đó. Nó gợi ý một điều rằng vùng hồi hải mã đang làm việc giống như một thủ thư của não bộ, chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin đã xử lý qua thùy thái dương, sau đó sắp xếp, lập chỉ mục và ghi lại nó thành trí nhớ tình tiết.
Cũng giống như một thủ thư có thể sắp xếp sách theo chủ đề hoặc tác giả, vùng hồi hải mã xác định những điểm chung giữa các ký ức. Nó có thể dùng những sự tương tự hoặc quen thuộc, ví dụ để nhóm tất cả các ký ức về tất cả các chuyến viếng thăm bảo tàng lưu vào cùng một nơi. Những điểm chung này sau đó được sử dụng để liên kết các phần cấu tạo của trí nhớ tình tiết với nhau, phục vụ cho những lần hồi tưởng trong tương lai.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những người mắc bệnh động kinh và co giật, vẫn có những người có xu hướng kích hoạt déjà vu nhiều nhất khi họ phát bệnh từ phần não liên quan đến trí nhớ. Cũng không ngạc nhiên khi biết rằng chứng động kinh thùy thái dương ảnh hưởng đến trí nhớ tình tiết nhiều hơn trí nhớ ngữ nghĩa.
Bệnh động kinh của tôi bắt nguồn từ thùy thái dương, vùng vỏ não ẩn sau tai chịu trách nhiệm cho việc xử lý những thông tin liên quan đến cảm giác tôi tiếp nhận.
Quá trình hồi tưởng là việc đi du lịch ngược thời gian trong tâm thức, một hình thức làm sống lại những gì đã xảy ra trong quá khứ
Trong cuốn sách Trải nghiệm Déjà vu của mình, giáo sư Alan S Brown đã đưa ra tới 30 giải thích khác nhau cho déjà vu. Theo ông, bất cứ ai cũng có thể tự mình kích hoạt cảm giác déjà vu. Cũng như động kinh là một rối loạn chức năng sinh học, Brown viết rằng căng thẳng hoặc mệt mỏi có thể gây ra déjà vu.
Những trải nghiệm của tôi về déjà vu bắt đầu trong thời kỳ hồi phục sau phẫu thuật não. Đó là khoảng thời gian mà tôi hầu hết chỉ ở trong nhà, lập lờ giữa trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bao gồm cả việc sử dụng thuốc phiện giảm đau, ngủ và xem lại mấy bộ phim cũ.
Trạng thái lờ mờ hồi phục này có thể khiến tôi dễ bị tổn thương hơn khi trải nghiệm déjà vu, mệt mỏi, giác quan phải làm việc quá sức hoặc thư giãn nhưng cũng đến mức chìm vào hôn mê. Trạng thái của tôi rõ ràng là một điều không bình thường.
Giáo sư Brown cũng là người đề xướng một lý thuyết gọi là phân chia nhận thức. Nó được mô tả lần đầu tiên bởi Tiến sĩ Edward Bradford Titchener vào năm 1930, nhận thức bị phân mảnh theo thời gian, khi mà não bộ không đạt được sự chú ý nhất định với môi trường xung quanh.
Titchener sử dụng ví dụ về một người đang băng qua đường và bị phân tâm bởi một cửa hàng. “Khi đang đi, bạn chợt nghĩ ‘Tại sao tôi lại băng qua con đường này vào thời điểm này?’, ông nói. “Hệ thống thần kinh của bạn bị cắt ra làm hai phân đoạn cho cùng một trải nghiệm, và vì vậy trải nghiệm xuất hiện như một sự lặp lại của những gì đã xảy ra trước đó”. Trong nhiều thế kỷ qua, ý tưởng này đã được chấp nhận như một sự kích hoạt hợp lý của déjà vu.
Lời giải thích phổ biến khác được đưa ra bởi một bác sĩ làm việc tại bệnh viện cựu chiến binh Boston. Năm 1963, Robert Efron gọi ý rằng déjà vu có thể được gây ra bởi lỗi trong quá trình xử lý: Ông tin rằng bộ não có trách nhiệm đồng bộ hóa các sự kiện bằng thùy thái dương, trước khi mỗi sự kiện được gắn một dấu hiệu về thời gian để xác định chúng đã xảy ra vào lúc nào.
Efron coi déjà vu là kết quả của một sự mất đồng bộ giữa những gì nhìn thấy và việc gắn chỉ dấu thời gian của não bộ: Nếu quá trình gắn dấu mất quá nhiều thời gian, não bộ sẽ nghĩ rằng sự kiện mà nó đang đánh dấu đã từng diễn ra rồi.
Nhưng cả Alan Brown và Chris Moulin đều đồng ý rằng việc vùng hồi hải mã lập chỉ mục những kỷ niệm, bằng cách tham khảo chéo chúng qua những sự tương đồng, nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra déjà vu.
“Tôi tin rằng mỗi đợt déjà vu do co giật đã được kích hoạt bởi hoạt động tự phát trong khu vực não đánh giá sự quen thuộc”, Brown nói. Có thể đó là trong khu vực hồi hải mã, và rất có thể là phía bên phải não bộ. Chính xác ở điểm đó của não bộ, tôi đang có một cái hố bằng quả chanh (sau khi khối u được phẫu thuật).
Hệ thống thần kinh của bạn bị cắt ra làm hai phân đoạn cho cùng một trải nghiệm, và vì vậy trải nghiệm xuất hiện như một sự lặp lại của những gì đã xảy ra trước đó
Tại Khoa Tâm lý học và khoa học thần kinh Đại học Duke, Alan Brown và Elizabeth Marsh đã thiết kế một thử nghiệm để kiểm tra giả thuyết của Brown, cho rằng trải nghiệm déjà vu bắt nguồn từ một lỗi khi vùng hồi hải mã đang làm nhiệm vụ nhóm các ký ức lại với nhau.
Bắt đầu thử nghiệm, các sinh viên của Marsh và Brown (đến từ Đại học Duke và Southern Methodist, Dallas) được cho xem ảnh về các địa điểm – phòng ngủ ký túc, thư viện, giảng đường – của khuôn viên hai trường đại học.
Một tuần sau, các sinh viên được cho xem lại đúng các bức ảnh, nhưng lần này có thêm cả các hình ảnh mới lạ khác. Khi được hỏi liệu bạn đã viếng thăm tất cả các địa điểm trong bức ảnh, một phần sinh viên đã trả lời có – ngay cả khi các bức ảnh mô tả khuôn viên của trường khác, nơi họ chưa từng qua.
Nhiều tòa nhà bên trong những trường đại học nhìn rất giống nhau, do đó, bằng cách gieo những hạt mầm nhầm lẫn về nơi mà các sinh viên đã thực sự đến thăm, Brown và Marsh có thể kết luận rằng: một yếu tố của hình ảnh hoặc trải nghiệm cũng thừa đủ cho não bộ nhớ lại một ký ức quen thuộc.
Chris Moulin và đồng nghiệp của ông tại Đại học Leeds, tiến sĩ Akira O’Connor đã tái hiện lại được déjà vu trong môi trường phòng thí nghiệm vào năm 2006. Mục đích của họ là tìm hiểu thêm về quá trình tái hiện ký ức, thông qua việc khám phá sự khác nhau giữa quá trình bộ não đối diện với một trải nghiệm đang diễn ra, và rồi chạy lại một bài kiểm tra với các giác quan để xem liệu những trải nghiệm đó đã từng thực sự diễn ra trước đó hay không.
Moulin gợi ý rằng déjà vu đã được gây ra bởi “sự trình diễn chớp nhoáng quá mức của những thứ quen thuộc, điều sẽ đến thông qua cảm giác đột ngột hoặc căng thẳng. Bạn có một phần rất nhạy cảm ở trong não bộ, thứ luôn quét toàn bộ môi trường xung quanh để tìm kiếm sự quen thuộc”, ông nói.
Moulin kết luận rằng não bộ vận hành theo một phổ truy hồi ký ức, kéo dài từ đầu này, đơn giản là việc giải thích thành công từng ký ức thị giác, đến một đầu kia là trạng thái déjà vécu vĩnh viễn. Tại một số điểm dọc theo phổ này chính là chỗ déjà vu xuất hiện, nó không nghiêm trọng như déjà vécu, nhưng cũng không liền mạch như cách bộ não thông thường hoạt động.
Moulin cũng cho rằng một nơi nào đó trong thùy thái dương đang giữ một cơ chế điều chỉnh quá trình ghi nhớ. Các vấn đề xảy ra ở đây- ví dụ chứng động kinh thùy thái dương – có thể để tước đoạt đi mọi lối thoát dự phòng của bệnh nhân, thứ giúp họ biết rằng những thứ mình đang nhìn thấy là chưa từng xảy ra trước đây. Một khi bị tước đoạt lối thoát đó, tình trạng này sẽ giam cầm họ vĩnh viễn trên một mặt Moebius của ký ức.
Một khi bị tước đoạt lối thoát đó, tình trạng này sẽ giam cầm họ vĩnh viễn trên một mặt Moebius của ký ức.
Nhưng tại sao người bình thường cũng gặp déjà vu? Brown cho rằng déjà vu cũng xảy ra đối với những người khỏe mạnh vài lần một năm, và có thể từ các kích thích của môi trường bên ngoài.
"Người bình thường trải nghiệm nó chủ yếu khi ở trong nhà," ông nói, "khi đang giải trí hoặc thư giãn cùng với bạn bè, khi mệt mỏi hoặc căng thẳng đi kèm với ảo giác".
Brown nói rằng déjà vu thường tương đối ngắn (10 đến 30 giây), xảy ra nhiều hơn vào buổi tối so với buổi sáng, và vào cuối tuần nhiều hơn các ngày còn lại.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa khả năng ghi nhớ giấc mơ, và khả năng trải nghiệm déjà vu. Trong nghiên cứu của mình, Brown gợi ý rằng déjà vu xảy ra cả ở phụ nữ và nam giới, nhưng phổ biến hơn ở những người trẻ, những người hay đi du lịch, có thu nhập cao hơn và có quan điểm tự do hơn về chính trị và xã hội.
“Có một số giải thích hợp lý cho điều này”, ông nói với tôi. “Những người hay đi du lịch có nhiều cơ hội gặp những thứ mới mẻ mà họ sẽ tìm ra một sự quen thuộc lạ lùng ở chúng. Những người có xu hướng tự do có thể dễ dàng thừa nhận các trải nghiệm tinh thần bất thường và sẵn sàng chỉ ra chúng. Một tư tưởng bảo thủ chắc chắn sẽ tránh những sự kiện tinh thần kỳ lạ, vì chúng được xem như một dấu hiệu của sự bất ổn định.
“Vấn đề tuổi tác còn là một câu đố, vì trí nhớ thường có nhiều điều lạ lùng hơn khi chúng ta già đi. Nhưng tôi đoán rằng những người trẻ thì cởi mở hơn trong trải nghiệm và cũng nhạy cảm hơn với những gì bất thường diễn ra với tinh thần họ”.
Déjà vu cũng xảy ra đối với những người khỏe mạnh vài lần một năm
Một trong những nghiên cứu toàn diện đầu tiên về déjà vu đã được thực hiện vào thập niên 1940, bởi một sinh viên chưa tốt nghiệp Đại học New York có tên Morton Leeds. Leeds đã ghi lại một nhật ký chi tiết về những trải nghiệm déjà vu thường xuyên của mình, tần suất lên tới 144 lần trong một năm. Một trong số những trải nghiệm được ghi lại “rất mạnh mẽ đến nỗi nó khiến tôi buồn nôn”.
Theo sau những cơn co giật gần đây, tôi cũng trải qua những điều tương tự thế. Cú sốc gây ra bởi những đợt déjà vu cứ lặp đi lặp lại không phải dạng sốc vật lý, thay vào đó là một loại đau thần kinh, nhưng cơ thể lại cảm nhận được đó là những cảm giác đau nhói vật lý thực sự.
Những hình ảnh trong mơ đột ngột làm gián đoạn những suy nghĩ bình thường của tôi. Những cuộc trò chuyện dường như đã diễn ra một lần rồi. Ngay cả những điều hết sức giản đơn như pha một tách trà hoặc đọc một tiêu đề bài báo, với tôi cũng có vẻ quen thuộc lạ lùng.
Thi thoảng tôi cảm thấy mình như đang lật một album ảnh chẳng có gì, ngoài chính tấm ảnh bìa được sao chép lại trong từng trang, từng trang một cách vô tận.
Một số cảm giác sẽ dễ bị bỏ qua hơn so với các cảm giác khác. Nhưng càng tiến gần đến chỗ tìm ra câu trả lời cho những gì đã gây ra déjà vu, cũng là lúc tôi tiếp cận đến một giải pháp cho tình trạng của mình, một điều khó khăn nhất trong cuộc đời.
Vào đêm trước khi tôi hoàn thành bài viết này, tôi lại có một cơn co giật. Tôi đột nhiên có một ký ức về việc mình đã ngồi xuống để viết những câu kết này. Nhưng khi tôi lấy lại được bình tĩnh để đọc lại bài viết vào sáng ngày hôm sau, chẳng có gì ở đây ngoài những dòng trắng.
Đó lại là một ảo giác khác. Bây giờ, tôi mới thực sự gõ những dòng chữ cuối cùng này. Vậy đó, déjà vu của tôi vốn dĩ là như vậy.
Tham khảo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming