Điểm danh 5 sản phẩm công nghệ tưởng chừng thất bại thảm hại nhưng lại thành công rực rỡ
Đôi khi, ôm đồm quá nhiều tính năng sẽ là cách tốt nhất để giết chết một ý tưởng hi-tech. Chìa khóa để thành công? Làm ít hơn và tự tìm chỗ đứng cho chính mình.
Chromecast
Google đã từng nỗ lực chinh phục thị trường đầu phát TV với Nexus Q, một thiết bị hình cầu được tích hợp sẵn nhiều dịch vụ nội dung "nhà trồng được" (YouTube, Google Music, Google Movies & TV). Đáng tiếc rằng vai trò nền tảng của Nexus Q tỏ ra hoàn toàn lép vế trước Apple TV và các loại đầu giải mã khác, và kết quả là sản phẩm này không bao giờ lên kệ.
May mắn cho các fan của Google, cái chết của Nexus Q đã giúp Google tạo ra một thiết bị sau này sẽ đạt doanh số tới 30 triệu chiếc: Chromecast. Ý tưởng phát nội dung của Nexus Q được giảm thiểu tới mức Chromecast chỉ còn là một thiết bị trung gian: nhiệm vụ duy nhất của Chromecast là phát nội dung từ thiết bị Android lên TV.
Đây là một ý tưởng thiên tài của Google: Bất kỳ ai cũng đã có một thiết bị di động thông minh, vậy tại sao không tận dụng các thiết bị này để đem đến cho người dùng những tính năng Internet TV ở mức giá rẻ mạt? Không mấy bất ngờ, ở mức giá 35 USD, Chromecast hiện đã bán ra được 35 triệu chiếc.
iPad
Khi mới ra đời, iPad rất hay bị so sánh với laptop. Với tính năng chỉ ngang ngửa iPhone, iPad thường bị đặt câu hỏi "Có laptop rồi, mua iPad làm gì?". Nhưng chỉ mất vài tháng, chiếc "iPhone phóng đại" của Steve Jobs đã nhanh chóng khai tử netbook và sau đó góp phần không nhỏ vào sự suy thoái của thị trường PC.
Chìa khóa thành công của iPad? Trước Steve Jobs, không có ai nhận ra rằng rất nhiều người tiêu dùng chỉ cần một cỗ máy màn hình lớn nhưng nhỏ gọn, pin "trâu" và dễ sử dụng. iPad thua kém laptop hoàn toàn về mặt tính năng, nhưng để phục vụ mục đích xem YouTube, lướt web hay mua sắm tại nhà, chiếc tablet của Apple thành công hơn hẳn.
Nói cách khác, chiếc iPad không phải là để thay thế laptop: Apple ra mắt iPad để nhắm vào một phân khúc sản phẩm nằm giữa smartphone và laptop. Khi đã sở hữu một sản phẩm như vậy, nhiều người bỗng nhận ra rằng họ cũng chẳng cần laptop làm gì cả.
Chromebook
Bất kỳ một người dùng Windows nào có lẽ cũng sẽ nhăn mặt khi nghĩ về ý tưởng ChromeBook: một chiếc laptop chạy duy nhất trên... trình duyệt Chrome. Chắc chắn, "thiếu tính năng đến mức khó chịu" là điều đầu tiên bạn sẽ nghĩ đến khi so sánh ChromeBook với laptop chạy Windows.
Sự thật là hoàn toàn ngược lại: môi trường web ngày nay đã trở nên đủ phức tạp và mạnh mẽ để trở thành nền tảng thay thế cho một hệ điều hành thông thường. Các nội dung nhạc và video có thể được phát trực tiếp từ YouTube, Netflix hay Google Music. Các dịch vụ như Facebook, Whatsapp hay Skype đều có trên web. 3 ứng dụng cốt lõi trong Microsoft Office hiện đều đã có phiên bản online – chưa tính đến giải pháp có chất lượng khá cao đến từ Google.
Quan trọng hơn, khi hy sinh các tác vụ của một chiếc laptop x86 thông thường, ChromeBook có thể chạm tay tới các mức giá rất hấp dẫn (100, 200 USD) để trở thành lựa chọn lý tưởng cho môi trường giáo dục hoặc doanh nghiệp, đặc biệt là tại các tổ chức ưu tiên phát triển công cụ trên nền web. Theo số lượng của IDC, chỉ trong vòng quý đầu năm 2016, đã có tới 2 triệu mẫu ChromeBook được người dùng Mỹ lựa chọn.
Vòng đeo luyện tập Fitbit
Nhắc đến thị trường thiết bị đeo là nhắc tới những câu chuyện buồn. Kính thông minh chết tức tưởi cùng với Google Glass – một sản phẩm đã được chứng minh là... vô dụng. Vòng cổ thông minh chưa bao giờ chứng minh được công dụng. Riêng trên cổ tay của người dùng, phần lớn những chiếc smartwatch thường mắc phải một sai lầm cơ bản: chúng cố gắng thay thế tính năng của smartphone trong khi phải chịu quá nhiều giới hạn vật lý.
May mắn là thị trường wearable vẫn còn 1 cứu cánh: vòng đeo luyện tập. Thay vì cố gắng đảm nhiệm quá nhiều tính năng như smartwatch, những chiếc vòng đeo luyện tập của Fitbit, Misfit hay Garmin chỉ tập trung nhiều nhất vào một nhiệm vụ mà smartphone không thể làm được: đo lường các chỉ số sức khỏe cho người dùng. Tầm nhìn này không chỉ giúp giảm giá thành sản phẩm mà còn cho phép vòng đeo luyện tập có thể đảm bảo yếu tố thời trang – yếu tố gần như không một chiếc smartwatch nào có thể đáp ứng được.
Trong năm 2016, khi "vua" thị trường vòng đeo luyện tập là Fitbit thâu tóm một trong những thương hiệu smartwatch hàng đầu thế giới (Pebble), khi Apple phải quảng bá cho chiếc Watch là "thiết bị luyện tập được ưa chuộng hàng đầu thế giới", ai cũng hiểu được tương lai của wearable nằm ở đâu. Kết thúc năm 2016, Fitbit bán ra được tới 22,5 triệu sản phẩm trong khi doanh số ước tính của Apple Watch chỉ vào khoảng 10,7 triệu chiếc.
Amazon Echo
Đây là một ngoại lệ hơi đặc biệt, bởi Echo vừa vượt mặt vừa thua kém những chiếc loa có hình dáng tương tự về tính năng. Điểm thua kém của Echo là ở chỗ chiếc loa này không có pin di động và do đó không thể cạnh tranh trực diện với Beats Pill, Marshall Killburn hay JBL Charge. Điểm vượt trội của chiếc loa này là một tính năng mà có lẽ số công ty trên thế giới có thể thực hiện được chỉ đếm trên đầu ngón tay: trợ lý ảo.
Nhưng công thức "loa cắm điện tích hợp trợ lý ảo" của Amazon đã thực sự mở ra được tiềm năng mà Siri trước đó chưa thể khai phá đầy đủ. Bằng cách đặt trợ lý ảo vào bên trong căn nhà tại một địa điểm cố định, Amazon cho phép quá trình giao tiếp giữa người và máy qua giọng nói trở nên thân mật hơn, chính xác hơn và ít kỳ quặc hơn. Không bị giới hạn bởi thời lượng pin, băng thông hay các vấn đề kết nối, Alexa của Amazon tạo ra ấn tượng tốt hơn hẳn Siri của Apple. Quan trọng nhất, đưa trợ lý ảo lên loa tĩnh là cách tốt nhất để cho phép con người giao tiếp với các thiết bị nhà thông minh qua giọng nói.
Kết quả là một sản phẩm tưởng chừng sẽ trở thành một thất bại thảm hại để nối tiếp Fire Phone bỗng lại khai phá ra một phân khúc sản phẩm hoàn toàn mới. Khi Google học theo Amazon ra mắt chiếc loa Home, ai cũng hiểu rằng một ý tưởng tưởng chừng ngớ ngẩn như "loa cắm điện tích hợp trợ lý ảo" lại là ý tưởng tuyệt vời nhất của thế giới công nghệ 3 năm trở lại đây.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"