Cho những ai chưa biết, lịch sử những người lãnh đạo của Apple không chỉ có Steve Job và Tim Cook. Mà trước đó, công ty số 1 thế giới hiện nay đã trao tay nhiều đời CEO khác nữa. Chúng ta hãy cùng điểm lại một số vị CEO đã từng lèo lái con thuyền Apple (dù tốt hay xấu) để công ty đi đến thành công như ngày hôm nay.
Michael Scott - 1977 tới 1981
Michael Scott trở thành người của Apple từ National Semiconductor (công ty về dụng cụ bán dẫn quốc gia) sau khi bị thuyết phục trước lời mời chào của Mike Markkula - viên chức cấp cao thứ 3 của Apple tại thời điểm đó. Scott chính là CEO đầu tiên của Apple khi mà cả Steve Jobs cũng như Steve Wozniak lúc bấy giờ còn quá thiếu kinh nghiệm cho chiếc ghế này.
Năm 1979, Scott tuyên bố cấm các máy đánh chữ tại Apple. Tiếp đó ngày 25/04/1981, ngày được biết đến như "Thứ tư đen tối", Scott quyết định sa thải cùng lúc 40 nhân viên, bao gồm một nửa từ đội Apple II với lý do rằng họ không cần thiết cho công ty. Vào buổi chiều sau tuyên bố, ông đã họp mặt tất cả số nhân viên còn lại cùng với một két bia và giải thích: "Tôi đã từng nói rằng không có gì thú vị khi trở thành CEO của Apple, và ngày nào đó tôi sẽ từ bỏ chức vụ này. Nhưng giờ đây, tôi đã thay đổi suy nghĩ - khi nó không còn gì thú vị, tôi sẽ sa thải nhân viên cho tới khi nào nó thú vị trở lại thì thôi".
Sau sự kiện đột ngột trên, Scott đã bị đẩy xuống chiếc ghế Phó chủ tịch ít quyền lực hơn, và Mike Markkula, người đưa Scott vào Apple cũng chính là người đứng ra thay thế chức vụ CEO của Scott. Scott chính thức rời Apple ngày 10/07/1981.
Mike Markkula - 1981 tới 1983
Mike Markkula trở thành một nhà đầu tư lớn của Apple - cung cấp cho công ty tổng số tài sản 250.000 USD (trong đó 80.000 USD là khoản đầu tư cổ đông và 170.000 USD là khoản cho Apple mượn). Năm 1977, ông là một trong ba người có chức vụ cao nhất của Apple (đứng thứ ba).
Bằng khả năng và sức lao động không mệt mỏi, ông đã mang về nhiều thành tựu về thị trường cho hai chiếc máy tính đầu tiên của Apple. Ban đầu, ông nói rằng sẽ làm việc cho Apple trong thời hạn bốn năm, thế nhưng ông đã quyết định ở lại phục vụ với vai trò Chủ tịch từ năm 1985 tới 1997, khoảng thời gian mà Steve Jobs trở lại, đồng thời một Hội đồng quản trị mới được thành lập.
Giai đoạn là Chủ tịch, ông đã phê chuẩn kế hoạch thiết kế dự án Macintosh của Jef Raskin (một chuyên gia giao diện giao tiếp giữa máy tính và con người) năm 1979. Đồng thời ngăn cản ý định giết chết dự án Apple Lisa (máy tính cá nhân trang bị đồ họa giao diện người dùng) của Jobs. Năm 1985, ông đứng về phía John Sculley (phó chủ tịch (1970-1977) và chủ tịch (1977-1983) của PepsiCo, và trở thành CEO của Apple ngày 08/04/1983) trong một cuộc tranh chấp với Jobs - và đây cũng là lý do chính dẫn tới việc Markkula rời bỏ Apple.
Theo người đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak nhận định thì đóng góp của Markkula cho sự thành công của Apple là nhiều hơn rất nhiều so với bản thân mình, dù rằng thực tế Wozniak đã một tay xây dựng lên hai chiếc máy tính đầu tiên mang thương hiệu Apple.
John Sculley - 1983 tới 1993
Một cựu CEO của PepsiCo, John Sculley đã được đưa tới Apple để sử dụng khả năng kinh doanh tiếp thị của mình nhằm giúp công ty bán sản phẩm.
Sculley nối tiếng với những bất đồng xảy ra với Steve Jobs. Là người đã cướp đi mọi quyền lực của Jobs tại Apple và đồng thời đuổi Jobs đi khỏi Apple năm 1993.
Trong khoảng thời gian làm CEO cho Apple, ông đã khiến công ty chịu tổn thất nặng nề bởi các chi phí đầu tư quảng cáo tiếp thị, sản xuất, và kỹ thuật rất tốn kém. Với chiến lược riêng, Sculley đã làm rối loạn thị trường khi hướng công ty sử dụng các chip PowerPC, rồi sau đó thừa nhận sự sai lầm vì không áp dụng các vi xử lí phổ biến của Intel nhiều hơn tại thời điểm đó.
Không may rằng, khi kết thúc chức vụ CEO, Condé Nast Portfolio đã xếp Sculley đứng thứ 14 trong danh sách các CEO Mĩ tồi tệ nhất của mọi thời đại.
Michael Spindler - 1993 tới 1996
Với nickname là "The Diesel", Michael Spindler tạo ấn tượng với giới công nghệ bằng thói quen làm việc suốt ngày suốt đêm của mình. Bắt đầu gia nhập Apple vào năm 1980, Spindler đã trải qua mọi cấp bậc trong bộ máy điều hành của Apple tại châu Âu. Ông đã từng là Chủ tịch Apple tại châu Âu trước khi chính thức đảm nhiệm chức CEO sau khi John Sculley bị lật đổ bởi Hội đồng quản trị vào tháng 06/1993.
Trong khoảng thời gian nắm giữ chức vụ, Spindler đã chủ trì nhiều dự án thành công, chẳng hạn như PowerPC. Song ông cũng gặp nhiều thất bại lớn như sự sụp đổ của hệ điều hành Copland và Newton. Ông đồng thời tham gia vào các cuộc thảo luận nhằm mua lại IBM, Sun Microsytems và Philips, nhưng khi mọi chuyện chưa đi đến đâu thì ông đã bị thay thế bởi Gil Amelio vào ngày 02/02/1996.
Gil Amelio - 1996 đến 1997.
Gil Amelio là CEO của National Semiconductor trước khi gia nhập vào Hội đồng quản trị Apple năm 1994.
Amelio đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập khi đó của Apple, bao gồm: tài chính yếu, các sản phẩm thiếu chất lượng, thiếu một chiến lược sắc bén cho sản xuất hệ điều hành, môi trường làm việc vô kỷ luật dẫn đến nhiều sự chia rẽ. Và để giải quyết các vấn đề trên, Amelio đã cắt giảm 1/3 số nhân viên, ngưng dự án hệ điều hành Copland và tập trung phát triển Mac OS 8.
Nhằm thay thế Copland cũng như đáp ứng nhu cầu cho hệ điều hành tiếp theo, Amelio đã bắt đầu đàm phán để mua BeOS từ Be Inc. Thế nhưng các cuộc đàm phán diễn ra đều bị đình trệ do Giám đốc điều hành của Be yêu cầu Apple trả cho mình 275 triệu USD, và Apple lại không muốn cung cấp nhiều hơn 200 triệu USD. Và tháng 11/1996, Amelio chuyển hướng sang NEXT của Steve Jobs, sau đó ông đã quyết định mua lại với giá 429 triệu USD vào ngày 04/02/1997.
Điều không may mắn cho Amelio là cổ phiếu của Apple đã liên tục giảm sút trầm trọng trong thời gian ông làm CEO. Khi đó, Steve Jobs đã thuyết phục Hội đồng quản trị lật đổ Amelio. Và chỉ một tuần sau đó, Amelio đã gửi đơn từ chức. Jobs được thay thế và trở thành CEO ngày 16/09/1997.
Steve Jobs - 1997 tới 2011
Có lẽ không cần nói nhiều về Jobs vì ông đã trở nên quá nổi tiếng trong giới công nghệ. Trở thành CEO tạm thời cho Apple năm 1997, mục tiêu chính của Jobs là giúp công ty thu lại lợi nhuận. Và mục đích đó đã được ông thực hiện thành công. Ông cùng Apple tạo ra Mac OS X, giới thiệu iMac và loạt các sản phẩm công nghệ mới như iPod, dịch vụ âm nhạc iTunes và iPhone. Thế nhưng không hài lòng với những gì hiện có, Jobs tiếp tục hăng say sáng tạo và xây dựng lên máy tính bảng iPad, rồi các máy tính xách tay mang thương hiệu Mac kiểu dáng thời trang, hấp dẫn và nhỏ gọn.
Jobs đã tuyên bố từ chức vào ngày 24/08/2011 với lời trách bản thân mình đã không thể hoàn thành những điều ông mong đợi. Ông để lại cho người hâm mộ Apple sự tiếc nuối rất lớn.
Tim Cook - Hiện tại
Thay thế Steve Jobs, Tim Cook được biết đến là người điềm đạm, kín tiếng, mềm mỏng - khác hoàn toàn so với vị tiền nhiệm của mình. Ông đồng thời được giới công nghệ mô tả là người "tham công tiếc việc".
Tim Cook không xa lạ với chúng ta khi ông đã từng ba lần đảm nhận vai trò CEO cho Apple trong những khoảng thời gian Steve Jobs gặp các biến cố về sức khỏe. Cụ thể:
-Năm 2004, Tim Cook tạm trở thành CEO lần đầu tiên trong hai tháng khi Jobs đang được điều trị phục hồi sau phẫu thuật ung thư tuyến tụy.
- Năm 2009, ông tiếp tục làm CEO trong vài tháng khi Jobs lại phải trải qua một cuộc cấy ghép gan.
- Và lần cuối là tháng 01/2011 khi Jobs được Hội đồng quản trị Apple cho nghỉ phép để chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại, dưới "vương triều" của Tim Cook. Apple vẫn chưa tỏ vẻ suy giảm, hơn thế nữa vị thế của công ty công nghệ số 1 thế giới này ngày còn được cải thiện một cách đáng kể về mặt tài chính lẫn danh tiếng. Tuy nhiên, câu hỏi nhiều người vẫn đặt ra hiện nay là liệu truyền thống sáng tạo của Apple có vẫn tiếp diễn vào thời điểm hậu Steve Job hay không? Điều này sẽ phải cần thêm thời gian để có thể kiểm chứng.
Theo: Thongtincongnghe/Thenextweb