Hồi tưởng lại quá khứ huy hoàng cho tới ngày "bán mình" của BlackBerry
Giống như Nokia, BlackBerry vừa phải tuyên bố “bán mình” với giá 4,7 tỷ USD.
BlackBerry, trước đó có tên gọi là Research in Motion (RIM) từng được coi là một trong những đại gia có tiếng nói lớn nhất trong ngành công nghiệp di động. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong nắm bắt xu thế chuyển sang màn hình cảm ứng đã khiến BlackBerry không còn là chính mình. Họ dần để Apple và các công ty sản xuất Android vượt mặt. Canh bạc của hãng điện thoại Canada với hệ điều hành BlackBerry 10 và bộ đôi smartphone Z10, Q10 cuối cùng đã thất bại. Lượng hàng tồn kho Z10 lên tới gần 1 tỷ USD cộng với tình hình tài chính bết bát liên tiếp đã khiến BlackBerry lững lẫy một thời phải kí vào thỏa thuận bán lại công ty với giá 4,7 tỷ USD cho Tập đoàn tài chính Fairfax Financial (đây cũng là cổ đông lớn nhất của BlackBerry - nắm giữ 10% cổ phiếu của hãng). Dự định tiếp theo của Fairfax sau khi tiếp quản BlackBerry sẽ là tập trung cung cấp các giải pháp bảo mật cao cấp.
Rất nhiều người đã không khỏi xót xa khi phải chứng kiến lần lượt Nokia rồi BlackBerry lâm vào đường cùng. Để hồi tưởng lại quá khứ hoàng kim một thời của BlackBerry, chúng ta sẽ cùng nhìn lại lịch sử từ xuất phát điểm đầu tiên đến nay của hãng điện thoại này.
Năm 1984
Research in Motion (RIM), tiền thân của BlackBerry ngày nay, được thành lập bởi 2 sinh viên kỹ thuật công nghệ người Canada là Mike Lazaridis của trường đại học Waterloo ( Canada ) và Douglas Fregin của trường đại học Windsor ( Canada ).
Năm 1992
Jim Balsillie gia nhập RIM và sau này trở thành đồng CEO với nhà sáng lập Lazaridis từ đó cho đến tận năm 2012. Giai đoạn này RIM cung cấp chủ yếu là các công nghệ không dây như thiết bị đầu cuối, modem không dây và máy nhắn tin.
Năm 1996
RIM 900, thiết bị di động đầu tiên với bàn phím của RIM chính thức được giới thiệu. Chức năng chính của RIM 900 là cho phép người dùng nhận và gửi tin nhắn thông qua mạng Internet.
Năm 1997
RIM chính thức phát hành cổ phiếu với tổng giá trị IPO 115 triệu USD trên thị trường chứng khoán Toronto ( Canada ) và trở thành công ty đại chúng.
Năm 1998
RIM 950, phiên bản nâng cấp của RIM 900 được phát hành.
Năm 1999
RIM niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq. Đây cũng là thời điểm RIM trình làng sản phẩm mang thương hiệu BlackBerry đầu tiên của mình, chiếc BlackBerry 850 có thể nhận/gửi email và duyệt web HTML với màn hình đơn sắc.
Năm 2002
RIM giới thiệu sản phẩm đầu tiên hỗ trợ chức năng gọi điện thoại nhưng phải cần tai nghe là BlackBerry 5810. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng vẫn trong tình trạng tương đối ảm đạm, cố định ở mức thấp 1,57 USD/cổ phiếu.
Năm 2003
RIM bắt đầu hướng tới thị trường tiêu dùng đại chúng bằng việc giới thiệu chiếc điện thoại BlackBerry đầu tiên với màn hình màu mang tên BlackBerry 7210.
Năm 2004
Đánh dấu 20 năm tồn tại, RIM đã có 2 triệu thuê bao di động trên toàn cầu. Làng công nghệ thế giới đã dần nhận ra RIM sẽ trở thành một thế lực lớn mạnh trong tương lai.
Năm 2006
RIM cán mốc 5 triệu người dùng. Hãng cũng giới thiệu mẫu điện thoại BlackBerry 8100, lần đầu tiên được trang bị camera (1,3 Mpx) và bi lăn đặc trưng của dòng smartphone BlackBerry.
Năm 2007
Đạt ngưỡng 124,51 USD/cổ phiếu, RIM trở thành công ty có giá trị lớn nhất sàn giao dịch chứng khoán Toronto, với giá trị thị trường vượt mốc 67,35 tỉ USD. Cũng trong năm này số lượng thuê bao của RIM đạt 10 triệu và lần đầu tiên RIM giới thiệu dòng sản phẩm BlackBerry Curve. Tuy nhiên, trong tháng 6/2007, Apple đã ra mắt chiếc điện thoại iPhone đầu tiên, báo hiệu chuỗi ngày đen tối của RIM đang đến.
Năm 2008
Cổ phiếu của RIM lên mốc cao nhất trong lịch sử, đạt 149,9 USD/cổ phiếu. Hãng điện thoại Canada lúc này chiếm tới 19,5% thị trường smartphone toàn cầu trong khi con số này của Apple mới chỉ là 10,7%. Tuy nhiên đỉnh cao này không tồn tại lâu. Cổ phiếu của RIM sau đó tụt dốc không phanh xuống mốc 50 USD/cổ phiếu sau khi hãng ra mắt chiếc smartphone màn hình cảm ứng đầu tiên của mình, BlackBerry Storm nhưng không đủ sức để cạnh tranh với iPhone của Apple. 2008 cũng là bước ngoặt lớn trong lịch sử di động thế giới với sự góp mặt lần đầu tiên của smartphone Android.
Năm 2009
RIM ra mắt kho ứng dụng App World để cạnh tranh với kho ứng dụng App Store của Apple. Song ngay cả tính đến thời điểm này, App World cũng còn quá non yếu về mặt số lượng cũng như chất lượng ứng dụng.
Theo các số liệu thống kê thì thị phần smartphone của RIM vào năm 2009 là 20,7%, trong khi Apple và các hãng sản xuất Android lần lượt nắm giữ 17,1 và 3,5%.
Năm 2010
RIM vượt mốc 40 triệu người dùng và thông báo bán ra chiếc smartphone thứ 100 triệu. Hãng cũng mua lại công ty phần mềm QNX với mục đích nâng cao chất lượng hệ điều hành của mình. Song những nỗ lực đó không làm tình hình được cải thiện, thị phần smartphone toàn cầu trong quý III/2010 của RIM sụt giảm xuống còn 14,8%, Apple nắm giữ 16,7% còn Android phát triển mạnh mẽ nhảy vọt lên 25,5%.
Trong năm đó, RIM cũng trình làng máy tính bảng BlackBerry PlayBook nhưng đây lại là một thất bại đáng quên khác của RIM khi iPad tỏ ra quá vượt trội.
Năm 2011
Tháng 2/2011, cổ phiếu của RIM dừng ở mốc 66,2 USD và bắt đầu đà sụt giảm từ đây. Tablet Playbook ghi nhận doanh số bán hàng cực kỳ khiêm tốn. Đến tháng 7, RIM buộc phải cắt giảm 2.00 việc làm, thị phần smartphone toàn cầu tiếp tục bị thu hẹp còn 11,5%.
Tháng 12/2011, Balsillie và Lazaridis tuyên bố thế hệ điện thoại BlackBerry mới sẽ bị trì hoãn tới cuối năm 2012. Quý IV/2011, thị phần smartphone của RIM chỉ còn vỏn vẹn 8,8%, lúc này Apple đang nắm giữ 23,8% và Android dẫn đầu với 50,9%.
Năm 2012
Tháng 1/2012, 2 CEO lâu năm của công ty là Lararidis và Balsillie tuyên bố từ chức và được thay thế bởi Thorsten Heins (CEO hiện tại của BlackBerry). Không lâu sau đó, RIM tiếp tục phải cắt giảm thêm 5.000 việc làm và xác nhận nền tảng di động BlackBerry 10 sẽ bị trì hoãn tới đầu năm 2013. Tháng 9/2012, cổ phiếu của RIM gần chạm đáy là 6,1 USD/cổ phiếu.
Các sản phẩm BlackBerry được giới thiệu trong năm 2012 đều không gây được tiếng vang do phần cứng khá nghèo nàn. Trong quý III/2012, thị phần smartphone của RIM lại giảm sâu còn 5,3%. Tới tháng 10, khi nền tảng hệ điều hành mới đã dần hoàn thiện, RIM bắt đầu các chiến dịch truyền thông mới, hy vọng được nhen nhóm trở lại.
Năm 2013
Đầu năm 2013, RIM chính thức ra mắt phiên bản hệ điều hành BlackBerry 10 cùng 2 smartphone Z10 và Q10. Cũng tại sự kiện này, RIM chính thức đổi tên công ty thành BlackBerry, đồng bộ với thương hiệu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nền tảng hệ điều hành cùng các sản phẩm mới không thể cứu vãn BlackBerry trước sức “tàn phá” quá mạnh của Android.
Mới đây, BlackBerry tuyên bố cắt giảm thêm 4.500 nhân công và dự đoán khoản lỗ 1 tỉ USD trong quý II/2013. Cuối cùng, BlackBerry phải tuyên bố “bán mình” cho Fairfax Financial, một tổ chức tài chính chuyên mua lại các công ty đang trên bờ vực phá sản để gây dựng lại từ đầu. Trong tương lai chúng ta chưa thể chắc chắn BlackBerry có còn tiếp tục sản xuất điện thoại nữa hay không.
Tham khảo: Investorplace.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?