ISOCELL và cuộc cách mạng mang tên camera Galaxy S5

    Tùng Phạm,  

    Nhiều khả năng bom tấn Galaxy S5 sẽ được trang bị công nghệ camera mới của Samsung mang tên ISOCELL.

    Một trong những cách dễ dàng nhất mà ai cũng có thể áp dụng để biết được cảm biến camera của điện thoại có tốt hay không là nhìn vào số megapixel. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà sản xuất đã và đang không ngừng nâng cao "số chấm" trên camera điện thoại như một lời nhắn nhủ với các khách hàng rằng điện thoại của mình có thể chụp ảnh đẹp hơn.

    Tuy nhiên, đối với người dùng thông minh và có chút ít kiến thức về công nghệ, họ hiểu rằng độ phân giải không phải là yếu tố duy nhất quyết định hoàn toàn chất lượng ảnh chụp. Trên thế giới có rất nhiều cảm biến camera của smartphone có độ phân giải thấp nhưng vẫn cho ra được những bức ảnh đẹp. Và Samsung, hãng điện thoại hàng đầu thế giới cũng đang phát triển công nghệ camera mới mang tên ISOCELL nhằm tăng tính cạnh tranh cho Galaxy S5. Nếu có thể xuất hiện trên Galaxy S5, ISOCELL không những có thể thay đổi suy nghĩ người dùng về camera trên điện thoại Samsung mà còn tạo ra nhiều nét hấp dẫn, mới lạ cho chiếc điện thoại bom tấn của hãng sản xuất xứ Kim Chi.

    camera sensor

    Hoàn cảnh ra đời

    Để dễ dàng xác định một cảm biến camera có tốt hay không chúng ta sẽ dựa vào lượng ánh sáng mà mỗi điểm ảnh thu thập được. Càng nhiều ánh sáng thu được đồng nghĩa rằng ảnh chụp ra từ cảm biến đó sẽ cho hình ảnh trung thực nhất. Từ đó có thể thấy rằng điểm ảnh càng lớn thì cảm biến camera smartphone sẽ chụp ảnh được càng đẹp vì mỗi điểm ảnh sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn. Tuy nhiên, khi điểm ảnh càng lớn thì mật độ điểm ảnh của cảm biến sẽ bị giảm xuống và kéo theo độ phân giải cũng bị hạ thấp, dẫn đến hình ảnh chụp được sẽ kém chi tiết hơn.

    Siêu phẩm Galaxy S5 có thể chống được nước?

    Thông thường, các nhà sản xuất điện thoại sẽ chọn cách giảm kích thước điểm ảnh để tăng độ phân giải cho camera vì đó là cách làm đơn giản nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Gần đây, HTC đã đi theo con đường khác khi mạnh dạn ứng dụng công nghệ camera UltraPixel vào siêu phẩm HTC One của mình. Tuy rằng độ phân giải của camera HTC One đã bị giảm xuống còn 4 megapixel nhưng ảnh chụp từ smartphone này vẫn có chất lượng khá ổn và thậm chí cho nước ảnh tốt hơn hẳn nhiều flagship khác trong điều kiện thiếu sáng. Mặc dù vậy, không phải hãng điện thoại nào cũng dũng cảm như HTC nhất là khi họ đã đổ hàng tỷ USD để nghiên cứu ra đời những cảm biến có số lượng điểm ảnh lên tới hàng chục megapixel.

    Hiện tại, cảm biến BSI (Back Illuminated Sensor) đang được các hãng điện thoại khá tin dùng vì chất lượng ổn, độ phân giải cao. Nếu như cảm biến CMOS FSI (Front Illuminated Sensor) sẽ có một lớp điện môi xử lí tín hiệu phía trước tấm nền cảm quang, thì cảm biến BSI sẽ có tấm nền cảm quang phía trước lớp điện môi xử lí tín hiệu. Việc đưa tấm nền lên phía trước sẽ giúp cảm biến thu nhận ánh sáng nhiều hơn đáng kể, hiệu suất tăng từ 60%-90%. Thế nhưng, khi kích cỡ pixel giảm xuống thì chất lượng ảnh của cảm biến BSI cũng bị giảm theo, mặt khác cảm biến BSI cũng vướng phải hiện tượng nhiễu chéo tín hiệu crosstalk (tín hiệu ở một mạch truyền này ảnh hưởng đến tín hiệu ở các mạnh xunh quanh). Để xử lí chuyện này, Samsung cho ra đời ISOCELL nhằm khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của BSI và đưa camera smartphone lên tầm cao mới.

    Cơ chế và khả năng của ISOCELL

    Cảm biến ISOCELL được Samsung cải tiến từ cảm biến CMOS với công nghệ điểm ảnh tiên tiến/advanced pixel technology có khả năng cải thiện độ chính xác màu, ngay cả khi chụp ở độ nhạy sáng ISO cao trong điều kiện thiếu sáng. Dù vậy, ISOCELL vẫn sử dụng kiến trúc tương tự BSI, nhưng bổ sung thêm "một rào cản vật lí giữa các điểm ảnh cận nhau" tạo điều kiện cho nhiều photon ánh sáng đi đến các cảm biến hơn qua đó cải thiện chất lượng ảnh chụp. Đồng thời dải tương phản (Dynamic Range) cũng có thể được mở rộng thêm 30% (mà không làm tăng kích thước cảm biến) cho phép các vùng sáng tối của bức ảnh được đầy đủ và rõ ràng hơn.

    Image sensor crosstalk

    Bên cạnh đó, ánh sáng cũng sẽ tới được đúng photodiode của pixel để giảm hiện tượng nhiễu chéo tín hiệu như đã nói ở trên. So với cảm biến BSI, cảm biến ISOCELL giảm hiện tượng crosstalk đi 30% nên có khả năng mang lại độ chính xác màu cao hơn, từ đó tái tạo màu gần sát với nguyên thủy.

    samsung 16mp isocell sensor 2

    Như vậy, có thể thấy công nghệ ISO rất hứa hẹn khi khắc phục được những yếu điểm vốn có từ cảm biến BSI và đem đến chất lượng hình ảnh rõ ràng hơn. Dưới đây là một số hình ảnh so sánh chất lượng ảnh chụp từ BSI và ISOCELL.

    BSI ICOCELL Comparison
    isocell sample

    Tiềm năng

    Có thể thấy rõ công nghệ ISOCELL của Samsung rất có tiềm năng phát triển trong thời đại smartphone đang ngày càng chụp ảnh đẹp lên. Nhưng vì là công nghệ mới nên chi phí sản xuất có thể bị đội lên cao và nếu quyết định trang bị cảm biến này cho Galaxy S5, Samsung cần phải tính toán hợp lý để tránh đội giá bán lên quá cao. Điều khá thú vị là cảm biến ISOCELL được Samsung thiết kế để dành cho độ phân giải 8 megapixel nhằm giảm kích thước cảm biến trong khi vẫn tăng chất lượng ảnh chụp. Kết quả là độ dày của máy có thể giảm đáng kể hoặc nhường chỗ cho các thành phần khác. Như vậy, nhiều khả năng Galaxy S5 sẽ mỏng hơn thông số 7,9 mm của Galaxy S4.

    Tạm kết

    Galaxy S5 đang là cái tên đang được chú ý nhất trong thời gian gần đây không chỉ vì ngày ra mắt smartphone này đang tới gần mà đây còn là một trong những niềm tự hào của làng di động thế giới. Liệu rằng hãng sản xuất xứ Kim Chi có thể tạo ra một Galaxy S5 đột phá hơn trước hay không, câu trả lời sẽ có tại sự kiện Unpacked 5 mà Samsung sẽ tổ chức vào ngày 24 tới đây. Hãy cùng chờ đón.

    Những tính năng dễ xuất hiện nhất trên Galaxy S5

    Tham khảo: AndroidAuthority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ