Trong thế kỷ 19, đỉa gần như tuyệt chủng tại Châu Âu vì quá được ưa chuộng.
Hàng thế kỷ trước khi con người chưa điều chế được kháng sinh để trị nhiễm trùng, và có thuốc statin cho bệnh nhân tim, các bác sĩ đã chữa hai căn bệnh này nhờ những con đỉa hút máu.
Theo tài liệu ghi lại, vào năm 1833, người Pháp đã nhập khẩu khoảng 42 triệu con đỉa để phục vụ mục đích y tế. Hay quay ngược lại thời gian 5.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại tin rằng cho đỉa có thể chữa được bách bệnh, từ sốt cho đến… tật đánh rắm.
Tuy nhiên, cho đến thể kỷ 20, nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh ra đời, đã chứng tỏ được khả năng điều trị nhanh và hiệu quả. Những con đỉa trở thành phương pháp kém ưu việt, bị đẩy vào thùng rác hoặc chỉ còn lại ở một vài phòng khám dân gian.
Vậy mà đến bây giờ, liệu pháp chữa bệnh bằng đỉa lại đang phục hưng trở lại. Những con đỉa được khoa học chứng minh với rất nhiều tác dụng. Chúng nhả ra nước bọt có chứa các protein và peptide chống đông máu, có thể cải thiện tuần hoàn và ngăn ngừa mô chết.
Các hoạt chất từ đỉa đang được sử dụng để điều chế thuốc cao huyết áp, suy tĩnh mạch, viêm khớp… Trên thế giới, nhiều cơ sở y tế đang sử dụng trực tiếp những con đỉa hút máu cho bệnh nhân tim mạch, tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ thậm chí là ung thư.
Trong một ứng dụng kì lạ được trang Reuters ghi nhận, nhiều nhà trị liệu đang dùng đỉa để tạo ra quá trình phục hồi đảo ngược, tương tự như những gì bạn thấy trong phim Người sói Wolverine.
Artur Klena, trưởng phòng thí nghiệm của một công ty xuất khẩu đỉa tại Ba Lan cho biết: một trong những nguồn cầu của họ hiện nay là các câu lạc bộ thể thao. Họ mua đỉa về để giúp vận động viên "tái tạo cơ bắp sau tập luyện".
Bên trong một cơ sở nuôi đỉa trị liệu tại Ba Lan
Dùng đỉa chữa bệnh trong lịch sử
Trong quá khứ, liệu pháp sử dụng đỉa được ưu chuộng bởi một lý do hết sức đơn giản – chúng hút máu khỏi cơ thể chúng ta. Y học cổ xưa tin rằng bệnh tật xảy ra đều do sự mất cân bằng của nước – các dịch lỏng - bên trong cơ thể bao gồm cả máu.
Từ thời Ai Cập cổ đại, con người đã sử dụng đỉa để tiêu ''máu độc'' vốn được cho là gây nhiều ra nhiều bệnh. Các bác sĩ thời Trung cổ đã sử dụng chúng làm "phụ tá hút máu" trong quá trình phẫu thuật.
Các bản thảo của Hippocrate thế kỷ 5 trước công nguyên đã ghi chép về việc sử dụng đỉa để trích bớt máu của bệnh nhân, giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng thừa dịch.
Nhưng phải đến đầu thế kỷ 19 “liệu pháp đỉa” mới đạt tới thời kỳ cực thịnh. Vào thời đó, mỗi năm nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa, nước Anh cũng dùng 7-9 triệu con. Lúc bấy giờ tại các bệnh viện và nhà thuốc, người dân Châu Âu đều quen thuộc với một lọ sứ bày đỉa luôn có mặt trên quầy.
Nửa sau thế kỷ 19, Châu Âu đã chứng kiến những thành tựu khoa học được khám phá từ đỉa. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng.
Đỉa từng là một đề tài nổi cộm tại Pháp trong năm 1833, khi người ta phải nhập khẩu 42 triệu con đỉa từ châu Mỹ do “nạn” khan hiếm sinh vật này ở Pháp. Người đề xướng phong trào dùng đỉa một cách rộng rãi trong bệnh viện là bác sĩ Francois Broussai (Pháp).
Ông đã tự chữa bệnh cho mình với 15 ứng dụng từ đỉa và sử dụng 50-60 con đỉa cho mỗi ứng dụng. Nhu cầu dùng đỉa mạnh đến nỗi có lúc nó gần như tuyệt chủng tại Châu Âu và đã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Pháp và Hy Lạp - hai nước nuôi đỉa nhiều nhất tại châu Âu thời kỳ đó - thu hoạch khoảng 2.500 con đỉa mỗi ngày. Để cung cấp thức ăn cho chúng, những con ngựa già được dắt xuống đầm lầy để nhận cái chết sau khi đã bị hút cạn máu.
Trào lưu dùng đỉa vào trị liệu mạnh đến nỗi cạn kiệt nguồn nguyên liệu này. Do vậy ở Nga đã xuất hiện những cơ sở nhân giống và nuôi đỉa.
Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người ta dần dần không còn quan tâm đến đỉa nữa bởi sự ra đời của một loạt các loại thuốc cho hiệu quả nhanh hơn những sinh vật hút máu như aspirin, nitroglycerin, kháng sinh và các dược chất khác.
Tại nước Anh, cho đến năm 1910, liệu pháp đỉa thực sự đi vào quên lãng, thỉnh thoảng mới bắt gặp ở một số vùng hẻo lánh xa xôi như một giải pháp y học dân gian, thậm chí bị coi là "lang băm".
Một lọ sứ bày đỉa luôn có mặt tại bệnh viện ở Châu Âu trong thế kỷ 19
Sự hồi sinh của "liệu pháp đỉa"
Phải cho tới gần đây, liệu pháp đỉa mới bắt đầu dần hồi sinh trở lại. Đó là nhờ vào các nghiên cứu sâu hơn, khi các bác sĩ và các nhà nghiên cứu phát hiện những con đỉa và hỗn hợp các hóa chất tìm thấy bên trong nước bọt của chúng có rất nhiều lợi ích.
Nước bọt của đỉa chứa các chất làm loãng máu và các chất chống viêm. Nó đã được ứng dụng để phát triển các phương pháp điều trị bệnh tim mạch và sử dụng trong phẫu thuật. Ví dụ, hóa chất trong cơ thể đỉa có khả năng khôi phục dòng tuần hoàn máu ở các mô ghép, giúp các ngón tay (hay ngón chân) người bị đứt được lành lại sau khi nối.
Khi đưa đỉa vào ngón tay được ghép, nó sẽ hút máu đến no. Nhờ chất chống đông máu trong nước bọt đỉa, vết thương tiếp tục chảy máu, đưa máu vào nuôi ngón tay từ các động mạch được nối lại trước đó. Dòng chảy của máu tạo một đường tuần hoàn mới nuôi dưỡng mô cho đến khi cơ thể tự tái lập đường tuần hoàn cũ sau 3-5 ngày.
Tại Nga, có nhiều công trình nghiên cứu về việc dùng đỉa để chữa bệnh. Theo tiến sĩ sinh học Genadi Nhikonov, Giám đốc Viện Sinh học Moscow, đỉa có thể phục vụ y học nhờ các đặc điểm: Một là nó luôn cắn vào vùng nhạy cảm để kích thích các vùng này hoạt động khi bị chảy máu. Hai là đỉa có thể giúp điều chỉnh dòng máu chảy và nước bọt của đỉa khi đi vào cơ thể người sẽ mang theo nhiều chất có hoạt tính sinh học cao.
Các hoạt chất này có thể làm tan các tác nhân gây nghẽn mạch, điều chỉnh huyết áp, loại trừ các ổ viêm nhiễm. Ngoài ra, ưu điểm của những con đỉa là chúng không gây phản ứng phụ giống các loại thuốc thường gây ra.
Tại Ấn Độ, các bác sĩ đang sử dụng những con đỉa để chữa trị một số loại bệnh về da, khớp và xoang. Rất nhiều bệnh nhân đã tìm đến các cơ sở có “liệu pháp đỉa” để được điều trị. Các chuyên gia y tế cho biết có ít nhất 3 bệnh viện tại khu vực Himalaya, Kashmir đã và đang sử dụng đỉa hút máu để chữa cho những bệnh nhân bị các bệnh về da, viêm khớp, đau đầu kinh niên và viêm xoang.
Những người này tìm đến với hy vọng được khỏi bệnh sau khi tất cả các biện pháp chữa trị của y học hiện đại đều vô tác dụng đối với họ. Naseer Ahmad Hakeem, bác sĩ phụ trách 3 bệnh viện kể trên, cho biết nước bọt của đỉa chứa chất hirudin có tác dụng chống đông máu, cũng như hợp chất làm giảm đau và gây tê. Những chất này sẽ đi vào cơ thể người bệnh trong quá trình đỉa hút máu, liệu pháp tỏ ra công hiệu và ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến.
ĐỈA VÀ ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Đỉa có tên khoa học là Hirudinea, với gần 700 loài khác nhau đều thuộc ngành giun đốt (Annelida). Cơ thể đỉa dẹt theo chiều lưng bụng, mềm và trơn bóng nhờ lớp biểu bì luôn tiết dịch nhầy. Chúng thở qua da, có 2 giác hút ở miệng và bụng, nhờ vậy, có thể bám rất chặt vào cơ thể vật chủ.
Đỉa thường được tìm thấy ở ao, hồ, đầm lầy nước ngọt. Nhưng cũng có loài sống ở trên cạn hoặc vùng nước mặn. Đỉa được tìm thấy với số lượng lớn tập trung trong các khu rừng, cao nguyên Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á. Bởi thức ăn của đỉa là máu các loài động vật, chúng thường phải ký sinh tạm thời bằng cách bám và hút máu vật chủ.
Miệng đỉa có 3 hàm răng với tổng cộng trên 300 chiếc. Một khi bám được vào da bạn, cơ khoang miệng của chúng sẽ siết lại và tạo thành một vết cắn hình hoa thị. Lúc này, một hoạt chất chống đông máu được tiết ra, nước bọt của chúng cũng chứa một chất gây tê và một hợp chất thúc đẩy sự thẩm thấu các thành phần cần thiết qua mô.
Sau khi đường máu khơi thông, đỉa dùng cơ hầu để hút, tạo thành một khoảng chân không. Chính vì cơ hầu rất khỏe, đỉa sẽ bám rất chắc và khó bị kéo ra khi chưa no máu. Với cơ thể có thể dài đến 20 cm, thậm chí 50 cm ở các loài lớn, chúng có thể hút 2-20 ml máu của bạn. Quá trình diễn ra trong vòng 10-30 phút cho đến khi no, đỉa sẽ tự nhả miệng khỏi da bạn.
Đỉa có thể bảo quản máu tươi trong cơ thể chúng suốt 18 tháng để tiêu hóa dần dần. Đó là nhờ sự trợ giúp của vi khuẩn Aeromonan hydrophila bên trong ruột. Vi khuẩn này chứa một chất kháng sinh có tác dụng tiêu diệt những vi khuẩn làm hỏng máu.
Đỉa là loài lưỡng tính nhưng không thể tự thụ tinh. Thông thường, một con đỉa khi sinh sản sẽ nhả ra nhiều kén nhỏ hình trái xoan bên bờ sông hoặc suồi. Những kén này được thụ tinh bởi một con đỉa khác và bị bỏ lại chờ tới ngày nở. Những con đỉa mới ra đời và tiếp tục một vòng đời với tuổi thọ lên tới 20 năm.
Một cơ sở nuôi đỉa trị liệu tại Nga
Trong khi đó tại Mỹ, năm 2004, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng đã cấp phép cho một liệu pháp sử dụng đỉa hút máu để điều trị cho các bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật ghép da và phục hồi tuần hoàn.
Các nghiên cứu khác đã tìm ra bằng chứng cho thấy các thành phần trong nước bọt đỉa thậm chí có thể điều trị ung thư. Chúng chứa các enzyme đặc biệt có thể làm chậm tiến triển của ung thư phổi. Thử nghiệm trên động vật cũng cho thấy tiêm nước bọt đỉa vào chuột giúp ngăn chặn tế bào ung thư hình thành.
"Những con đỉa được khai thác để các bác sĩ sử dụng cho một vài mục đích cụ thể: loại bỏ máu ứ đọng bị oxy hóa, tích tụ bất thường ở một khu vực nào đó và phải được hút ra để giảm áp lực và cho phép máu tươi chảy trở lại", Ronald Sherman, một bác sĩ tại Cơ quan Chăm sóc Sức khỏe Quận Cam, California, giám đốc Quỹ BioTherapeutics, Education & Research (BTER) cho biết.
"Nhiều người cũng sử dụng đỉa cho các mục đích khác, ... nhưng nhìn chung nếu họ không phải là bác sĩ hoặc bệnh viện, giấy phép của họ có thể bị thu hồi nếu sử dụng đỉa cho các phương pháp không được chấp thuận. Hơn nữa, nếu họ đang sử dụng chúng cho các mục đích không được chấp thuận, họ không dám công khai hoạt động của mình", ông nói thêm.
Trở lại ứng dụng cho những vận động viên, liệu những con đỉa có thể giúp họ phục hồi cơ bắp bị tổn thương sau tập luyện, tương tự như khả năng của Wolverine?
Mặc dù Sherman không biết bất kỳ nghiên cứu nào chính thức công nhận điều đó, ông nói rằng nó không hoàn toàn nằm ngoài khả năng của những con đỉa.
"Phải nói một điều rằng, nước bọt của đỉa có chứa các phân tử gây giãn mạch máu”, Sherman giải thích. "Chúng ta biết rằng các mạch máu giãn nở có thể mang nhiều chất dinh dưỡng, oxy, và các tế bào chuyên biệt chống lại nhiễm trùng, sửa chữa hư hỏng và thực hiện tất cả các công việc khác cần phải làm để bảo vệ và sửa chữa cơ thể".
"Làm giãn mạch giống như việc bổ sung các làn xe vào đường cao tốc, giúp cho việc vận chuyển vật liệu (trong trường hợp này là các vật liệu như oxy, chất sinh hóa, tế bào) đến nơi cần thiết dễ dàng hơn". Nước bọt đỉa cũng chứa các phân tử như hyaluronidase, có khả năng làm thay đổi cấu trúc vật lý của mô của người, Sherman nói.
Sử dụng đỉa để điều trị viêm tĩnh mạch
Mặc dù vậy, tất cả những gì Sherman chia sẻ cũng mới chỉ là dự đoán. Chưa có một nghiên cứu nào, ít nhất là nghiên cứu công khai chứng minh đỉa có thể giúp con người có khả năng phục hồi như Người sói.
Nhưng theo một bài báo từ Miami Herald hồi năm ngoái, bất kể công dụng của những con đỉa là gì, chúng cũng đang được hồi sinh trở lại trong y tế như là một phương pháp trị liệu rẻ tiền, phổ biến, đặc biệt ở những đất nước như Nga, nơi có 10 triệu đỉa được sử dụng mỗi năm.
Trong nhiều thập niên, Viện Sinh học Moscow vẫn đang tiến hành nhân giống đỉa. Hằng năm, viện này cung cấp cho các bệnh viện của Nga và cả nước ngoài hơn 1,5 triệu con đỉa.
Tại Anh, cũng có cơ sở như trang trại Biopharm nuôi và bán đỉa dùng trong trị liệu. Các bệnh viện tại Anh từng được Bộ Y tế nước này tài trợ để mua 12.000-15.000 con đỉa với giá 15 USD mỗi con. Những con đỉa tại Anh được sử dụng chủ yếu trong phẫu thuật, điều trị bỏng và giảm đau.
Nhiều phòng khám trên thế giới đã bắt đầu sử dụng đỉa cho mục đích phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị nhiễm trùng, bệnh tim mạch thậm chí cả ung thư và ung thư di căn. Trong khi đó, tính hiệu quả của liệu pháp đỉa cùng với sự an toàn và các biến chứng của nó vẫn còn đang được nghiên cứu.
Trải nghiệm liệu pháp đỉa tại một cơ sở tại Mỹ cùng diễn viên Beth Hoyt
ĐỈA ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO?
Tại các cơ sở y tế, những con đỉa trị liệu được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 10-20 độ C và không được cho ăn. Trước khi hiện liệu pháp, chúng được bỏ ra ngoài và trở nên rất háu ăn.
Các y sĩ rửa sạch và sát trùng vùng da trị liệu. Đôi khi để nhử đỉa, họ bôi vào vị trí dự định dung dịch glucose 5%, hoặc chích nhẹ để máu rỉ ra. Những con đỉa được thả lên da bệnh nhân và chúng sẽ bắt đầu hút máu.
Để đỉa no, cần một khoảng thời gian là 10-20 phút, có khi đến 2 giờ. Khi đã no, đỉa sẽ tự nhả ra. Không nên gỡ đỉa bằng cách kéo vì sẽ làm nó đứt đoạn, các độc chất trong cơ thể đỉa sẽ gây hại đến vết thương.
Nếu muốn gỡ đỉa ra sớm trước khi chúng no, các y sĩ sẽ sử dụng dùng cồn, muối, acid acetic hoặc nước vôi...
Quá trình trị liệu bằng đỉa đặt dưới sự theo dõi nghiêm ngặt. Mỗi ngày chỉ nên trị liệu 2 - 4 lần, trong tối đa một tuần, số lượng đỉa sử dụng thường dưới 6 con, mỗi lần không quá 20 phút.
Chỉ sử dụng lại đỉa cho cùng một bệnh nhân. Trước khi dùng, đỉa phải được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch NaCl 5% trong 1 phút để nhả hết máu cũ. Một điều cần lưu ý, trong ống tiêu hóa của đỉa có vi khuẩn Aeromonas hydrophilia, dễ gây phản ứng nhiễm trùng. Nếu dùng không đúng phương pháp, đỉa có thể nhả máu cũ chứa vi khuẩn này vào vết cắn.
Tham khảo Gizmodo, Healthline, Ncbi, Impe-qn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI