Điểm mặt những loại iPhone khóa mạng đang "hút hàng" tại thị trường VN

    Yến Thanh,  

    Nếu chỉ tính sơ qua, chúng ta sẽ đếm được không dưới 7 phiên bản iPhone khóa mạng đang xuất hiện Việt Nam. Vậy chọn lựa iPhone lock thế nào là hợp lý?

    Kể từ những ngày đầu tháng 4, việc iPhone khóa mạng được "bán đắt như tôm tươi" có thể coi là một hiện tượng "lạ" tại thị trường Việt Nam. Bắt đầu bằng loạt iPhone 5C lock Nhật có nguồn gốc từ nhà mạng Docomo được bán với mức giá "bèo bọt" là khoảng 3 - 3,4 triệu đồng, người dùng đổ xô đi săn lùng những mẫu iPhone được cho là khóa mạng, phải sử dụng SIM ghép và sở hữu mức giá dễ thở hơn.

    Chưa dùng lại ở đó, cách đây khoảng 1 tuần, thị trường lại tiếp tục được hâm nóng với đợt hàng iPhone 5 lock với mức giá khoảng 4 triệu đồng, được quảng cáo là có xuất xứ từ các nhà mạng AU - Nhật, hoặc một số ít các máy của nhà mạng Sprint hay AT&T - Mỹ. Nhìn chung, các máy này vẫn nằm ở iOS 8.1 hoặc iOS 7, do đó, người dùng có thể Jailbreak và khắc phục hầu hết những vấn đề gặp phải đối với SIM ghép.

    Mặc dù các sản phẩm iPhone 5C, iPhone 5 khóa mạng được nhiều cửa hàng đáng giá là tốt, với số lần sạc không quá nhiều, chỉ được sử dụng khoảng 2-3 tháng trước đó, thế nhưng, không phải chiếc iPhone lock nào cũng chạy tốt như những lời quảng cáo. Tất nhiên, mỗi máy sẽ có một thế mạnh riêng, vậy hãy cùng chúng tôi điểm lại những mẫu iPhone lock đang xuất hiện trên thị trường hiện nay.

    iPhone khóa mạng Docomo

    Phần lớn các máy iPhone lock Nhật, Docomo được người dùng trong nước biết tới với mẫu iPhone 5C giá khoảng 3,4 triệu đồng trong dịp đầu tháng 4. Về cơ bản, iPhone 5C lock Docomo có thể hoạt động bình thường tại Việt Nam, duy chỉ có việc nghe gọi là phải sử dụng SIM ghép nhằm "đánh lừa" nó là SIM của nhà. Đáng nói là việc sử dụng SIM ghép cũng không hề hao pin hay ảnh hưởng tới chất lượng sóng khi so với bản quốc tế.

    Tất nhiên, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là camera của máy không thể tắt tiếng khi chụp ảnh bởi đây là đặc điểm chung của các máy Nhật, đồng thời, người dùng chưa thể thực hiện tác vụ USSD, có nghĩa là kiểm tra các tin nhắn nháy như *101# hay *102#, tuy nhiên, có thể thực hiện cuộc gọi 900 thay thế. Ngoài ra, một điểm hạn chế nữa là phần lớn các máy iPhone 5C lock Nhật đang xuất hiện tại thị trường Việt Nam vẫn đang chạy hệ điều hành iOS 8.1.3 và chưa thể jailbreak được.

    iPhone khóa mạng AU, Softbank

    Tương tự với loạt iPhone 5c khóa mạng Docomo trước đó, đợt iPhone 5 lock AU hoặc Softbank chủ yếu có nguồn gốc là từ nhà mạng của Nhật Bản. Cũng chính vì ra mắt sớm hơn nhiều so với 5c nên hầu hết những chiếc iPhone 5 Lock được nhập về Việt Nam vẫn nằm ở iOS 8.1, cá biệt có những máy vẫn còn ở iOS 7 do đó điểm lợi thế của lô iPhone 5 lần này đó chính là có thể Jailbreak và khắc phục hầu hết những vấn đề gặp phải đối với SIM ghép.

    Không thể biết được đây là máy đã làm lại vỏ hay chưa.

    Tuy nhiên, riêng với những chiếc iPhone khóa mạng của Softbank, phần lớn máy được đánh giá là chạy ổn định, không cần can thiệp gì mà chỉ cần dùng SIM ghép là có thể sử dụng Facetime, iMessage tại Việt Nam. Đặc biệt, tình trạng sóng của máy Softbank cũng ổn định như iPhone quốc tế.

    Còn riêng phiên bản iPhone khóa mạng AU, người dùng đều đưa ra không ít những phản hồi tiêu cực liên quan tới các lỗi của máy như iMessage, Facetime do không thể kích hoạt được máy. Nếu muốn máy hoạt động bình thường, người dùng cần Jailbreak hoặc kích hoạt qua Apple ID.

    iPhone khóa mạng Sprint, AT&T, Verizon và T-Mobile

    Nếu iPhone lock Nhật là một hiện tượng mới nổi, thì iPhone khóa mạng của Mỹ với các thương hiệu đình đám như Sprint, AT&T, Verizon hay T-Mobile đã trở thành các tên khá quen thuộc tại thị trường Việt Nam. Trong đó, đặc điểm chung của các máy này chính là giá thành cao hơn so với iPhone lock Nhật, bởi tâm lý chuộng hàng Mỹ của người Việt và chất lượng máy đảm bảo hơn như quảng cáo - chưa qua kiểm chứng.

    Viên Pin vẫn còn nguyên keo.

    Nhìn chung, những lỗi thường gặp nhất trên các máy iPhone lock Mỹ đó là tình trạng sóng không ổn định. Nếu các máy iPhone khóa mạng Nhật sau khi Jailbreak có thể khắc phục gần hết những lỗi này thì iPhone lock Mỹ sau khi Jailbreak vẫn "mèo hoàn mèo". Còn theo cách gọi của một số người dùng thì đây là lỗi "văng Active" - mất sóng điện thoại, thường xuyên xuất hiện trên các phiên bản iPhone lock của nhà mạng Sprint hoặc AT&T. Cách duy nhất để khắc phục chính là chờ tới khi máy nhận sóng trở lại.

    Lựa chọn nào cho người dùng?

    Tóm lại, qua những phân tích theo từng phiên bản cũng như nhà mạng ở trên, dễ thấy iPhone lock Nhật sở hữu mức giá phải chăng cũng như tình trạng sử dụng nghe/gọi tốt hơn so với các máy khóa mạng của Mỹ. Nếu có thể Jailbreak iPhone lock Nhật, các lỗi khi sử dụng SIM ghép sẽ được khắc phục gần hết hoặc cá biệt như iPhone lock Softbank thì chạy rất ổn định.

    Còn như các máy iPhone khóa mạng của Mỹ, dù sở hữu chất lượng được đồn đoán là tốt hơn, "sính ngoại" hơn thì vẫn tiềm ẩn những lỗi tương đối khó chịu hoặc chưa thể khắc phục, cụ thể là tình trạng mất sóng hay xảy ra. Tất nhiên, với sở thích của mỗi người dùng, việc chọn lựa iPhone khóa mạng nào, phiên bản gì sẽ rất khác nhau. Hy vọng, qua đây, người dùng sẽ chọn lựa hoặc cân nhắc cho mình một chiếc iPhone lock ưng ý, với giá thành rẻ và phù hợp với nhu cầu của bản thân.

    Tổng hợp

    >> "iPhone 5 lock Nhật chuẩn giá 4 triệu đồng còn tốt hơn iPhone 5 quốc tế"

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ