Điểm lại những thí nghiệm vô cùng rùng rợn nhưng cũng có phần đột phá trong lịch sử khoa học thế giới
Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh những trường hợp này, nhưng dù sao chúng cũng đóng góp phần nào cho sự phát triển của ngành y khoa hiện đại.
Tiểu thuyết của Mary Shelley ra đời vào năm 1818 với tựa đề "Frankenstein" là một góc nhìn thẳng thắn về nỗi lo ngại của con người về những hệ lụy không thể đoán trước trong qua trình nghiên cứu và khai thác khoa học, phá vỡ những quy luật luân thường đạo lý. Thực tế, đã có những thí nghiệm khó mà tưởng tượng nổi đã thật sự được diễn ra, đi ngược với những chuẩn mực nhân đạo ngày nay, nhưng ít nhiều đã mở ra thêm nhiều con đường mới cho ngành y sinh. Nói là điên rồ cũng không sai, nhưng hãy cùng nhìn lại những trường hợp đó một cách khái quát nhất:
Biến mèo thành… điện thoại
Năm 1929, từ lâu rồi trước khi hiệp hội bảo vệ động vật nuôi được thành lập, Ernest Glen Wever và Charles W Bray đã quyết định thử biến đổi một con mèo sống bằng xương bằng thịt thành thiết bị giao tiếp thông thường của con người.
Sau khi tháo một phần xương sọ của nó, họ lắp các điện cực vào nhóm dây thần kinh thính giác bên phải và cơ thể của con mèo. Chúng được kết nối bởi một sợi cáp dài 18m dẫn đến hệ thống loa khuếch âm ở trong phòng cách li. Khi một người nói vào tai của con mèo, âm thanh đó có thể được truyền qua loa vào trong phòng để người bên kia nghe được.
Những tài liệu ghi chép cho thấy: “Chất lượng âm thanh hoàn toàn rõ ràng, mọi nội dung đều được nhận thức rõ.” Họ cũng ghi nhận đây là phương pháp có thể sử dụng cho những môi trường bị cách âm. Đặc biệt, sau khi tiêu hủy đối tượng thí nghiệm, họ cũng đã lặp lại một số lần và nhận ra chỉ có vật thể sống mới có thể truyền tín hiệu.
Chó 2 đầu
Sinh ra vào năm 1918, ngay sau thời điểm diễn ra Cách Mạng Nga, Vladimir Demikhov là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cấy ghép cơ quan trên động vật từ những năm 1930-1960. Mặc dù nay ông được ca ngợi là một trong những tên tuổi tiên phong khá lỗi lạc, nhưng những thí nghiệm kinh hoàng của mình đối với chó đã vô tình để lại một vết nhơ khó xóa. Một trong số đó là nỗ lực cố gắng “kết hợp” 2 chú chó vào làm 1.
Ca phẫu thuật của ông thực hiện bằng cách khâu phần đầu của chú chó Shavka 9 tuổi vào cơ thể của một con chó khác lớn hơn - Brodyaga. Được biết, trước đó chính tay họ đã phải tách động/tĩnh mạch chủ và phần cột sống nối đến cổ của Shavka để có thể nối đầu nó vào cơ thể Brodyaga.
Bất ngờ là chú chó 2 đầu đã có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường, mặc dù chỉ 4 ngày sau chúng đã chết. Tuy nhiên, điều đáng nói và ghê sợ ở đây là Demikhov vẫn tiếp tục tiến hành thêm nhiều thí nghiệm tương tự nữa trên nhiều con chó khác nhau.
Phục chế khuôn mặt
Tất nhiên là lịch sử y học không thể nào chỉ toàn những dấu đen đáng sợ như trên được.
Trong và sau khi diễn ra Thế Chiến thứ nhất, ít nhất 300 binh lính đã phải vào việc điều trị và phẫu thuật tại Bệnh viện Queen do trúng phải mảnh bom đạn. Dù hơi sửng sốt khi chứng kiến nhưng ít ra đây cũng là thành tựu đáng hoan nghênh nhằm mục đích nhân đạo.
Những thành quả của Tiến sỹ Harold Gillies là một trong những cái tên đáng được ca ngợi nhất. Cuốn sách “Plastic Surgery of the Face” cũng được mở bán miễn phí trên archive.org.
Ca phẫu thuật cho Đại úy William Spreckley (ảnh trên) được nhắc đến nhiều nhất, khi ông vốn đã bị thương nặng bởi nhiều mảnh đạn lên mặt, đặc biệt là phần mũi và má, vào tháng 1 năm 1971. Tiến sỹ Gillies đã lấy một phần sụn xương sườn của bệnh nhân và cấy vào khu vực trán bị tổn thương. Sau 6 tháng tiếp tục điều trị, Tiến sỹ lại lấy nó ra và dùng để tái tạo khuôn mũi. Sau 3 năm theo dõi và chăm sóc, tình trạng của Spreckley đã tiến triển thêm rất nhiều và có thể xuất viện.
Lợn phát sáng
Đã xuất hiện nhiều loài động/thực vật được biến đổi gen để phát sáng trong bóng tối, nhưng lợn thì chưa ai nghĩ đến cả. Năm 2006, các nhà khoa học từ Khoa Công nghệ về Động vật học - Đại học Quốc gia Đài Loan đã quyết định cấy thêm những dữ liệu gen vào phôi của những cá thể lợn. Cuối cùng, 3 cá thể đã được ghi nhận có khả năng phát ra ánh sáng huỳnh quang xanh. Không chỉ tầng da bên ngoài mà cả nội tạng của chúng cũng phát sáng tương tự. Được biết, dù không phải lần đầu tiên nhưng lại là trường hợp thu được kết quả khả quan và độc đáo nhất từ trước tới giờ.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng thành tựu liên quan có thể được ứng dụng để phát triển thêm trong lĩnh vực nghiên cứu về gen và tế bào gốc cũng như các mầm bệnh của con người.
Chuột mọc tai người
Vacanti là tên một cá thể chuột được thí nghiệm vào năm 1997, với đặc điểm cơ thể dị thường là một bộ phận giống hệt tai người mọc ra ở sau lưng.
Thực chất, bộ phận đó được làm từ khung polyme sinh học. Các tế bào sụn dưới da dần được nuôi dưỡng và phát triển để cuối cùng mọc lên hoàn thiện như vậy. Đây là bằng chứng cho thấy tiềm năng của việc nuôi cấy mô sụn nhân tạo trong y học. Tuy nhiên, vào thời điểm bấy giờ, do chưa có nhiều biện pháp tuyên truyền nhận thức nên đó chỉ là một trò cười cho thế giới.
“Tâm trí các nhà khoa học chỉ xoay quanh duy nhất một câu hỏi ‘Khả thi hay không’ chứ không hề tự vấn về việc ‘Có nên làm hay không’. Đó là đặc trưng cố hữu của họ rồi.”
Khoa học và đạo lý luôn là hai phạm trù có sự mâu thuẫn nhất định. Có một sự thật phũ phàng mà ai cũng phải thừa nhận là hầu hết những công trình được cho là đi ngược lại quy luật đạo lý lại dẫn đến các thành tựu lỗi lạc trên nhiều khía cạnh: y học, sinh học, tâm lý học và cả di truyền học.
Kể cả vào thời điểm hiện nay, cấy ghép tim đã được thông qua luật pháp và là một phần của y học hiện đại, thế nhưng vẫn không ai dám đảm bảo rằng sẽ không có hệ lụy hoặc nghi ngờ, ý kiến trái chiều nào nổi lên ở một trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, chuyên gia phẫu thuật thần kinh Sergio Canavero sau khi trình kế hoạch ca cấy ghép đầu tiên trên thế giới đã bị gán cho cái tên “Bác sỹ Frankenstein”.
Tham khảo: Iflcience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời