Đánh giá tablet Lumia 2520: Sức hấp dẫn đến từ thương hiệu

    H.A,  

    (GenK.vn) - Nokia Lumia 2520 là bước đi đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của hãng điện thoại Phần Lan trên thị trường máy tính bảng.

    Bằng việc ra mắt chiếc tablet Lumia 2520, Nokia đã chính thức đặt một chân vào thị trường máy tính bảng còn đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức. Mặc dù được trang bị bộ khung phần cứng mạnh mẽ với vi xử lý lõi tứ Snapdragon 800 cùng màn hình 10,1 inch độ phân giải 1080p, kiểu dáng đẹp cũng như hỗ trợ cả kết nối 4G LTE nhưng phiên bản hệ điều hành Windows RT mà Lumia 2520 sử dụng lại khiến nhiều người dùng thất vọng. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện có diễn ra quá tệ như những suy nghĩ của chúng ta hay không và sức cạnh tranh của 2520 với Surface 2 và iPad Air sẽ ở mức độ nào?

     

    Thiết kế

    Sở hữu phong cách thiết kế kế thừa rõ nét từ các dòng smartphone chạy Windows Phone 8 của Nokia, tablet Lumia 2520 cũng được bao bọc bởi một lớp vỏ bằng nhựa bóng polycarbonate nguyên khối. Máy thực sự bắt mắt và nổi bật nhờ việc được trang bị các màu sắc hết sức trẻ trung như đỏ, xanh, đen và trắng. Tuy nhiên, lớp vỏ bóng lại có nhược điểm dễ để lại nhiều dấu vân tay sau một thời gian sử dụng và các cạnh trơn mịn của nó cũng khiến người dùng dễ trượt tay hơn so với chất liệu nhựa pha cao su đặc trưng của tablet Nexus.

     
     

    Mặt trước của Lumia 2520 là màn hình chính được bao quanh bởi viền màn hình màu đen khá dày. Cách thiết kế này khiến cho kích thước thiết bị trở nên cồng kềnh hơn chứ không còn gọn gàng như iPad Air nữa. Trong khi đó, mặt trước máy còn được trang bị thêm camera phụ và phía dưới cùng là phím Home cảm ứng.

    Mặt sau của Lumia 2520 cũng được sắp xếp tương đối đơn giản với logo nhỏ của Nokia nằm ở chính giữa và camera sau 6,7 megapixel với ống kính Carl Zeiss ở góc trên bên trái.
    Giống như các máy tính bảng khác, Lumia 2520 không có nhiều cổng kết nối nhưng cũng không hề thiếu. Cạnh phải gồm cổng microHDMI và microUSB/USB 3.0.
    Cạnh trái gồm cổng sạc độc quyền và giắc cắm tai nghe 3.5 mm.
    Cạnh trên là khe cắm SIM, khe cắm thẻ micro SD, nút nguồn và nút điều chỉnh âm lượng.
    Cạnh đáy là cổng kết nối phụ kiện độc quyền của Nokia

    Với kích thước 267x168x8,9 mm, Lumia 2520 nhỏ hơn một chút so với Microsoft Surface 2 (274,6x172,5x8,9 mm) nhưng lớn hơn iPad Air (240x169.5x7.5 mm). Đây là điều dễ hiểu bởi iPad Air vốn chỉ sở hữu màn hình 9,7 inch còn ở Lumia 2520 và Surface 2 lần lượt là 10,1 và 10,6 inch. Tuy nhiên, trọng lượng mới là yếu tố đáng nói đến ở đây. Với cân nặng 615g, Lumia 2520 chắc chắn không dễ cầm nắm và sử dụng như chiếc iPad Air vốn chỉ nặng 469g.

     

    Màn hình

    Màn hình AH-IPS là một trong những điểm nhấn ấn tượng của Lumia 2520 với kích thước 10,1 inch, độ phân giải 1.920x1.080 pixel. Màu sắc hiển thị trên Lumia 2520 thực sự sống động, tất nhiên có những lúc chúng tôi cảm nhận được độ bão hòa hơi cao. Song nếu so sánh với Surface 2 hay iPad Air thì có vẻ như độ chính xác của màu sắc trên Lumia 2520 không tốt bằng.

     

    Thông qua công cụ Laptop Brightnes Tesst, độ sáng màn hình của Lumia 2520 đo được lên tới 690 lux, cao hơn hẳn so với màn hình của các đối thủ như Microsoft Surface 2 (364 lux) hay Apple iPad Air (411 lux) điều đó giúp cho màn hình của Lumia 2520 hiển thị ngoài trời nắng tốt hơn so với các đối thủ. Đó cũng là lý do mà chúng ta thấy khả năng hiển thị của smartphone Lumia 1520 với các điều kiện ánh sáng khác nhau là tốt hơn hẳn so với Galaxy Note 3. Rõ ràng, Nokia đã trang bị cho loạt thiết bị mới của mình những tấm nền màn hình sắc nét và có độ sáng rất cao.

     

    Bàn phím

    Bên cạnh việc mua máy với giá 499 USD, người dùng cũng có thể mua thêm bàn phím rời dành cho Lumia 2520. Nhưng mức giá 149 USD cho phụ kiện này thực sự không hề rẻ. Theo đó, mẫu bàn phím độc quyền cho Lumia 2520 được gọi là Nokia Power Keyboard, kết nối với máy thông qua dock độc quyền dọc theo cạnh dưới của máy. Đây là loại bàn phím theo phong cách netbook với đầy đủ các phím bấm, các phím chức năng, touchpad cảm ứng đa điểm và hỗ trợ các thao tác cử chỉ với Windows 8, 2 cổng USB và một thỏi pin tích hợp mà theo Nokia nó sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng Lumia 2520 thêm 5 giờ.

     

    Các thao tác nhập liệu trên bàn phím Power Keyboard là tương đối thoải mái, nhưng bạn sẽ cần thời gian làm quen do các phím bấm có kích thước nhỏ. Bù lại chúng khá nhạy và có cách sắp xếp vị trí tốt. Tuy nhiên, nhiều người sẽ tỏ ra hơi thất vọng do Power Keyboard không được trang bị đèn nền như bàn phím Touch 2 và Type 2 của Surface.

     
     
     

    Hiệu năng

    Có thể nói Lumia 2520 được trang bị các thông số phần cứng cực tốt so với các dòng tablet Android hiện nay bao gồm bộ vi xử lý lõi tứ Qualcomm Snapdragon 800 xung nhịp 2,2GHz, RAM 2GB và bộ nhớ trong 32GB. Nhìn chung, hiệu năng tổng quan của Lumia 2520 thực sự ấn tượng. Thử nghiệm thực tế, khi mở hàng loạt ứng dụng chạy nền và đồng thời xem phim trực tuyến, không hề có cảm giác lag hay khựng hình xảy đến. Trong khi đó, các ứng dụng mở và đóng ngay lập tức, ứng dụng camera có thể kích hoạt với thời gian chưa đầy một giây.

     

    Song chiếc tablet mới của Nokia lại có tốc độ khởi động tương đối chậm chạp. Máy cần tới 25 giây trong khi Surface 2 chạy chip Tegra 4 chỉ cần 17 giây. Nhưng rất đáng khen là ở thử nghiệm sao chép 4,97GB dữ liệu gồm các tập tin media và kiểm tra bằngcông cụ Laptop File Transfer, Lumia 2520 hoàn thành chỉ trong 46 giây với tốc độ truyền dữ liệu lên tới 110,6 MBps, nhanh hơn nhiều so với Surface 2 (40 MBps).

     

    Xét về hiệu năng đồ họa, Lumia 2520 là một nhà vô địch. Trong bài test 3DMark Ice Storm Unlimited, Lumia 2520 tỏ ra vượt trội mọi đối thủ khi ghi được 16.106 điểm, cao hơn so với Surface 2 (13.777 điểm) và cả iPad Air (14.850 điểm).

    Phần mềm

    Nokia Lumia 2520 là một trong hai mẫu tablet chạy Windows RT 8.1 tính đến thời điểm này, bên cạnh Surface 2. Về mặt trực quan, Microsoft đã rất cố gắng để tạo nên một Windows RT 8.1 rất giống với giao diện của hệ điều hành Windows 8.1 đầy đủ. Chẳng hạn giao diện Desktop được mô phỏng gần như giống hệt với việc xuất hiện của nút Start. Ngoài ra, tính năng đa nhiệm cũng vận hành tương đối tốt, bạn có thể mở 2 ứng dụng cùng lúc để xem ở chế độ chia đôi màn hình 50/50 hoặc mở 2 cửa sổ từ cùng một ứng dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là ở bề nổi nhằm che đi những khuyết điểm cố hữu của Windows RT. Thực chất là Lumia 2520 không thể chạy các ứng dụng xây dựng cho nền tảng Windows kiến trúc x86. Bạn sẽ phải bằng lòng với kho ứng dụng khoảng 100.000 app nhưng còn khá thiếu thốn các ứng dụng thiên về giải trí mà không khó tìm kiếm trên Android hay iOS.

     
     

    Bạn có thể tải về các ứng dụng mạng xã hội phổ biến là Facebook và Twitter nhưng có thể vẫn cảm thấy hụt hẫng do sự thiếu vắng của Vine, Instagram, Spotify hay Pandora. Bên cạnh đó, bạn cũng phải chấp nhận sự thật là hệ thống game của Windows RT còn vô cùng non nớt, ngay cả Angry Birds Star Wars II, Minecraft Pocket Edition hay Candy Crush Saga cũng không có mặt. Nhưng ở khía cạnh phục vụ công việc, một lợi thế không nhỏ dành cho Lumia 2520 là máy được cài đặt sẵn bộ Microsoft Office đầy đủ với Microsoft Word, Excel, OneNote, Outlook và PowerPoint, cho phép người dùng sử dụng thiết bị như một văn phòng di động, ngoài ra Lumia 2520 còn đi kèm các ứng dụng độc quyền như HERE Maps, Nokia Music, Nokia Video Director, Nokia Storyteller, Nokia Camera và My Nokia.

     

    Thời lượng pin

    Nokia tích hợp viên pin dung lượng 8.000 mAh vào Lumia 2520 giúp máy có thể lướt web liên tục thông qua kết nối Wi-Fi với độ sáng màn hình 40% trong 10 giờ 26 phút. Kết quả này tốt hơn so với thời gian sử dụng của Surface 2 trong cùng bài kiểm tra (9 giờ 19 phút), nhưng iPad Air còn ấn tượng hơn với 11 giờ 51 phút.

     

    Một ưu điểm bổ sung khác là phụ kiện bàn phím Power Keyboard còn được trang bị pin phụ giúp kéo dài thời lượng sử dụng của thiết bị thêm 5 giờ, nhưng trong thử nghiệm thực tế thì chỉ khoảng 2 giờ. Dù vậy, với việc gắn kèm Power Keyboard, thời lượng sử dụng của Lumia 2520 có thể lên tới 12 giờ 24 phút, đó cũng là con số hết sức thuyết phục rồi.

    Kết luận

    Với bộ vi xử lý mạnh, thời lượng pin dài và thiết kế phong cách, Nokia Lumia 2520 có khá nhiều thế mạnh để thu hút người dùng. Nếu bạn sẵn sàng trả thêm 149 USD để sở hữu bàn phím Power Keyboard để cùng kết hợp với bộ phần mềm Microsoft Office đầy đủ thì thực sự Lumia 2520 hoàn toàn đủ sức trở thành một văn phòng làm việc di động.

    Nhưng vấn đề lớn khiến rất nhiều người dùng lăn tăn đó là việc kho ứng dụng của Windows RT còn thiếu cả về chất và lượng. Tuy vậy, nếu là một người đặt công việc lên hàng đầu và chỉ có nhu cầu giải trí nhẹ nhàng thì Lumia 2520 rất đáng để bạn bỏ tiền đầu tư.

    - Ưu điểm:

    Hiệu năng mạnh và đồ họa tốt
    Màn hình sáng, đẹp
    Thời lượng pin dài
    Hỗ trợ bộ Office phiên bản đầy đủ

    - Nhược điểm:

    Dày và nặng
    Lượng ứng dụng của Windows RT chưa phong phú
    Phụ kiện bàn phím đắt

    Tham khảo: Laptopmag.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ