Thị trường PC đang đứng trên bờ vực thẳm.
Kỷ nguyên máy tính cá nhân đang tiến nhanh đến những thời khắc cuối, khi mà smartphone và tablet cùng nhau vẽ ra một tương lai hậu PC ngày một rõ nét. Hơn ai hết, các hãng PC đang phải chuyển dần sang "phương án B" để có thể sống sót.
Thông điệp về sự chấm dứt của kỷ nguyên PC được phát đi từ Dell, một hãng máy tính thâm niên, kỳ cựu và gắn bó với thị trường PC suốt bao năm qua.
Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái mới đây liên quan đến kế hoạch tương lai của mình, Dell đã tuyên bố - bằng thứ ngôn ngữ rất rõ ràng - rằng con tàu PC sắp dừng hẳn. Và việc tiếp tục gắn bó với thị trường này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như sự bất ổn khác nhau. Dell cũng khẳng định, doanh thu của desktop, notebook sẽ chỉ có giảm mà không thể tăng trở lại. "Không ai biết liệu đà suy giảm này có chấm dứt không, nếu có thì là bao giờ".
Các cổ đông của hãng sẽ còn lo ngại hơn khi đọc tiếp. "Cực kỳ khó dự đoán thị trường PC lúc này, khi ngay cả các chuyên gia hàng đầu cũng tỏ ra bi quan". Áp lực cạnh tranh về giá khiến cho desktop và notebook ngày càng trở thành một vật phẩm thường ngày giống như đồ ăn, thức uống. Khó có thể trông đợi lợi nhuận cao từ một xu thế như vậy. Bên cạnh đó, sự lên ngôi của tablet/smartphone, xu hướng "mang thiết bị cá nhân đến chỗ làm - BYOD" ngày một phổ biến... càng khiến cho viễn cảnh thị trường trở nên xám xịt.
Nói cách khác, Dell muốn cảnh báo rằng, hãng khó có thể tiếp tục tồn tại nếu vẫn chỉ kinh doanh PC thuần túy như hiện nay. Không chỉ Dell mà các hãng khác cũng nên phòng thân cho mình. Cụ thể:
- Các hãng OEM: Vấn đề mà ngành công nghiệp PC gặp phải không chỉ bó hẹp ở mỗi mình Dell. Người dùng quay lưng lại với máy tính nói chung, dù cho đó là thương hiệu hay logo của hãng nào đi chăng nữa.
- Microsoft: Một phần lớn doanh thu của Microsoft đến từ việc bán PC cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
- Các hãng sản xuất linh kiện: Nhu cầu PC giảm đồng nghĩa với việc nhà sản xuất cần ít linh kiện hơn. Các hãng vi xử lý, đồ họa, bo mạch chủ...v...v sẽ phải cắt giảm sản lượng. Intel, AMD, Nvidia sẽ bị tác động mạnh.
- Kênh phân phối: Việc xuất xưởng PC trên phạm vi toàn cầu hiện đang là một ngành kinh doanh lớn. Nếu PC bị khai tử, đương nhiên ngành kinh doanh này cũng chết theo.
- Các kênh bán lẻ: Những hãng đang bày bán PC hiển nhiên cũng lao đao do doanh số thấp, lượng hàng tồn kho cao.
Không có gì lạ khi nhiều hãng PC truyền thống đã bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của mình. Microsoft nhắm đến thị trường hậu PC với máy tính bảng và hệ điều hành Windows Phone. Nvidia thì đang thúc đẩy họ vi xử lý Tegra dành cho tablet/smartphone. Google đang làm rất tốt với khoản đầu tư vào hệ điều hành Android.
Càng không thể không nhắc đến Apple, "thủ phạm chính" đẩy nhanh tiến trình khai tử PC để chuyển sang thời kỳ hậu PC bằng những sản phẩm như iPhone và iPad. Do đó, nếu như thế giới bước vào kỷ nguyên hậu PC, hiển nhiên Apple sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Câu hỏi cuối cùng còn lại là: Liệu Dell sẽ có chỗ đứng ở đâu? Có còn chỗ cho một hãng PC từng làm nên cuộc cách mạng máy tính cá nhân trong thế giới PC không còn là vua hay không? Chỉ có thời gian mới đưa ra được đáp án chính xác nhất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?