(GenK.vn) - Nếu đến 1 ngày Windows Phone không thể chắp cánh bay cao, Microsoft sẽ làm gì với đứa con tinh thần đã trót "o bế" nhiều năm trời?
Khi đặt bút cho bài viết này, tôi biết rằng sẽ có bạn đọc cho rằng tôi đang tìm cách dìm hàng Windows Phone, rằng dòng Lumia chủ lực của Windows Phone là những thiết bị hết sức xuất sắc. Cá nhân tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng dòng sản phẩm Lumia là một minh chứng hùng hồn cho việc Nokia-Microsoft vẫn là một thế lực không thể coi thường trong lĩnh vực phần cứng.
Tuy nhiên không thể chối bỏ sự thực rằng sau gần 4 năm ra mắt, Windows Phone vẫn đang chật vật để tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường di động. Bỏ qua con số về thị phần, những động thái gần đây của Nokia-Microsoft như liên tục nâng cấp dòng Nokia X hay sắp tới có thể là trình làng 1 smartphone Lumia chạy Android hoặc ra mắt Z Launcher cho Android là những dấu hiệu cho thấy Nokia-Microsoft có vẻ như đang cân nhắc 1 tương lai khác cho Windows Phone. Câu hỏi đặt ra ở đây là, sau khi đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và tương lai vào Windows Phone, điều gì sẽ xảy ra khi Microsoft tự thấy cần phải cân nhắc lại chiến lược về hệ điều hành di động của chính mình?
Giờ thì anh hứa để làm gì...
Năm 2011, khi Stephen Elop, CEO của Nokia bắt đầu công bố chiến lược "tất tay" với Windows Phone, ông này có 1 tuyên bố nổi tiếng mà đến giờ chắc hẳn nhiều bạn đọc chưa quên: Tỉ lệ chuyển đổi người dùng từ Symbian sang Windows Phone sang sẽ là 1:1. Điều ấy có nghĩa là, liên minh Nokia-Microsoft tự tin mình sẽ thuyết phục được toàn bộ người dùng của Nokia đang sử dụng Symbian lúc đó chuyển sang Windows Phone. Với con số hơn 100 triệu người dùng Symbian ở thời điểm bấy giờ, Windows Phone dường như sắp "1 bước lên tiên", từ chỗ 1 HĐH với dưới 2% thị phần bước lên hàng ngũ của những HĐH có thị phần 2 chữ số.
Hứa hẹn của Stephen Elop: Windows Phone sẽ tiếp quản hoàn toàn lượng người dùng Symbian của Nokia. Không có sụt giảm về doanh số.
3 năm sau, nhìn lại lời hứa hẹn ấy của Stephen Elop, người ta không khỏi thở dài khi thực tế không những Windows Phone không giúp Nokia đứng dậy từ trong vũng lầy Symbian mà còn làm tình huống tồi tệ hơn khi đẩy doanh số của hãng xuống dốc không phanh. Với tư cách là hãng sản xuất tới gần 90% lượng smartphone chạy Windows Phone xuất xưởng, Nokia chính là bộ mặt của Windows Phone. Và qua những gì mà Nokia thể hiện, thực sự rất khó để tin rằng sẽ có 1 ngày nào đó Windows Phone thần kỳ đứng dậy, đặc biệt là sau 1 thời kỳ tăng trưởng trong năm 2013, Windows Phone lại đang có dấu hiệu tụt giảm thị phần ở 1 số thị trường chủ lực.
Thực tế không chỉ số máy chạy Symbian tụt dốc không phanh mà số máy chạy Windows Phone cũng hầu như dậm chân tại chỗ.
Đứng trước 1 tương lai không mấy sáng sủa, Nokia-Microsoft rõ ràng đang cần tự định hình lại chiến lược của mình. Lợi thế về phần cứng của Nokia ngày càng có ít ý nghĩa trong 1 thị trường được định hình bởi yếu tố phần mềm trong khi sức cạnh tranh của Windows Phone rõ ràng đang ở chiếu dưới so với HĐH Android đa dạng và "mở" hoặc 1 iOS vốn sở hữu cộng đồng fan cuồng cực kỳ hùng hậu. Hơn bao giờ hết, sự đổi trục trong chiến lược phần mềm của Nokia-Microsoft là 1 đòi hỏi rất sát sườn và đang ngày một bức thiết hơn.
Windows Phone: bỏ thì thương, vương thì tội.
Mỗi ngày những bằng chứng cho thấy Windows Phone có thể là 1 ngõ cụt càng chồng chất. Microsoft chắc chắn cũng đã nhận ra điều này, nhưng từ bỏ Windows Phone là từ bỏ tương lai. Đừng quên rằng Microsoft, trước sau như 1, là hãng kinh doanh phần mềm. Ngay cả khi dự án XBox bắt đầu có dấu hiệu có lãi, Microsoft mua lại Nokia và nhảy vào sản xuất dòng tablet Surface thì hầu như tất cả lợi nhuận của hãng vẫn đến từ bản quyền Windows và Office.
Trong tình cảnh các thiết bị di động của kỷ nguyên hậu PC như smartphone, tablet đang dần đẩy ngành công nghiệp PC đến đường cùng thì Microsoft lại càng cảm thấy áp lực phải bắt kịp xu thế thị trường. Ngay cả ở thị trường HĐH cho PC truyền thống, nơi mà Windows từng nắm giữ tới 95% thị phần thì miếng bánh của Microsoft cũng đang bị xâu xé rất quyết liệt bởi MacOS của Apple. Ngồi im trong 1 thị trường biến động là tự sát, Microsoft hiểu rõ rằng mình chỉ có 1 lựa chọn duy nhất: chiếm lĩnh thị phần mảng HĐH di động khi thị trường còn cho phép. Windows Phone là câu trả lời của Microsoft cho vấn đề ấy.
4 năm trời sau ngày ra mắt, Windows Phone lại đang đứng trước bờ vực suy thoái dù chưa có được 1 giai đoạn tăng trưởng nào thực sự phi mã.
Từ bỏ Windows Phone đồng nghĩa với việc Microsoft chấp nhận thất bại khi chuyển giao sang kỷ nguyên mới và ngồi khoanh tay đợi số phận của mình được định đoạt bởi các đối thủ như Google hay Apple. Đó chính là lý do vì sao trong 4 năm qua, Microsoft không tiếc tiền chi cho Windows Phone từ việc quảng cáo, lôi kéo đồng minh cho tới thuyết phục lập trình viên phát triển phần mềm cho Windows Phone mặc dù mảng HĐH di động của hãng năm nào cũng báo lỗ. Mua lại Nokia cũng là 1 bước đi chiến lược trong nỗ lực chuyển mình vào kỷ nguyên hậu PC của Microsoft.
Nhìn vào đây có thể thấy rõ trong khi ngay từ trong 1 năm đầu ra mắt, Android đã ngay lập tức thôn tính thị phần của Symbian. Trong khi đó Windows Phone trong suốt thời gian tồn tại của mình vẫn không thể giành giật được 1 thị phần đáng kể để kìm hãm đà tăng trưởng của Android. Vì vậy kịch bản hạ bệ như Android làm với Symbian là điều sẽ không bao giờ xảy ra với Windows Phone.
Tuy nhiên nếu như Windows Phone là ngõ cụt mà Microsoft cứ cố gắng ném tiền bạc, thời gian của mình vào nền tảng này thì đến 1 ngày Microsoft sẽ chết chìm cùng với Windows Phone. Câu hỏi đặt ra cho Microsoft là: song song với Windows Phone, hãng cần tìm thêm 1 hướng tiếp cận khác với các thiết bị di động để không làm ảnh hưởng tới Windows Phone nhưng vẫn là 1 "phương án B" mà Microsoft có thể dựa vào khi cần.
Nokia X, Z Launcher và tương lai của Windows Phone
May mắn cho Microsoft, hậu-PC đồng nghĩa với việc miếng bánh Windows-Office đang dần thu hẹp nhưng nó cũng đồng nghĩa những cánh cửa làm ăn mới lại được mở ra. Đến thời điểm hiện tại, Microsoft vẫn kiếm tiền trên Windows Phone theo cách "cổ điển": Thu phí trên đầu thiết bị bán ra. Mỗi máy chạy Windows Phone bán ra Microsoft thu 1 khoản phí bản quyền phần mềm Windows Phone. Đây là cách mà Microsoft đã làm với Windows và Office trong suốt hơn 20 năm qua, và công thức này đã giúp Microsoft trở thành 1 trong những doanh nghiệp phần mềm lớn nhất hành tinh.
Lumia chạy Android vẫn là giấc mơ của nhiều người.
Vào kỷ nguyên hậu PC, bán bản quyền phần mềm trên đầu thiết bị đã không còn là cách kiếm tiền duy nhất. Google không thu phí bản quyền của Android, nhưng chi phí mà hãng sản xuất phải trả để được sử dụng các dịch vụ của Google như Google Maps, Gmail, Play Store... trên smartphone chạy Android cùng với chi phí bán ứng dụng, "hoa hồng" đến từ quảng cáo di động trên Android đã trở thành con gà đẻ trứng vàng của Google. Cung cấp phần mềm phụ trợ và các dịch vụ liên quan đến thiết bị di động đã trở thành một nguồn thu đáng kể, thậm chí còn vượt qua cả lợi ích từ thu phí bản quyền 1 lần cho HĐH.
Thậm chí cả 1 bên thứ 3 không sở hữu HĐH như Amazon cũng có thể tìm được lối vào kỷ nguyên hậu-PC chỉ nhờ vào dịch vụ bán nội dung số và quảng cáo trên thiết bị di động khi đứng trên vai của Android.
Nokia X, Z Launcher và sắp tới (có thể) là Lumia chạy Android chính là đại diện cho hướng tiếp cận này của Microsoft. Mục tiêu ở đây là sử dụng lợi thế về phần cứng của Nokia, kết hợp với sự phổ biến của Android để lôi kéo nhiều người sử dụng đến với các dịch vụ như email, phần mềm doanh nghiệp, điện toán đám mây của Microsoft và thu lợi nhuận từ các dịch vụ này thay cho 1 Windows Phone thiếu khả năng cạnh tranh.
Có người lập luận rằng Nokia X hay Z Launcher chỉ là 1 chiêu bài nhằm "ru ngủ" người dùng để họ quen thuộc với giao diện, dịch vụ của Windows Phone nhằm dẫn tới khả năng chuyển đổi nền tảng về sau này. Tuy nhiên cần nhớ rằng rào cản lớn nhất khiến người dùng không đến với Windows Phone không chỉ là do giao diện của máy hay hệ thống dịch vụ của Microsoft, mà nó nằm ở hệ sinh thái hỗ trợ đang khá nghèo nàn. Nếu Microsoft thực sự hi vọng có thể khiến người dùng chuyển đổi nền tảng từ Nokia X sang Windows Phone thì tập trung đầu tư cải thiện Windows Phone sẽ hiệu quả hơn việc "chân trong chân ngoài", phát triển 2 nền tảng song song.
Z Launcher cũng là 1 bước tiếp cận của Nokia-Microsoft trong chiến lược "Lấy Android chống Android"
Nếu như dự án Nokia X là bước đổ bộ thăm dò phản ứng của thị trường với 1 sản phẩm "hồn Trương Ba, da hàng thịt" thì 1 sản phẩm đóng mác Lumia chạy Android chính là dấu hiệu cho thấy Microsoft đã đánh hơi thấy hướng phát triển của Nokia X là có triển vọng. Nếu như có 1 ngày nào đó Microsoft thực sự đem Android lên Lumia thì chúng ta có thể ngầm hiểu rằng gã khổng lồ phần mềm đã phần nào thừa nhận thất bại của Windows Phone. Đưa Android vào Lumia đồng nghĩa với việc Microsoft đã sẵn sàng cho 1 chiến lược dài hơi, nghiêm túc với Android ở những thị trường chủ lực thay vì thử nghiệm dè dặt ở những thị trường vệ tinh.
Kết luận
Ngay cả khi Microsoft nhảy lên chuyến tàu Android, Windows Phone cũng sẽ không ra đi trong 1 sớm 1 chiều. Gián tiếp thừa nhận thất bại bằng cách cho ra smartphone chạy Android là 1 chuyện, nhưng thừa nhận trực tiếp thất bại của mình bằng cách xoá sổ Windows Phone lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở vị thế hãng dẫn đầu ngành công nghiệp như Microsoft, thừa nhận thất bại 1 cách công khai sẽ dẫn đến nhiều trừng phạt từ thị trường chứng khoán (dù rằng cổ phiếu Microsoft bao nhiêu năm nay vẫn chỉ ở mức làng nhàng) cũng như sụt giảm niềm tin của cổ đông. Vì vậy ngay cả trong trường hợp Windows Phone không thể cất cánh, Microsoft cũng sẽ tìm 1 hướng rút lui trong danh dự cho đứa con tinh thần của mình thay vì biện pháp "rút ống thở" như Nokia làm với Symbian hay HP với WebOS.
Đã có những tin đồn về việc Microsoft muốn hợp nhất 2 nền tảng Windows Phone và Windows. Khi mà ranh giới giữa thiết bị di động và PC truyền thống đang dần mờ nhạt với sự ra đời của các thế hệ tablet-lai-ultrabook như Surface Pro 2-3, tương lai về 1 HĐH hợp nhất có lẽ cũng không còn quá xa. Nhưng với những giới hạn về công nghệ pin, vi xử lý hiện tại hi vọng về 1 HĐH "biết tuốt" có thể đánh bại được Android còn xa vời hơn ý nghĩ Windows Phone đột nhiên vùng lên thần kỳ rất nhiều. Chưa kể tới việc những thay đổi trong nhân HĐH hợp nhất mới chắc chắn sẽ đòi hỏi thêm công việc từ giới lập trình ứng dụng vốn không quá mặn mà với Windows Phone. Vì vậy trong trường hợp Windows Phone và Windows hợp nhất, chắc chắn Windows Phone sẽ dần bị lãng quên nếu Microsoft tiếp tục theo đuổi chiến lược Nokia X.
Tương lai của Windows Phone phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu trong năm nay những sản phẩm chạy Windows Phone có thể giành được 1 thị phần đáng kể hay không cũng như độ thành công của chiến lược Nokia(Lumia)X. Là một người tiêu dùng, tôi thực sự hi vọng có thể được thấy sự kết hợp của HĐH Android với phần cứng của Nokia-Microsoft. Có bao nhiêu smartphone ở thị trường hiện tại đủ sức đương đầu với 1 chiếc smartphone Android với camera PureView 42Mpx? Ít, chắc chắn là rất ít!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"