Apple sẽ được gì khi thâu tóm Beats?
(GenK.vn) - Theo nhiều nguồn tin, Apple dường như đang có ý định bỏ số tiền kỷ lục lên tới 3,2 tỷ USD để mua lại toàn bộ hãng âm thanh Beats.
Mới đây, hàng loạt các tờ báo uy tín trên thế giới đều đưa tin về việc Apple chuẩn bị mua lại hãng âm thanh Beats với giá 3,2 tỷ USD. So với các công ty nhỏ lẻ mà Táo Khuyết từng mua lại, đây được xem là thương vụ có giá trị lớn nhất của hãng này. Trong khi đó, Beats là hãng sản xuất tai nghe hàng đầu trên thế giới, sở hữu nhiều công nghệ và dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu mua lại Beats, Apple sẽ củng cố được sức mạnh của mình trong các mảng về âm nhạc vì hãng cũng đang sở hữu những sản phẩm liên quan bao gồm iPhone, iPod, iPad và iTunes.
Hiện cả 2 "ông lớn" trên vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thương vụ này. Tuy nhiên, việc mua lại Beats rất có ý nghĩa đối với Apple bởi ngành công nghiệp âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của hãng. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, Quả Táo vẫn chưa có được một dịch vụ nghe nhạc trọn gói, thay vào đó iTunes của họ chỉ bán từng bài hát và album riêng lẻ mặc dù đây là nguồn bán nhạc lớn nhất trên toàn cầu.
Ngoài ra, việc mua lại Beats cũng giúp Apple tăng doanh thu bằng cách bán thêm phụ kiện cao cấp đi kèm với các sản phẩm của mình. Theo một báo cáo mới đây, chi phí sản xuất của một cặp tai nghe Beats với giá 200 USD được cho là chỉ vào khoảng 14 USD, nói cách khác, nếu bán được một đơn vị thì lợi nhuận mà công ty thu về sẽ rất lớn so với chi phí phải bỏ ra. Từ đó, hãng sẽ sở hữu thêm một thương hiệu âm nhạc mạnh mẽ và đang chiếm được cảm tình của rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Còn trong dài hạn, động thái thâu tóm Beats sẽ mang lại cho Apple một dịch vụ âm nhạc trọn gói để cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.
Dù hiện tại Apple cũng đang làm mưa làm gió trong thị trường âm nhạc trực tuyến, tuy nhiên số lượt tải về các bài hát giá 0,99 USD đang ngày càng giảm đi trông thấy. Thay vào đó, ngày càng nhiều người dùng chuyển sang các dịch vụ streaming music như Pandora hoặc Spotify. Theo số liệu của Nielsen SoundScan, doanh số của từng bài hát riêng lẻ trên iTunes đã giảm 12% trong vòng một năm qua. Bản thân cố CEO Steve Jobs cũng không ưa gì các dịch vụ streaming music, tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng của loại hình kinh doanh này khiến Apple không còn có thể đứng ngoài cuộc.
Trong khi đó, Beats vừa ra mắt dịch vụ streaming Beats Music hồi tháng 1 năm nay nhưng hãng được cho là chỉ có khoảng 200.000 người theo dõi - 1 con số không lớn mặc cho công ty đã chạy nhiều chiến dịch marketing rầm rộ tại Mỹ cộng thêm các hợp đồng quảng bá với nhiều nhà mạng tại quốc gia này. Nếu Beats về tay Apple vốn đang sở hữu lượng khách hàng, dịch vụ Beats Music sẽ có thêm "đất để dụng võ" và thậm chí là vượt mặt Spotify và Pandora chỉ trong thời gian ngắn.
Trước đây, HTC cũng từng nuôi tham vọng lớn với Beats nhưng rồi "phải dứt áo ra đi". Cách đây hơn 3 năm, HTC đã mua một lượng cổ phần lớn của Beats sau khi bỏ ra 300 triệu USD. Ngay tại thời điểm đó, giới đầu tư và các quan sát viên đã vò đầu bứt tai không hiểu thương vụ này có đi đến đâu hay không? Thực tế đã chứng minh, từ thế hệ HTC Rezound - "chú dế" có tai nghe Beats đi kèm cho tới HTC One X - mẫu smartphone có nguyên logo Beats khắc ở mặt sau thân máy đều lần lượt thất bại. Và giờ đây, Apple còn "chơi trội" khi nâng giá mua lên gấp 10 lần của HTC là 3,2 tỷ USD.
Nhìn chung, nếu thương vụ trên trở thành hiện thực, việc quản lý một thương hiệu đã nổi tiếng sẵn nhưng không có mấy liên kết với Apple là hết sức khó khăn. Câu hỏi đặt ra cho cho Táo Khuyết là liệu hãng có nên giữ lại các sản phẩm trực tuyến của Beats hay không? Nếu có thì nên duy trì cho nền tảng nào? Do đó, việc Beats sẽ kết hợp với Apple như thế nào mới chính là mối quan tâm lớn nhất hiện nay.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"