Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2

    Nguyễn Hải ,  

    Nhiều sự cố và các trải nghiệm không mong muốn khiến Sophia Tung không dám đi lại dịch vụ robot taxi tại Trung Quốc thêm lần nào nữa.

    Một trải nghiệm “ác mộng” trên chiếc robot taxi đã khiến khách du lịch không khỏi hoảng sợ và quyết định không dám thử lại dịch vụ này. Sophia Tung – một kỹ sư đến từ San Francisco, nổi tiếng với các video ghi lại trải nghiệm với robot taxi trên YouTube – đã có chuyến đi thử dịch vụ Apollo Go của Baidu tại Thâm Quyến, Trung Quốc vào tháng 12 vừa qua. Theo cô, chuyến đi dài gần 9 dặm đã diễn ra vô cùng “gập ghềnh”, khiến cô bị say xe và luôn lo sợ rằng bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra tai nạn.

    Ngay từ những phút đầu tiên, Tung đã phải đối mặt với không ít trắc trở khi gọi xe. Theo cô chia sẻ, ứng dụng Apollo Go yêu cầu phải cung cấp giấy tờ tùy thân của cơ quan chính phủ – trong trường hợp này là hộ chiếu – để có thể đặt chuyến đi. Điều này khác biệt so với các dịch vụ chia sẻ xe ở Mỹ như Waymo, Uber hay Lyft vốn không yêu cầu xác thực danh tính một cách nghiêm ngặt.

    Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2- Ảnh 1.

    Một robot taxi của hãng Baidu tại Thâm Quyến

    Hơn nữa, người dùng chỉ được phục vụ tại những điểm đón xe quy định trong khu vực dịch vụ, khiến Tung phải đến một trạm taxi tại một trung tâm mua sắm sang trọng gần khu Shenzhen Talent Park. Sau khi chờ đợi hàng giờ liền mà không có xe, cô buộc phải thử lại vào ngày hôm sau và thậm chí mất gần bốn giờ chỉ để gọi được một chiếc xe.

    Không chỉ gặp khó khăn trong việc đặt xe, Tung còn bày tỏ sự thất vọng khi ứng dụng cung cấp những thông tin không chính xác. Theo cô, ứng dụng chỉ cho biết số lượng người đang chờ đợi ở phía trước mà không cập nhật được tình trạng đón xe của họ, đồng thời đưa ra thời gian chờ đợi ước tính không đáng tin cậy. “Khi đồng hồ đếm ngược về 0, nó lại tự động đặt lại thành 25 phút,” cô chia sẻ, làm tăng thêm sự lo lắng trong tâm trí của hành khách.

    Khi cuối cùng chiếc robot taxi đến, Tung bất ngờ khi thấy có một tài xế an toàn ngồi bên trong. Cô vốn tưởng rằng ở Thâm Quyến đã có nhiều video cho thấy xe tự hành hoạt động hoàn toàn không cần người lái, nhưng chuyến đi của cô lại chứng minh điều ngược lại.

    Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2- Ảnh 2.

    Giao diện ứng dụng gọi xe Apollo Go của Baidu

    Chuyến xe khởi hành với một cú “giật mạnh” khi tăng tốc và liên tục chuyển làn qua lại, tạo cảm giác như xe không kiểm soát được. Tung so sánh trải nghiệm này với hệ thống lái tự động có giám sát của Tesla phiên bản đầu, vốn luôn cần sự can thiệp của con người để đảm bảo an toàn.

    Trong suốt hành trình, video do chính Tung ghi lại cho thấy hệ thống tự hành của Apollo Go có những hành động đột ngột: xe phanh gấp, chuyển làn mà không có tín hiệu báo hiệu, thậm chí nhận diện sai các đối tượng xung quanh.

    Có lúc, màn hình hiển thị những hình ảnh lạ lùng như người đi bộ được chuyển thành hình ảnh của xe cộ, hay xe tự hành phát hiện “nón cảnh báo” trên đường mặc dù không có vật thể nào xuất hiện. Những sai sót này đã khiến hành khách không khỏi hoảng sợ.

    Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2- Ảnh 3.

    Hình ảnh cho thấy robot taxi này xác định người đi bộ là một chiếc xe

    Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi xe tự hành cố gắng nhập làn cùng lúc với một phương tiện khác. Trong khoảnh khắc nguy hiểm ấy, tài xế an toàn đã nhanh chóng can thiệp bằng cách nắm lấy tay lái và điều khiển xe thủ công, theo video mà Tung ghi lại.

    Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2- Ảnh 4.

    Dù là robot taxi, nhưng cần có một tài xế an toàn ngồi sau tay lái

    “Tôi khá chắc chắn rằng nếu không có sự can thiệp kịp thời của tài xế an toàn, xe có thể sẽ bị va chạm bởi chiếc xe đối diện,” cô nói. Chưa dừng lại ở đó, chỉ vài phút sau, video lại cho thấy tài xế an toàn vươn tay ra nắm lái, chuẩn bị tắt chế độ tự hành để tránh va chạm với một chiếc xe buýt đang dừng lại ở làn ngoài cùng bên phải.

    Tung cho biết, dù chiếc xe về mặt chỗ ngồi còn khá thoải mái, nhưng toàn bộ trải nghiệm lái xe lại quá “gập ghềnh” và rắc rối. “Thật sự, tôi đã lo sợ xe sẽ va chạm. Tôi đã nghĩ rằng đó sẽ là một thảm họa,” cô chia sẻ. Cảm giác bất an và những sự cố xảy ra trong suốt chuyến đi đã khiến cô không dám thử lại dịch vụ robot taxi này trong tương lai, dù vẫn tò mò muốn trải nghiệm tại những khu vực khác như Vũ Hán.

    Đi thử robot taxi tại Trung Quốc, khách du lịch “kinh hoàng” đến mức không dám đi lại lần 2- Ảnh 5.

    Một sự cố bất ngờ buộc tài xế phải can thiệp và điều khiển xe thủ công

    Dù Baidu khẳng định mỗi chiếc xe tự hành đều phải trải qua hàng nghìn bài kiểm tra an toàn nghiêm ngặt trước khi lên đường, nhưng trải nghiệm của Tung một lần nữa đặt ra những câu hỏi về độ tin cậy và hiệu quả của công nghệ tự lái. Khi mà các nhà cung cấp dịch vụ tự hành đang cố gắng mở rộng hoạt động tại nhiều thành phố như Thâm Quyến, Vũ Hán hay Bắc Kinh, thì những trải nghiệm không mấy suôn sẻ như của Tung đã cho thấy con đường phát triển công nghệ này vẫn còn nhiều chông gai cần vượt qua.

    Qua trải nghiệm “kinh hoàng” của mình, Tung nhấn mạnh rằng dù công nghệ robot taxi hứa hẹn mang lại sự tiện lợi và hiện đại, song thực tế vận hành của chúng vẫn còn nhiều hạn chế. Những sự cố như chuyển làn đột ngột, nhận diện sai lệch các đối tượng trên đường hay thông tin không chính xác từ ứng dụng đều là những điểm yếu cần được cải thiện.


    Chính vì vậy, đối với một số khách hàng, trải nghiệm này không chỉ là một bài học về sự tiến bộ của công nghệ mà còn là lời cảnh tỉnh về những rủi ro không lường trước được khi sử dụng dịch vụ robot taxi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ